Posted on 08/09/2013 by
nghiemluongthanh
Ngọc Thạch
Trước khi tìm hiểu thế nào là “bắc kim thang, cà lang bí rợ”, tôi xin
kể lại một câu chuyện cổ tích mà mình nghe được trong chuyến đi công việc tại
Long Xuyên khoảng 5 năm trước. Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần
80 tuổi, tụ tập cháu chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện.
Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới
ở đây. Chuyện kể như sau:
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.
Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc,
anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò
mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm
trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẩy của con người.
Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẩy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn
báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải
thoát cho chúng.
Vài ngày sau, hai con chim cùng bay
đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được
hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch,
cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma này
chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ
tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh
khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi
vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói
anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán
dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ.
Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán
dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không
ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ,
lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời
hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say sỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên.
Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền
bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị
bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh
bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày
sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le
le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma
để tiễn biệt một người chết oan.”
Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ
mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối
là:
Chú bán dầu, qua cầu mà té.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Thực chất là để diễn tả lại câu
chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính
là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là
một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là
từ miền Tây Nam bộ.
Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim
thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt
nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là
hình tam giác cân.
Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre
dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất,
cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái
kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai
thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau
bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành
một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.
Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là
chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang
bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn
quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bắt ếch ở bốn câu sau.
Cả bài đồng dao này được viết lại
dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho
đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải
thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim
thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn,
tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là
ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường
Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát
là:
Bắt kim than, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.
Tuy nhiên cách giải thích này lại
khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.
Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm
nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng
dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu
có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
Ngọc Thạch
Câu chuyện rất hay về tình bạn giải thích cho câu hát thật tuyệt, cám ơn bác đã cho đọc. Chúc bác cuối tuần khỏe.
Trả lờiXóaCảm ơn Rose. Không muốn đau đầu nhiều vì các chuyện biển đông, khoan TQ ; các chuyện tranh chấp vùng miền trên thế giới như Nga-Ukraine dẫn đến thảm họa máy bay MH17 bị bắn hạ trên vùng trời Ukraine làm mất sự sống của 298 con người vô tội! ... đành "thư dãn" với các chuyện cổ tích, đồng dao. Tôi nay không còn làm thơ nên cũng không biết "bình" thơ của các bạn như thế nào nữa.
XóaChúc mọi người sức khoẻ.