** Anh Trần Đình Hượu quê Thanh Chương-Nghệ An, và tôi là đồng hương. Anh hơn tôi gần chục tuổi, đồng niên đồng học với anh tôi. Tôi biết về anh khi tôi vào Trường Trung Học của huyện, khi đó anh đã là người "hoạt động" phong trào "đoàn thể" sau CM. Về sau anh theo ngành Khoa học xã hội và thoát ly sớm nên tôi gần như không biết thêm gì hơn về anh, chỉ biết mọi người ở quê tôi (những ai có biết anh ) đều nói anh là người "giỏi" (trí thức) nhưng mà "không gặp may"! Bây giờ anh đã là người thiên cổ !
Vào VNnet, đọc bài của Trần Ngọc Vương, tôi hồi tưởng về anh Hượu. Và bỗng muốn tìm lại anh bằng cách đọc các bài viết hoặc các sách của anh như cuốn Nho Giáo ... và như nghe Trần Ngọc Vương nói về anh- Một trí thức lớn "bất phùng thời " !
Di sản để lại
của một trí thức lớn ‘bất phùng thời’
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của
PGS. Trần Đình Hượu (26/12/ 1926 12/2/1995), một trí thức lớn với tầm ảnh hưởng
sâu rộng, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS.Trần Ngọc
Vương, một trong những người học trò thân cận của ông.
“Bất phùng
thời”
PGS. Trần
Đình Hượu sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho ở làng Võ Liệt, huyện Thanh
Chương, Nghệ An. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau
đó được cử đi học hệ dự bị của Đại học Kháng chiến.
Mùa thu
1959, ông được gửi đi học tại ngôi trường danh tiếng thế giới, Đại học Tổng hợp
Matxcơva (MGU), chính thức trở thành một trong những nghiên cứu sinh triết học
thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam mới kể từ sau năm 1945.
Nhưng tác
động tai hại của sự phân liệt trong hệ thống XHCN diễn ra khiến việc đào tạo
đội ngũ các nhà khoa học này cho Việt Nam gặp rất nhiều sóng gió. Triết học
được đồng nhất hóa với lý luận chính trị, là ngành học bị ảnh hưởng nặng nề
nhất. Hầu như tất cả nghiên cứu sinh, rồi tiếp đó là sinh viên, trong một vài
năm (1963- 1965) lần lượt phải “hồi hương”.
Với Trần
Đình Hượu, cuộc trở về trước thời hạn bất đắc dĩ ấy còn bị đèo thêm một định
kiến khác. Đã xuất hiện sự chê trách rằng tại sao ông sang Liên Xô lại để
nghiên cứu về triết học cổ đại Trung Quốc, mà không phải công trình của các học
giả mácxít Trung Quốc?
Ông đề nghị
được chọn cơ quan công tác mới là trường Đại học Tổng hợp, và được phiên chế về
khoa Ngữ Văn, do khi đó trường chưa có khoa Triết, và giảng dạy 30 năm cho đến
khi về hưu năm 1993. Như bất cứ nhà triết học chân chính nào khác, ông kiên trì
những nguyên tắc “mang tính tối hậu”, và những nguyên tắc đó trong hầu hết
những tình huống cụ thể, lại níu kéo, giữ ông lại với một sự lựa chọn hết sức
khó khăn: chấp nhận tình trạng “bất phùng thời” của mình.
Thừa kế tinh
thần “tự nhiệm” của các nhà nho chí sĩ đầu thế kỷ, người cộng sản – nhà khoa
học Trần Đình Hượu đặt ra cho mình nhiệm vụ hiểu lại cho đúng, cho sâu, trên
một tinh thần khách quan hóa triệt để mà K.Marx đã tuân thủ khi nghiên cứu chế
độ tư bản, đối với toàn bộ những gì lên quan đến lịch sử dân tộc và lịch sử của
các quốc gia khác trong khu vực.
