29 tháng 4, 2014

CẢI TIẾN DẠY HỌC



Đề Toán 'người nhện leo lên Bitexco' khiến học sinh thích thú
Lấy nhân vật Spider-man làm đề bài, giáo viên yêu cầu học sinh tính chiều cao tòa nhà cao nhất TP HCM qua cách hỏi hài hước, vui nhộn.
Được chia sẻ trên trang cá nhân của thầy giáo Lê Đức Thuận, trường Amsterdam Hà Nội, ảnh chụp đề thi học kỳ 2 năm học 2013 -2014 của trường THCS Tân Phú, TP HCM gây thích thú. Nội dung yêu cầu học sinh tính chiều cao tòa nhà Bitexco.

Đề thi Toán lớp 8 của trường THCS Tân Phú. Ảnh FB Lê Đức Thuận.
Cụ thể ở câu hỏi số 3 như sau:
"Trong bộ phim Spider-man, người nhện Peter Parker đã chứng tỏ một tốc độ leo tường đáng nể. Tòa nhà Bitexco Financial với hình tượng búp hoa sen là tòa nhà cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, một lần "Spider-man" đã leo thẳng đứng từ mặt đất lên đỉnh của tòa nhà Bitexco Financial với vận tốc trung bình 15m/giây. Lúc quay trở xuống, với sức hút của trái đất, "Spider-man" đã di chuyển nhanh hơn vận tốc lúc leo lên là 20m/giây. Do vậy thời gian quay trở xuống ít hơn thời gian lúc lên là 10 giây. Em hãy tính chiều cao của tòa nhà Bitexco Financial là bao nhiêu mét?".
Đề thi được nhận định là thú vị, tình huống đưa ra vui nhộn, hài hước giảm căng thẳng cho học sinh khi làm bài.
Chia sẻ thêm trên trang FB thầy Đức Thuận nói: "Đã đi dạy Toán được hơn 10 năm, khi đọc đề này mình vẫn bị sốc cực nặng bởi cảm được tình yêu vô bờ bến mà các thầy cô quận Tân Phú dành cho học trò. Chỉ có tình yêu học trò lớn lao mới đủ động lực để các thầy cô nghĩ ra một đề bài "đậm chất teen" như thế. Thông điệp ngầm bên trong: Tất cả vì học sinh thân yêu".
Theo thầy Thuận, toàn bộ đề thi đảm bảo kiến thức trọng tâm chương trình, mức độ khó phù hợp với phần đa học sinh. Bài toán về Spider-man cũng không phải là bài toán khó giải. Cái thú vị chính là "khoác" cho bài toán gốc cái áo "hiện đại" là tình huống của bộ phim ăn khách được teens yêu thích, thầy tán dương.
Thầy Thuận cũng cho rằng, việc ra đề như trên kích thích được niềm yêu thích môn Toán ở học sinh, giúp các bạn có nhiều cơ hội để lý giải nhiều bài học cuộc sống. Như vậy vô hình chung thầy cô giúp học sinh dần trả lời câu hỏi: "Học như thế nào?" và "Học để làm gì?" chứ không chỉ dừng lại ở "Học cái gì?".
Theo Ione
Giadinh

28 tháng 4, 2014

CÁC HỒ HÀ NỘI NHÌN TỪ TRÊN CAO

Hồ ở Hà Nội nhìn từ chiếc camera bay 
Dưới góc nhìn từ độ cao hơn 200 m, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây... hiện ra với vẻ đẹp xanh, sạch và yên bình giữa nhịp sống đô thị náo nhiệt
. Ảnh : Zing.vn


1-Tại phía Tây Bắc của hồ Tây là công viên nước và khu vui chơi giải trí ven hồ. Ngay gần đây là các địa điểm đẹp giới trẻ hay các đôi lứa thường xuyên hẹn hò.

2-Hồ Hoàng Cầu thuộc địa bàn quận Đống Đa. Bao quanh là các tuyến phố Hoàng Cầu, Mai Anh Tuấn. Trên hồ đang xuất hiện những trụ cầu của tuyến đường sắt đô thị số 1 ( đường sắt trên cao) Cát Linh - Hà Đông.

3-Hồ Hoàn Kiếm nhìn từ hướng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Bên trái là hướng phố Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thái Tổ và nhà hàng Thủy Tạ ở góc phải.

4-Hồ Ngọc Khánh nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, bao quanh là hai tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Phạm Huy Thông. Nơi đây xuất hiện nhiều hàng quán cafe, giải khát thu hút giới trẻ từ hàng chục năm qua.

