12 tháng 4, 2015

Văn nghệ chủ nhật: Cha con Trịnh Kiểm và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan



Cha con Trịnh Kiểm và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
TP - Cha con… là cách gọi thân gần để chỉ đấng Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng và cũng là tên thụy (sau khi mất) được vua Lê ban. Bởi sinh thời, Trịnh Kiểm cùng Trịnh Tùng đã từng lập bao huân công khởi đầu cho sự hưng thịnh thời Lê Trịnh của quốc gia Đại Việt. Và thật thú vị, ông Trạng làng Bùng Phùng Khắc Khoan lại có mối thâm tình rằng rợ khá chặt bền với cha con nhà Trịnh…

Phủ Trịnh Biện Thượng (Vĩnh Hùng Vĩnh Lộc Thanh Hóa), nơi thờ Minh Khang Thái Vương và 12 vị chúa Trịnh
Đã sập đổ tan tành cũng như bay biến cái huyền thoại Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là con cùng cha khác mẹ với Cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm (!?) khi các nhà làm sử đã công phu tỷ mẩn làm cái việc công bằng sòng phẳng khoa học điều nghiên trong chính sử cùng dã sử. 
Lập nên phả hệ cùng giai thoại vớ vẩn ấy ý chừng ai đó muốn ông Trạng Bùng bởi chung dòng máu lẫn chút gien chi đó của cụ Trạng Trình nên mới có thể thông tuệ tài năng từng làm quan to và là nhà ngoại giao xuất sắc của Đại Việt? Bởi một lẽ đơn giản chả có chứng cớ nào khả dĩ!
Và rồi cũng vớ vẩn như huyền thoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ngầm mách cho Trịnh Kiểm chớ có mà làm vua! Rằng thờ Bụt (vua) thì được lộc oản (làm Chúa) nên Trịnh Kiểm đã nảy ra cái gan và quyết chí sang tận Ai Lao rước vua Lê Trang Tông đang lưu vong về nước lập nên ông vua tiên khởi của nhà Lê Trung hưng?
Bởi cụ Trạng Trình khi đó đang một lòng giúp rập phò Mạc mà Mạc lại là kẻ thù của nhà Trịnh thì cụ làm sao thực hiện cái điệp vụ phản trắc ấy vào lúc nào vậy? Vậy nên gẫm mà thấy mà ngấm thêm câu răn lẫn chua chát của ông Nã Phá Luân rằng lịch sử, than ôi như cái mắc áo! Hậu thế muốn khoác thứ gì lên đó thì khoác?!
Cũng nói thêm, qui trình điều nghiên sử tỷ mỷ và khoa học ấy đã phát lộ thêm: người phát hiện ra Phùng Khắc Khoan từ cái thuở anh học trò bạch diện thư sinh Phùng Khắc Khoan chính là chúa Trịnh Kiểm.
Cũng có thể gọi là cái ơn tri ngộ được lắm?
Đã bao lần về quê dịp 18 tháng Hai ÂL giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, như hàng bao con dân họ Trịnh kính cẩn về chiêm bái nơi phát tích vị chúa tiên khởi trong 12 vị chúa đã có công phò Lê dựng xây nền Đại Việt suốt 249 năm,  tôi lặng lẽ chiêm quan công trình Phủ Trịnh đã được chế độ mới sắc phong là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1995.
Di tích là cái nhà cấp 4  chỉ có 7 gian lợp ngói không có cửa! Gọi là di tích bởi nó nghe đâu sót lại của một quần thể hoành tráng tòa ngang dãy dọc hành cung mà chúa Trịnh Kiểm lập ra từ năm 1554. Cụ Trịnh Kiểm quê ở Sóc Sơn Biện Thượng, bên cạnh việc lập Thủ đô kháng chiến chống Mạc với hành cung Vạn Lại  cho vua Lê Trang Tông ở còn lập một Biện Dinh (Dinh xây ở làng Biện Thượng) cách Vạn lại gần 20 cây số làm căn cứ phối hợp với quân bên Vạn Lại kháng cự Mạc. Hàng chục năm quanh Vạn Lại và Biện Thượng cùng đoạn sông Mã chảy qua Biện Thượng làng Vĩnh Hùng bây giờ đã là bãi chiến trường ác liệt. Trong Toàn thư từng chép có trận thây người ken chặt nước sông không chảy được.
Ấy thế mà dưới sự điều hành phối hợp giúp rập của chúa Trịnh Tùng, Vua Lê vẫn tổ chức các cuộc thi Hương thi Hội vào các năm 1558, 1559 tại Vạn Lại và Biện Thượng.  Cũng nhắc thêm, khi bỏ nhà Mạc vào với thủ đô kháng chiến của Trịnh Kiểm, Phùng Khắc Khoan chưa được Trịnh Kiểm tin dùng ngay mà còn chán, còn ốm. 
