8 tháng 11, 2013

Tiếp: KỂ CHUYỆN ĐI NHẬT (V) D



4*- GIAO THÔNG VÀ CÂY XANH NHT
a/ GIAO THÔNG: Phải nói họ xây dựng hệ thống cầu đường bến bãi nhà ga và tổ chức giao thông quá tuyệt vời. Không bao giờ có xe đi nguợc chiều trên cùng một làn. Ý thức sắp hàng thứ tự thường trực như một lẽ đương nhiên nên không hề có xảy ra chen lấn, cướp đường. Không thể kể hết các cầu vượt và các hầm chui trên các chặng đường để tránh xe đụng độ ngược chiều. Hôm chúng tôi trên đường lên núi Phú Sĩ đường phải qua số hầm chui xuyên qua núi không còn muốn đếm nữa và bao giờ cũng làn đi chui hầm này thì làn về chui hầm khác, trong một hầm chỉ một chiều xe chạy. Với những hầm dài, cứ một khoảng nhất định lại có nơi thoát hiểm, biển báo rõ ràng. Trong hầm và mặc dầu xe chạy nhanh tôi vẫn kịp chụp ghi hình biển báo chỗ thoát hiểm. Cả ở những nơi núi cao, bến tàu, bãi đỗ xe vẫn quy định rõ ràng. Trên đường các vạch biển chỉ dẫn luôn được sơn rõ nổi vạch trắng không chỉ ở thành phố mà ở tất cả mọi nẻo đường. Các trạm thu phí đều sử dụng công nghệ điện tử, từ xa báo tốc độ xe chạy chậm cần thiết, máy ghi nhận, và sắp qua trạm cần chắn tự động bật lên cho xe qua, không phải dừng một giây nào.
Nói đến nhập cảnh, đến nhiều nước chịu cảnh mất rất nhiều thì giờ. Nhật làm cực nhanh và cực chuẩn. Mỗi người đến lượt, bước đến quầy làm thủ tục, ngay trước mặt mình có một màn hình vừa đủ (cỡ chiếc Ipad hay nhỉnh hơn chút ít), sau khi đưa hộ chiếu kèm visa, mặt nhìn vào màn hình, hai ngón trỏ nhấn vào hai nút sẵn ở phần thấp dưới màn hình, mặt mình hiện lên rõ nét, đồng thời dấu vân tay hai ngón trỏ đã được thu ghi. Nhân viên hải quan đối chiếu giây lát, và OK, tất cả chừng không quá 1 phút /người. (Không cần hỏi đáp- bỏ qua ngôn ngữ khác nhau, ở nhiều nơi gặp bế tắc hỏi- đáp)
Nước Nhật, tai nạn giao thông thấp nhất thế giới và con số tai nạn gỉảm dần hàng năm. Họ luôn coi trọng an toàn mọi mặt. Điện dùng ổ cắm giắc bẹt (khe cắm nhỏ hơn) không dùng giắc tròn. Đến Nhật mà có sử dụng đầu cắm tròn là chịu luôn (phải đem theo ổ cắm đổi).
Nhật khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng. Đi làm bằng xe tàu công cộng được tài trợ. Có người đi làm xa hàng mấy trăm km, bằng tàu siêu tốc chỉ chừng một giờ. Nếu dùng ô tô riêng phải chịu nhiều cước phí thuế má rất cao cực tốn kém nên ô tô trên đường ít dày đặc như VN. Đi ta xi cực đắt nên du khách chẳng ai dám hỏi đến. (Vả lại cũng không biết tiếng). Xe máy rất ít. Và thường là xe khủng (phân khối lớn) chạy chung đường ô tô, loại này nói chung là vượt ô tô. Thành phố lớn (kể cả Tokyo) vẫn có xe đạp, dùng vào các nơi dành cho đi bộ (vỉa hè- không hề có hàng quán) hay phố đi bộ nơi có thể cho đi xe đạp. Tự khoá dựng bên đường khi cần để xe lại.
Một số hình ảnh tôi ghi lại được.