Ông hy vọng
phát hiện được những yếu tố mang tính quy luật nhưng biểu hiện một cách đặc
thù, nghĩa là mang tính “cụ thể - lịch sử” của sự vận động tiếp tục của xã hội
Việt Nam từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai. Một nhiệm vụ như vậy ở các nhà
cách mạng thế hệ trước ông chưa thể đặt ra và giải quyết triệt để do tính quy
định khách quan của hoàn cảnh.
Năm 1966,
cái gọi là cuộc “Đại Cách mạng văn hóa vô sản” nổ ra ở Trung Quốc kéo dài ngót
10 năm không thể nói là không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam. Ở trường
Đại học Tổng hợp Hà Nội vào thời điểm đó vì thế dần dà xuất hiện những sự bất
đồng tư tưởng ngay giữa các nhà khoa học và giữa các nhà quản lý, chỉ đạo khoa
học, sâu sắc đến mức phải “đưa lên trên”.
Phái chủ
trương đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt quan tâm đến chất lượng
đào tạo và nghiên cứu khoa học, bị chụp cho một cái mũ là phái “thiên tài chủ
nghĩa”, “chuyên môn thuần túy”.
Trần Đình
Hượu bị ngầm quy kết là “trùm tư tưởng” của cả phái “chuyên môn thuần túy”. Kể
từ đó cho đến tận năm 1981, tức là giai đoạn sung sức nhất trong đời của một
nhà khoa học, tên tuổi ông không được xuất hiện trên bất cứ ấn phẩm nào có tính
“chính thức”. Và tình trạng đó vẫn được tiếp tục cho đến tận thời điểm 1985 –
1986. Trong tình thế như vậy mà năm 1981 ông được xét phong Phó Giáo sư thì đã
là cả một sự “ưu ái”.
Tính lại,
thời gian nhà khoa học có được sự bình ổn về tâm lý để có thể yên tâm sáng tạo
và công bố những sáng tạo phẩm, thì chỉ được trên dưới 10 năm (tính đến khi ông
mất, năm 1995 -TNV), tức chỉ có thể làm khoa học lúc bất cứ ai đó khác cũng
đang chuẩn bị về hưu.
Giáo sư –
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Đính, một trong những người bạn quen biết với ông
đã hơn 50 năm nay, vào thời điểm ông qua đời đã ghi lại những hồi ức cảm động.
Xin được dẫn ra đôi lời: Trong suốt cuộc đời, “Anh thuộc loại người ít bị chi
phối bởi những thứ “mốt”, những thứ “thời thượng” ồn ào níu kéo. Là con người
tôn trọng mối quan hệ giữa “danh” và “thực”, anh không dễ dàng chấp nhận những
gì áp đặt, khiên cưỡng không phù hợp với thực tế”...
Đến hiện đại
từ truyền thống
Nhà khoa
học, triết gia cộng sản Trần Đình Hượu đã được giao nhiệm vụ một lần từ rất
sớm, vào thời trai trẻ, để rồi tự mình biến nó thành bổn phận chung thân: góp
phần xác định, chính xác hóa con đường mà đất nước sẽ và phải đi tới trong quỹ
đạo hiện đại hóa chung của thế giới. Từ một giác độ nhất định, nhiệm vụ đó cũng
có nghĩa là phải thực hiện việc nghiên cứu các học thuyết mang tính triết học -
ý thức hệ đã từng tồn tại, tiếp nối lẫn nhau và để lại những kết quả trong lôgích
khách quan của sự vận động của lịch sử quốc gia - dân tộc.
Trong các
công trình của ông, có thể nhìn nhận sự chi phối của hai xác tín mang tính tiên
đề: 1.- xác tín về tính có quy luật của mọi quá trình vận động của
lịch sử và 2.- xác tín về một sự hướng đích theo nghĩa tốt đẹp hơn, tiến
bộ hơn, hoàn thiện hơn (bởi niềm tin vào tiến hóa luận) của các quá
trình ấy. Nhưng với tư cách là nhà tư tưởng, nhà khoa học, thì việc làm sáng tỏ
tính “cụ thể - lịch sử” của các quá trình ấy mới là yêu cầu khoa học thực thụ
mà ông phải tự đặt ra cho mình.
