30 tháng 4, 2015

Thần đồng Đỗ Nhật Nam viết thơ về động đất ở Nepal

(Văn hóa) - Trận động đất kinh hoàng ở Nepal đã đi vào những vần thơ của Đỗ Nhật Nam. Bài thơ do cậu bé 14 tuổi sáng tác khiến người lớn rùng mình, xúc động.
Đỗ Nhật Nam hiện là học sinh trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ). Bên cạnh khả năng học tiếng Anh, thuyết trình khiến nhiều người khâm phục, Nhật Nam còn nổi tiếng với những bài thơ nhân văn sâu sắc.
Đỗ Nhật Nam trưởng thành tại Mỹ.
Đỗ Nhật Nam trưởng thành tại Mỹ.
Cậu bé 14 tuổi cho biết, nỗi đau về sự mất mát sau trận động đất lịch sử ở Nepal ngày 25/4 đã tạo cho cậu cảm hứng sáng tác thơ. Thần đồng Việt tái hiện lại trận động đất kinh hoàng: “Quáng quàng những bàn tay víu/ Nát vụn rồi những ngôi nhà”.
Bài thơ của Nhật Nam hiện được nhiều dân mạng chia sẻ, bình luận tích cực. Bạn Nguyễn Như Hải cho hay: “Biết để trái tim mình hoà cùng nhịp với nỗi đau thương của nhân loại, đó là tình cảm của những con người có nhân cách lớn”.
Một người khác bày tỏ: “Rùng mình khi đọc bài thơ quá sâu sắc của em”.
Động đất tại Nepal. Ảnh: EPA.
Động đất tại Nepal. Ảnh: EPA.
Nguyên văn bài thơ của Đỗ Nhật Nam:
Xin chắp tay nguyện cầu cho người dân Nepal…
Mặt đất lặng im
Mặt đất đang bình yên chim hót
Những gương mặt người
Nhập nhoạng những buồn vui
Rồi bỗng nhiên
Mặt đất cựa mình
Mặt đất rùng lên trong đau đớn
Nứt
Gãy
Vỡ
Răng rắc
Rào rào
Ầm ầm những trận cuồng phong
Ầm ầm núi tuyết chảy tan
Nháo nhào những tiếng kêu than
Quáng quàng những bàn tay víu
Nát vụn rồi những ngôi nhà
Tan hoang rồi những đền đài
Đất mang bao phận người
Nằm xuống mà khôn nguôi sợ hãi
Có em bé nào trên đường đi học
Cặp sách trên vai và mơ ước trong tim
Sáng nay còn líu lo như bầy chim
Về những sợi nắng không bao giờ biết khóc
Có bà mẹ nào chở buồn vui trong tóc
Dọc đường mưu sinh dằng dặc khổ đau
Vẫn không quên giấu nước mắt tuôn mau
Mơ về ngày mai cuộc đời toàn tiếng hát
Có cụ già nào tin trong chuông chùa bát ngát
Đền đài này này sẽ mang đến bình an
Cho triệu triệu người dân Nepal
Cho an vui chảy tràn ra khắp nẻo
Những giấc mơ đều dang dở
Trong cơn rùng mình của đất
Giờ nằm sâu dưới tầng gạch nát
Thân thể họ vụn rời và giấc mơ bay lên
Hãy bay vượt qua bóng đêm
Qua đầm đìa vết thương đau đớn
Qua cát dập, đá vùi, tro nóng
Đến vùng trời xanh mát những bình an
Rồi đền đài lại ngát hương lan
Rồi Everest lại mênh mông tuyết trắng
Rồi Kathmandu lại thênh thang nắng
Và đất lại liền như chưa hề có vết đau
Nepal ơi, xin nguyện cầu nước mắt khô mau
Cho những số phận đã hòa tan vào lòng đất
Biết quên vết thương thịt da, quên nỗi đau mất mát
Ngủ yên hoài, trong lòng đất… xanh xa…
(Theo Tri Thức)

29 tháng 4, 2015

Vẻ cổ kính của các chùa quanh Hồ Tây


Theo VNExpress

Vẻ cổ kính của các chùa quanh Hồ Tây

Quanh hồ có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng chứa đựng giá trị văn hóa, kiến trúc đặc sắc như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, Phổ Linh, Tảo Sách, Vạn Niên...


