6 tháng 4, 2015

Chuyện bút mực, viết chữ trước đây và hôm nay

* Kể từ thời viết bút sắt, còn trước nữa thì các cụ Hán - Nho viết chữ bằng bút lông mực tàu trên giấy bản đã xa xưa nhiều rồi!
Bài đem về từ trên mạng ( Tác giả TrầnHuiềnÂn)

Từ cái “gô-đê” đến cây bút bi
Trước tháng 8 năm 1945, khắp Trung Kỳ chỉ ba nơi có trường trung học là Vinh, Huế và Quy Nhơn.
Các tỉnh khác thì tại tỉnh lỵ, huyện lỵ, nơi thị tứ đông dân có trường tiểu học, sơ học công lập, ở nông thôn có các trường công liên hương và hương trường. Những trường bậc tiểu học này cơ sở phòng ốc khác nhau, có thể chênh lệch một trời một vực, học cụ thì nơi này đầy đủ, nơi kia thiếu thốn thấy rõ nhưng bàn ghế học trò đồng nhất một kiểu.

Gô- đê vạn tuế!

Mỗi bàn đủ chỗ cho bốn trò ngồi. Mặt bàn có hai phần liền nhau. Phía sau hơi nghiêng nghiêng, phía trước phẳng, rộng khoảng một tấc, đục bốn lỗ tròn sâu xuống. Bên phải lỗ tròn là một rãnh hình chữ nhật. Lỗ tròn là chỗ đặt cái gô-đê (godet) đựng mực, mặt trên của nó ngang với mặt bàn, lòng sâu, miệng nhỏ có nút thông đậy kín. Rãnh hình chữ nhật đặt bút mực, bút chì cho khỏi lăn xuống theo mặt bàn nghiêng.
Học trò đi học ôm sách vở, bút thước trên tay. Không mấy đứa có cái cặp và có đủ bộ giáo khoa thư, gồm các sách Luân lý, Quốc văn, Cách trí, Toán pháp, Vệ sinh, mỗi đứa chỉ có một vài quyển, cần nhất là Quốc văn giáo khoa thư. Khỏi cầm theo lọ mực. Phải công nhận cái gô-đê đã có công lớn trong việc giúp cho đám học trò nhỏ không bị mực vấy đầy tay trên đường đi, không bị mực đổ ra bàn, dây vào sách vở. Vài ba hôm, thông thường là sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu, ông cai trường châm mực vào gô-đê. Cả lớp, cả trường viết một màu mực, tùy thầy giáo chọn, hoặc tùy ý thích của ông cai, mua mực về pha.
Buổi sáng nào cũng có tiết luân lý, lớp lớn 25 phút, lớp nhỏ 20 phút, thầy cô dạy về bổn phận đối với gia đình, đối với thầy giáo, đối với người lớn, phải biết yêu thương và giúp đỡ đồng bào, không hành hạ súc vật... Mỗi ngày có một câu cách ngôn được thầy chép lên bảng đen, học trò chép vào vở học, phía dưới hàng ghi thứ ngày tháng năm, coi như kim chỉ nam cho việc tu thân. Chiều thứ Tư và chiều thứ Bảy dành trọn buổi cho hoạt động thanh niên, tập cắm trại, truyền tin, các trò chơi, tìm dấu đi đường, hát những bài hành khúc hùng tráng... Thứ Năm và Chủ nhật nghỉ, làm bài ở nhà xong tha hồ vui chơi, không học kèm, học thêm gì hết.

