30 tháng 1, 2016

Bài báo Tết của Trần Gia

Chuyện Chủ Nhật cuối tháng 01- 2016
Cụ Trần (XH) có gửi đến Làng câu chuyện đăng báo Tết. Cụ Trần gửi đến cụ Trưởng Làng để đưa lên Đình dịp Tết này, đồng thời cụ cũng gửi đến một số địa chỉ; tôi cũng nhận được bài đã vài hôm nay. Bài báo đã có trên Tạp chí Tia sáng.
Mấy hôm nay blog LSQL hình như có bị chặn? Thư cụ Trần cũng nói vậy. Cụ Trần cho biết cụ phải "vượt tường lửa", phải "chui rào, đào ngạch" mới vào được Đình? Tôi thì thấy lúc vào được Đình, lúc thì không, như là bị khóa? Trong ngày có lúc đến Đình như bình thường, có lúc chỉ chịu đứng ngoài! Chẳng hiểu có chuyện gì chạm đến " chính chị, chính em " chăng mà "soi xét "? Cứ đóng, mở vậy hoài !
Thôi thì chưa hỏi cụ Trưởng và cụ Trần có chờ Đình rộng mở cửa và đăng bài, tôi cứ đưa lên nhà mình trước, đằng nào thì cũng phục vụ Làng có bài báo Tết, sau này Làng cứ đăng cả Làng cùng xem thêm có sao đâu? Bởi câu chuyện càng đọc càng thấy ngẫm nghĩ nhiều hơn về thế giới TÂM LINH.

Ngẫu nhiên và Tâm Linh      
01:06-27/01/2016
Trần Xuân Hoài


Báu vật ba voi vàng, một nghê đồng đen,
bộ lục lạc, khuy áo bào, lược cài tóc vua
.

Mùa xuân đến , các bà các cô ,các cụ các cháu… có náo nức đi đền chùa, miếu mạo để xin keo, rút thẻ , cầu tài cầu lộc… chắc chắn khoa học không thể và cũng không nên chứng minh là sai hay là đúng. Chúng ta hãy thừa nhận Ngẫu Nhiên và Tâm Linh luôn song hành với nhau. KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN không cái nào chống cái nào cả. Tạo hóa đã sắp đặt như vậy rồi !


Xưa nay toán học luôn luôn được coi là tránh khỏi tính bất định và có thể cung cấp một nền tảng vững chắc và tinh khiết cho những lĩnh vực khoa học khác vốn bị coi là hỗn độn. Nhưng thực ra chính bản thân toán học cũng hỗn độn.1

Nhà toán học nổi tiếng Gregory Chaitin chỉ ra rằng “phạm vi những bài toán có thể giải được chỉ giống như một hòn đảo nhỏ trên một đại dương bao la của các mệnh đề không thể quyết định được”, lấy ví dụ, Lý thuyết số là nền tảng của toán học thuần tuý. Nó mô tả những khái niệm liên quan tới phép đếm, phép cộng và phép nhân. Hai cộng hai là bốn: Không ai tranh cãi chuyện đó. Các nhà toán học có thể chứng minh điều đó một cách chặt chẽ, và ngoài ra còn chứng minh nhiều chuyện khác nữa. Ngôn ngữ toán học cho phép họ đưa ra những phương pháp rõ ràng rành mạch để mô tả mọi thứ xảy ra trong thế giới xung quanh, hoặc ít ra là họ đã từng nghĩ như vậy. Thế nhưng chưa chắc đã như vậy, chẳng hạn hãy xét bài toán tìm số lẻ hoàn hảo. Một số hoàn hảo là số có tổng các ước số của nó bằng chính nó. Thí dụ 6 là một số hoàn hảo, vì các ước của nó là 1, 2, 3 và 1 + 2 + 3 = 6. Có vô số các số chẵn là số hoàn hảo, nhưng chưa ai tìm thấy một số lẻ hoàn hảo, và cũng chưa ai chứng minh được rằng số lẻ không thể là số hoàn hảo. Đó có thể là thí dụ điển hình của những chân lý không thể chứng minh được. Nói cách khác, có những chân lý mà các nhà khoa học luôn luôn chỉ có thể đặt niềm tin vào chúng, thay vì chứng minh chúng.

Trường phái David Hilbert2 từng cho rằng chân lý toán học là một hệ thống logic chặt chẽ và hoàn chỉnh đến mức tất yếu “phải biết và sẽ biết”. Ngày nay nhiều người cho rằng chân lý toán học thực ra mang tính ngẫu nhiên, thay vì tất nhiên và xác định như nhiều người vẫn tưởng!

