20 tháng 11, 2014

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi tròn tuổi 80; nghỉ hưu trên 20 năm. Từ trung tuần tháng 11 đã có các sinh hoạt kỷ niệm 20 / 11. Gặp mặt cựu học sinh, gặp mặt bạn bè giáo chức ...
Đặc biệt trong gia đình, các con cháu trực tiếp hay gián tiếp là học trò của người Thầy - là Ba (Bố), là Ông. Bởi có trường hợp con học trường chuyên của quốc gia (ĐHTH HN) hay lớp chuyên, chọn mình không dạy khóa học đó; hay nay các cháu đang học mà tôi- là ông, đã nghỉ hưu; nhưng trong các con có trường hợp tôi vừa là Ba, vừa là thầy dạy toán và chủ nhiệm lớp suốt 3 năm THPT, nay con gái-học trò đã trên 20 năm làm kỹ sư XD, cùng bạn bè kỷ niệm ngày nhà giáo VN tại HN, viết FB (facebook) chúc mừng 20/11.
Nhân đó tôi "chép" (copy) lại một số bài mới viết hay đã viết của con, cháu, bởi đó là điều thực nhất không tô vẽ điểm trang gì, chúc mừng Ba, chúc mừng Ông với tuổi 80 nhân ngày 20 / 11.
 Xin được đăng tải 3 lời viết trong gia đình.



