23 tháng 5, 2013

" DẪU KHÁC CHÚA, KHÔNG KHÁC LÒNG YÊU NƯỚC "

Theo: Thanh Niên

Văn nghệ chủ nhật 19 / 5 (TNO)
“Dẫu khác chúa, không khác lòng yêu nước”
19/05/2013 03:25
Câu chuyện cảm động giữa Võ Tánh và Trần Quang Diệu trong cuộc công hãm thành Quy Nhơn cách đây hơn hai trăm năm đã lần đầu tiên được đưa lên sân khấu ca kịch bài chòi bởi Đoàn dân ca kịch Bình Định.
Kịch bản thơ của Văn Trọng Hùng được viết một cách chắt chiu và sâu sắc. Đạo diễn - NSND Hoài Huệ được coi là một đạo diễn biết tìm tòi cách thể hiện sự khác biệt để không vở diễn nào giống vở diễn nào.
Dàn diễn viên của Đoàn dân ca kịch Bình Định gồm nhiều diễn viên có tài và có kinh nghiệm, họ muốn thể hiện chiều sâu tư tưởng của vở diễn bằng kỹ năng diễn viên nhuần nhuyễn của mình.

Ở cõi thiên đàng, Võ Tánh và Trần Quang Diệu thành đôi bạn tri kỷ
(cảnh trong vở Khúc ca bi tráng) - Ảnh: Đào Tiến Đạt
 
Nhưng, với tất cả những điều đó, vở diễn Khúc ca bi tráng cũng chưa chắc đã “hút hồn” được khán giả, nếu nó không có...


Đó là hai bậc anh hùng vị nghĩa thương dân. Đó là tấm gương của hòa hợp và hòa giải dân tộc: Hãy bắt đầu từ nhân dân, và đích đến cũng là nhân dân, chúng ta sẽ gặp nhau



Vâng, nếu nó không có chính câu chuyện bi thương mà nó thể hiện. Nếu nó không có hai nhân vật đối địch từ hai phía của một cuộc chiến mà “dẫu ai thắng thì nhân dân cũng bại” nói theo một ý thơ của Nguyễn Duy. Tính bi kịch nằm trong tình huống kịch, nhưng khả năng “giải bi kịch” lại nằm trong nhân cách của hai nhân vật chính: Võ Tánh và Trần Quang Diệu.
Võ Tánh đã theo Gia Long từ những ngày đầu khởi nghiệp và ông là một dũng tướng từng lập nhiều võ công, là em rể của Gia Long, được Gia Long gả em gái mình cho.
Trần Quang Diệu theo Nguyễn Huệ từ ngày “áo vải cờ đào” trên đất Tây Sơn và đó là một dũng tướng trung thành đến giây phút cuối cuộc đời theo lý tưởng của Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Họ là hai con người nghĩa khí, và đặc biệt, là hai con người biết yêu thương nhân dân.
Chúa có thể khác, nhưng nhân dân thì không khác. Nhân dân chỉ một.
Trần Quang Diệu vâng mệnh vua Cảnh Thịnh công phá thành Quy Nhơn, không hẳn vì ông coi Cảnh Thịnh là “chân chúa”, mà vì nghĩa vụ của người làm tướng và của vị tướng thân cận với hoàng đế Quang Trung đã băng hà.
Võ Tánh vâng mệnh Gia Long giữ thành Quy Nhơn vì đó là một địa điểm chiến lược trong hành trình thu phục giang sơn của Gia Long, và cũng vì chính nhân dân và quân sĩ ở trong thành Quy Nhơn. Võ Tánh muốn bảo vệ họ.
Và đây mới là “nút giải” của bi kịch: chính Trần Quang Diệu khi công phá thành Quy Nhơn cũng vì muốn bảo vệ sinh mệnh và cuộc sống của nhân dân trong thành. Không bao giờ ông coi những người dân trong thành Quy Nhơn là kẻ thù của mình cả.
Nhân dân đã thành điểm gặp nhau trong tư tưởng của hai võ tướng từ hai phía đối địch, và cách cư xử với nhân dân đã quyết định nhân cách hai con người mà lịch sử đặt họ vào thế đối đầu nhau.
Võ Tánh, trong tình thế ngặt nghèo, đã quyết định treo cờ trắng, mở cửa thành với một điều kiện: quân công thành không được đụng tới sinh mệnh của bất cứ người dân nào trong thành.
Trần Quang Diệu chấp nhận lời đề nghị cao thượng của Võ Tánh, chính vì ông cũng rất yêu thương nhân dân mình. Và trước cái chết do tuẫn tiết của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Trần Quang Diệu đã vô cùng xúc động. Ông coi họ là những người anh hùng, là nghĩa sĩ dám coi cái chết nhẹ tựa lông hồng khi bảo vệ nhân dân. Ông đã lệnh cho an táng họ như những người anh hùng. Và trước đám quân sĩ quy hàng của Võ Tánh, Trần Quang Diệu đã cho phép họ: ai muốn theo ai thì theo, kể cả theo lại quân Gia Long, còn nếu không muốn theo ai thì có thể về quê nhà sống như những thường dân. Đó là một hành xử đại nghĩa của một bậc trượng phu.
Chính vì thế, trong màn coda (kết) của vở diễn, từ một cõi khác mông lung, Võ Tánh và Trần Quang Diệu lại tái ngộ. Họ đã trở thành đôi bạn tâm giao. Họ đã hòa giải từ chính bi kịch của cuộc đời mình. Và họ lại tiếp tục thể hiện lòng thương dân yêu nước như thuở còn tại thế:
Cả một đời vì trăm họ giang sơn
Dẫu khác chúa không khác lòng thương dân yêu nước
Trải năm tháng những gì mất được
Mặc đời sau thiên hạ luận bàn   
(lời Võ Tánh)
“Thiên hạ” đã luận bàn thế này: đó là hai bậc anh hùng vị nghĩa thương dân. Đó là tấm gương của hòa hợp và hòa giải dân tộc: Hãy bắt đầu từ nhân dân, và đích đến cũng là nhân dân, chúng ta sẽ gặp nhau. 
Thanh Thảo
Mộ Võ Tánh ở Quy Nhơn-Bình Định

Tượng thờ Trần Quang Diệu
* Hà Nội : Có phố Trần Quang Diệu thuộc Q.Đống Đa, gần hồ Đống Đa.
- TP HCM (SG) : Trước 1975 có 2 đườngVõ Tánh; nay đổi tên là đường Hoàng Văn Thụ Q. Phú Nhuận và đường Nguyễn Trãi qua Q.1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]