Các nhà vật lý vốn có khát vọng tìm thấy một mô tả đầy đủ và chính xác về Vũ trụ. Toán học là ngôn ngữ của vật lý, do đó ý kiến trên ngụ ý rằng sẽ chẳng bao giờ có một “Lý thuyết về mọi thứ” (TOE – Theory of Everything) đáng tin cậy – một lý thuyết tổng kết một cách gọn gàng toàn bộ những đặc trưng cơ bản của hiện thực trong một tập hợp các phương trình. Steven Weinberg, nhà vật lý từng đoạt Giải Nobel phải thừa nhận: “Chúng ta sẽ chẳng bao giờ khẳng định được chắc chắn rằng lý thuyết cuối cùng của chúng ta là phi mâu thuẫn về mặt toán học”.

Thế cho nên, các nhà toán học và vật lý lý thuyết nay đã phải thốt lên “God not only plays dice in quantum mechanics, but even with the whole numbers”.Tạm dịch: Chúa trời không chỉ gieo xúc xắc trong cơ học lượng tử mà còn tung xúc xắc trong toàn bộ các con số!

Gieo con xúc xắc sẽ cho một kết quả ngẫu nhiên, đó cũng là cách làm giống như những chuyện tâm linh xin keo, rút quẻ, cầu trời khấn phật… tồn tại từ khi con người có mặt trên trái đất này, dù có tin hay là không.

Đối với những nhà vật lý thực nghiệm như bọn tôi thì luôn có thiên hướng chỉ tin những điều sờ được, chứng minh được bằng thực nghiệm! Nhưng tâm linh là một cái gì đó, chỉ nghe thôi cũng đã thấy là không thể sờ đến được, không thể chứng minh được cả trên lý thuyết lẫn thực nghiệm. Nhưng biết đâu vẫn có thể trải nghiệm được nó chăng?
***
Ăn theo quyển tiểu thuyết lịch sử “Huyền Thoại Kim Thiếp Vũ Môn”, viết về hào kiệt Hoan Châu hơn sáu trăm năm trước, mấy ngày qua tôi may mắn được các bạn bè và chính quyền huyện Hương Khê, quê hương của Thác Vũ Môn huyền thoại tạo điều kiện đi thăm lại các địa danh tâm linh nổi tiếng ở miền biên ải, xưa là vùng rừng núi thâm nghiêm ở chân dãy Giăng Màn. Thác Vũ Môn thì ở cheo leo trên cao ngàn thước chưa thể đến được ngay. Chúng tôi trước hết đến làng Phú Gia chiêm bái Miệu Trầm Lâm u tịch, bên bờ hồ Trầm Lâm không đáy, nước trong vắt, không cạn không đầy dù nắng hạn kéo dài hay bão lũ mưa nguồn xối xả. Đây là nơi linh thiêng bậc nhất của cõi Giao Châu xưa, tức nước Việt ngày nay. Tương truyền đây là nơi các nữ thánh linh thiêng với nguồn nước thần vĩnh cửu đã cứu giúp, rửa nỗi oan khuất cho bao phận đời đen bạc. Năm xưa khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương chống Pháp, năm 1885 rời bỏ kinh thành Huế, đến làng Phú Gia nơi đây lập Sơn Phòng. Một đêm, thánh nữ Trầm Lâm báo mộng cho Vua biết giặc Pháp đang sắp kéo đến, vua phải mau mau rút đi. Để ghi nhớ công lao phò trợ của dân bản, khi rời Sơn Phòng, vua Hàm Nghi đã trao lại cho bô lão vùng này những báu vật cung đình bằng vàng và đồng đen cùng áo bào với bảo kiếm của nhà vua. Sơn Phòng của vua Hàm Nghi chỉ cách Miệu Trầm Lâm một đoạn đường ngắn. Đó là một ngôi thành rộng có tường đất bao quanh đã bị thời gian bào mòn gần hết, đoạn tường đất còn lại chỉ cao không đầy năm, sáu thước. Ngoài thành là hào nước bao quanh. Kiến trúc kiểu này nặng về thủ khó để công. Thành nay là di tích lịch sử quốc gia, phía trong mới xây ngôi đền thờ vua Hàm Nghi hoành tráng uy nghiêm. Chúng tôi thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh vị vua trẻ tuổi yêu nước, có số phận bi hùng mà toàn dân ngưỡng mộ rồi cả đoàn kéo đến chiêm ngưỡng kho báu của vua Hàm Nghi. Kho báu này được bảo tồn nguyên vẹn 130 năm nay, lạ nhất là không phải ở trong bảo tàng hay đền đài kiên cố mà như người ở đây nói, là được lưu giữ trong lòng dân. Được tận mắt chiêm ngưỡng các báu vật trăm năm này là một đặc ân hiếm có mà dân làng và chính quyền ở đây dành cho đoàn chúng tôi. Theo ông phụ trách văn hóa xã cho biết, chỉ những ai được dân làng, chính quyền xã và thần linh cho phép thì mới được tận mắt, tận tay chiêm ngưỡng mà thôi. Đoàn chúng tôi gồm ba thầy giáo (thầy Hùng dạy toán, thầy Hồ dạy văn, hiện là trưởng phó phòng Giáo dục đào tạo huyện, thầy Ngọc nguyên là phó chủ tịch huyện phụ trách văn hóa giáo dục, một nhà báo và một nhà khoa học là tôi), tất nhiên là đã được dân làng và chính quyền hoan nghênh rồi, nhưng khó nhất là phải được thần linh cho phép. Muốn biết thần linh có cho phép hay không thì phải xin keo, một nghi thức tâm linh. Họ kể rằng, một đoàn do bí thư tỉnh ủy xin keo mãi không được phải quay về. Lại có đoàn do vị giám đốc Công an một tỉnh mà đến đây gieo quẻ xin keo mãi không được, xã và dân làng giao chìa khóa để vị đó tự mở két cũng không được đành về không.

