28 tháng 4, 2018

ĐẠI BIỂU DƯƠNG TRUNG QUỐC

Xin được đăng lại từ fb :



ĐẠI BIỂU DƯƠNG TRUNG QUỐC

Quả thật tôi không biết
Phe đảng hay phe dân
Cái ông Dương Trung Quốc,
Nửa khôn, nửa cù lần.

Nửa thức và nửa ngủ,
Nửa bênh vực dân oan.
Nửa lại theo phe đảng.
Nửa dân và nửa quan.

Vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức
Ông chứng kiến ông Chung
Ký tờ giấy cam kết,
Ấy vậy mà, thật khùng,

Giờ ông nói cần thiết
Phải truy tố vụ này.
Thế cũng là lật lọng
Và bắt cá hai tay.

Hơn thế, ông ủng hộ
Việc xây nhiều tượng đài.
Tôi thực sự không biết
Cái ông này là ai.

PS
Người lúc đen lúc trắng,
Lẫn lộn và mập mờ,
Xưa nay, các cụ nói,
Là người rất đáng ngờ.


22 tháng 4, 2018

BIẾT LÀM SAO ?

Tôi vào Đình Làng (LSQL) gặp ngay "bảo vệ" cho biết:

We're sorry but the page you're looking for could not be found...
Biết làm sao ?

10 tháng 4, 2018

Bài văn viết về bố đạt điểm 10 của cô bé lớp 5

*Đăng theo VNExpress
Bài văn viết về bố đạt điểm 10 của cô bé lớp 5
Dùng phép so sánh với bố người khác, bé gái 11 tuổi ở Nghệ An đã làm nổi bật hình ảnh người bố đáng yêu.
Với đề bài Viết về người bố yêu thương của em, bé Nguyễn Phan Anh Thư, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) đã giành được điểm 10. Bằng hơn 500 từ viết tay trên 3 trang giấy ô ly, bé Anh Thư đã lột tả được tình cảm chân thành của người bố đối với con gái và cũng là tình cảm của người con đối với bố...
Ai cũng bảo “người em yêu nhất là mẹ và người yêu mẹ nhất là em nhưng em cho rằng điều đó không đúng. Người em yêu nhất là bố và bố là người yêu em nhất. Bố em là Nguyễn Kế Hiếu, 42 tuổi.
Bố em có dáng người thấp, đậm với cái bụng to, khác bố nhà người ta bụng thon 6 múi. Bố nhà người ta đầu bóng vì vuốt keo, bố em đây đầu bóng vì lâu ngày chưa gội. Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu "lầy".
Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là để hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ. Bố nhà người ta được cấp dưới ngưỡng mộ, bố em đây làm tài xế xe ôm cho các cô, các bác. Bố em còn thua xa bố nhà người ta.
Nhưng bố em sẵn sàng ký vào bản tự kiểm điểm của em mà không mách mẹ; sẵn sàng che giấu khuyết điểm của em; sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô; sẵn sàng thức đến 3, 4 giờ sáng đợi em làm xong bài và đi ngủ; sẵn sàng ngồi bên cùng em "cày" Toán khó mấy tiếng đồng hồ; sẵn sàng thức dậy sớm mỗi sáng để gọi em dậy, mặc dù bố còn thèm ngủ hơn em; sẵn sàng nhường em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích; sẵn sàng cho em mượn iPad vào cuối tuần với lý do là "cho nó giải trí thêm chút"; sẵn sàng đánh xe đến lớp đón em, cho dù phải bỏ một buổi họp quan trọng; sẵn sàng đấu hài với em, tán chuyện linh tinh cùng em để "giúp nó giảm stress"…
Bố em rất khéo năn nỉ mẹ đừng đánh em, hoặc nhận tội thay để em không bị mẹ mắng. Mấy câu ấy thường chỉ là mấy câu như: "Khiếp sáng sớm đài đã hát dân ca, cải lương hay vọng cổ rồi à?", "Trời đánh còn tránh miếng ăn nhé!", "Ê, hình như có Giọng hát Việt rồi kìa!",… đủ để nhắc khéo mẹ và em thoát nạn.
Nói thế thôi nhưng đối với em, một người bố như thế là tất cả rồi. Bố chả bao giờ khiến em buồn hay khóc. Bố luôn là anh hùng giải cứu em khỏi những trận lôi đình của mẹ, giúp em yêu Toán như xưa, giúp em đi học đúng giờ…
Cảm ơn bố rất nhiều! Con chúc "Papa" luôn mạnh khỏe, sớm hết bệnh tiểu đường và sống lâu mãi với chúng con, "Papa" nhé!

