27 tháng 4, 2014

Xin đừng bán quá khứ



Xin đừng bán quá khứ
Thi thoảng ra Bờ Hồ, tôi vẫn tưởng tượng rõ cảnh chiếc xe điện cổ lỗ chạy trên phố cổ. Những chuyến tàu chở dân Hà Nội, chở cả những kẻ chợ đi lại trong thành phố gồng gánh ngược xuôi. Trên nó có sợi dây nối với dòng điện treo dọc thân tàu và tiếng chuông xe điện kêu leng keng bay trên mặt Hồ Gươm, bay trên đám hoa lộc vừng rụng đỏ mặt nước.
Những đứa trẻ sinh sau đẻ muộn ngày nay không có những hồi ức ấy và chỉ biết Hà Nội xưa có xe điện cổ lỗ qua những tấm ảnh câm.
Ở thành phố Teltow nơi tôi từng ăn đợ, ở nhờ nước Đức 20 năm, giữa trung tâm thành phố nhỏ này, nơi cạnh nhà dưỡng lão, bao nhiêu năm người ta vẫn đặt một xe điện cổ để cho thế hệ sau biết. Thành phố này xưa có tuyến xe điện và cái xe cổ khác xe điện hiện đại hôm nay ra sao, khi mà nước Đức hôm nay có xe điện ngầm chạy tốc độ 200 cây số một giờ.
Cũng tại thành phố này trên đất Đức cách đây bốn năm năm, tôi vô tình gặp một người khách từ Hải Phòng sang thăm đứa con trôi dạt của anh ta. Trước đó, những người đàn bà Việt xầm xì kể về người khách đặc biệt này rằng, ông ta rất giàu có... nào là mua ôtô Mercedes đời mới cho cô nhân tình cũ ấy, nào là nhà hiện đại có vườn... Giàu có được là tốt lắm, đất nước cần những người giàu lên trong lương thiện và biết cách làm ra nhiều của cải.
Vài ngày sau, tôi diện kiến người khách này và trong bữa cơm cùng dăm gia đình Việt Nam chào khách từ quê sang. Anh ta tự hào hớn hở kể rằng, anh chính là người bóc toàn bộ đường sắt xe điện ở Hà Nội bán với giá sắt vụn... kể cả những toa xe, đường ray, bán tất! Đang ăn, cổ họng tôi nghẹn lại. Không sao ăn uống được nữa, dù chủ nhà có bia Đức ngon, loại tôi vẫn thích và tôi không bao giờ quên khuôn mặt kẻ giàu có ấy.
Ngày nay, mỗi khi đi qua Bờ Hồ, tôi cố xóa đi khuôn mặt kia, để thi thoảng cho tôi vẫn cảm thấy trong tâm hồn mình tiếng chuông xe điện leng keng reo bay trên mặt Hồ Gươm xanh thắm. Hình ảnh cái cần xe điện cong cong như cần vó bè và sợi dây thừng treo cần nối điện tết rất săn, rất đặc biệt, trong tay người lái chạy vội đổi chiều, mỗi khi xe điện muốn quay đầu. Trong tâm khảm của tôi còn khắc sâu cái tay vịn bằng đồng vàng chóe bởi cả triệu triệu người, ai cũng bám vào đấy mà lên tàu làm tay vịn.
Bây giờ quanh Bờ Hồ có ôtô chạy điện bé xíu rất tiện lợi đưa đón du khách. Một lần làm việc với ông giám đốc của công ty này tôi gợi ý trang bị cái chuông leng keng của xe điện ngày xưa thay cho tiếng còi nhưng ông ta bảo, không ai nhớ cái chuông ấy như thế nào mà chế ra nó.
Hà Nội sắp tới sẽ có xe điện cao tốc và cả tàu điện ngầm rất tiện lợi cho giao thông thành phố mở rộng. Cũng như thế giới hiện đại hôm nay ở châu Âu không ai còn dùng xe điện cổ làm phương tiện giao thông nữa. Nhưng đâu đó xứ người ta vẫn lưu giữ những toa xe và đầu máy cổ, kể cả các chuyến tàu cũ chạy hơi nước thở phì phì cho khách du lịch, cho con cháu họ nhớ rằng, nước Đức hay Mỹ đã đi lên như thế nào.
Nhiều hãng phim lớn với những bộ phim kinh điển ở thế kỷ này vẫn nhờ sự lưu giữ ấy với những đầu máy hơi nước cổ lỗ, tàu điện cũ xưa, làm đạo cụ cho những thước phim cần dựng lại các giai đoạn lịch sử, tạo cảnh cho những thước phim sống động và hoàng tráng đúng với xã hội xưa.
Sự “giá như" là dở hơi rồi. Song cứ giá như đi, nếu không có tay đại gia khôn lỏi kia và đám người ăn xổi ở thì, đã bán tất cả hệ thống xe điện Hà Nội với giá sắt vụn mà không ai giữ lại chút gì cho con cháu hôm nay, để giá như quanh Bờ Hồ bây giờ còn cái xe điện cổ lỗ đưa du khách tây và ta chạy quanh Hồ Gươm. Và thằng con trai Bọ Gậy nhà tôi, qua cái xe điện ấy biết thêm một điều ở quá vãng. Chúng, những đám trẻ Hà Nội của tương lai, kiến tạo một Hà Nội hiện đại, vẫn sẽ sờ được, cảm được, nghe được tiếng kêu lanh canh của tiếng chuông xe điện bay ngang mặt Hồ Gươm, trên đám hoa lộc vừng đỏ ôi ối rụng đầy mặt nước xanh thắm, để thêm hiểu thế hệ cha ông xưa đã sống ra sao, bảo vệ Hà Nội thương yêu ra sao. Và, biết đâu đấy 20 năm sau có nhà điện ảnh trẻ nào đấy lấy truyện ngắn Phố Cũ của tôi dựng thành phim, sẽ có cái xe điện cổ lỗ ấy mà làm đạo cụ phim.
Ở Hà Nội bây giờ còn lại rất ít Nhà hát lớn, Ngân hàng nhà nước, Vườn hoa Con Cóc với những chú cóc khổng lồ ngậm nước phun lên như cầu vồng, rồi Nhà thờ lớn, cầu Long Biên... Xin các thế hệ sau đừng bán nó với giá đống gạch vụn hay sắt vụn nếu có xây lên một Hà Nội to hơn hiện đại hơn.
Nguyễn Văn Thọ
VNExpess
 Nguyễn Văn Thọ
Tàu điện Hà Nội xưa
 