·        * Thanh Nhàn (con gái) viết 20 – 11 – 2014:
(Dược sĩ ĐH)
Người thầy đầu tiên
Mình nhớ có truyện ngắn rất hay  "Người thầy đầu tiên" trong tập truyện "Giamilia- Truyện núi đồi và thào nguyên", (Ba mình vẫn giữ cuốn này bản in tiếng Việt lần đầu ở nhà Ba) nhưng bài viết này viết về Ba mình, người thầy đầu tiên của mình.
Ba mình là thầy giáo dạy Toán, nhưng lại rất yêu văn học, nên cái gen mơ màng của mấy anh chị em nhà mình là từ Ba. Hồi xưa nhà mình có 1 cái thư viện mini, ở cái xã nghèo đói thời đó là một sự xa xỉ, mình còn nhớ hồi đó anh trai mình còn được đặt báo thiếu niên tiền phong cơ. Trong cái thư viện đó thì mấy cuốn đầu tiên mình đọc được là "Kho tàng truyện cổ tích Việt nam" của Nguyễn Đổng Chi, thơ Tố Hữu mẹ hay dùng ru em út, và có cuốn "Nhỏ anh nhỏ em" tả được ăn xoài thoải mái làm mình thèm rỏ dãi. 
Ba quí cái thư viện đấy lắm, thường chăm chút nó, và giữ gìn cẩn thận lắm, mình phục nhất là Ba đi đâu về nhìn qua giá sách biết ngay đứa nào đã lấy đi cuốn nào.
Nhưng thực ra những câu chuyện thì Ba dạy cho mình từ khi mình còn chưa biết đọc, mình nhớ Ba hay bảo bọn mình nhổ tóc bạc, thưởng = cách kể chuyện, câu chuyện thường được yêu cầu kể đi kể lại là "ba nàng công chúa tóc vàng" nói về nhà vua có công chúa út quí cha như muối nên bị vua cha đuổi đi, sau đó vua ăn cơm ko có muối ko chịu được mới nhớ con út và tìm con ra sao.
Có một bài thơ mình thường được yêu cầu biểu diễn hồi 3 tuổi, đó là bài "Phụ tử tình thâm", hồi đó cứ có khách đến chơi lâu lâu là mình nhớ mình được đứng trên cái giường ở gian ngoài, khoanh tay lại, và đọc bài thơ đó, dài ra phết, sau này mình quên mất 1 số câu nên nhờ Ba chép lại cho mình vào 1 cuốn sổ. Mình định đem ra dạy con nhưng ko được, chắc tại mình ko đủ kiên nhẫn như Ba, hoặc trẻ con bây giờ có quá nhiều thứ để chơi.
Học hết tiểu học ở quê thì mình lên thị xã Thanh Hóa ở với Ba để học cấp 2,3, mình học 1 năm lớp 6 ở Điện Biên, lên lớp 7 thì sang học chuyên Toán Ba Đình (hồi đó chuyên bắt đầu từ lớp 7 thôi). Cấp 3 thì học chuyên Toán Lam sơn.
Cái hồi mình bị ăn "tát" (*) của Ba nhiều nhất chính là năm lớp 7, năm đó mình mới học chuyên Ba Đình xa nhà, thường đi bộ khoảng 2-3km gì đó, nên thi thoảng Ba mình đạp xe đi đón. Nhưng mà tréo ngoe làm sao là cứ mỗi lần Ba đi đón là mình lại ko đi đúng tuyến đường Ba chỉ định mà lại đi vòng theo con đường về nhà 1 cô bạn rồi từ đó đi bộ 1 mình về nhà, cô bạn vì hay muốn mình đi cùng theo đường về nhà cô ý nên lại cũng hay chèo kéo mình.
Cứ hôm nào Ba đi đón ko thấy mình đâu, 1 hồi sau mới thấy mình đi bộ về là mình bị ăn "tát", thế mà vẫn ko chừa, lúc đó nghĩ Ba sao coi thường mình thế, đi đường khác thì có sao đâu, mình vẫn về đến nhà đấy thôi.
Sau này có con mới thấm thía câu "có con mới hiểu lòng cha mẹ"- nàng út nhà mình có hôm ghé nhà bạn cùng khu chơi, chồng mình chạy lên chạy xuống 5 lần trong trường, rồi mình bảo anh nhờ bác bảo vệ loa thông báo, mình ngồi nhà gọi điện thoại khắp nơi theo cái danh bạ của lớp, mãi mới dò ra nàng ý, ấy là mình có điện thoại, con thì học ngay gần nhà đấy, huống chi thời đó mình học xa tới 3km, Ba đạp xe giữa trời nắng đi đón ko thấy con đâu thì đúng là vừa lo vừa cáu thật.
Năm lớp 7 còn có chuyện khác khiến mình hay bị mắng nữa, ấy là mình thường xuyên bị trừ điểm bẩn, hồi đó thầy chủ nhiệm tên Giao, luôn luôn cho mình 9 điểm và phê chữ "bẩn" - đến mức mình nhớ như in những bài kiểm tra đó, thường xuyên 9-bẩn. (mà sao những năm học trước mình ko bị trừ nhỉ, đến mức mình có cảm giác hình như thầy ghét mình cơ, hic)
Thế là hè năm lớp 7 đó, Ba bắt mình luyện chữ, luyện trình bày, sau 1 kỳ nghỉ hè chữ mình đẹp hẳn ra, và lên lớp 8 học thầy Mễ ngon lành, chả thấy bị trừ điểm bẩn bao giờ, hihi, có lẽ lại phải cảm ơn thầy Giao đã tạo động lực khiến Ba yêu cầu mình luyện chữ.
Có 1 điều là mọi người cứ nghĩ mình học chuyên Toán, mà ba dạy Toán thì chắc Ba kèm mình, thực chất là Ba chưa dạy mình môn Toán bao giờ, Ba chỉ mua sách cho mình giải thôi, cuốn đầu tiên hình như là 'Em yêu giải toán" hồi cấp 1, trong 5 anh chị em thì mình học chỉ thua anh trai, mọi người còn đồn là nếu mình là con trai chắc cũng ko kém cạnh anh đâu, hihi, động viên nhau ý mà.
Ba mình nắm khá rõ học lực của các con mà định hướng, và cực kỳ sư phạm, (trừ việc tát con), mình nhớ Ba có thể giảng giải trò chuyện hàng buổi về một vấn đề gì đó, rất tỉ mỉ chi tiết, bây giờ mình nhiều khi lười hay bảo con google cho nhanh, cơ bản là giờ có nhiều thứ mình ko biết thật.
Mình cũng nhớ khi có các bác bên nội đến chơi (hồi đó đến chơi được là cả một kỳ công, đi lại còn khó khăn mà) thì mình rất thích ra ngồi hóng chuyện, Ba và các bác đọc thơ văn, bàn chuyện nhân tình thế thái, lúc tiếng Việt lúc tiếng Pháp lúc tiếng Hán Nôm, mình thấy thật uyên bác.
Một điều nữa là Ba cực kỳ ngây thơ trong sáng theo đúng nghĩa của nó, đến mức cháu mình viết văn tả là "Người em yêu quí nhất là ông ngoại em, ông ngoại em già rồi nhưng vẫn rất xì tin", còn con gái mình vẫn nhớ sự vụ Ba mình khoe là giờ Ông đã đi chợ và phân biệt được cam và quít, chơi cờ với lũ cháu trai khi lũ cháu bảo "cháu là bố tướng", thì Ba mình cũng hô to "thế thì ông là bố của bố của bố tướng" hihi, và Ba mình có cáu thì em gái mình nó vẫn bò lăn ra cười, chả sợ gì hết, vì biết tính Ba cáu đấy rồi lại vui đấy được.
Hôm nay chỉ viết vài thứ vui vui về Ba vậy cho up tinh thần, sau này có gì lại viết tiếp.
Tối nay con qua nhà Ba chơi nhé.
(*) "Tát" chỉ là cái "bợp" nhẹ tỏ ý nhắc nhở việc cần chú ý đừng tái phạm.
·        * Con gái Thanh Vân (trên facebook):
                      (Kỹ sư XD)
Chúc người Thầy đã sinh ra con, dạy năm chị em con thành đạt cho tới ngày nay, thật tự hào khi có người Thầy là Ba. Chúc Ba mạnh khỏe, vui vẻ và đi du lịch được nhiều nơi như Ba mong muốn.