Đi chùa đầu năm là nét văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là điểm hội tụ những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo.

1-6682-1425551769.jpg
Chùa Trấn Quốc
Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, cuối đường Thanh Niên. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã trên nền tĩnh lặng hồ nước mênh mang. Từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần, ngày nay, chùa Trấn Quốc không chỉ là nơi lui tới cầu an của các Phật tử mà còn là điểm vãn cảnh lý tưởng cho du khách. (Xem thêm ảnh)
-
2-3385-1425551770.jpg
Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên nằm trên một doi đất bằng phẳng trong thôn Nghi Tàm, xã Quảng An. Tam quan chùa là công trình kiến trúc độc đáo với 2 tầng, 8 mái, trông như bông sen trên mặt nước Hồ Tây. Chùa được coi là một trong những di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. (Xem thêm ảnh)
-
12HA8-3209-15-1328-1425551770.jpg
Chùa Hoằng Ân
Tọa lạc tại xã Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, đây là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội đã nghìn năm tuổi. Trải bao mưa nắng, chùa vẫn giữ quần thể kiến trúc đẹp, trước tòa tiền đường, lầu chuông cao ngất  vươn lên cùng mây trời Hồ Tây lộng gió.  Ðặc biệt, khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, ẩn mình dưới bóng ngọc lan thơm dịu dàng và thân cau cao vút như đưa du khách vào miền tâm linh thanh khiết. Năm 1991, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. (Xem thêm ảnh)
-
6HA8-3244-15-8453-1425551771.jpg
Chùa Phổ Linh
Là ngôi chùa cổ của Hà Nội, chùa Phổ Linh được xây dựng từ năm 1079, có kiến trúc và không gian rất đẹp, lại thanh tĩnh, khác với sự đông đúc náo nhiệt của Phủ Tây Hồ ở ngay bên cạnh. (Xem thêm ảnh)
-
7HA8-3263-15-9633-1425551772.jpg
Chùa Tảo Sách
Chùa Tảo Sách (hay còn gọi là Tào Sách, Linh Sơn tự) là một trong số những ngôi cổ tự hiếm hoi còn lại ở thủ đô giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm. Chùa hướng thẳng ra hồ Tây khiến khung cảnh nơi đây vô cùng hữu tình. (Xem thêm ảnh)
-
2HA8-5402-15-1845-1425551773.jpg
Chùa Vạn Ni​ên
Nằm cách chùa Tảo Sách không  xa là chùa Vạn Niên. Khuôn viên chùa không lớn nhưng nằm ở ven hồ nên cảnh quan thoáng đãng, xanh mát và tạo cảm giác thư thái thanh tịnh. Chùa có 2 cổng, trong đó cổng chính trông ra mặt phố Lạc Long Quân và cổng sau nhìn về đường ven Hồ Tây. Phía cuối sân chùa dưới bóng cây cổ thụ tọa lạc một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối. (Xem thêm ảnh)
-
6HA8-5428-15-4150-1425551774.jpg
Chùa Tứ Liên
Chùa Tứ Liên còn có tên là Chùa Tứ Tổng, tên chữ là Chùa Tam Bảo, đã được trùng tu nhiều lần và ngày nay khá kiên cố với vật liệu đá. Cổng chính chùa có kiến trúc rất đẹp hướng ra đường Âu Cơ, đằng sau là tháp chuông cao hướng ra hồ Tứ Liên. (Xem thêm ảnh)
-
1HA8-5960-15-4786-1425551775.jpg
Chùa Thiên Niên (Tríc​h Sài)
Chùa Thiên Niên có tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi. Ở địa thế đẹp ven hồ, chùa Thiên Niên là điểm thu hút đông đảo du khách. (Xem thêm ảnh)
Haichi8

Chúng tôi (Fio & M.Hòa) đến chùa Tảo Sách (ảnh chụp trước đây)

28 tháng 4, 2015

CẢM ƠN INTERNET



CẢM ƠN INTERNET
Thơ  Thái Bá Tân
Nhiều sự kiện khủng khiếp
Trong lịch sử nước nhà
Nhờ có Internet
Bây giờ được khui ra.

