15 tháng 4, 2013

Đầu tuần : CHÙA KEO - BÀI HỌC QUÝ VỀ TRÙNG TU



            Về việc tu tạo đền chùa cổ:
          
CHÙA KEO - BÀI HỌC QUÝ VỀ TRÙNG TU

·           Trên đất nước ta, khắp các miền Bắc,Trung , Nam; vùng  quê , thành phố; miền biển, miền xuôi, miền ngược đều có các chùa chiền cổ kính qua các triều đại, là các di sản văn hoá thiêng liêng quý giá mà nay chúng ta đang được thừa kế. Tất nhiên qua hàng nhiều thế kỷ, thậm chí có ngôi đến cả ngàn năm tuổi,thời gian đã làm cho công trình hư hại không nhỏ, còn cả các biến cố thiên nhiên và xã hội như lụt bão, chiến tranh gây nên… do đó thường xuyên phải có sự tu sửa và cả tôn tạo . Tuy nhiên tu sửa, tôn tạo như thế nào ? Lại là một vấn đề không hề đơn giản.
+
miền Nam, tỉnh Trà Vinh; một số ngôi chùa cổ sau khi ông Trầm Bê đóng góp để trùng tu sửa chữa thì cổng chùa lập tức mang tên ông, thậm chí  hình ảnh gia đình ông còn tràn ngập nơi chánh điện ! ( “Chùa ông Trầm Bê “ gây phản cảm – theo Tuổi trẻ). Chẳng hạn tại huyện Trà Cú, có ít nhất 3 ngôi chùa cổ: Vàm Ray, Bà Sát, và Phnô-đung, sau trùng tu thì bà con gọi  thành “chùa ông Trầm Bê “ !  ( Một vài hình ảnh lấy trên mạng)

+  Năm 2012 có việc trùng tu Chùa Trăm Gian của Hà Nội (Hà Tây cũ).
Cuối tháng 8 /2012 ngôi chùa cổ kính gần như bị dỡ bỏ đập phá gần hết.
  một số bài báo viết đến xót xa: “Một báu vật là niềm tự hào của đất Hà
Tây (cũ) đã bị hạ sát và thay bằng một công trình hoàn toàn mới ; một sự bẽ bàng cho những người đang được thừa kế di sản “
           Hoặc: “ Ngôi chùa 1000 tuổi thành công trình “ 1 ngày tuổi “ !
           Hay : “ Kêu không được cứu , nhà chùa làm liều “ v.v..
Cho đến nay chưa rõ việc khắc phục  sai phạm làm tổn hại di tích chùa Trăm Gian đã đạt đến mức nào ? Đã cứu vớt lại được những gì ? (Vài hình ảnh có trên mạng).

                                      Làm lại chùa Trăm Gian (2012)


                          Gác chuông cổ kính chùa Trăm Gian (May còn giữ nguyên)

 * Bài học quý giá của CHÙA KEO ( Thái Bình)-  Theo Hà Nội mới.
Chùa Keo và bài học quý về trùng tu di tích
Thứ Ba 23:19 09/04/2013
 (HNMO)- Đến chùa Keo, huyện Vũ Thư (Thái Bình), du khách ngỡ tưởng di tích Quốc gia đặc biệt này trường tồn cùng thời gian mà không cần tới sự “can thiệp” của con người. Thực chất, chùa Keo mới trải qua cuộc đại trùng tu năm 2004 với nguồn kinh phí khiêm tốn (19 tỷ đồng).
 
Chùa Keo vẫn mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê dù đã qua nhiều lần trùng tu.

