Sự thật về cái chết bi thảm của Van Gogh
(Dân trí) - Sau khi trúng đạn, Van Gogh lê lết gần 2km để về
nhà. Các bác sĩ được mời tới chữa trị đều không đủ trình độ xử lý. Họ bỏ ông
ngồi lại một mình... Người ta vẫn bảo, Van Gogh tự sát, nhưng đó có phải sự
thật?
Từ trước tới nay, người ta vẫn tin
rằng danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh đã chết vì tự sát. Những nghiên cứu
về cuộc đời ông thường khẳng định rằng trong những ngày tháng cuối đời, Van
Gogh đã phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng tâm thần mà tự danh họa gọi là
“thời điểm bắt đầu của một trang buồn nhất trong cuộc đời vốn đã trĩu nặng ưu
phiền”.
Thời điểm mà Van Gogh viết ra những
dòng này là ngày 22/2/1890. Khoảng thời gian khủng hoảng tâm thần kéo dài tới
tận cuối tháng 4. Trong suốt giai đoạn này, Van Gogh thậm chí còn không thể
viết lách nổi bất cứ điều gì dù viết thư, viết nhật ký… vốn là một thói quen ưa
thích của ông. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục vẽ.
Nhà phê bình nghệ thuật người Úc
Robert Hughes cho biết trong giai đoạn từ tháng 5/1889 đến tháng 5/1890, Van
Gogh tiếp tục “bị những cú trời giáng của sự tuyệt vọng và bệnh ảo giác hành
hạ, khiến ông không thể làm việc, tuy vậy, giữa những cú trời giáng do căn bệnh
tâm thần gây ra, Van Gogh vẫn có những khoảng thời gian làm việc miệt mài trong
trạng thái xuất thần, hưng phấn cực độ”.
Ngày 27/7/1890, ở tuổi 37, người ta
tin rằng Van Gogh đã tự tử bằng súng, một phát súng vào ngực, tuy vậy, người ta
chẳng bao giờ tìm thấy khẩu súng nào được cho là đã gây ra cái chết của ông.
Không có ai chứng kiến sự việc và địa điểm nơi ông tự sát thực tế cũng không rõ
ràng.
Nhiều người tin rằng Van Gogh đã tự sát
trên cánh đồng lúa mì - nơi vốn đã thu hút sự chú ý của ông trong những ngày
tháng cuối đời, có người lại cho rằng ông đã tự sát ở một kho thóc nằm gần ngôi
nhà nơi ông ở trọ…
Viên đạn bắn vào ngực Van Gogh đã đi
chệch hướng do trúng một chiếc xương sườn, nó đã xuyên qua ngực ông nhưng không
gây ra một tổn hại đáng kể nào đối với nội tạng.
Thậm chí Van Gogh còn có thể tự đi
về căn nhà trọ và được hai bác sĩ tới thăm khám, nhưng cả hai người này đều
không đủ trình độ để có thể gắp viên đạn ra khỏi cơ thể ông. Vậy là các vị bác
sĩ để Van Gogh ngồi lại một mình trong phòng và hút thuốc để giảm đau.
Sáng hôm sau, em trai Theo của ông
liền đáp tàu để tới với anh trai sau khi nhận được tin dữ. Khi đến nơi, Theo
thấy anh trai trông vẫn rất ổn dù đang phải chịu đựng một vết thương ghê ghớm.
Tuy vậy, chỉ vài tiếng sau, Van Gogh bắt đầu quỵ dần vì vết thương bị nhiễm
trùng mà không được chữa trị.
Van Gogh qua đời vào buổi tối, 29
tiếng sau khi trúng đạn. Em trai ông - Theo Van Gogh - về sau cho biết câu nói
cuối cùng của Vincent Van Gogh là “Nỗi buồn sẽ còn lại mãi mãi”. Thiên tài hội
họa, người đã sáng tạo ra loạt tranh huyền thoại về hoa hướng dương, đã qua đời
năm 1890 ở tuổi 37.
Lịch sử lật lại
Nhiều học giả nghiên cứu về cuộc đời
và sự nghiệp Van Gogh vốn luôn tỏ ra nghi ngờ về kết luận Van Gogh đã tự sát
bằng súng.