Kho báu cũng như bàn thờ vua Hàm Nghi ở đây thật đơn sơ: Một ngôi nhà gỗ lợp tôn, giống như một cái lán rộng, không cửa đóng then cài, chia làm hai phần, một nửa đặt bàn thờ vua Hàm Nghi, một nửa là nơi ở của gia đình Đạo chủ, người được dân làng bầu lên theo tiêu chuẩn là một người cao tuổi đức cao vọng trọng, thanh bạch, song tồn (còn cả ông cả bà), con cháu hiếu thảo. Đạo chủ kỳ này là cố Phan Hiền, đã ngoại thất thập, được giao giữ kho báu. Khi chúng tôi đến, một người phụ lễ nổi một hồi trống dài rồi mọi người thắp hương lên bàn thờ vua Hàm Nghi. Sau khi phân ngôi chủ khách, lễ xin keo bắt đầu. Đạo chủ thắp hương khấn cầu trời đất, và xướng đến tên tôi, vì tôi được coi như trưởng đoàn. Sau đó là những lời chú dài mà tôi không hiểu gì cả, chỉ thỉnh thoảng nghe đến tên tôi được xướng lên. Sau ba hồi trống nữa đến phần xin keo. Đó là hai đồng tiền cổ giống nhau. Nếu gieo mà cả hai đều sấp thì chấm dứt. Nếu cả hai đều ngửa thì được gieo lại nhiều nhất là ba lần, nếu một sấp một ngửa thì được, nếu không thì lại theo luật như trên. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm nghi lễ tâm linh này, biết chắc là quy luật xác suất thôi mà, khả năng sấp ngửa là ½. Thế nhưng trong lòng cũng thấy một cảm giác rờn rợn khó tả… Hồi hộp, hồi hộp… nếu như… nếu như thần linh không cho thì sao nhỉ? Như người dân ở đây bảo, thần linh chỉ cho phép những người có tâm thanh sạch thôi. Mình cả đời làm khoa học giúp mình giúp đời, chẳng có dã tâm gì, chẳng hại ai… Nhưng biết đâu… Hồi trống đã dứt, hương được thắp thêm, khói thơm nghi ngút…Tôi nhắm mắt lại khi quẻ được gieo… Tiếng Đạo chủ cười vang sảng khoái: Được rồi, được rồi! Chỉ một lần gieo quẻ xin keo là được ngay. Mọi người reo vui, bàn luận, thật là hiếm có trường hợp nào chỉ một lần xin keo là được ngay như thế này… Nhà báo Phan Thanh Điểu đi cùng nhóm cười vui, bình luận “Chúng mình đều là những thầy giáo, nhà báo, nhà khoa học thanh tâm, tĩnh khí… thì thần linh phù trợ là đúng rồi...” Âu cũng là một điều tự an ủi!