Riêng Phùng chưa xuất đầu lộ diện hay ra mắt mà đã làm cái việc  náu mình mở trường dạy học đến gần bảy năm để thận trọng nghe ngóng coi xét… Hẳn khi ấy, anh đồ- tri thức trẻ Phùng Khắc Khoan không ít tò mò cùng ngạc nhiên trước một Trịnh Kiểm, Tổng tư lệnh Lê Trịnh đánh Mạc kiêm kiến trúc sư chủ chốt trong một triều chính lâm thời lạ lùng độc đáo lần đầu trong lịch sử Đại Việt - Lưỡng đầu chế, có vua lại có chúa!
Tôi không rõ cái năm 1558, anh học trò bạch diện thư sinh Phùng Khắc Khoan khi đó đã 31 tuổi quyết định ứng thí trong cuộc thi Hương ở Vạn Lại hay Biện Thượng? Kỳ thi ấy Phùng Khắc Khoan đã đỗ đầu.
Tuy lọt vào mắt xanh chúa Trịnh, nhưng không phải Phùng được dùng ngay.
Đợt trẩy quân ra Bắc phô trương lực lượng năm 1559 của Trịnh Kiểm (2 năm sau mới rút trở lại Thanh Hóa)  không có Phùng Khắc Khoan. Chừng như muốn thử thách thêm, Trịnh Kiểm đã chỉ định Phùng ở Vạn Lại lẫn Biện Thượng làm cái việc theo dõi các tướng lĩnh, ghi lại các hoạt động của những người này xem siêng năng hay lười biếng, dũng cảm hay nhút nhát để tâu vua gọi là chức ký lục. Và từ đó cho tới 1574, tức là tới 14, 15 năm, Phùng lúc thì coi việc quân ngũ, lúc thì đi chiêu dụ dân lưu tán trở về quê cũ làm ăn.
Trịnh Kiểm mất. Dưới sự điều hành của Tả tướng Trịnh Tùng, Phùng cũng chưa được thăng tiến ngay mà an phận với chức vị èng èng như Binh khoa, Lễ Khoa. Những cơ quan ấy có nhiệm vụ thẩm định, phản biện các chính sách của các bộ tương ứng của Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Lễ. 
Chính trong thời gian này đã xảy ra một biến cố lớn trong đời Phùng. Một lần  trong khi phản biện một chính sách nào đó mà Phùng đã làm phật ý ( không rõ là với vua hay tả tướng Trịnh Tùng?) mà ông bị giáng chức, bị đày vào tận miền Tây  Nghệ An.
Ba năm bị đày ải nơi lam sơn chướng khí. Phùng vẫn kiên định, thanh thản… Hậu thế có thể tìm thấy trong một sáng tác của ông, bài Lâm tuyền vãn viết bằng Quốc âm, theo điệu lục bát. Chừng như phong thái ung dung tự tại cùng tình cảm gắn bó với quê hương đất nước qua nỗi niềm quấn quýt với phong vị thức quê dân dã của Phùng Khắc Khoan trong Lâm tuyền vãn đã khiến Tả tướng quốc Trịnh Tùng ngộ ra nhiều điều… Khi đó Phùng đã tuổi 53! Gần 30 năm, có dài chậm chạp quá không để dùng một trung thần, hơn nữa đó lại là một người tài? Trịnh Tùng bèn gọi Phùng về phục chức.
Có thể nói thời điểm 1580  (10 năm sau ngày Trịnh Kiểm mất) mới khởi đầu cho cơ hội tỏa sáng của Phùng Khắc Khoan? Bắt đầu bằng sự kiện kỳ thi Hội đầu của triều Lê Trung Hưng tại Vạn Lại, Phùng Khắc Khoan đã đỗ thứ hai.
Đỗ đầu thi Hội mới gọi là Trạng. Tận bây giờ hậu thế, trong đó có người viết bài này cứ băn khoăn sao từ thời tít xa ấy, Phùng Khắc Khoan lại được gọi là Trạng? Phùng đã phát lộ ra phẩm chất gì vậy?  Có phải dân tin dân yêu nên phong Trạng cho Phùng?  Thi xong ông được nâng một bậc quan hàm: Đô cấp sự trung.
Rồi tiếp đó là chức Hồng lô tự Khanh. Chức có tăng lên 2 trật, từ thất phẩm lên ngũ phẩm. Chừng như có sự chỉnh sửa, nghĩ lại ngõ hầu muốn bồi đắp những thiệt thua dưới triều chính của ông bố Trịnh Kiểm, Vua Lê qua Trịnh Tùng đã có những sắp đặt sửa sang?
Cuối năm 1585 Phùng được thăng Hữu thị lang bộ Công, hàm tam phẩm rồi lại làm thừa chính sứ (đứng đầu trấn Thanh Hóa).