Di tích “hai trong một”

Gọi là chùa, nhưng chùa Keo (Thần Quang tự) rộng gần 6ha, gồm hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Theo sử sách, chùa được xây từ năm 1060, nhưng vào năm Tân Hợi (1611), một trận lụt lớn làm chùa bị trôi dạt, dân ấp Keo phải di dời đi 2 nơi. Một bộ phận định cư ở phía Đông Nam - hữu ngạn sông Hồng (nay thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định); một bộ phận định cư ở phía Đông Bắc - tả ngạn sông Hồng (nay thuộc thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Sau thời gian dài chuẩn bị, năm 1632, chùa Keo được tái tạo, khánh thành trên nền đất ở tả ngạn sông Hồng.

Khách tham quan gác chuông chùa Keo
Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể khẳng định chùa Keo (Thái Bình) là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” ở Việt Nam. Chùa hiện còn nguyên 102 gian, 12 toà chính là Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng điện và Gác chuông…Hơn thế, chùa được làm bằng 100% gỗ lim, khớp nối bằng mộc, chạm trổ tinh tế, bố trí hài hòa, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho người thưởng thức, khám phá nghệ thuật. Điển hình là bộ cánh cửa ở Tam quan nội, khi đóng bộ cánh cửa trở thành bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt, rộng 2,47m, cao 2,25 mét, thể hiện tính nghệ thuật cao của điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII. Gác chuông Chùa Keo làm theo kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng 12 mái với kết cấu gần 100 đàn đầu voi, làm nên vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng. Đây là công trình nghệ thuật có vẻ đẹp lộng lẫy, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam.

Bài học quý về quản lý, trùng tu di tích

Cũng như nhiều công trình kiến trúc gỗ khác, chùa Keo trải qua nhiều lần trùng tu, lần trùng tu gần đây nhất, lớn nhất là năm 2004.
Bộ cánh cửa ở Tam quan nội (chùa Keo), khi đóng trở thành bức phù điêu hoàn chỉnh hình 4 con rồng chầu nguyệt.

“Bí quyết” để di tích chùa Keo “nhuốm màu thời gian” sau khi trùng tu được ông Bùi Văn Thương, Trưởng BQL di tích chùa Keo chia sẻ: Quy trình trùng tu di tích chùa Keo được thực hiện nghiêm tức từ khâu lập đề án, lấy ý kiến các nhà khoa học đến giám sát thi công, nghiệm thu kết quả. Những người trực tiếp thi công các hạng mục của di tích luôn luôn được nhắc nhở phải giữ nguyên yếu tố gốc của di tích chuẩn theo kích thước 1/1, sử dụng triệt để các vật liệu tương đồng. Trên tinh thần đó, khi thấy không phù hợp, BQL di tích chùa Keo đã từ chối một số “mạnh thường quân” có lời đề nghị đầu tư kinh phí hoàn thiện các hạng mục phụ trợ của di tích. Ông Bùi Văn Thương kể: Năm 2009, một doanh nghiệp lớn có tâm đức đã đưa công nhân, máy móc về thi công nhưng doanh nghiệp này có nguyện vọng được sửa một vài chi tiết nhỏ trong bản thiết kế đã được duyệt. Thấy thế, tỉnh Thái Bình buộc phải yêu cầu doanh nghiệp ngừng thi công. “Dỡ bỏ công trình, mất hàng tỷ đồng trong khi di tích còn thiếu nhiều hạng mục ai cũng thấy lãng phí, song thà lãng phí còn hơn “vượt rào” xây dựng, phá vỡ không gian, cảnh quan di tích. Muốn giữ di tích phải biết “lắc đầu” khi cần thiết, đó là bài học kinh nghiệm xương máu của chúng tôi”- Ông Bùi Văn Thương nói.
Chuông đồng cổ trên gác chuông chùa Keo