“Khổ nạn” đổ mực

Sau tháng 8-1945 không biết cái gô-đê biến mất đi đâu. Đi học đem theo ve mực, thật là đa dạng, vuông có tròn có, cao có thấp có, đứa cầm tay, đứa cột sợi nhợ xách toòng teng, bên trong ve này mực xanh, ve kia mực tím, mua được màu gì dùng màu nấy. Đám học trò nhà quê này khờ khạo lắm, khi lớn lên, ra tỉnh mới biết có ông thi sĩ Nguyên Sa khi viết thư tình pha mực cho hợp màu áo tím. Những chiếc bàn mặt nghiêng vẫn còn, “tạo điều kiện thuận tiện” cho việc đổ mực. Thỉnh thoảng có đứa tìm đâu ra một cái gô-đê, trông thật sang trọng nhưng lạc lõng vì mặt bàn không có chỗ đặt gô-đê, thân hình nó lại chông chênh, càng dễ bị ngã đổ. Còn gì đau khổ chuyện các cô cậu học trò làm đổ mực. Dòng mực vô tình mà ác ý thong thả chảy qua trang vở ta vừa chép bài, làm bài xong, hoặc còn nguyên vẹn màu giấy trắng, triệt tiêu niềm hy vọng được điểm cao, được thầy cô khen, có khi văng lên áo quần, của ta đã đành, cả của bạn ngồi bên cạnh, gây lắm chuyện phiền hà, giận dỗi.

Sau năm 1954, chương trình học không thay đổi gì nhiều. Lúc ấy cây bút bi (đương thời gọi là bút nguyên tử) đã có mặt đầy dẫy trên thị trường mà đám học trò nhỏ cũng chưa thoát được cái khổ nạn đổ mực. Cái gô-đê đã bị “tuyệt chủng”. Học trò thành thị mang cặp, đi xe đạp, toòng ten một ve mực. Thầy cô cấm viết bút bi, sợ học trò hư chữ. Nhiều loại ngòi viết đó, tha hồ chọn, ngòi viết lá tre, ngòi viết bầu, ngòi viết ễn, ngòi viết rông... Cách một hôm có tiết tập viết, thầy cô viết trên bảng đen, học trò viết theo. Vài đứa méo miệng, oằn lưng uốn theo nét chữ!

Bút lá tre (Bút sắt chấm mực)

Quý phái như… bút máy!

Đậu đệ thất (lớp sáu), lên trung học coi như cá vượt một tầng cửa Vũ, đi học mặc đồng phục, nữ sinh áo dài trắng, quần trắng, buổi tan trường ùa ra khỏi cổng khác gì một đàn bướm. Thích nhất là được phép dùng bút máy. Thời trang là cây bút Pilot, phần đông dùng loại thân và nắp đồng màu đen mượt hay màu hạt dẻ, một vài đứa con nhà công chức, tư sản dùng loại nắp bằng kim loại đánh bóng ẩn chứa chút dáng dấp quý phái. Bút bi vẫn bị cấm, chỉ được dùng để làm nháp! Người học trò cũng nhận thấy chữ bút bi không đẹp bằng chữ bút máy, nó đều đặn quá và hình như có phần khô khan.

Thầy cô rất khắt khe với học trò, bài dơ, chữ xấu bắt chép lại, có lúc đứa học trò đang lấn cấn lo sợ thì nghe một tiếng “vù”, quyển vở đã bị thầy quăng qua cửa sổ, vậy mà không oán hờn chi hết, lớn lên gặp lại thầy, vui vẻ kể lể như là một thành tích của tuổi thơ. Mỗi thầy đến lớp đều có hai cây bút, một xanh một đỏ. Vài vị xài bút Parker cho mực xanh, bút 303 nét lớn cho mực đỏ. Trên trang vở học trò thầy tha hồ vẽ rồng vẽ phượng, chữ Đ (đúng) có thể tung hoành vùng vẫy chiếm một góc lớn, chỗ nào sai thì gạch xóa chồng chất, hằn chấn như để chứng tỏ sự giận giữ, con số điểm ngênh ngang bên lề có vẻ giống một người hùng toan tính hất tung trời đất. Học trò lại khoái những chuyện ấy, bình luận với nhau một cách đắc chí.






Bút bi lên ngôi và...