Bé Nguyễn Phan Anh Thư thích làm văn và tập võ. Ảnh: NVCC
Đọc bài văn của học trò, cô giáo đã phê: "Cô thích lắm. Bài viết của em đã đưa cô gặp một ông bố (một con người) hội tụ mọi điều xấu và tốt có thể có. Điều mà cô ngưỡng mộ nhất ở ông ta là cái tình của người cha với con và cái tình của con đối với ông. Bài viết có tài trong sử dụng phép đối sánh (đối chiếu và so sánh) để làm bật lên hình ảnh người bố. Cách tổ chức đoạn, bố cục chặt chẽ. Điểm 10 nhé, trò yêu!".
Anh Nguyễn Kế Hiếu (42 tuổi, bố của bé Anh Thư) kể, trước khi cô giáo trả bài thì đã được con gái thông báo có bài viết về mình, song nghĩ đó chỉ là những bài tập về nhà thông thường như những lần con gái viết về mẹ hay ông bà...
"Tôi bất ngờ vì con gái rất am hiểu công việc và tình cảm của mình với con. Tất cả những điều con gái viết là những gì có thật trong cuộc sống gia đình hàng ngày. Đọc xong mà nước mắt đã rơi vì xúc động", anh Hiếu kể.

Anh Thư (áo phông trắng) bên gia đình. Ảnh: NVCC
Là giám đốc một công ty về bảo hiểm có trụ sở tại Nghệ An, thi thoảng anh Hiếu dùng ôtô đưa đón cấp dưới đi làm. Vì vậy Anh Thư ví bố là tài xế xe ôm khiến người đọc không tinh dễ hiểu nhầm là bố làm nghề xe ôm.
Còn chuyện "bố mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn...", anh Hiếu giải thích có lúc bị vợ không hài lòng, như thi thoảng đi giao lưu với bạn bè vào bữa cơm tối nhưng không thông báo với vợ con khiến mọi người ở nhà phải đợi cơm. Đây chính là những lần mẹ "mắng bố" và được con gái chứng kiến...
Chị Phan Nguyệt Anh (mẹ bé Anh Thư) cho hay, con gái rất ham đọc truyện và có thể thức thâu đêm. Biết niềm đam mê của con, vợ chồng anh Hiếu đầu tư nhiều tiền để mua sách, cho con học thêm môn Văn. Ngoài ra, Anh Thư còn học võ, học đàn.
"Trước lúc thông báo với mẹ về kết quả bài văn thì con gái đã ra kèo rằng 'mẹ không được giận con khi đọc bài'. Tôi tự hào, cảm thấy bất ngờ về những điều mà con gái cảm nhận được trong cuộc sống", mẹ của bé Anh Thư nói.
***
Là người cho điểm 10 bài văn, cô Nguyễn Thị Lài (60 tuổi), giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu cho hay, đây là bài tập về nhà tại lớp dạy thêm của cô. Ngoài Anh Thư còn gần 20 bạn khác tham gia, song chỉ có một bài được 10.
"Bài văn của Anh Thư khác hẳn với bất kỳ bài văn mẫu nào có trong sách. Nó đem đến cảm xúc thực sự rung động về những tình cảm chân thành của một đứa trẻ nhìn về người cha", bà Lài nói.
Cái độc đáo, theo bà Lài, là ngay ở phần mở bài Anh Thư đã "đem bố ra để đặt cạnh mẹ, đem cái tình của người con ra đặt giữa bố và mẹ". Phần thân bài thì sử dụng phép đối sánh (đối chiếu và so sánh) để làm bật lên hình ảnh người bố. Còn phần kết thì mở ra một nét rất tươi sáng...
Cựu giáo viên đánh giá Anh Thư có năng khiếu về văn, học đều nhiều môn khác và rất có cá tính thể hiện qua việc đam mê võ.
Gần 40 năm công tác, đây là lần thứ hai nữ giáo viên cho điểm 10 môn Văn. Nhiều đồng nghiệp đánh giá, cô Lài chấm điểm rất chặt.

Nguyễn Hải

9 tháng 4, 2018

Xã hội đang sao nhỉ, con người tại sao lại vậy?

Xã hội đang sao nhỉ, con người tại sao lại vậy?
Theo VietNam net 09/04/2018  03:06 GMT+7
- Câu hỏi này năm ngoái, năm kia đã manh nha trong đầu tôi, đến hôm nay lại đậm hơn rất nhiều.

