Sau
35 ngày rong ruổi vượt hơn 1.700 km, khoảnh khắc chạm tay vào cánh cổng Dinh
Độc Lập khiến Lê Tiến Dũng sung sướng đến tột độ.
Gầy và đen nhẻm, chàng kỹ sư công nghệ thông tin sinh năm
1989 chia sẻ, đến giờ anh vẫn chưa lấy lại được cân nặng như trước khi khởi
hành và thỉnh thoảng vẫn giật mình tỉnh dậy lúc 3h sáng. Một tháng sau chuyến
đi, Dũng còn ám ảnh những buổi sáng dậy sớm để chạy, cái nắng bỏng rát của miền
Trung hay lần ôm bụng đói đi ngủ vì không tìm được quán ăn.
Hoạt động chạy bộ nâng cao văn hóa đọc của Dũng nằm trong dự
án Sách và Hành động do một nhóm bạn trẻ yêu sách khởi xướng tại Hà Nội. Trên
hành trình từ Bắc vào Nam, Dũng đã ghé thăm 4 trường đại học, gặp gỡ sinh viên
để nói chuyện về sách và giúp họ xây dựng tủ sách, câu lạc bộ sách. Trước đây,
từng có nhóm bạn trong dự án của Dũng chạy xuyên Việt, tuy nhiên lần này chỉ
một mình cậu chạy. Chuyến đi cũng là cơ hội để Dũng trải nghiệm và khám phá đất
nước, con người Việt Nam trước khi du học vào năm tới.
Dũng bảo cũng muốn có đông người cùng chạy, nhưng anh không
thể tìm ai, phần vì các ứng viên e ngại chuyến đi không có tài trợ. Cuối cùng,
sau nhiều lần thuyết phục, Dũng có bạn đi cùng là sinh viên tên Nam đang chờ
tốt nghiệp.
Nam đi xe máy chở theo đồ đạc, tìm nhà trọ, lo bữa ăn và cả
động viên tinh thần cho Dũng trong suốt chặng đường dài. Cả hai phải tự bỏ tiền
túi để trang trải tiền ăn nghỉ dọc đường. Tổng cộng, chi phí cho chuyến xuyên
Việt của Dũng và Nam tốn khoảng 30 triệu đồng.
Thời điểm từ lúc chuẩn bị đến khi chạy thực sự, Dũng chỉ có
hai tháng tập luyện. Không có nhiều thời gian do bận đi làm, Dũng tranh thủ
sáng dậy sớm chạy 3 vòng quanh khu nhà, sau đó tăng dần lên 15-20 vòng. Hôm nào
được về sớm, cậu lại xách giày ra công viên chạy. Muốn dành toàn bộ thời gian
và sức lực cho thử thách lần này, Dũng quyết định nghỉ việc ở ngân hàng.
Ngay trong ngày xuất phát (11/5), tại gò Đống Đa (Hà Nội),
thể lực của Dũng chưa đạt mức tốt nhất nhưng cậu không muốn hoãn vì lùi lại sẽ
mãi không bao giờ hoàn thành mục tiêu.
Những ngày đầu chưa quen dậy sớm, Dũng chạy 8 tiếng một
ngày, sáng từ 5h đến 8h và chiều bắt đầu từ 17h đến 22h. Khi đã quen hơn, cậu
tăng giờ chạy thành 12 tiếng mỗi ngày và dậy từ 4h sáng. Trung bình một ngày
cậu chạy khoảng 50 km, hôm nhiều nhất là 70 km. Sau một ngày mệt mỏi, Dũng dùng
hai loại nước khác nhau để ngâm rồi massage chân. Dũng cho hay, chạy thật khác
hẳn so với hình dung trước đây và khác xa so với lúc luyện tập.
Nhớ lại chặng đường đầy thử thách đã qua, Dũng không quên
lần phải truyền nước ở Nghệ An. Mệt mỏi, đói khát lại bị tiêu chảy do không
quen đồ ăn, Dũng nôn rồi lên cơn sốt phải vào bệnh viện truyền
nước. "Hôm ấy là lúc em chán nản nhất. Nhiều khi em nghĩ mình chạy
thế này làm gì nhưng nhờ có Nam động viên, em đã vượt qua được tâm trạng khủng
khiếp ấy. Bình tĩnh lại, em nghĩ, khó khăn chỉ đến như thế là cùng", Dũng
kể.
Nhắc đến người bạn đồng hành tốt bụng, Dũng cho biết nếu
không có Nam, chưa chắc cậu đã hoàn thành được chuyến đi trong thời gian 35
ngày. Theo kế hoạch, Nam đi trước Dũng tầm 5-7 km. Đến chặng nghỉ, cậu sẽ pha
đồ ăn protein bằng nước lọc cho Dũng và mua cơm bụi để hai anh em ăn tối. Thông
thường, Nam mua suất cơm đầy đặn hơn cho Dũng hoặc đôi khi nhường cơm cho bạn.
Chạy đến Huế, tính sẽ vượt đèo Hải Vân mới nghỉ nhưng trời
đã khuya, đường tối, cả hai quyết định dừng lại. Tìm không thấy nhà nghỉ, hai
anh em đành vào một quán game ngủ nhờ. Ở đó không bán đồ ăn, đồ ăn vặt mang
theo lại hết nên Dũng và Nam phải nhịn đói đi ngủ để sáng hôm sau vượt đèo sớm.