Ông đại diện uỷ ban xã, người được giao giữ chìa khóa mở khóa tủ ngoài. Đạo chủ Phan Hiền giữ khóa két trong. Người phụ lễ trải tấm vải hồng điều lên bàn, tráp sơn mài đã sờn đựng báu vật vàng được bưng ra, đặt lên bàn.

Hai con voi vàng có bành, một con nghê màu đen mà theo Đạo chủ nói là đồng đen, một bộ lục lạc của Vua, lược cài đầu… Áo bào và gươm báu để ở một tủ khác. Tôi đặc biệt chú ý đến con nghê màu đen bóng, cầm lên tay thấy rất nặng, không thể là đồng được. Với tỷ trọng lớn thế này, theo cảm nhận nghề nghiệp, chắc rằng đây là một hợp kim vàng dù có màu đen. Tôi cũng loại trừ đây là Wonfram hoặc Uranium, những chất có tỷ trọng tương tự vàng, vì việc gia công tinh xảo như con nghê này thì với W hay U không thể chế tác được. Giá mà trong tay có một máy XRF cầm tay thì hay biết mấy, có thể biết ngay là gì. Tiếc quá vì nghe nói đến đồng đen nhiều, không tin, nhưng nay được cầm tận tay rồi! Xung quanh bảo vật mà vua Hàm Nghi ban tặng còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh tương tự khiến sự thiêng liêng càng nhân lên gấp bội. Năm 1936, một trong hai con voi vàng bị Lê Yêm, con trai Lê Triết (Đạo chủ đang giữ báu vật) mang sang Lào bán để lấy tiền mua đàn bò. Trên đường trở về Lê Yêm bị một con bò húc vào bụng chết ngay tại chỗ, kẻ đồng mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên ở nhà bỗng nhiên phát điên. Kinh hãi vì cảnh ấy, người vợ của Lưu Duyên đã chết đứng. Gia đình người Lào đổi con voi này cũng gặp họa, sau khi biết được tin này hoảng sợ, làm lễ mang voi vàng trả lại cho dân làng Phú Gia.

Đã 130 năm, qua binh đao lửa cháy, bom đạn chiến tranh ngút trời, bão lũ mưa nguồn khủng khiếp mà các báu vật chỉ được người dân cất giữ trong những lán trại sơ sài vẫn không hề suy suyển, có thể gọi là một điều kỳ diệu của đức tin tâm linh thánh thiện!
***
Chúng tôi rời kho báu khi Mặt trời đã xuống sau dãy núi Giăng Màn hùng vĩ. Sau một nghi lễ xin keo thành công có một không hai, đầy an ủi tâm linh, thầy Hùng trưởng phòng Giáo dục huyện đề xuất cả đoàn đến thưởng thức Cá Tràu Sông Ngàn Sâu bọc lá sim nướng để tự thưởng cho sự thanh tâm, tĩnh khí của các thành viên. Hương Khê là một thị trấn miền núi, có thể nói là đẹp nhất trên con đường Hồ Chí Minh ngàn dặm. Ở đây có nhiều chứng tích, kỳ quan thiên nhiên ẩn chứa niềm tin tâm linh huyền bí. Lại có nhiều đặc sản của núi rừng như cá chình khe núi, ba ba khổng lồ, mật ong rừng, rượu ủ men rễ cây rừng bí truyền…Và hơn nữa là trải nghiệm tâm linh đặc biệt khiến cho một người làm khoa học chỉ cực đoan tin vào khoa học như tôi giờ cũng ngộ ra rằng có những điều mà các nhà khoa học, với tư cách là một con người, chỉ có thể đặt niềm tin vào chúng, thay vì chứng minh chúng.
--------
1 The Omega Man, New Scientist 10-03-2001 P.V. Hưng lược dịch
2 David Hilbert 1862-1943 là một nhà toán học người Đức, được công nhận như là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng rộng lớn nhất của thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
CÁC HÌNH ẢNH CỤ TRẦN ĐÃ GỬI (EMAIL) ĐƯA LÊN BÀI:
Hồ Trầm Lâm không đáy
Khấn bàn thờ vua Hàm Nghi
Gieo quẻ xin keo
Một sấp một ngửa, thần linh cho phép rồi !
Thử cầm Voi vàng và Nghê đồng đen


Chuyện lạ ngày nay: VỢ CHỒNG TỶ PHÚ HÀ NỘI BỊ NHẦM LÀ ...ĂN MÀY !