Từ chuyện ở trường học...
Cuối năm 2016, cả xã hội xôn xao vụ việc tại trường Tiểu học Nam Trung Yên Hà Nội. Xe taxi chở hiệu trưởng nhà trường vào sân trường gây tai nạn cho một cháu học sinh. Tư duy bình thường là nhận lỗi, nhận trách nhiệm, nhưng không.
Trước hết cứ là chối đã rồi tính tiếp. Rồi mới đây, cô giáo phạt trò bằng cách bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng. Khoan nói đến kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm mà trước hết cô cũng là một con người. Tình người ở đâu, đạo đức ở đâu khi cô hành xử như vậy?
Rất nhiều người nghĩ như tôi không biết nếu cô giáo đó có con, có cháu mắc khuyết điểm bị buộc uống thứ nước như vậy thì cô nghĩ gì, phản ứng ra sao? Rồi cô giáo 3 tháng liền không nói với trò trong lớp học.
Một kỷ lục không chỉ của riêng ta, mà có lẽ của cả thế giới. Mà trò cũng lạ, 3 tháng cứ vậy cũng không ai nói năng gì. Đến lúc có trò nói ra thì có vẻ như bị cô lập, vì như vậy đã làm ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường khi cấp trên xem xét.
Không thể hiểu nổi. Rồi chuyện cô phạt, bắt trò quỳ thì bố trò đến bắt cô quỳ. Trò đánh thầy, đâm thủng bụng thầy để trả thù. Phụ huynh  vào hẳn trường học hành hung giáo viên... Đấy là chuyện ở trường học.
...Chuyện trong bệnh viện
Trong bệnh viện cũng không ít chuyện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế. Thầy giáo và thầy thuốc  từ xa xưa vốn là những người được dân ta kính trọng nhất. Không thầy đố mày làm nên. Lương y như từ mẫu.
Giờ đây, quan niệm đó hình như bị lung lay đáng kể. Nhiều giá trị xã hội, nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội bị đảo ngược. Nếu như thầy đúng là thầy, bác sỹ đúng là bác sỹ thì có chuyện gì xảy ra không?
Thầy giáo và bác sĩ giờ đây có vẻ không còn nguyên vẹn như xưa. Trò lại càng quá trớn vượt qua làn ranh giữa trò và thầy. Và đặc biệt là người dân, rất dễ bất bình, rất dễ manh động đánh đấm khi không hài lòng.
Đến tướng công an và cả chuyện phong giáo sư?
Rồi chuyện mấy tướng công an bị bắt để điều tra. Cơ quan công quyền sinh ra để chống nạn cờ bạc, lại đích thân đứng ra tổ chức đánh bạc. Mà là cả một hệ thống bộ máy cơ chứ.
Khoan nói đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì ở đây sự đảo lộn giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức càng mãnh liệt hơn.
Về cơ bản, trong con mắt người dân, lực lượng công an phải là mẫu mực. Mẫu mực để bảo vệ pháp luật, bảo vệ dân.
Đôi khi, cũng có khuyết điểm, cũng có tỳ vết, nhưng vẫn có thể tha thứ, chấp nhận. Nhưng đến mức như vậy thì quả là quá nghiêm trọng. Câu hỏi vẫn cứ là sao lại thế nhỉ?
Rồi chuyện phong giáo sư nữa chứ. Cả một hội đồng quốc gia làm cái việc này bao năm qua, qua bao tầng nấc xét duyệt, riêng năm nay lại bị khơi ra chính thức. Mà khơi ra mới thấy nhiều cái sai, cái lố. Khoan bàn đến trách nhiệm các cơ quan nhà nước có liên quan, mà hãy xem những người vào cuộc phong hàm. Rất nhiều người xứng đáng. Có một số ít cũng rất xứng đáng nhưng không biết sao vẫn bị loại. Và có những người tìm mọi cách để lọt, cho dù không đáp ứng tiêu chuẩn.
Trộm nghĩ, mình không xứng giáo sư, tiến sĩ, nhưng bằng mọi cách đạt được, để rồi đi đâu cũng trưng ra thì cái liêm sỉ tối thiểu phải có đã biến sạch trơn. Cũng chả cần đạo đức cao xa gì, miễn đạt giáo sư là ok hết.
Đạo đức con người đang có vấn đề
Rồi chuyện... Vẫn biết, con người ta không phải là “thánh”, không thể không nhiễm bụi trần, nhưng cái bụi trần nhiễm đến mức như vậy thì quả là đáng lo ngại. Đạo đức con người đang có vấn đề, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đạo đức không phải cứ áp đặt bằng được là ra, không phải cứ qua các câu khẩu hiệu hoành tráng là đi vào lòng người. Đạo đức phải được chăm chút xây dựng trong từng gia đình, rồi từ gia đình đến trường học, rồi đến xã hội.
Quá trình này vừa tự nhiên thẩm thấu vào mỗi con người, vừa không hẳn tự nhiên theo nghĩa mọi người phải tuân thủ những cái chung của xã hội, những cái được xã hội coi là chuẩn, là đúng mực. Đạo đức xã hội là thước đo giá trị con người, không ngoại lệ,  cho người bình thường nhất cho đến những người có trọng trách cao nhất trong xã hội.
Với những gì đang diễn ra trong xã hội ta, nghĩ cũng tốt, cứ để nó bung ra mọi khuyết tật, mọi cái gọi là tiêu cực liên qua tới phạm trù đạo đức để xem ta đang ở đâu may ra còn có cách giải quyết phù hợp. Cái này mà không nhận ra thì coi như bó tay chấm com.