13 tháng 2, 2014

CHÀO NGÀY VALENTINE VÀ CÂU CHUYỆN ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ ĐÓN TẾT Ở GẦM CẦU HÀ NỘI

CHÀO NGÀY VALENTINE

NGÀY VALENTINE 14 - 2

 




***


Bị gia đình "cấm duyên", đôi bạn tuổi 80 co ro ở gầm cầu đón Tết
Giận con không đồng ý quan hệ giữa hai người, ông Hậu và bà Hợp đã bỏ nhà đi và đang co ro ở gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (Hà Nội) trong nhiều ngày qua.
Gần đây, người dân tại khu vực Ngã Tư Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy một đôi bạn già trú ngụ ngay dưới chân cầu. Khi chúng tôi có mặt tại đây vào chiều 10/2, cụ ông móm mém trong chiếc áo khoác đã bạc màu, đầu đội mũ len và mũ bảo hiểm bên ngoài, ngồi bên cạnh người bạn già mắt lim dim, hết nằm lại ngồi với vẻ mệt mỏi.
"Gia tài" của họ là những tấm chăn, thùng mì, cốc chén nhựa....do những người tốt bụng đi đường gửi biếu.
Theo lời cụ ông thì ông tên là Chu Quang Hậu (sinh năm 1933), từng tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng thưởng một số huân, huy chương.
Cách đây 14 năm, ông Hậu từng có nhà cửa, vợ con đầy đủ ở phường Phùng Khắc Khoan, Thị xã Sơn Tây. Sau khi người vợ già của cụ qua đời, các con lớn khôn, toàn bộ gia sản, đất đai được ông bán và chia đều cho các con, không ai hơn, ai kém.
"Sau đó tôi về ở với thằng cả được một thời gian thì tôi quen được bà ấy, tên là Nguyễn Thị Hợp, sinh năm 1958. Bà ấy lấy chồng nhưng bị nhà chồng hắt hủi, phải nuôi con một mình. Nhưng rồi người con cũng qua đời nên còn mình bà ấy lủi thủi", ông Hậu nói và chỉ tay về phía người bạn già của mình.
Hai người đến với nhau bằng tình thương, sự cảm thông, chia sẻ như chính ông Hậu tâm sự "đều là người Việt Nam, máu đỏ, da vàng thì phải biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc nhau chứ". Nhưng khi vừa hay tin, các con của cụ lại không đồng ý, thậm chí còn nói rằng, nếu ông lấy bà thì sẽ phải tự lo, tự chịu trách nhiệm.
"Con tôi đã vậy, các em, cháu của bà ấy cũng phản đối, thậm chí còn đuổi bà ấy, không cho vào nhà, bảo đi ở với tôi. Từ đấy, tôi dẫn bà ấy đi, tự nuôi nhau, nương tựa vào nhau...", ông Hậu cho hay.
14 năm trôi qua, đôi "vợ chồng" già rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn Sơn Tây, lang thang phiêu bạt, khi Hà Nội, lúc Hòa Bình. Công việc của họ là làm mướn, nhặt rác...
Nhưng không may, từ hơn 1 năm nay, chân bà Hợp bị sưng tấy và đau nặng, không đi lại được, cũng không thể làm việc gì. Ông Hậu cũng vì phải trông nom, chăm sóc bà đau yếu nên không đi nhặt rác, làm thuê nữa.
Ông đưa bà lên Hà Nội từ hôm 24 tháng Chạp, ban đầu, hai người trú ngụ ở đoạn gần cầu Pháp Vân, sau đó được mấy người bảo vệ ở đó giúp đỡ, cho chỗ ở tạm thời, ăn uống và mua thuốc cho bà uống nên chân đã đỡ sưng tấy.
Đến mùng 4 Tết, hai ông bà quyết định đưa nhau ra khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng và "định cư" cho đến nay.
"Nhiều người bảo tôi bỏ bà ấy đi chứ sống thế làm gì cho khổ nhưng quan điểm của tôi là dù có sống với nhau một ngày cũng phải có tình, có nghĩa như vợ chồng. Con người sống ở đời là phải có đạo đức, có tình người. Tôi sẽ chăm sóc bà ấy đến khi nào không làm được nữa thì thôi.
"Tổ ấm" chốn gầm cầu vượt của đôi "vợ chồng" già.
Thực sự, bảo mong ước gì thì tôi chẳng mong gì, chỉ mong bà ấy được khỏi chân là sướng rồi, nếu được nữa thì cho đôi bạn già chúng tôi vào đâu đó để có thể ở gần nhau, chăm sóc nhau. Vậy là tốt lắm rồi..,", ông Hậu bày tỏ.
Cũng theo ông Hậu, từ hôm ông bà về đây, rất nhiều người dân sống xung quanh khu vực cầu vượt này và người đi đường giúp đỡ.
"Thấy chúng tôi ở đây, ai cũng thương, ra hỏi thăm rồi cho các thứ, hoa quả, bánh kẹo, cơm, canh, nước uống... Hai, ba hôm nay trời trở rét thì có người mang cho áo ấm, chăn, chiếu, sữa và kể cả tiền. Tôi cảm ơn mọi người lắm nhưng cũng chẳng dám mong xã hội giúp đỡ nhiều, chỉ mong sao được cái sức khỏe là tốt rồi", ông Hậu nghẹn ngào.
Ông Hậu cũng cho biết thêm, sau khi ông bà về đây, có một số lần, công an phường có ra khuyên bảo ông bà trở về. "Tôi biết ở đây là nhếch nhác, là ảnh hưởng mỹ quan đường phố, dễ gặp nguy hiểm nhưng bây giờ mà về thì biết về đâu đây, các con, cháu nó đã thế rồi... Nếu cho chúng tôi đi đâu để có thể được chăm sóc nhau thì chúng tôi xin đi ngay...", ông Hậu nhấn mạnh.
Vừa nói xong, ông Hậu lại vội quay sang kéo chiếc chăn che lên cho người "vợ" đang đau ốm của mình ngồi bên cạnh để tránh từng cơn gió vẫn đang rít qua.
Những dòng xe cộ vẫn ồn ã bên cạnh, đôi lúc, một vài người tốt bụng lại đỗ lại, biếu ông bà vài tấm bánh, hộp sữa, vài chục nghìn tiền lẻ...giúp họ sống qua ngày. Nhưng cái nơi gọi là "tổ ấm" thì hai người vẫn chưa biết tìm ở đâu.
Những cơn gió lạnh vẫn rít lên qua gầm cầu này khi chúng tôi xin phép trở về. Mong các ban ngành, chính quyền địa phương có biện pháp để giúp đỡ ông bà ở tuổi xưa nay hiếm này.
Theo Trí thức trẻ/Soha