Theo Giadinh.net.vn
VỢ CHỒNG TỶ PHÚ HÀ NỘI BỊ NHẦM LÀ ...ĂN MÀY !

Ở trong ngôi nhà năm tầng khang trang trung tâm Thủ đô nhưng vợ chồng ông Đinh Xuân Toàn ngụ phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) vẫn có thói quen khiến nhiều người tưởng là... ăn mày.

Kho thóc
Ngôi nhà năm tầng của gia đình ông Toàn khang trang bề thế mặt bằng 80m2, tổng diện tích đến 400m2. Dù được chủ nhà giới thiệu trước, nhưng khi lên tới tầng bốn, phóng viên không khỏi bất ngờ vì căn phòng chẳng khác gì một sân phơi thóc của nhà nông đang vào vụ mùa.
Bà Xuân đang tự mình vò thóc bằng chân, bên dưới là cả đống thóc vàng ươm, cạnh đó những bao thóc lớn nhỏ đóng kín kĩu kịt. Một góc khác, đống thóc nếp đã được quạt, còn phần hạt chắc mẩy. Phía trên tường, những bó lúa nhỏ chỉ còn phần ngọn, treo lơ lửng.
“Một thời gian trước, từ tầng hai lên tầng năm, các cầu thang của căn nhà đều có thóc cả. Nay thóc đã khô gần hết nên tôi đã bỏ vào bao bớt rồi. Số thóc này có khi bằng một gia đình nông dân thu hoạch cả mẫu ruộng. Anh thấy cả nước Việt Nam mình, chứ chưa nói đến ở riêng Hà Nội, rồi lại giữa lòng Thủ đô, có ai yêu lao động, mót được nhiều thóc như vợ chồng chúng tôi không?”, chủ nhà tự hào.
Kể về cơ duyên mà vợ chồng mình có nhiều thóc, bà chủ nhà cho biết: “Sau Tết Ất Mùi vừa rồi, vợ chồng tôi có nuôi năm con gà trên tầng năm để lấy thịt. Mỗi ngày chúng ăn cả kg thóc, chồng tôi phải đi khá xa mới mua được. Lúc này vợ chồng có dịp hàn huyên kể lại thời nhỏ đi mót lúa rất vui nên tôi rủ ông ấy đi cùng”.
Vào vụ chiêm của miền Bắc, vợ chồng ông bà chở nhau bằng chiếc xe máy Dream Thái lên tận Sơn Tây mót lúa. Bốn ngày, thành quả thu được 70kg thóc, rồi hết mùa, nên phải tạm nghỉ.
Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2015, nông dân lại bước vào mùa gặt nên ông bà tiếp tục niềm đam mê đi mót lúa. Càng mót càng ham, từ 4h sáng ông bà rủ nhau dậy chuẩn bị thức ăn, nước uống sẵn sàng lên đường. Vì không dùng liềm quen nên vợ chồng họ dùng kéo, mặc quần áo bịt kín cho đỡ nắng, đi từ sáng đến tối muộn mới về.
Nơi nào gặt lúa là ông bà có mặt, có ngày đi tới cả trăm km. Ước tính vụ vừa rồi, ông bà đi mót thóc 40 ngày. Hôm nào ít thì được 10kg, có ngày cao điểm lên tới 40kg, nhưng bình quân khoảng 25kg. Như vậy, ước tính ông bà mót được cả tấn thóc.
“Những vùng quê từ Sơn Tây, Đan Phượng, Hoài Đức… chúng tôi đều tìm tới cả. Thời xưa đói kém, nhiều người đi mót lắm, nhưng giờ ít hơn xưa. Người ta lại dùng máy gặt nên dễ sót lúa hơn vì nơi ngóc ngách máy không vớt tới gặt được. Thế mà ít người đi mót lúa lắm, mình đi mót dễ kiếm được nhiều lúa hơn xưa. Một kg thóc bán ở thị trường hơn 10 nghìn đồng, một tấn cũng được 10 triệu. Bốn mươi ngày, hai vợ chồng già này làm được 10 triệu cũng là một số tiền lớn đó chứ, chỉ tốn tiền xăng và da đen hơn”, ông lão cười khà khà.
Lần đến Phúc Thọ, có cụ ông 81 tuổi quan sát vợ chồng ông mót lúa. Hồi lâu, ông cụ móm mém gọi ông Toàn lên, đưa cho 10 nghìn đồng. Ông Toàn cười rồi giải thích vợ chồng mình đi mót lúa không phải vì mưu sinh. Cụ ông cảm động, mời bằng được bà Xuân ông Toàn về nhà chơi cả buổi.
Hôm 28/11, ông thử mang 40kg thóc mót được đi xay thì được 24kg gạo, nấu cơm ăn “ngon hơn gạo mua”. Ông nhẩm tính, Tết này không phải đi mua gạo nếp để gói bánh chưng hay nấu xôi nữa: “Số gạo nếp xay ra đủ dùng cả chục cái Tết”.
Bài học quý trọng hạt gạo
Ông bà có ba người con đều đã lập gia đình, kinh tế khá giả. Người con trai của ông bà chia sẻ: “Ban đầu, chị em chúng tôi phản đối gay gắt việc bố mẹ đi mót lúa. Tôi nói nếu muốn có thóc cho gà ăn thì tôi “tài trợ” toàn bộ. Chúng tôi lo cho sức khỏe ông bà, lỡ đau ốm, mọi người lại đánh giá không hay. Thế nhưng ông bà quả quyết làm, phân tích về sự vất vả của người nông dân làm ra hạt thóc vất vả ra sao. Hạt thóc quý trọng như thế nào?”.
Lúa đi mót về, trời nắng mới phơi được ở sân thượng, còn mưa thì phơi khắp nhà. Nhiều khi nhà lộn xộn nhưng vì tôn trọng bố mẹ, vui với niềm vui của bố mẹ, người con trai cũng chấp nhận, không một lời càu nhàu, thậm chí “vui lây”.
Bà Xuân cười, tiếp lời con trai: “Thông qua việc nhặt thóc, chúng tôi muốn dạy cho con cháu bài học quý trọng với hạt gạo. Đồng thời phải biết kiên trì, tiết kiệm, “năng nhặt chặt bị” mới khá lên được”. Từ việc phản đối chuyện bố mẹ đi nhặt thóc, những người con của ông bà lấy đó làm niềm tự hào.
Ông Toàn lại có nguyên nhân khác khiến mình luôn hào hứng đi mót thóc theo vợ: “Trước đây tôi là bộ đội, cả tháng mới được ở với bà ít hôm, giờ già, mình phải tận dụng thời gian để ở bên nhau. Có lần tôi mệt định ở nhà, bà ấy vẫn định đi một mình, tôi thấy thương lại lấy xe chở đi”.
Ông cho hay: “Công nhận là nhờ lao động, người mình khỏe lên trông thấy. Nay tôi đã hết bị đau lưng. Tôi thấy quyết định này của mình hoàn toàn đúng đắn. Vụ lúa tới chúng tôi lại đi. Chúng tôi tiếp tục với “nghề” này đến lúc nào sức khỏe yếu không đi nổi mới thôi”.
Theo Ong Vàng (Pháp Luật Việt Nam)