Cuối năm 1592, trong cuộc ca khúc khải hoàn quét sạch quân nhà Mạc giải phóng Thăng Long, bên cạnh Tổng tư lệnh quân đội Trịnh Tùng người ta thấy có Thừa chính sứ Thanh Hoa Phùng Khắc Khoan. Khi ấy, mấy ai đã biết Trịnh Tùng đã nhìn ra, nhìn trước được cái tài ngoại giao của Phùng? 
Năm 1593, vua Lê về Thăng Long, nhà Mạc phiêu bạt lên trú ngụ vùng biên giới Cao Bằng, cho người sang Minh tố cáo rằng vua Lê là rởm. Do đó năm 1596, Minh sai sứ đem điệp văn sang Đại Việt dọa lên dọa xuống rằng “hẹn đại hội để khám xét con cháu nhà Lê có phải thực hay không, hẹn đến tại cửa quan”.
Ngày 29 tháng Giêng âm lịch 1596, vua Lê sai Đỗ Uông, Nguyễn Văn Giai lên trấn Nam Quan làm tiền trạm giao thiệp với sứ nhà Minh. Sau đó lại sai Lê Ngạnh, Lê Hựu và Phùng Khắc Khoan mang 2 kiểu ấn, 1 của nhà Mạc, 1 của nhà Lê tức ấn An Nam đô thống sứ ty và ấn An Nam quốc vương cùng 100 cân vàng, 1.000 cân bạc, cùng kỳ lão trong nước đến Trấn Nam Quan đợi hội khám. Tháng 2 vua Lê lên cửa ải, nhưng nhà Minh giở quẻ thoái. Đây là lần thứ nhất Phùng Khắc Khoan tham gia công tác ngoại giao.
Sang năm sau 1597, lại hội khám. Một phái bộ do Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ được cử sang Bắc Kinh cống nạp và xin sắc phong. Đến Bắc Kinh gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, Phùng Khắc Khoan làm một lúc 30 bài thơ mừng vua Minh. Vua Minh Vạn Lịch khen lắm, sai đưa xuống khắc in để ban hành. Tập thơ lại có lời tựa của sứ  Triều Tiên. Đó là lần thứ 2 Phùng làm công tác ngoại giao, có hiệu quả.
Một kỳ tích ngoại giao trong lần đi sứ năm 1597 này của Phùng Khắc Khoan là dâng mẫu người vàng không cúi đầu. Lệ nhà Minh bắt triều Mạc phải dâng người vàng cao 1 thước 2 tấc nặng 10 cân ta với dáng cúi đầu vẻ như thần phục hay chịu tội.
Thì lần này Phùng Khắc Khoan đem theo cống vật và người vàng nhưng đầu không cúi mà nhìn thẳng bình thường. Bộ lễ nhà Minh gây khó dễ không cho sứ bộ vào chầu vua.
Phùng cãi “Nhà Mạc cướp ngôi danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Nay lại bắt nhà Lê theo lệ nhà Mạc thì chính làm việc nghịch đó!’’ Trước tài biện bác của sứ thần Phùng Khắc Khoan nhà Minh đành phải chấp nhận mẫu người không cúi đầu.
Lần đi sứ ấy, tính ra, Phùng Khắc Khoan ra đi từ tháng 4 âm lịch 1597, đến ngày 6 tháng 12 âm lịch năm 1598 mới lên đường về nước cộng 1 năm 4 tháng. Năm ấy ông tròn 70 tuổi.
Lần đi sứ này, không những ông làm cho triều đình Minh phải trọng vọng, các quan lại trong triều phải nể  mà ông có dịp hiểu sâu hơn kỹ thuật dệt sa, dệt lượt và có thể xin được những giống cây có ích, đem về cho bà con quê nhà gây giống. Dường như vẫn tiếp tục cái trí cùng tâm thời Lâm tuyền vãn?  truyền bá ở quê hương. Đi sứ về ông được thăng tả thị lang bộ Lại tước Mai Lĩnh hầu. Hai năm sau được thăng thượng thư bộ Công. Năm 1602 lại thăng thượng thư bộ Hộ tước Mai quận công. Nhưng ông xin về trí sĩ và còn sống mạnh khỏe thêm chục năm nữa, thọ 86 tuổi, mất tháng 9 âm lịch 1613. 
(Viết nhân 445  năm ngày mất Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm)
Một kỳ tích ngoại giao trong lần đi sứ năm 1597 này của Phùng Khắc Khoan là dâng mẫu người vàng không cúi đầu. Lệ nhà Minh bắt triều Mạc phải dâng người vàng cao 1 thước 2 tấc nặng 10 cân ta với dáng cúi đầu vẻ như thần phục hay chịu tội. Phùng Khắc Khoan đã biện luận khiến nhà Minh phải chấp nhận thay lệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]