5-Bên trong công viên Nghĩa Đô (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) là hồ cùng tên. Hồ Nghĩa Đô đối diện với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau khi quy hoạch diện tích hồ được giữ nguyên, không gian được bố trí hài hòa, thoáng mát.

6-Cùng với hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây nổi tiếng nhất Hà Nội, từng đi vào nhiều bài thơ hay các ca khúc. Đây là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha, chu vi 18 km. Trên hồ nổi lên ngôi chùa Trấn Quốc xinh đẹp.

7-Hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất. Diện tích mặt hồ chiếm khoảng 28 ha, ở giữa có hai đảo Thống Nhất và Hoà Bình. Bao quanh là các tuyến đường Đại Cồ Việt, Lê Duẩn.

8-Hồ Thiền Quang được bao quanh bởi 4 con phố Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung. Khu vực này nổi tiếng với hàng cây hoa sữa vào mùa thu.

9-Hồ Giảng Võ thuộc địa phận quận Ba Đình. Đây là khu vực tập trung đông dân cư và công sở. Xung quanh hồ là hàng loạt quán cafe và khách sạn, nhà hàng lớn.

10-Hồ Xã Đàn, xung quanh là các khu tập thể cũ của Hà Nội như Trung Tự, Nam Đồng. Bao bọc hồ là các tuyến phố Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước và Đặng Văn Ngữ.

11-Hồ Văn trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) trước cửa khu di tích Văn Miếu. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa). Đây vốn là một bộ phận trong công trình kiến trúc chung của Văn Miếu - Quốc tử Giám.
 **
Các hồ trên Fiohantb đều thường có đến, nhưng lân cận nơi ở hiện nay là hồ Thành Công (Không có trong các ảnh chụp trên cao; có công viên Indira Gandhi; cách hồ Hoàng Cầu-còn gọi là hồ Đống Đa bởi đường Láng Hạ). Đi bộ trong công viên ven các hồ, Fio có chụp mấy kiểu ảnh (không có điều kiện trên cao): Bảy Mẫu (gần nơi ở xưa), Thành Công, Nghĩa Tân và Hoàng Cầu.

* Fiohantb đến các hồ:
Hồ Thành Công
Hồ Thành Công
Hồ Thành Công (CV Indira Gandi) qua phố Láng Hạ là hồ Hoàng Cầu
Công viên Indira Gandhi (ảnh trên mạng)

Hồ Bảy mẫu (CV Thống Nhất)