29 tháng 1, 2016

Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn

Theo VNExpress

Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn

Do ảnh hưởng không khí lạnh khiến toàn bộ Mẫu Sơn (Lạng Sơn) phủ kín màu tuyết trắng.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Nhiệt độ tại đây đang ở mức - 4 độ C.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Đỉnh Mẫu Sơn trông như góc trời châu Âu khi mùa tuyết về.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Cây cối “ngủ” vùi trong màu tuyết trắng.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Đêm rằm cuối năm, khu nghỉ dưỡng trên đỉnh Mẫu Sơn trở nên lung linh huyền ảo trong băng tuyết.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Ngôi nhà trong đêm những ngày tuyết rơi.

Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Con đường men sườn núi quanh co một màu trắng muốt.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Du khách háo hức trong niềm vui được chạm tay vào bông tuyết, cùng bạn bè lưu giữ những khoảnh khắc đón đông thú vị.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Quang cảnh nổi bật màu trắng do thời tiết mưa lạnh kéo dài.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Khu biệt thự nghỉ dưỡng trên đỉnh Mẫu Sơn trở nên huyền bí trong băng tuyết ở bậc cầu thang, bờ tường đá.
Mùa đông phương Bắc trên đỉnh Mẫu Sơn  
Ngôi nhà trong đêm những ngày tuyết rơi.
Nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, ở độ cao 1.541 m so với mặt nước biển, đỉnh núi Mẫu Sơn thu hút du khách khắp nơi trong nhiều ngày nay bởi băng tuyết phủ đầy.
Bài: Dương Thanh
Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lưu Minh Dân