21 tháng 9, 2013

QUỐC HOA 10 NƯỚC ĐÔNG NAM Á



Quốc hoa của 10 nước Đông Nam Á
Bắt nguồn từ biểu tượng của nhà vua thời Trung cổ ở châu Âu, quốc hoa là loài hoa biểu trưng cho một nước, được mọi người dân yêu thích. Ở mỗi nước quy định, ý nghĩa về quốc hoa lại khác nhau.

1-
Myanmar, hoa dáng hương mắt chim
Quốc hoa của Myanmar là hoa padauk (Pterocarpus indicus), loài hoa thơm mọc thành chùm nhỏ màu vàng. Theo quan niệm của người Myanmar, loài hoa này là biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và sự lãng mạn. Hoa padauk đóng một vai trò không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống và tôn giáo ở xứ sở Chùa Vàng.

2- Indonesia với hoa nhài, lan mặt trăng và hoa xác thối
Indonesia có đến ba loài hoa được coi là quốc hoa. Hoa nhài tượng trưng cho sự cao quý và tinh khiết. Hoa lan mặt trăng là một loài hoa phong lan đẹp mọc phổ biến ở Indonesia. Hoa xác thối là loài hoa đặc hữu chỉ có trên đảo Sumatra, nổi tiếng thế giới với kích thước khổng lồ và mùi tương tự như một miếng thịt thối.

3- Philippines với hoa nhài Ảrập
Loài hoa này có màu trắng, các cánh tỏa ra hình ngôi sao với hương thơm ngọt ngào đặc trưng. Xuất hiện trong các truyền thuyết, truyện dân gian và các bài hát của Philippines, hoa sampaguita được coi là biểu tượng của sự tinh khiết, khiêm nhường, giản dị và sức mạnh.

4- Brunei với hoa simpor
Hoa simpor (dillenia suffruticosa) có cánh lớn màu vàng tươi. Loài hoa này thường được tìm thấy dọc theo các con sông ở Brunei, đặc biệt là sông Temburong, và cả các khu vực đầm lầy hoặc cát trắng. Hình tượng hoa simpor xuất hiện rộng rãi trong các mẫu mã thủ công truyền thống của Brunei và được đưa lên đồng tiền 1 dollar của quốc gia này.

5- Thái Lan với hoa muồng hoàng yến
Những người dân Thái coi màu vàng của loài hoa này như là màu sắc của Phật giáo và sự vinh quang. Hoa ratchaphruek cũng tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của người Thái.

6- Campuchia với hoa rumdul
Hoa rumdul (mitrella mesnyi) có màu vàng nhạt, hình dáng tròn trĩnh. Hoa có hương thơm đặc biệt quyến rũ trong đêm tối, bởi vậy mà trong nhiều thế kỷ người phụ nữ Campuchia thường được ví von với loài hoa này. Thường được trồng làm cảnh ở nơi công cộng, hoa rumdul có thể được bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước Campuchia.


7- Malaysia với hoa râm bụt
Hoa râm bụt (hibiscus rosa-sinensis), loài hoa 5 cánh có màu đỏ tươi đại diện cho 5 nguyên tắc quốc gia - triết lý quốc gia của Malaysia trong việc tăng cường đoàn kết và hòa giải dân tộc, trong khi màu đỏ tượng trưng cho lòng quả cảm. Loài hoa này được trồng trên khắp đất nước Malaysia.

8- Việt Nam với hoa sen
Hoa sen (nelumbo nucifera) tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của con người trước mọi nghịch cảnh. Hình tượng hoa sen có vai trò rất quan trong trong các công trình kiến trúc, điêu khắc và tác phẩm văn học nghệ thuật trải dài trong nhiều thế kỷ của người Việt.


9- Singapore với hoa lan "miss joaquim"
Xuất hiện trước công chúng từ năm 1899, loài này hoa mang tên của chính người tạo ra nó, một phụ nữ làm vườn mang tên Agnes Joaquim. Với vẻ đẹp sắc sảo, phong lan miss joaquim đã chinh phục trái tim những người yêu hoa và được trồng rộng rãi trên đảo quốc sư tử.

10- Lào với hoa đại (champa)
Đối với người dân Lào, dok champa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa dok champa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện.



4 nhận xét:

  1. Cảm ơn cụ đã cho biết quốc hoa của 10 nước Đông Nam Á. Hồi trước hình như cụ KyGai đã đưa quốc hoa của các nước, nhưng nhiều quá và lâu rồi nên không còn nhớ nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cụ. Tôi không rõ cụ KyGai có đưa tin về quốc hoa như thế nào và từ bao giờ. Entry nêu trên chỉ đưa lên quốc hoa của 10 nước Đông Nam Á. Còn trên thế giới thì tôi cũng không nắm bắt được. Có lẽ còn phải tìm hiểu thêm.

      Xóa
  2. Cụ FIOHAN có biết "quốc tửu" của những nước nào, xin giới thiệu cho Làng nhé!. "Quốc tửu" của nước ta là Rượu gì?. Tôi chỉ biết rượu "Cuốc lủi" đi với món ăn "đậm đà bản sắc dân tộc" là TC thì rất ... hợp. Chả lẽ "quốc tửu" của ta lấy tên chung là Rượu "Cuốc lủi" (để cho khỏi mất thời gian tranh cãi như chọn "quốc hoa"). Cụ nhỉ.
    Vì dân ta ai cũng biết ngắm hoa, chứ có phải ai cũng biết ... uống rượu đâu mà bầu chọn!.(Mà có giao cho "Hội đồng LL TW" (về "quốc tửu" chịu trách nhiệm tuyển chọn có khi chỉ tốn ...rượu và rất nhiều tiền của, công sức mà chẳng có lợi gì).

    Trả lờiXóa
  3. Câu hỏi của cụ 3B rất thú vị. Chúng ta có quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc hoa, quốc phục, quốc hồn, quốc tuý, thì quốc tửu đang được Bộ VH-TT-DL đề nghị thứ rượu nếp cái hoa vàng, mà ở Ninh Bình đã đặt tên là rượu Kim Sơn. Kể ra VN cũng có các tên rượu (tửu) có tiếng khác như Làng Vân, Anh Đào(Phú Diễn),Bàu Đá (Bình Định), Mẫu Sơn(Lạng Sơn), v.v.. Nga có Vodka, TQ có Mao Đài, Mỹ có Whisky, Nhật có Sakê, Hàn có Shochu v.v.. Nghe đâu đang có đề nghị cả quốc bánh (bánh chưng); còn quốc kế dân sinh thì không biết ở đâu?

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]