Hồ Nghĩa Tân
Hồ Đống Đa (Hoàng Cầu) Hè 2011


27 tháng 4, 2014

Xin đừng bán quá khứ



Xin đừng bán quá khứ
Thi thoảng ra Bờ Hồ, tôi vẫn tưởng tượng rõ cảnh chiếc xe điện cổ lỗ chạy trên phố cổ. Những chuyến tàu chở dân Hà Nội, chở cả những kẻ chợ đi lại trong thành phố gồng gánh ngược xuôi. Trên nó có sợi dây nối với dòng điện treo dọc thân tàu và tiếng chuông xe điện kêu leng keng bay trên mặt Hồ Gươm, bay trên đám hoa lộc vừng rụng đỏ mặt nước.
Những đứa trẻ sinh sau đẻ muộn ngày nay không có những hồi ức ấy và chỉ biết Hà Nội xưa có xe điện cổ lỗ qua những tấm ảnh câm.
Ở thành phố Teltow nơi tôi từng ăn đợ, ở nhờ nước Đức 20 năm, giữa trung tâm thành phố nhỏ này, nơi cạnh nhà dưỡng lão, bao nhiêu năm người ta vẫn đặt một xe điện cổ để cho thế hệ sau biết. Thành phố này xưa có tuyến xe điện và cái xe cổ khác xe điện hiện đại hôm nay ra sao, khi mà nước Đức hôm nay có xe điện ngầm chạy tốc độ 200 cây số một giờ.
Cũng tại thành phố này trên đất Đức cách đây bốn năm năm, tôi vô tình gặp một người khách từ Hải Phòng sang thăm đứa con trôi dạt của anh ta. Trước đó, những người đàn bà Việt xầm xì kể về người khách đặc biệt này rằng, ông ta rất giàu có... nào là mua ôtô Mercedes đời mới cho cô nhân tình cũ ấy, nào là nhà hiện đại có vườn... Giàu có được là tốt lắm, đất nước cần những người giàu lên trong lương thiện và biết cách làm ra nhiều của cải.
Vài ngày sau, tôi diện kiến người khách này và trong bữa cơm cùng dăm gia đình Việt Nam chào khách từ quê sang. Anh ta tự hào hớn hở kể rằng, anh chính là người bóc toàn bộ đường sắt xe điện ở Hà Nội bán với giá sắt vụn... kể cả những toa xe, đường ray, bán tất! Đang ăn, cổ họng tôi nghẹn lại. Không sao ăn uống được nữa, dù chủ nhà có bia Đức ngon, loại tôi vẫn thích và tôi không bao giờ quên khuôn mặt kẻ giàu có ấy.
Ngày nay, mỗi khi đi qua Bờ Hồ, tôi cố xóa đi khuôn mặt kia, để thi thoảng cho tôi vẫn cảm thấy trong tâm hồn mình tiếng chuông xe điện leng keng reo bay trên mặt Hồ Gươm xanh thắm. Hình ảnh cái cần xe điện cong cong như cần vó bè và sợi dây thừng treo cần nối điện tết rất săn, rất đặc biệt, trong tay người lái chạy vội đổi chiều, mỗi khi xe điện muốn quay đầu. Trong tâm khảm của tôi còn khắc sâu cái tay vịn bằng đồng vàng chóe bởi cả triệu triệu người, ai cũng bám vào đấy mà lên tàu làm tay vịn.
Bây giờ quanh Bờ Hồ có ôtô chạy điện bé xíu rất tiện lợi đưa đón du khách. Một lần làm việc với ông giám đốc của công ty này tôi gợi ý trang bị cái chuông leng keng của xe điện ngày xưa thay cho tiếng còi nhưng ông ta bảo, không ai nhớ cái chuông ấy như thế nào mà chế ra nó.
Hà Nội sắp tới sẽ có xe điện cao tốc và cả tàu điện ngầm rất tiện lợi cho giao thông thành phố mở rộng. Cũng như thế giới hiện đại hôm nay ở châu Âu không ai còn dùng xe điện cổ làm phương tiện giao thông nữa. Nhưng đâu đó xứ người ta vẫn lưu giữ những toa xe và đầu máy cổ, kể cả các chuyến tàu cũ chạy hơi nước thở phì phì cho khách du lịch, cho con cháu họ nhớ rằng, nước Đức hay Mỹ đã đi lên như thế nào.
Nhiều hãng phim lớn với những bộ phim kinh điển ở thế kỷ này vẫn nhờ sự lưu giữ ấy với những đầu máy hơi nước cổ lỗ, tàu điện cũ xưa, làm đạo cụ cho những thước phim cần dựng lại các giai đoạn lịch sử, tạo cảnh cho những thước phim sống động và hoàng tráng đúng với xã hội xưa.
Sự “giá như" là dở hơi rồi. Song cứ giá như đi, nếu không có tay đại gia khôn lỏi kia và đám người ăn xổi ở thì, đã bán tất cả hệ thống xe điện Hà Nội với giá sắt vụn mà không ai giữ lại chút gì cho con cháu hôm nay, để giá như quanh Bờ Hồ bây giờ còn cái xe điện cổ lỗ đưa du khách tây và ta chạy quanh Hồ Gươm. Và thằng con trai Bọ Gậy nhà tôi, qua cái xe điện ấy biết thêm một điều ở quá vãng. Chúng, những đám trẻ Hà Nội của tương lai, kiến tạo một Hà Nội hiện đại, vẫn sẽ sờ được, cảm được, nghe được tiếng kêu lanh canh của tiếng chuông xe điện bay ngang mặt Hồ Gươm, trên đám hoa lộc vừng đỏ ôi ối rụng đầy mặt nước xanh thắm, để thêm hiểu thế hệ cha ông xưa đã sống ra sao, bảo vệ Hà Nội thương yêu ra sao. Và, biết đâu đấy 20 năm sau có nhà điện ảnh trẻ nào đấy lấy truyện ngắn Phố Cũ của tôi dựng thành phim, sẽ có cái xe điện cổ lỗ ấy mà làm đạo cụ phim.
Ở Hà Nội bây giờ còn lại rất ít Nhà hát lớn, Ngân hàng nhà nước, Vườn hoa Con Cóc với những chú cóc khổng lồ ngậm nước phun lên như cầu vồng, rồi Nhà thờ lớn, cầu Long Biên... Xin các thế hệ sau đừng bán nó với giá đống gạch vụn hay sắt vụn nếu có xây lên một Hà Nội to hơn hiện đại hơn.
Nguyễn Văn Thọ
VNExpess
 Nguyễn Văn Thọ
Tàu điện Hà Nội xưa
 
 

26 tháng 4, 2014

MÙA HÈ ITALIA 90

Hè đã về thật rồi.
Hè về chúng ta cùng nghe lại bài hát mùa hè thật sôi động: Italia 90. Và cùng đón chờ World cup năm nay tại Brazil, khai mạc 12 - 6 - 2014 ( Còn 48 ngày nữa).