Khủng khiếp và đau đớn
Làm bức xúc dân tình.
Nhờ nó, nhiều người tỉnh
Và suy ngẫm về mình.

Cũng nhờ Internet,
Các quan, dẫu chưa nhiều,
Bớt hỗn láo hơn trước,
Bớt cả chuyện nói điêu.

Khối kẻ ôm mặt khóc
Như Chu Du trước đây:
“Trời sinh ta, sao nỡ
Còn sinh ra thằng này!”

Nhờ có Internet,
Sự thật lộ ra dần.
Cảm ơn Internet,
Đã đứng về phía dân




25 tháng 4, 2015

Văn nghệ thứ bảy: NHÚM LÔNG



Nhúm lông
Mình về quê hội trường, vừa chui từ quán cà phê ra thì thấy một người đàn bà ngồi trên trên ô tô, tay vẫy miệng gọi, nói Lập ơi! Phải Lập đó không? Thì ra chị L., bạn học lớp 5 thời mình theo ba mình sơ tán lên ở thung lũng Chớp Ri. Chị L. bây giờ xinh xắn trắng trẻo còn hơn cả thời chị 19 tuổi, thật không ngờ. Chị rất ra dáng đại gia, tay đeo vòng ngọc, cổ quàng dây chuyền mỏ neo chừng hai cây vàng ròng, đi con Mẹc mới cứng, oách kinh.

Chị vẫn ngồi trong xe bên tay lái, nói Lập lên xe đi. Thấy mình chần chừ không hiểu chị định đưa mình đi đâu, chị lườm cái cười cái, nói lên xe đi, chị không ăn thịt mày đâu mà lo. Chị nói giọng Bắc ngon xớt, cười có lúm đồng tiền tròn vo làm mình cứ chờn chợn không biết có đúng chị L. thật không hay mình đã lầm. Mình nhớ như in xưa chị không có lúm đồng tiền, nói giọng Cao Lao tiếng nào tiếng nấy méo xệch. Bản tính tò mò, mình leo đại lên xe xem chị đưa mình đi đâu, nói chuyện gì với mình.
Chị  đưa mình ra bãi biển Quảng Tùng, tới một nhà hàng khá sang, sát rặng phi lao ven bãi biển. Bà chủ nhà hàng chạy ra, ngực rung bần bật, kéo miệng cười rộng tới mang tai, nói ôi chị, lâu lắm rồi chị mới tới. Xem cung cách biết bà chủ quí hóa chị L. lắm. Nhìn vào nhà hàng thấy nhân viên táo tác hẳn lên, chạy đi chạy lại mặt mày nghiêm trọng cứ y như quan to đến nhà, tự nhiên mình thấy vui vui.
Chị L. học lớp 5 với mình khi chị 19 tuổi, không phải chị đi học muộn, tại chị đúp nhiều quá. Bạn học cùng vào lớp 5 với chị đã tốt nghiệp cấp ba, vào đại học mà chị vẫn đang học lớp 5. Chị đọc thông viết thạo, cộng trừ nhân chia cũng tốt nhưng không sao giải được toán đố và toán nhà lầu, loại toán giản ước của lớp 5. Ngoài ra bất kì môn nào chị cũng không thuộc bài, kiểm tra toàn dưới điểm trung bình. Hồi đó không có chuyện xin điểm mua điểm, bù lại được đúp thoải mái, Chị L. đúp lớp 5 đến sáu năm vẫn được học như thường.