Theo quy luật tự nhiên của sự tiến hóa, dần dần số phận cây bút bi đã được thay đổi. Sau năm 1975 thầy trò đều chuộng nó nhưng không hoan hỉ lắm, bởi đó là loại bút bi tận dụng, hết mực thì ra góc đường bơm tiếp. Đôi khi nó cảm thấy bị bóc lột quá sức, không chịu nhả mực nữa, ì ra đó, ai muốn làm gì thì làm, học trò làm chứ, đưa lên miệng thổi và trên môi lại dính mực. Đôi khi từ trong ngòi nó tuôn ra một vết mực dẻo, chặm thấm mãi chẳng khô.

Một thời gian khó đi qua. Bút bi Việt Nam đổi đời vươn lên. Với đủ màu sắc, kích thước, kiểu dáng, bút bi đã làm một cuộc “cách mạng” đánh đổ cả bút chấm mực và bút máy. Những Kaolo, Pilot, Waterman, Parker v.v... không còn trên túi áo quý thầy, trong ví tay quý cô. Học trò dùng bút bi là chuyện đương nhiên, đâu thấy thầy cô nào sợ học trò mình bị hư chữ. Thế là thoát được cái đại nạn làm đổ mực. Học không kịp thở, ra cua này vô cua khác ngay, bị đổ mực thì chắc hẳn có cảm tưởng: Chết còn sướng hơn!

Bây giờ học trò làm bài, chép bài có phần tự do, nhiều khi chữ o chưa đủ tròn, giống như chữ c, u và n viết y chang, dấu sắc cũng nằm ngang như dấu huyền, thầy cô phải chọn cái đúng của chúng mà cho điểm. Chữ Đ (đúng) của thầy không còn vùng vẫy nét son, con số điểm không còn ngang dọc một phương nữa. Trông nó nhỏ bé, ngay thẳng, đôi khi như khép nép! Không phải đâu, đó là kỷ cương, thể hiện đức tính khiêm tốn các bậc trồng người muốn làm gương cho thế hệ nối tiếp. Thầy cô không phải là ông hoàng bà chúa trước học trò, không có chuyện đập mặt bảng đôm đốp, thước khẻ tay, roi quất đít, xé vở học trò xoành xoạch, quăng vù vù như hồi... Nam triều học chánh và chế độ cũ.

Ôn cố tri tân, nghĩ chuyện mai sau cây bút bi rồi sẽ ra sao. Hiện tại nó đã bớt phần đắc dụng. Người ta gửi thư cho nhau qua meo (mail), viết bằng máy tính, cả bác sĩ cho toa cũng vậy, hết kêu là chữ bác sĩ khó đọc. Học trò sẽ mỗi đứa mang một cái laptop đến lớp, mở ra để trước mặt, bàn tay gõ phím ghi chép, bài làm được chấm bằng máy, xem kết quả trên mạng. Nơi cõi vô hình nào đó, những anh bút chấm mực, bút máy, gô-đê sẽ gọi anh bút bi lại, bảo rằng: Này, kẻ hậu sinh! Nay cũng thất nghiệp rồi, hãy đến đây cùng các bậc trưởng thượng luận đàm thế thái nhân tình!
Trần H. Ân (Pháp Luật)


3 nhận xét:

  1. Mấy năm vừa qua có nhiều lớp dạy viết chữ đẹp, nhưng chỉ có số ít cháu học. Bố mẹ các cháu phần đông nghĩ là sau này toàn gõ trên máy tính thì cần gì phải học viết chữ đẹp nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bút mực ngày nay xếp xó rồi
      Chỉ còn thi thoảng bút bi thôi.
      Gõ máy nhiều hơn là tay viết
      Xem ra mọi thứ chỉ nhất thời !

      Xóa
  2. Chúng tôi có cả 1 cộng đồng , sử dụng , mua bán và sưu tầm viết mực :

    https://www.facebook.com/groups/butmay/

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]