Lâu lâu lại có đôi câu – chuyện Làng



Lâu lâu lại có đôi câu
– chuyện Làng

Buôn có bạn, bán có phường
Chơi Blog có một Làng, quá hay!
Khi khoan nhặt, lúc vơi đầy(*)
Ba cây chụm lại đến ngày núi cao(**).
Tháng ngày dù có tiêu tao
Các trang viết đã đi vào không quên.
Xuân qua, hè đã bên thềm
Chờ Làng sôi động nhiều thêm trang vàng.
(*) Làng có lúc tấp nập, có khi vơi vãn.
(**) Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.


25 tháng 4, 2014

Thuyền trưởng Sewol phản bội lời thề của người đi biển



Thuyền trưởng Sewol phản bội lời thề của người đi biển
Người dân Hàn Quốc gọi thuyền trưởng phà Sewol là "quỷ dữ", còn Tổng thống Park Geun-hye coi ông là kẻ sát nhân, bởi hành vi bỏ chạy thoát thân, bỏ mặc mạng sống của hàng trăm hành khách khác.
Sau sự kiện tàu Titanic chìm xuống đáy biển, văn hóa đại chúng cho rằng người thuyền trưởng nên cùng sinh tử với con tàu do mình điểu khiển. Nhưng chỉ trong hai năm trở lại đây, đã hai lần xảy ra việc thuyền trưởng bỏ chạy khỏi tàu đang chìm, coi mạng sống của bản thân cao hơn hàng trăm hành khách, những người đang hoảng loạn vì lo sợ.
Lần thứ nhất xảy ra trên du thuyền Costa Concordia tại Italy vào năm 2012 và lần mới nhất là vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc. Thuyền trưởng Lee Jun-seok, 69 tuổi, cùng một số thành viên trong tổ lái tự mình tháo chạy đến nơi an toàn, trong khi hơn 400 hành khách vẫn đang mắc kẹt dưới khoang.
Chính bởi hành vi trên mà ông Lee hiện bị bắt và điều tra. Người dân Hàn Quốc gọi viên thuyền trưởng này là "Con quỷ phà Sewol". Tổng thống Park Geun-hye chỉ trích hành vi bỏ phà chẳng khác gì sát nhân.
Thuyền trưởng Lee Jun-seok rời bò phà Sewol đang chìm, bỏ mặc mạng sống của hàng trăm hành khách khác. Ảnh: Sky News
Các chuyên gia hàng hải cho rằng hành vi của Lee Jun-seok đã phản bội lại "truyền thống quốc tế quang vinh" của người đi biển. Truyền thống này không những có cơ sở pháp luật, mà còn là chuẩn tắc được công nhận phổ biến.
"Ông ta đã khiến cho tất cả những người từng chỉ huy tàu thuyền trên biển cảm thấy xấu hổ", thiếu tướng về hưu người Mỹ, ông John Padgett, bình luận. Ông Padgett từng là thuyền trưởng chỉ huy tàu ngầm.
Đại tá Hải quân Mỹ William Doherty cũng có chung cảm nhận trên. Doherty từng chỉ huy chiến hạm và tàu thương mại, cũng từng phụ trách an ninh cho một công ty hàng hải lớn. Ông cho biết quyết định rời phà, bỏ mặc sự sống chết của hàng trăm hành khách là "điều nhục nhã".
"Nếu như bạn phải chịu trách nhiệm cho gần 500 sinh mạng, thì bạn không thể là người đầu tiên bước lên xuồng cứu hộ", Đại tá Doherty nói. Ông cũng cho biết vụ phà Sewol tương tự như vụ chìm tàu Costa Concordia tại Italy.
Viên thuyền trưởng của tàu Concordia Francesco Schettino đang bị xét xử với cáo buộc giết người do sơ suất, khiến tàu bị lật, làm hơn 30 người thiệt mạng.
Tòa án dân sự Mỹ luôn cho rằng thuyền trưởng có nghĩa vụ bảo vệ hành khách và tàu thuyền. Nhưng hai vụ việc tại Italy và Hàn Quốc như sự kiểm nghiệm cho câu hỏi liệu thuyền trưởng có phải chịu trách nhiệm hình sự trong các vụ tai nạn hay không. 