Một điểm tiến bộ đáng ghi nhận ở chùa Keo là số hòm công đức không nhiều, tiền lễ, giọt dầu được để đúng chỗ, không có tình trạng nhét tiền lẻ vào tay phật, thắp hương ở gốc cây như nhiều di tích khác. Việc thu, chi công đức được tiến hành công khai, minh bạch. Phiếu thu công đức có đóng dấu, có số sêri, người nộp công đức vừa được nhận cuống phiếu với mệnh giá tương đương với số tiền nộp, vừa được ghi rõ ràng tên tuổi, địa chỉ vào sổ. Cuối ngày, BQL di tích cùng đại diện các cơ quan chức năng kiểm tra và khớp nối các khoản thu được xem có đúng với lượng phiếu phát hành hay không, sau đó nộp tiền vào kho bạc. Ông Bùi Văn Thương khẳng định: “Với khoản tiền công đức hơn 2 tỷ mỗi năm, các công trình phụ trợ của di tích chùa Keo sẽ dần dần được hoàn thiện. Năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện khu vệ sinh chung, sau đó là bãi đỗ xe, sân vườn bên trong”.
Từ điểm cao nhất của gác Chuông nhìn xuống, chùa Keo là một tổng thể công trình kiến trúc rất hài hòa.

Trong khi nhiều di tích đang bị xâm hại vì sự thiếu đồng bộ trong quản lý của địa phương thì việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước để trùng tu di tích, nói không với nguồn xã hội hóa không phù hợp ở di tích chùa Keo là trường hợp hiếm, đáng để chúng ta suy ngẫm.
Minh Tuyết
*** Thêm một số hình ảnh (có trên mạng)
                                             Chùa Keo - Thái Bình

10 nhận xét:

  1. Nhìn những hình ảnh này tôi lại nhớ đến những ngày cùng cụ GS Đỗ Bảo lang thang đi làm phim tài liệu về kiến trúc đình chùa VN . Đó là những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên MB nước ta. Chúng tôi đã đến chùa Keo, chùa Trăm gian ...Ngày ấy cảnh chùa thanh tịnh vằng vẻ nhưng cũng tiêu điều lắm. Chính nhờ có sự giảng giải của cụ Đỗ Bảo mà tôi đã được ngộ ra rất nhiều điều ...Sau phin mày chúng tôi còn cộng tác với nhau làm phim " Con Rồng Việt Nam" phát trên Đài THVN thời TiVi đen trắng ! Theo thời gian người làm phim đều đã " cũ kỹ", xuống cấp trầm trọng vô phương "phục chế". Nhưng những công trình kiến trúc của cha ông để lại thì đã được bảo tôn, tôn tạo và giữ gìn. Thật cảm động. Cảm ơn cụ rất nhiều !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đã có lần gặp cụ Đỗ Bảo (không có thời gian chuỵện trò nhiều) dịp dự Hội thảo về Thời Lê -Trịnh (trước đây gọi là Lê trung hưng),kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội. Về mỹ thuật kiến trúc đình chùa thì phải được nghe cụ Bảo mới thấu . Tôi may mắn các năm gần đây (cùng bà xã)thăm lễ được một số đình chùa nhiều hơn cả là vẫn ở Hà Nội.Càng đến nhiều càng thấy muốn thấm đượm nhiều hơn về chùa và Phật, thiêng liêng và thanh thản.

      Xóa
  2. Ngắm nhìn những di tích cổ xưa ta mới thấm thía công sức cha ông chúng ta.
    Công tác phục chế, tôn tạo những di tích này đòi hỏi thế hệ chúng ta phải có sự hiểu biết về chuyên môn, lịch sử và tâm linh. Đã có nhiều vụ phục chế, tôn tạo dẫn đến phá hủy cấu trúc linh thiêng của di tích đáng tiếc.
    Ở miền Bắc có nhiều chùa cổ mà những năm tôi sông ở HN không hề biết, ngoài mấy chùa trong nội thành. Bây giờ mới được ngắm qua các hình ảnh của các cụ giới thiệu tỷ mỷ trên blog.
    Xin cám ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời gian trước đây đâu có điều kiện đi đến các chùa lễ như ngày nay. Và cũng ngày nay các đến chùa mới trùng tu, tôn tạo phong quang đẹp hơn xưa,tuy nhiên không tránh khỏi có sự mất mát ít hoặc nhiều vẻ cổ kính thâm nghiêm vốn có nơi đền chùa. Thậm chí có nơi làm hư hỏng cả di tích như chuyện trùng tu chùa Trăm gian HN đã xảy ra. Tôi ít thích các chùa phía nam vì màu sắc quá phô bày (thậm chí có khi thành loè loẹt!) Thích nhất vẫn là các chùa còn giữ được nét cổ kính và cây cối sum suê.