Từ đó rút kinh nghiệm, Nam mua cơm từ đêm hôm trước để sáng hôm sau Dũng có cái
lót dạ.
Dũng tâm sự, chạy buổi tối rất nguy hiểm vì các phương tiện
thường không chú ý nếu người chạy không mặc áo phản quang. Đến Bình Thuận, Dũng
bị xe máy đâm từ phía sau nên ngã nhào xuống đường và rách chân. Hôm ấy, Dũng
không thể hoàn thành cây số đặt ra. Dọc đường đi, thấy một chàng trai chạy bộ
giữa trời nắng hay khoác áo mưa dầm mình trên đường, nhiều người dân tò mò.
Theo Dũng, mỗi khi chán nản, nhận được điện thoại của bạn
bè, người thân hỏi thăm hay món quà bất ngờ từ những người mới quen, cậu càng
thêm quyết tâm hoàn thành hành trình. Cậu giữ kín chuyến đi này với gia đình và
nói vào Sài Gòn có việc. Chỉ đến khi Dũng đã chạy được vài hôm, bố mẹ mới biết
và gọi điện.
Không chỉ nhận được sự quan tâm của người thân, Dũng còn ấn
tượng với một phụ nữ trung niên bán cơm bụi ở Thanh Hóa. Thất thểu vào quán ăn
sau một ngày dài mệt mỏi, cả hai bị "chặt chém" 90.000 đồng một suất
cơm. Lúc biết hành trình của hai chàng trai, chủ quán đã giảm giá và tặng cho
họ hai chai nước. Suốt chặng đường tới Sài Gòn, chủ quán luôn gọi điện hỏi han,
động viên Dũng và Nam.
Đến giờ, khi đã kết thúc chuyến đi, Dũng vẫn giữ bức thư
viết tay kèm theo một chiếc áo chống nắng và đôi găng tay của một đôi vợ chồng
làm gửi theo xe khách cho cậu. Dũng tâm sự, lá thư có chữ viết rất đẹp thể hiện
tình cảm và sự chân thành của hai người bạn này.
"Em đã rất xúc động khi nhận được món quà bất ngờ đó.
Anh chị ấy nhắc nhở phải giữ gìn sức khỏe và nói sẵn sàng đi theo hỗ trợ em nếu
Nam phải quay về dự lễ tốt nghiệp", Dũng khoe.
Ngày 15/6, Dũng đặt chân đến Sài Gòn kết thúc chuyến chạy bộ
trong 35 ngày. Chia sẻ trên Facebook, Dũng tâm sự từng hừng hực khi bắt đầu
cuộc hành trình; đơn độc và chán nản trên chảo lửa miền Trung; xúc động khi
nhận được những lời động viên khích lệ của bạn bè và người thân; mệt mỏi nhưng
đầy quyết tâm khi chạy những km cuối cùng; sung sướng tột độ khi chạm tay vào
cánh cổng Dinh Độc Lập và có phần hụt hẫng khi bắt đầu lại cuộc sống thường
nhật. "Tất cả những cảm xúc đó đã tạo nên một trải nghiệm đầy thú vị của
tuổi trẻ", Dũng viết.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, mẹ Dũng, tâm sự gia đình biết
tin khi cậu đã chạy được nửa hành trình. Trước đó, thấy con nói nghỉ việc và
thường xuyên xách giày đi chạy, bà không nghĩ con trai đang luyện tập cho
chuyến đi. Sợ bố mẹ lo, Dũng chỉ tiết lộ với người em ruột. Trong một lần
tình cờ khi hai mẹ con nói chuyện, người em đã vô tình nhắc đến chuyến chạy bộ
của Dũng. "Tôi bất ngờ nhưng nhìn thấy con đăng ảnh khỏe mạnh và nói
chuyện trên Facebook nên cũng đỡ lo. Từ lúc biết chuyện, tôi hay gọi điện hỏi
xem con đi đến đâu. Dũng giấu gia đình những lần bị tai nạn hay phải truyền
nước giữa đường", người mẹ cho hay.
Bà Liên cảm thấy xót xa khi nhìn thấy con gầy, đen lúc trở
về nhưng luôn đặt niềm tin ở con. "Việc gì Dũng đã quyết tâm thì tôi cũng
ủng hộ. Từ trước đến giờ, Dũng đã nói là làm", người mẹ nói.
Bình
Minh
Thật khâm phục chàng trai LÊ TIẾN DŨNG có quyết tâm và nghị lực tuyệt vời.
Trả lờiXóaNếu chúng ta còn trẻ mà tổ chức chạy bộ thế này thì cũng hay đấy. Tuy nhiên không chạy quá dài , nhiều ngày ,chỉ phạm vi liên tỉnh thôi, chừng vài trăm km, có ô tô hoặc xe máy hỗ trợ như với đoàn đua xe đạp ấy. Nay thì chỉ biết chúc mừng và khích lệ các thanh niên có tâm huyết, có nghị lực và quyết tâm như Lê Tiến Dũng.
Xóa