1 tháng 7, 2014

Cận cảnh săn đặc sản đắt như vàng trên đảo Quan Lạn



Cận cảnh săn đặc sản đắt như vàng trên đảo Quan Lạn
Được sự ưu đãi của thiên nhiên, đất đảo Quan Lạn, Quảng Ninh có một món đặc sản nổi tiếng khắp miền Bắc - món sá sùng (hay còn gọi là địa sâm, giun biển).
Từ thời xa xưa, sá sùng đã là món đặc sản quý hiếm tiến cống cho vua chúa. Người ta cho rằng ăn sá sùng có thể giúp tăng cường sinh lực.
Trên đảo Quan Lạn chỉ có 2 bãi biển có thể săn bắt sá sùng là bãi Quan Lạn và bãi Minh Châu.
Mùa khai thác sá sùng (người dân đảo Quan Lạn gọi là con mồi) từ tháng 3 đến tháng 7. Người dân lựa đúng dịp con nước xuống thì ra bãi đào bắt.
Khoảng 7 giờ sáng, những người phụ nữ đảo Quan Lạn đã tỏa ra bãi biển để bắt đầu một ngày săn sá sùng.

Mỗi người phụ nữ mang theo 1 cái mai và chiếc rổ nhỏ để phục vụ việc đào bắt. Hễ nhìn thấy dấu hiệu tổ sá sùng là họ nhanh tay cắm sâu chiếc mai xuống đất.
Dưới lớp đất cát, con sá sùng tròn mẩy lộ diện...
Với mức giá 4 triệu đồng/kg sá sùng khô, một ngày đào bắt sá sùng có thể mang về tiền triệu cho người phụ nữ này. Chẳng vậy mà người ta nói đặc sản sá sùng đắt như vàng ròng! Thậm chí, do việc săn bắt nhiều khiến số lượng sá sùng giảm đi nên người có vàng chưa chắc đã mua được.

Công việc săn sá sùng là chuỗi động tác di chuyển - đào bắt lặp đi lặp lại trên bãi đất cát từ 7h sáng đến đầu giờ chiều.
Trên cả bãi biển rộng mênh mông, tôi chỉ thấy những người phụ nữ mải mê đào bắt. Hỏi han một chị mới hay đàn ông trên đảo không tham gia công việc này. Chị nói vui là con sá sùng thấy nam giới thì tự nhiên tụt mất hút. Tuy nhiên, lý do thực sự có lẽ là những đàn ông trên đảo đã quá bận rộn với những chuyến đi biển.
Hiện nay, do săn bắt nhiều nên thông thường mỗi ngày một người phụ nữ chỉ kiếm được dăm lạng sá sùng tươi. Người dân trên đảo Quan Lạn đã ra quy định bất thành văn, là chỉ được dùng mai đào bắt chứ không được dùng các loại máy móc cơ giới để duy trì nguồn lợi từ sá sùng.
Những con sá sùng bắt về sẽ được tập kết tại một gia đình chuyên chế biến, sấy khô. Người dân cho rằng, đó là sự phân công công bằng mỗi người một việc, người khỏe đi đào bắt còn người không bắt được thì ở nhà chế biến.
 

Nhìn những người phụ nữ phơi mình trên bãi biển bắt từng con sá sùng, tôi nghĩ rằng cái giá vàng ròng cũng thật xứng đáng!
Những con sá sùng được lộn ruột, rửa sạch cát rồi sấy bằng than tổ ong trong nhiều giờ tới khi khô, có màu phấn trắng nhẹ.
Sá sùng khô được phân loại thành các nhóm với chất lượng khác nhau. Trong ảnh là sá sùng khô loại 2 có giá 3,5 triệu đồng/kg. Sá sùng tươi có thể xào chua ngọt, chiên hay nướng. Sá sùng khô chiên là món ăn tuyệt vời của dân nhậu. Vị ngọt tự nhiên thêm chút đậm đà của biển khiến cho sá sùng trở thành món đặc sản nổi tiếng bậc nhất.