Giả thuyết này mâu thuẫn với câu
chuyện vốn đã được giới mỹ thuật chấp nhận từ lâu, rằng Van Gogh đã tự bắn mình
trên một cánh đồng lúa mì, sau đó cố lê lết gần 2km để trở về phòng trọ nơi ông
ở. Trước khi qua đời, người ta đã hỏi Van Gogh rằng có phải ông đã tự tử không,
ông nói: “Vâng, tôi tin là vậy” - một câu trả lời đầy ẩn ý, rất mơ hồ, khó
hiểu.
Tuy vậy, còn một chi tiết ít người
biết đó là những giá, cọ, màu vẽ mà Van Gogh mang ra cánh đồng ngày hôm đó là
để làm gì? Tại sao khẩu súng không được tìm thấy dù người ta đã lùng sục khắp
cánh đồng?
Tại sao vốn là người ưa viết lách,
thư từ nhưng trước quyết định khủng khiếp này, Van Gogh không hề đả động tới,
dù chỉ là ám chỉ hay ẩn ức trong bất cứ một lá thư hay một trang nhật ký nào?
Bức “Họa sĩ trên đường tới nơi vẽ” (1888) khắc họa chính Van Gogh trên đường tới tu viện Montmajour ở thành phố Arles, Pháp.
Cuốn sách “Van Gogh: The Life” đặt
ra nhiều câu hỏi không có lời giải đáp, trong đó có việc Van Gogh - một người
đàn ông từng sống trong trại tâm thần - làm thế nào mà được quyền mua súng? Đó
là một khả năng rất khó xảy ra.
Trong khi hai tác giả Neifeh và Smith
cùng đồng ý rằng “không ai biết thực sự điều gì đã xảy ra với Van Gogh” nhưng
họ cũng muốn đưa ra thêm một giả thuyết về sự ra đi của thiên tài hội họa, một
giả thuyết khác với những gì mà người ta vốn tin tưởng.
Theo đó, hai tác giả cho rằng phát
súng gây chết người này do một cậu thiếu niên 16 tuổi có tên Rene Secretan gây
ra. Cậu thiếu niên này khi đó đang nghỉ hè ở một biệt thự gần ngôi nhà trọ của
Vincent Van Gogh. Secretan và Van Gogh có mối quan hệ kỳ lạ, cậu bé thường mua
rượu cho Van Gogh nhưng cũng thường trêu trọc, quấy phá Van Gogh.
Hai tác giả cho rằng Van Gogh không
lên tiếng buộc tội cậu bé đã bắn mình bởi ông vốn luôn chào đón cái chết như
một sự giải thoát của linh hồn, đồng thời, ông cũng không muốn vì mình mà một
cậu bé còn đang ở tuổi thiếu niên phải bị trừng phạt trước pháp luật. Việc sát
hại Van Gogh theo hai tác giả có thể là chủ ý của cậu thiếu niên nhưng cũng có
thể do vô tình.
Hai tác giả Steven Naifeh và Gregory
White Smith không phải là những tác giả vô danh, khéo tưởng tượng để rồi tung
ra cuốn sách gây sốc, họ đã từng giành được giải Pulitzer năm 1991 với cuốn
tiểu sử viết về cuộc đời họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock. Pulitzer cũng là một
giải thưởng uy tín của Mỹ được trao thường niên cho các tác phẩm xuất sắc ở
nhiều lĩnh vực.
Tem vàng cho bài về danh họa , em không hiểu về hội họa nhìn những bức tranhn từu tượng của các họa sĩ em không hiểu gì mấy.Thiên tài hay bị tai họa anh nhỉ,chết ở tuổi 37 là quá sớm cho một thiên tài.
Trả lờiXóaDân gian có câu nói: "Có tài có tật", và số đông những con người tài năng cũng hay có các biểu hiện tâm lý khác người thường. Nhưng sống lâu hay cuộc đời ngắn ngủi thì tên tuổi của họ còn mãi. Van Gogh mất ở tuổi nhưng ông bất tử !
Xóa