Cô giáo chủ nhiệm phân mình và thằng Quí cùng tổ học tập với chị L. để hai thằng kèm cặp chị cho qua được lớp 5. Chị L. nói chị phải cố học cho xong lớp 5 mới được đi bán cửa hàng hợp tác xã. Ở thung lũng Chớp Ri không có mậu dịch quốc doanh, chỉ có cửa hàng hợp tác xã. Khắp thũng lũng có sáu cửa hàng hợp tác xã, chủ yếu bán vải vóc đường sữa, nước mắm ruốc. Nhân viên bán cửa hàng phải học hết lớp 5, cậu chị làm chủ nhiệm hợp tác xã đã hứa với chị rồi, chừng nào chị học xong lớp 5 sẽ cho chị bán cửa hàng. Làm nhân viên cửa hàng khác nào chuột sa chĩnh gạo, chị L. mê lắm, khốn thay chị học mãi không xong lớp 5.
Học với chị L. sướng nhất trần đời, luôn luôn chị cho ăn uống no nê. Hồi đó chẳng có gì, chỉ hai món khoai xéo, sắn lùi thôi, được ăn no là sướng rồi chẳng mong gì hơn. Thực ra chẳng phải kèm cặp chị. Buổi tối mình và thằng Quí xách cặp đến nhà, chị giao cho hai đứa cái cặp sách của chị và một rá khoai xéo hoặc sắn lùi, nói học giúp chị nha, chị đi đây. Nói rồi chị tót ra khỏi nhà. Tụi mình vừa ăn vừa giải toán, làm bài tập sinh sử địa, soạn văn cho chị xong rồi về, thế thôi, tối nào cũng giống tối nào.

Mình hỏi thằng Quí, nói chị L. đi mô mà tối mô cũng đi rứa hè. Thằng Quí cười khì, nói thằng ni ngu, đi yêu chứ đi mô. Mình hỏi yêu ai, thằng Quí trợn mắt lên, nói oa chà nhiều lắm. Thằng Quí cùng 11 tuổi như mình nhưng khôn hơn rận. Trong khi mình vẫn đinh ninh mẹ đẻ em ở rốn thì nó đã biết người ta đúc em ở đâu, làm thế nào để không có thai. Nó lẻn vào buồng chị L., lấy ra một cái lá to hơn cái quạt mo, nói chị L. đi yêu khi mô cũng mang theo lá ni. Chị lót dưới lưng, rứa là mần chắc thoải mái, không đời mô có nghén. Thằng Quí có nói tên lá nhưng lâu ngày mình quên mất.  Sau này vào lính lên Sơn La gặp một ông người Thái, mình có hỏi ông cái lá ấy, ông xác nhận là có. Mình hỏi tên lá, ông giả bộ lắc đầu không biết, nói lá ấy chỉ đàn bà biết thôi, đàn ông không được biết.
Mình rủ thằng Quí đi rình chị L. xem chị yêu ra sao, thằng Quí nhảy lên, nói đúng đúng, có rứa mà quên mất. Tối đó chị ra khỏi nhà là tụi mình bám theo liền. Chị L. đi vòng  vèo men rìa thung lũng, lội quá suối Roóc, chui vào hang đá vôi. Hang này rất rộng, nhiều ngõ ngách, tụi mình mò mãi mới tìm được chỗ chị yêu. Hang tối mò chẳng thấy gì, chị nghe chị hức hức và kêu to, nói ôi sướng quá bọ ơi. Lát sau người đàn ông đi ra, tụi mình ba chân bốn cẳng chạy về nhà làm bài cho chị. Làm xong rồi vẫn không thấy chị về, thằng Quí rủ mình chạy vào hang đá xem sao. Tới nơi, lại nghe tiếng chị  hức hức, lại ôi sướng quá bọ ơi. Nhưng kì lạ, không phải hai cái bóng mà ba cái bóng. Rõ ràng có hai người đàn ông đang yêu chị.