5 nhận xét:

  1. Đọc chỉ để, biết, để thông cảm cảnh người già trong xã hội, chứ bản thân mình cũng không biết lo cho mình những năm tới ra sao...Em nhớ hình như cách đây mấy năm rồi báo cũng đã viết về 2 ông bà này, khi em đang còn ở BK. Cám ơn thầy đã thông tin cho giới già biết về số phận của những người già trong chính ngôi nhà của mình bao năm xây đắp bằng cả cuộc đời mình và con cái thời nay. Chào thầy !

    Trả lờiXóa
  2. Những người con thật cạn nghĩ và đáng trách quá anh ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Luu Tuan Nga và vu song thu.
    TÌNH YÊU ĐÂU KỂ TRẺ GÌA
    CHÁU CON BẤT NHẪN THÀNH RA TỘI TÌNH !

    Trả lờiXóa
  4. CHÚC MỪNG HAI CỤ PHIẾN - HÒA NHÂN NGÀY VALENTINE.
    Thương cho đôi vợ chồng già. Cả đời lo cho con, về già chúng đối xử như vậy thật tủi quá. Cụ ông rất có tình nghĩa với cụ bà ốm yếu, thật cảm động trước cảnh này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cụ Le Tien Hoan .
      Về câu chuyện đôi vợ chồng già: Thật lạ, người ngoài thì xót xa cho họ, họ rất có đạo nghĩa; ngược lại con cháu thì rũ bỏ, khinh bạc người sinh thành, họ đâu có tội lỗi? Phải chăng dân trí ngày nay là trái ngược như vậy? Ngày Valentine tôi cứ ám ảnh đến các cụ già có tình nghĩa mà gặp nghích cảnh như trong bài trên. Năm ngoái năm kia gì cũng có câu chuyện tương tự ở bên phố Hoàng Cầu, hai ông bà già bị con ruồng bỏ ra ở vỉa hè phố Hoàng Cầu !

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]