                                              Hệ thống cầu vượt chằng chịt
                                             Không chuộng nhà cao tầng
                                               Nhà ga đi tàu siêu tốc
                                                Nơi thoát hiểm trong hầm chui
Xe đi chui hầm này, xe về chui hầm khác (Xe chạy theo luật đường bên trái)
 Hình ảnh cầu vượt khắp nơi
 Luôn gặp hầm đi, hầm về khác nhau trên đường đi Phú Sĩ
 Cầu qua sông cạn- Dưới sông sạch sẽ
 Các vạch - biển báo rõ ràng
 Đường luôn sạch sẽ

b/ CÂY XANH Ở NHẬT:
Đất nước nhiều rừng nhưng quốc sách của họ là bằng mọi giá giữ rừng nguyên vẹn không xâm hại rừng. Cần gỗ, Nhật mua của nước ngoài, chẳng hạn mua của Cămpuchia. Gìn giữ rừng để giảm thiểu tổn thất do động đất, núi lửa khi có thiên tai.
Phần lớn nhà dân nhỏ gọn, chỉ 2 tầng. Các thành phố không chuộng nhà cao tầng, chỉ trừ thủ đô Tokyo. Dẫu nhà cao tầng, dọc theo đường phố rất coi trọng trồng cây xanh, nên tại thành phố vẫn không có cảm giác bị bê tông hoá. Ngoài các loại cây mà chúng ta quen thuộc ở các công viên, đền, chùa như thông, tùng, phong lá nhỏ, và anh đào đặc trưng của Nhật, cây xanh trồng theo các đường phố còn có cây ngân hạnh (còn gọi là bạch quả -ginkgo biloba). Ngay tại Tokyo dọc theo con phố đi bộ tôi ghi được mấy hình ảnh cây trồng rất đẹp. Có thể nói thành phố hiện đại vẫn xanh bóng cây xanh.


                                             Cây xanh ở khu mua sắm Gotemba
                                                                Siêu thị Gotemba
                                                  Cây xanh dọc các đường xe chạy
                                                   Cây xanh đường phố thủ đô Tokyo
    VẠCH ĐƯỜNG LUÔN RÕ RÀNG CHUẨN XÁC - MỘT GÓC PHỐ THỦ ĐÔ TOKYO
Giữa Tokyo vẫn có vườn cây bóng mát tương tự vườn bách thảo HN

TƯ LIỆU CÂY BẠCH QUẢ (NGÂN HẠNH) lấy trên mạng:

Bạch quả (tên khoa học: Ginkgo biloba; 銀杏 trong tiếng Trung, tức là ngân hạnh hay 白果bạch quả), là loài cây thân gỗ duy nhất còn sinh tồn trong chi Ginkgo, họ Ginkgoaceae.

          Tại một ngã tư ở Tokyo, xe dừng đèn đỏ; Fiohantb chụp gần một cây ngân hạnh (thân dưới) và chú bé Nhật đi xe đạp phía hè đường. Một xe đạp khác khoá phía ngoài. (Giờ ở Nhật lúc đó 10:25)





Hình ảnh lấy trên mạng:

                                                                          Lá ngân hạnh
                                                                         Cây mùa xanh lá
                                                                             Mùa quả
Mùa thu lá vàng
Dưới những tán ngân hạnh rực rỡ
Với người Nhật Bản, cây ngân hạnh (còn gọi là rẻ quạt) là loài cây thiêng. Lá cây ngân hạnh là biểu tượng chính thức cho thủ đô Tokyo từ tháng 6/1989, mang ý nghĩa của vẻ đẹp, sự thanh bình, phồn thịnh và phát triển.
Ở Nhật Bản, người ta trồng nhiều ngân hạnh trên các đường phố, đại lộ, đền chùa, lăng mộ cổ. Chớm thu, hàng ngân hạnh lá xanh mướt mắt, chuẩn bị cho mùa lá đổi màu. Cuối thu, chớm đông, ngân hạnh bắt đầu chuyển màu lá. Vào khoảng cuối tháng 10, cả rừng lá ngả màu dần từ xanh sang vàng óng rồi đỏ rực. Những chiếc lá rẻ quạt lộng lẫy, tung mình theo gió như những đôi chân thiên nga trên bầu trời thu xanh thẳm đã tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp cho đất nước này. Cây rẻ quạt rụng lá vàng là hình ảnh phổ biến trên khắp đất nước Nhật trong những ngày thu.

              Với người Nhật Bản, cây ngân hạnh biểu tượng cho sự bền vững và trường tồn. Ảnh: epochtimes.

Thiên nhiên dành nhiều ưu đãi cho xứ sở Phù Tang. Mùa xuân về, cả đất trời tràn ngập sắc thắm hồng, trắng, đỏ của hoa anh đào thì khi mùa thu đến, người ta lại được thoả mãn ngắm bản hoà tấu thiên nhiên với các sắc màu của lá: đỏ của lá thích, lá phong, vàng rực của ngân hạnh và xanh rì của thông.