 

5 nhận xét:

  1. Đọc bài này em lại nhớ những ngày còn tàu điện, hồi nhỏ học cấp hai bọn em ra phố Huế đi tàu điện lên Yên Phụ rồi cuốc bộ đến hồ Nghi Tàm học bơi.Rồi sau này khi dạy học ở Hà Bắc , sau khi rời ô tô ở bến Long biên, em thường ra cửa chợ Đồng Xuân nhảy tàu điện về đên ô Cầu dền. Hình ảnh chiếc xe điện với tiếng chuông leng keng đến nay vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ta vẫn thèm muốn còn lại tuyến tàu điện Hà Nội xưa biết bao ! Quên sao được! Giá như khi đổi mới ,các người cầm quyền có chút thiện ý, gìn giữ ít nhiều vốn xưa cho thế hệ sau biết thế nào là "ngày xưa" thì chắc là không cho dọn sạch sành sanh! Thật tiếc !

      Xóa
  2. Bác Thọ viết bài này hay và chính xác, không phải cái gì của quá khứ đều phải bỏ đi. Nhớ Hà Nội xưa có tượng Bà đầm xòe nổi tiếng, tuợng này ngày trước nằm ở đâu các Bác có biết không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tượng bà đầm xoè (bản sao thu nhỏ nữ thần tự do) ở Hà Nội xưa có số phận long đong. Ban đầu xuất hiện là tại nơi triển lãm xưa thời Pháp thuộc tại HN - khu đất bên phố Trường Thi ngày nay, rồi lại bị chuyển đến phố Cờ Đen (nay là Mã Mây), sau lại đưa ra vườn hoa bên nhà bưu điện (công viên Lý Thái Tổ bây giờ), rồi nơi đây đặt tượng toàn quyền Paul Bert (Pôn Be) thì bà đầm xoè lại đưa lên đỉnh Tháp Rùa, lại đưa về vườn hoa Cửa Nam (vườn hoa này nay hầu như chẳng còn lại gì) cho đến CM 1945 thì hạ bệ ! Bây giờ thì chẳng biết bà ta còn hay đã biến mất và nếu còn thì ở nơi đâu ? Xin "bó tay com".

      Xóa
    2. Cảm ơn Bác nhiều !!

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]