Theo Đào Lý
                                                                                                                         Infonet
* THÊM VÀI HÌNH ẢNH: 

CON SÁ SÙNG (GIUN CÁT BÃI BIỂN) 


Đĩa sá sùng khi đã sạch sẽ tinh tươm
 
SÁ SÙNG KHÔ

** THÊM HÌNH ẢNH VỀ CON RƯƠI : (Góp chuyện với cụ Hồng Phương)
CHẢ RƯƠI


7 nhận xét:

  1. Không biết giá trị của nó đến đâu, nhưng nhìn hình thù của con vật này thấy ghê ghê, khó nuốt lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những thực phẩm (nhất là hải sản) ban đầu trông rất "ngại" (ghê ghê, sợ sợ...) nhưng khi đã biết và "quen" thì lại thích ,có khi "mê". Như RƯƠI chẳng hạn, trông nó có khác gì con rết ! Nhưng là đặc sản. Sá sùng cũng vậy . Cụ nên làm quen, có khi lại "nghiện ".

      Xóa
  2. Mãi đến năm 1973 tôi mới biết SÁ SÙNG, nhưng chưa rõ như bây giờ. Ấy là tôi có anh trai, năm đó gia đình ở Hồng Gai- Quảng Ninh. Năm 1972 Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt đính điểm là các trận B52 đánh bom huỷ diệt Hà Nội tháng12-1972; anh tôi đưa mẹ tôi sơ tán lên tận Móng Cái nhưng cụ đã mất cuối năm 1972. Đầu năm 1973, Mỹ ký ngừng ném bom và hoà bình trở lại miền Bắc. Hết năm học 1972-1973 tôi đăng ký lên Bộ Giáo dục nhận coi thi và chấm thi tốt nghiệp cấp 3 (THPT) tại Hồng Gai -Bãi Cháy với mục đích là xong nhiệm vụ kỳ thi thì tôi đi ngay Móng Cái. Khi đó còn đi bằng tàu thuỷ dọc theo biển Hồng Gai-Móng cái. Hoàn thành công việc về thi tốt nghiệp c3 tại Hồng Gai, Ty (Sở) và UBND tỉnh Quảng Ninh tặng quà cho chúng tôi mỗi người 1/2ký SÁ SÙNG khô. Tôi biết đến sá sùng từ đó.

    Trả lờiXóa
  3. Hình như nước mỳ mằn thắn hay phở cho sá sùng vào thì mới ngọt phải không anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy vu song thu ạ. Các tiệm phở HN, Nam Định truyền thống thường có sá sùng cho thêm vào nồi nước dùng (khoảng 4, 5 con) cho có thêm vị ngọt riêng bổ sung nước dùng ngon hơn chỉ do hầm xương. Sá sùng là một đặc sản của VN .

      Xóa
  4. Thầy ơi, cả đời em sợ 2 lọai này lắm, em không dám nhìn chứ đừng nói ăn. Cô Ngà bạn em 1 lần bảo cho em mấy con sá sùng để nấu phở, em hốt quá, từ chối ngay, thà ăn phở không ngọt còn hơn ăn giun biển. Con rươi thì cả nhà, trừ em không ăn, còn đều khen ngon. Chị gái phổ biến tháng 9 , tháng 10 nếu người lớn hay trẻ con ốm vặt thì phải ăn rươi sẽ khỏi. Từ hơn chục năm nay bon trẻ con LLy thời gian tháng 9,10 ốm vặt ăn là khỏi. Bây giờ rươi cũng đắt lắm chứ đừng nói sá sùng. Người ta có câu :" Tháng chin đôi mươi, tháng mười mồng năm ". Nghĩa là 2 tháng này toàn ốm RƯƠI thôi. Nhiều trẻ con BK đã dùng cũng khen NGHIỆM lắm. Chào thầy !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mọi thứ đều có thể "trước lạ sau quen" chị Tuấn Nga ạ. Dân VN vùng biển có nhiều thứ hải sản đặc biệt lắm. Năm ngoái chúng tôi đi Cù lao Chàm ( Hội An) khi bơi ngắm san hô, cậu HDV lặn bắt vài con hải sâm sống (ở độ sâu 5 m) đưa lên mọi người xem trông như con đỉa mập tròn căng sờ vào như quả chuối chín nẫu ! Thế mà hải sâm quý lắm đó!

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]