Người Nhật thường dành những ngày nghỉ phép trong năm vào dịp đầu đông, khi rừng cây chuyển lá, thời tiết chưa lạnh lắm để cùng gia đình và bạn bè tổ chức những chuyến dã ngoại, leo núi ngắm thu tan.
           Cây ngân hạnh được trồng ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Ảnh: epochtimes

Ở Nhật Bản, người ta dùng gỗ của cây ngân hạnh để chạm trổ, chế tạo bàn và các con cờ, những vật dụng trong buổi trà đạo hoặc các vật dụng trên bàn thờ, chùa miếu và làm giấy. Quả của nó được dùng tươi hay nấu chín. Quả ngân hạnh có vị dịu, khi nấu chín ăn tựa như hạt dẻ, thường được dùng để thay thế hạt sen. Quả ngân hạnh trong các buổi trà đạo là món tráng miệng. Quả nhuộm đỏ được sử dụng trong các buổi lễ, dọn ăn trong đám cưới, giúp tiêu hoá, giải rượu. Ngoài ra, nó còn được để làm bánh, kẹo hoặc giấm và chế biến như một loại rau. Quả được nướng, luộc hoặc hấp với trứng, trộn với cháo, ăn với cơm, nấm, rau và đậu phụ. Dầu hạt quả dùng làm nhiên liệu thắp đèn. Lá cây với nhiều dược tính được chế làm thuốc, sắc uống hoặc chế biến thành trà.

Nhờ hình dáng lạ, màu vàng đẹp mà lá ngân hạnh được người Nhật sử dụng làm dải đánh dấu trang vừa rẻ vừa trang nhã. Hình dáng lá cây được sử dụng nhiều nhất trên áo kimono, khăn quàng, khăn tay, đồ trang sức như khuyên tai, dây chuyền, cài áo, huy hiệu của gia đình, trường học, thành phố là motip phổ biến trên các tấm gốm, lọ, tranh vẽ, tranh khắc gỗ, sơn mài, dệt may và in ấn.

                     Dưới tán cây rực rỡ. Ảnh: epochtimes.

Khi mùa thu khoác chiếc áo dịu dàng và yên tĩnh trên mọi nẻo đường, người dân Nhật Bản lại hoà mình trong sắc vàng được thêu dệt bởi muôn ngàn lá ngân hạnh.

Yutaka
Theo VNExpress
Cây ngân hạnh mùa thu trên đường phố Seoul Hàn quốc (ảnh trên mạng)

3 nhận xét:

  1. Tôi đã ngắm kỹ các tấm ảnh của cụ trong các bài và qua bài viết tôi biết thêm về đất nước, con người của Nhật Bản.
    Cây Ngân hạnh có lá đẹp, tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi Tây An TQ, gỗ ngân hạnh còn được tạc tượng Phật.
    Cảm ơn cụ rất nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn thanhmai vu. Luôn mong cu TM đôi chân lành khoẻ trở lại tốt lành như xưa, để lại có thể vững chắc dẻo dai đi DL đây đó. Vài năm qua số các cụ bị yếu chân (vì lý do này hay lý do khác) làm cho việc đi tua của Hội Ql giảm sút nghiêm trọng. Liệu có thể phục hồi phong trào?
      Tôi đã có chuyện trò cùng cụ chao quelam về chuyến Nhật du của tôi. Tôi không muốn chỉ một mình biết một mình mình hay nên đã phải rải ra các entry thành nhiều kỳ (chia ra các phần) và gắng tả khá rõ nét, một chuyến đi đến đất nước Mặt trời mọc không dễ như ở trong nước, cố gắng "phát huy" cho giảm bớt giá thành, nếu được như vậy là một thành công (Chứ không nhằm phô khoe điều gì khác cả). Cảm ơn các cụ các bạn đã có xem bài viết và hình ảnh.

      Xóa
  2. Những bức ảnh tuyệt vời, ngắm mãi không chán, cụ chụp rất chuyên nghiệp. Hồi sang đó tôi cùng cháu Hương Lan cũng hay đi xe đạp khi đi gần và nhất là từ nhà ra ga tàu điện. Tôi có ảnh khoe cụ đây này:
    [img]http://4.bp.blogspot.com/--YN790FrC84/Un-wPPTqzXI/AAAAAAAAHE0/Ry5cqeZpW8c/s640/IMG_0516.jpg[/img]

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]