Mình ghé tai thằng Quí, nói răng chị L. yêu một lúc hai người. Thằng Quí chặc lưỡi, nói biết được. Bỗng có tiếng cãi nhau. Chị L. kêu to, nói hai người sáu  chục ( đồng), răng lại bốn chục. Người đàn ông nói tụi anh chỉ có chừng đó, em thông cảm. Chị L. rú lên, nói đưa ngay thêm hai chục, đưa ngay. Hai người đàn ông bỏ chạy. Chi L. tru tréo chửi, nói vơ cha tổ tụi bay nời, ăn không l. tao nha. Mình với thằng Quí nhảy ra, nói ê ê tụi em biết chị làm chi rồi nha. Chị L. sững lại, từ từ khụy xuống trước mặt hai đứa mình, nói chị phải làm rứa để nuôi cả nhà, chị lạy hai em đừng nói với ai hết.  Chị chắp tay vái tụi mình như tế sao, vừa vái vừa khóc.
Bây giờ chị L. đang ngồi trước mặt mình mặt mày tươi rói, nói nửa thế kỉ rồi Lập hè, mau thiệt. Chị bỏ giọng Bắc nói nguyên xi tiếng bọ. Mình cười, nói em sợ nhận nhầm chị vì hai cái lúm đồng tiền. Mắt chị sáng lên, nói hai tỉ bạc đó, phải sang tận Ing Liềng mới làm được. Mình cười, nói chị bây giờ còn nói được tiếng Anh, ghê quá. Chị cười to, nói thằng ni khinh chị rứa bay. Tau bây chừ tuyền quan hệ với ông to bà nậy, phải đổi giọng bọ ra giọng Bắc cho nó sang, thỉnh thoảng nhả ra mấy tiếng Ing Liềng cho người ta nể.

Mình nói học hết lớp 5 em về quê, không biết chị làm những gì mà giàu thế. Chị nói chị bán cửa hàng hợp tác xã 13 năm kiếm được một ít, sau người ta bỏ cửa hàng chị đi buôn trầm, rồi buôn vàng, rồi buôn bán bất động sản. Vốn liếng chừng năm bảy chục tỉ, so với người ta là con tép nhưng chị mãn nguyện lắm rồi. Khởi nghiệp bằng một nhúm lông bây giờ được gọi là bà tỉ phú còn đòi chi nữa.
Chị bóc tôm hùm cho mình ăn, nói nhớ lại chuyện xưa chị cảm ơn em với thằng Quí quá. Hồi đó tụi bay nói ra thì đời chị tàn, không ngóc đầu lên được mô, thiệt đó. Thốt nhiên chị dừng ăn, nhìn mình chằm chằm, nói mi có quen ông Hiệu Minh không. Mình nói có, cũng có gặp anh ấy đôi ba lần. Chị nói hay là mi kể chuyện đó cho ông nớ. Vừa dứt lời chị à một tiếng, nói mà mi biết răng được. Chuyện đó xảy ra mấy năm gần đây. Mình hỏi chuyện gì. Chị cười to, nói chuyện chị tắm với con cháu 10 tuổi. Nó thấy chị có nhúm lông, nói răng dì có mà con không có. Chị nói lớn lên rồi con cũng có. Nhờ nhúm lông ni mà dì nuôi sống cả nhà đó con. Con cháu liền reo lên, nói a rứa thì con muốn lông mọc đầy cả người con luôn. Kể xong chị lại cười, nói cha tổ cái ông Hiệu Minh, cứ như là ổng núp rình sau nhà tắm chị vậy đó. Xong chị lại cười, đôi gò má đỏ ửng, cặp tuyết lê khép khép mở mở, hai lúm đồng tiền tròn vo rung rung giật giật. Tuổi sáu mươi vẫn còn duyên, tiếng cười vẫn có thể làm đàn ông điêu đứng, thật phục chị quá.

Tối qua Trần Tién gọi mình đến quán Ziều đỏ nhậu chơi. Mình tới nơi bỗng gặp thằng Quí, té ra nó cũng quen Trần Tiến. Mình kể với nó chuyện mình gặp chị L., nói tỉ phú đó nghe đừng có mà đùa, hai đứa mình bây giờ xách dép cho bả không đáng. Thằng Quí nói mày nghe bả nói làm gì mà giàu? Mình nói bả buôn trầm, buôn vàng mà giàu, sau này buôn bán bất động sản càng giàu to. Thằng Quí cười cái hậc, nói đom! Mày lại nghe mồm bả. Mình trợn mắt lên, nói thằng này không tin à bay, bây giờ trong tay bả có mấy dự án, bả quan hệ toàn ông to bà nậy, kinh lắm. Thằng Quí xua tay nhọn mồm, nói đom đom đom! Rồi nó kéo banh tai mình ra, nói nhúm lông  nhúm lông đấy… ngu ơi!

Nguyễn Quang Lập 
Theo Ký ức vụn 2
Tranh Sơn mài Bùi Trọng Dư