Các chuyên gia cho biết đa số các quốc gia không có quy định rõ ràng rằng thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi tàu, nhưng luật pháp Hàn Quốc lại có quy định trên. Đây là lý do mà giới chức nước này được quyền bắt Lee Jun-seok bởi hành vi bỏ tàu và hành khách trong lúc nguy hiểm.
Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển lần đầu được thông qua năm 1914 sau sự kiện chìm tàu Titanic. Theo đó, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của tàu thuyền và hành khách. Văn bản sửa đổi của công ước trên còn quy định hành khách cần được sơ tán khỏi tàu trong 30 phút đầu tiên sau hồi còi báo động.
Quá trình chìm của phà Sewol diễn ra trong hai tiếng rưỡi, nhưng theo lời kể của những người sống sót, thuyền viên yêu cầu hành khách phải ở nguyên vị trí trong khoang. Đây được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm hành khách lỡ mất cơ hội thoát sinh.
Quy định của Hải quân Mỹ còn nghiêm ngặt hơn so với tàu thương mại. Từ năm 1814, hải quân đã quy định thuyền trưởng ở lại trên thuyền bị nạn lâu nhất có thể và dốc toàn lực bảo vệ tàu, ông Dave Werner, phát ngôn viên thuộc Phòng lịch sử Hải quân Mỹ, cho biết.
"Trong trường hợp phải rời bỏ thuyền, sĩ quan chỉ huy phải là người cuối cùng rời thuyền", ông Werner dẫn quy định mới nhất. Trong lịch sử hàng hải, rất nhiều thuyền trưởng cự tuyệt rời thuyền dù đang chìm.
Những đóa hoa đặt bên cạnh di ảnh của Park Ji-young, nữ thuyền viên hy sinh trong lúc giải cứu các hành khách. Ảnh: CNN
Năm 1912, thuyền trưởng E. J. Smith của tàu Titanic có thể đã mắc sai lầm vì lái quá nhanh khi tàu này đâm vào tảng núi băng, nhưng hành động giúp đỡ cứu nạn hơn 700 người của ông lại được tán thưởng và đi vào lịch sử. Smith kiên quyết yêu cầu để trẻ em và phụ nữ rời tàu trước tiên, còn bản thân mình thì ở lại khoang điều khiển, chìm cùng con tàu huyền thoại.
Năm 1949, khi tàu Cochino của Hải quân Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, bốc cháy và sắp chìm tại khu vực biển gần Liên Xô, thuyền trưởng Rafael Benitez cự tuyệt rời khỏi tàu. Khi đó, những thuyền viên khác đều thoát khỏi tàu sang một chiến hạm khác hoạt động gần đó. Benitez hy vọng có thể cứu Cochino, tàu ngầm gián điệp đầu tiên của nước này trong Chiến tranh Lạnh. Chỉ đến khi các thuyền viên khác gào lên rằng con tàu đang chìm, thuyền trưởng này mới chịu rời tàu.
Trong vụ chìm phà Sewol, cũng xuất hiện những người anh hùng. Đó là cậu thiếu niên Park Ho-jin, 16 tuổi, phát hiện một bé gái 6 tuổi đứng một mình trên mạn tàu. Anh trai cô bé đã để em ở đó để quay lại khoang hành khách tìm mẹ. Park ôm lấy bé gái, cùng đưa em lên xuồng cứu hộ với mình.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như Park. Nữ thuyền viên Park Ji-young, 22 tuổi, giúp một số học sinh mặc áo phao và yêu cầu các em nhảy xuống biển, bơi về phía xuồng cứu hộ. 
"Chúng em khuyên nhảy xuống cùng, nhưng chị ấy từ chối và cũng không giữ cho bản thân lấy một chiếc áo cứu sinh", một học sinh cấp ba sống sót kể lại.
"Cứu xong các em rồi chị sẽ nhảy xuống sau. Thuyền viên phải là người cuối cùng rời phà", Park Ji-young nói. Nhưng nữ thuyền viên này đã hy sinh. Người ta tìm thấy thi hài cô nổi trên mặt biển. 
Đức Dương (theo New York Times)