         * Cháu Vân Trang viết về Ông:
+ Năm học 2006-2007, Vân Trang đang học Tiểu học lớp 5 – Trường Hoàng Diệu  Hà Nội. Cháu làm văn tại lớp viết về một người thân (bố, mẹ, ông, bà) , bài văn được cô giáo cho 9 điểm.
+ Năm nay 2014, sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường chuyên ngữ ĐHQG Hà Nội, cháu đã đến Phần Lan học đại học. Hiện cháu đang là sinh viên Trường ĐH công lập KYMENLAAKSO, TP KOUVOLA - ĐH khoa học ứng dụng quản trị kinh doanh-quốc tế, cách Helsinki 130 km.

          ÔNG NGOẠI CỦA TÔI (*)
(*) Bài làm văn lớp 5, năm 2006.
Ông tôi đã ngoài 70 tuổi, nhưng hình như trong ông vẫn còn một nét tươi trẻ gì đó. Đối với tôi, ông là một thầy giáo và là người ông rất đặc biệt.
Mái tóc ông đã bạc phơ. Trên khuôn mặt đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, đôi mắt ông ánh lên nét hiền từ, nhân hậu. Đôi mắt đen và nhỏ ấy vẫn còn nhìn rất rõ. Trên đó là cặp kính đã gắn bó với ông suốt mấy năm trời. Khi dạy các anh chị lớn học, ông quả là một thầy giáo mẫu mực và nghiêm khắc.Vầng trán cao, rộng rộng giống như Bác Hồ vậy! Giọng nói của ông nhẹ  nhàng, ấm áp. Lúc lên bổng, lúc xuống trầm. Mỗi lần đến nhà ông chơi ông lại nở nụ cười với mẹ con tôi để lộ hai hàm răng còn khá đều. Ông mặc trên mình bộ quần áo màu xanh kẻ sọc, trông ông trẻ ra hơn nhiều. Thân hình ông cân đối thật đấy! Ông có một sức khỏe tốt vì mỗi sáng thức dậy ông hay cùng bà đi tập thể dục. Ông rất yêu con, yêu cháu. Thỉnh thoảng ông ra xếp đồ chơi với chị em chúng tôi rất vui. Bàn tay ông gầy , xương xương nổi lên những đường gân xanh. Tuy nhiên ông cũng khéo tay lắm! Có lần ông trổ tài món thịt luộc, ăn mà thấy ngon ghê! Dáng đi của ông khoan thai từ từ. Mỗi khi có bài gì khó tôi thường nhờ ông giảng hộ. Nghe ông nói một lúc là tôi hiểu ngay!
Bạn biết không, tôi rất yêu ông. Mỗi khi có bánh kẹo gì ông liền chia đều cho cả nhà. Ông luôn là người mà tôi yêu quý và kính trọng.
* Em của Vân Trang đang học THCS Lê Quý Đôn HN cũng viết về ông ngoại với câu: "Người em yêu quí nhất là ông ngoại em, ông ngoại em già rồi nhưng vẫn rất xì tin".

Cháu Vân Trang khi còn học tiểu học

Cháu Vân Trang- THCS, học pianô
Ga hàng không Nội Bài: Tiễn cháu đi học tại Phần Lan



4 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn vu song thu.
      BA_ÔNG_THẦY GIÁO LÀ ĐÂY
      MÁI ĐẦU TÓC BẠC NGHỀ NÀY VẪN SAY !
      Chúc mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam!

      Xóa
  2. điều khâm phục nhất của tôi đối với cụ là cụ đã đào tạo và giáo dục cả con và cháu đều thành đạt! đó là điều hạnh phúc nhất của ngề thầy giáo! chúc 2 cụ luôn vui khỏe cùng con cháu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ chao quelam thân mến. Có thể thế hệ chúng ta đậm hay vừa phải đều ý thức đào tạo con người theo phép tắc TU, TỀ, TRỊ, BÌNH (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Thân mà tu chưa đạt thì gia sao mà an bình vinh hạnh? Gia có vẻ vang tốt lành thì mới nói đền trị quốc. Ra làm việc nước mà gia đình "lủng củng", "lộn xộn", " nát" ... thì còn gì mà ngồi ghế công vụ? Nước có hùng cường, có thịnh thì mới nói đến có vai trò quốc tế, xứng đáng bàn việc thiên hạ. Dường như gần đây "chủ nghĩa" làm đảo lộn xây nhà từ nóc?! Ra rả chủ nghĩa quốc tế .rồi mới chủ nghĩa quốc gia, rồi mới nhớ vai trò gia đình khi đó mới nghĩ đến con người, hô hào học tập đạo đức tác phong ... thì ôi thôi muôn hết tất cả. Và rồi lại gào cật lực chống tham nhũng, giữ gìn đạo đức tác phong !

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]