      Xóa
  3. Tại sao Bộ VHTT và các sở VH các tỉnh thành phố không chỉ đạo giám sát việc trùng tu chùa chiền và các di tích lịch sử,cứ để tái diễn chuyện làm méo mó di tích,gây lãng phí tiền của của NN và ND

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, đây là một câu hỏi lớn cho ngành văn hoá, Bộ và các tỉnh ? Có ẩn chứa gì đây về chuyện các ngôi chùa cổ trùng tu ? Có chăng điều tiêu cực vì ma lực đồng tiền và cả "hư danh" của người gọi là nhiều tiền "công đức" ?!. Tại sao cứ chọn cách 'ĐẬP ĐI XÂY LẠI" ? Chùa cổ thì phải thâm nghiêm, phải "XƯA" mà cứ thành mới nguyên ?

      Xóa
  4. Nhìn hình ảnh chùa Keo và chùa Trăm Gian cũ tôi thấy thích và cảm động quá. Chùa Trăm Gian gắn với những kỷ niệm thời học trò. Bọn tôi thường đạp xe lên đó chơi. Có lần tất cả các xe đạp đều bị chọc xịt lốp, buổi tối không tìm được chỗ vá, cả bọn đành phải ngủ lại trong chùa. Bây giờ chùa bị cải tạo lại không còn giống như xưa nữa thì buồn quá. Nói chung các chùa ở HN ít bị cải tạo, vẫn còn là những ngôi chùa cổ kính. Về thăm các chùa của Hải Phòng thì khác hẵn. Họ xây như là khu du lịch, mầu sắc rực rỡ, tượng phật to lớn để đầy sân. Kiến trúc chùa chiềng giống Tầu hay Thái Lan, chẳng giống VN tý gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngay cả chùa Bái Đính có nhiều kỷ lục nhất nước như vậy nhưng tôi đến vẫn không thấy cảm xúc lễ chùa, bởi chùa phải CỔ, XƯA mới có dấu ấn. Có một số ngôi chùa mới hoặc mới phục dựng (xây lại trên nền chùa cũ) nhưng không còn giữ nét xưa, thậm chí màu sắc quá mức không còn là cảnh chùa thanh tịnh. Yếu tố thời gian, số năm tuổi rất giá trị với một ngôi chùa.

      Xóa
  5. Cũng như chị NguyêtÁnh trước đay chúng em thường đạp xe đếncum chùa Trăm gian,chùa Trầm để chơi,phong cảnh và không khí ở đó thời ấy thật thích.Tết năm ngoái em có đến chùa Bút Tháp, chùa năm ven đê sông Đuống còn giữ nguyên nét cổ kính, các ngôi tượng còn giữ nguyên vẻ trầm mặc trải qua thời gian không hề bị cải tạo thật thú vị khi đến đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong thời gian còn KC chống Mỹ, tôi cũng có nhiều kỷ niệm với chùa Trăm Gian. Ấy là trước năm 1970 tôi được học tập để đi B (vào miền nam đang đánh Mỹ) tại Trường Quản lý của Bộ GD tại Chương Mỹ, Hà Tây cũ. Do đó các ngày chủ nhật thi thoảng đến chùa thăm thú.Tất nhiên hồi đó chưa lễ chùa phong phú như ngày nay. Cho nên tuy bây giờ không ở gần Chương Mỹ nhưng các kỷ niệm thì vẫn không phai.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]