28 tháng 4, 2013

Chủ nhật và mấy ngày nghỉ: ĐI ĐỒ SƠN MANG ĐỒ NHÀ


* Theo DÂN TRÍ ; bài của NGUYỄN THANH MỪNG - nhà thơ ( PNO ).

Đi Đồ Sơn mang "đồ nhà"
Trong chuyến đi Đồ Sơn dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật gần đây, tôi cùng đi với vợ. Thấy vợ chồng thi sĩ đi với nhau, nhiều người tủm tỉm. Tôi biết nụ cười ý nhị này là những nốt nhạc dạo đầu cho giọng ngâm sầu bi mà bạn bè cánh nhà văn, nhà thơ hay đùa: “Đi Đồ Sơn mang đồ nhà/Suy đi tính lại đồ nhà vẫn hơn…”.
Tôi cảm thấy được “chia sẻ” khi trong đoàn có vợ chồng GS Phong Lê và vợ chồng nhà thơ Trúc Thông


Hình chỉ  có tính chất minh họa

Tối hôm đó thật vui. Nhà văn Dạ Ngân mời vài chị em gồm GS Đặng Anh Đào và bà xã tôi đi xích lô ngắm biển Đồ Sơn. Hai người một chiếc, hóa ra thiếu “nhân sự”, tôi được... ăn theo. Đã nhiều lần đến Đồ Sơn, nhưng đây là lần đầu tôi đi cùng vợ. Hai anh chàng đạp xích lô liến thoắng véo von đủ kiểu giới thiệu đặc sản ẩm thực Đồ Sơn và chở bốn chúng tôi đi vòng vèo những nơi “nhạy cảm”. Anh xích lô nói vui, rằng mùa hè mới có ve ca, nhưng Đồ Sơn bốn mùa lanh lảnh... cave! Hóa ra, đi với phụ nữ là đi với một thế lực siêu phàm, họ bảo vệ đàn ông không bị chào mời chèo kéo, không sa vào những cám dỗ nhăng nhít dọc đường gió bụi. Đến một góc biển gió mát, ngồi uống nước dừa, nghe vài giai thoại nghề nghiệp, thả trí tưởng với trời mây non nước, còn gì bằng. Nhà văn Dạ Ngân ý nhị gọi cho ba người phụ nữ ba trái dừa lạnh, còn hỏi tôi có uống bia không. Tôi cảm ơn và kêu luôn trái dừa thứ tư, vì “bia uống cả đời mà, giờ uống nước dừa cho mát”.
Thì ra, đi với phụ nữ về một góc độ nào đó cũng giống đi với... lãnh đạo. Lãnh đạo uống gì, mình uống nấy, các sếp rất hài lòng! Tôi được ba “lãnh đạo” khen. Điều này không dám công khai, giấu đến giờ: ba “lãnh đạo” không ai biết rằng, uống bia mà ngồi uống một mình, thà uống nước lã còn hơn!
Tôi nghĩ, nếu làm vợ là một sự thiệt thòi thì làm vợ nhà thơ thiệt thòi gấp nhiều lần. Tối hôm sau, tôi thoải mái uống bia với đồng nghiệp. Trên đường về, do dư âm của cuộc nhậu, tôi cứ vật vờ, ngủ gật. Giật mình thức giấc, thấy bà xã khuân lên đủ thứ quà bánh, đặc sản miền Bắc. Tôi mở miệng khen: “Em mua ngon quá, rẻ quá”. Bởi những gì em đã mua thì đương nhiên hai khái niệm “dở” và “mắc” phải trốn xa hàng ki lô mét!
Nói chuyện mắc rẻ, tôi chợt nhớ người bạn vong niên. Cuối năm, cơ quan tặng anh ít tiền để uống bia hoặc bỏ phong bì lì xì các nhà thơ trẻ cho vui. Đêm 30, lòng yêu hoa của thi sĩ bỗng nổi dậy không kìm nén được, anh ra chợ hoa mua chậu cúc năm chục nghìn, chở về nhà. Vợ anh đon đả khen đẹp quá, và hỏi giá, anh “chơi” luôn chắc nịch: hai chục! Anh khai sụt giá, ý muốn kiếm một lời khen rẻ của đức hiền thê. Nào ngờ, chị vào buồng lấy hai chục, đưa anh bảo anh chịu khó ra chở chậu nữa, để hai góc nhà cho đủ cặp! Chưa hết, chị hàng xóm nghe rôm rả hoa tết, cũng chạy sang gửi anh bốn chục, mua giúp em hai chậu. Nếu trên đời có nụ cười hình bình hành thì đó chính là nụ cười lão thi sĩ bạn tôi giây phút này.
Trở lại chuyện đi Đồ Sơn mang “đồ nhà”, tôi cảm thấy khá tự do. Thậm chí còn được... bảo vệ. Chuyện cân, đong, đo, đếm; cân nhắc mắc-rẻ, thế nào là tiết kiệm hãy nhường phụ nữ quyết định cho nhẹ lòng.
Theo Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
PNO

3 nhận xét:

  1. Xin chào hai cụ. Lâu lắm rồi mới có địp ghé thăm, thấy "nhà cửa của cụ khang trang, luôn được đổi mới, ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" thật đáng khâm phục tài năng của cụ.Xin chúc cho hai cụ luôn khỏe mạnh và sát cánh bên nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghỉ hưu chơi blog vui nhiều
      Thăm bè thăm bạn bao điều tốt thay.
      Gần xa đều gặp nhau ngay
      Trong lòng thanh thản phúc dày là đây.
      Cảm ơn Oanhdt. Chúc mạnh khoẻ.

      Xóa
  2. Câu nói tôi lưu ý nhất (với tôi) của bài viết: " Thì ra, đi với phụ nữ về một góc độ nào đó cũng giống đi với ... lãnh đạo"

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]