Thành tựu
nổi bật đầu tiên của Trần Đình Hượu thể hiện ra trước hết trong các công trình
nghiên cứu lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học phương Đông nói chung, nghiên
cứu về Nho giáo nói riêng.
“Phủ định
cái gì thì bị chính cái đó quy định và ràng buộc”. Rõ ràng rằng nếu không hiểu
đúng và sâu sắc về Nho giáo, chúng ta cũng không thể xác định chính xác sẽ tiến
hành xây dựng chế độ xã hội mới và kiến tạo nên những nguyên lý tinh thần xã
hội mới từ đâu.
Xuất phát từ
nhu cầu “nhìn vào thực tế một cách lịch sử, hoàn chỉnh, rõ nét”, phải ý thức về
nội dung, vị trí và chức năng của Nho giáo trong những lĩnh vực, những bình
diện khác nhau, Trần Đình Hượu nhận thấy việc nó tồn tại và phát huy tác dụng
trong những điều kiện cụ thể - lịch sử của xã hội Đông Á đã khiến nó gây ra
những tác động toàn diện theo những cách thức hoàn toàn đặc thù.
“Nho giáo đã
bảo vệ chế độ phong kiến và cơ sở của chế độ phong kiến là chế độ địa tô, giai
cấp địa chủ. Điều đó thì không cần bàn cãi. Nhưng ở đây thường có sự đồng nhất,
không chú ý đến những nét khác biệt giữa chế độ phong kiến ở phương Đông và chế
độ phong kiến ở phương Tây…”.
“Xem xét Nho
giáo trong trạng thái độc lập tương đối với thực tiễn chính trị của mô hình nhà
nước chuyên chế, không đồng nhất hóa một cách dễ dãi nhà nước chuyên chế “ Đông
phương” với mô hình cấu trúc và lịch sử của chế độ phong kiến nói chung, nỗ lực
để biện biệt những nét đặc trưng của Nho giáo qua các thời kỳ lịch sử nhưng lại
cũng cố gắng tìm ra và giải thích lý do sự tồn tại của những yếu tố “bất biến”,
điều khiến cho “sự vật vẫn là chính nó mà không phải là cái khác” - đó có
thể coi là những đóng góp, những thành tựu nghiên cứu mang tính lý thuyết nổi
bật đầu tiên mà Trần Đình Hượu mang lại cho nền học thuật nước nhà.
Trần Đình
Hượu cơ hồ tránh bàn về vấn đề “phương thức sản xuất châu Á”, một vấn đề gai
góc và từng gây bất đồng trong nội bộ các nhà triết học mác xít. Nhưng chắc
chắn ông cũng đã suy nghĩ nghiêm túc về “những đặc thù châu Á, đặc thù phương
Đông” trong thực tế và những suy tư theo hướng đó ám ảnh ông nhiều thập kỷ.
“Cùng là có
những đặc trưng chung nhưng một phương thức sản xuất nào đó ở từng nơi, hình
thành theo những con đường cụ thể khác nhau, trải qua những chặng đường, gặp
những tình thế làm biến chuyển giai đoạn khác nhau. Trong nó tồn tại những quan
hệ kinh tế, xã hội cụ thể, đặt ra những vấn đề chính trị, tổ chức xã hội, pháp
quyền, văn hóa tư tưởng cụ thể, làm cho cuộc sống diễn ra khác nhau, con người
buộc phải suy nghĩ khác nhau”. Có lẽ khó mà không đồng ý với ông về những suy
nghĩ nghiêm túc và kiên định về nguyên tắc ấy.
Hàng loạt
những đặc điểm quan trọng của cái gọi là “chế độ chuyên chế phương Đông” trên
cơ sở sử liệu Trung Quốc, Việt Nam và phần nào từ sử liệu của các quốc gia
“đồng văn” khác đã được ông tìm hiểu, nghiền ngẫm để khái quát hóa lên. Nhận
định của ông về Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng chỉ gắn bó chủ yếu với
phương diện quan liêu, mà không phải với toàn bộ hay bất cứ biến thể nào
của chế độ chuyên chế là một phát hiện có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng
để tìm tới thực chất của Nho giáo trong quỹ đạo chính trị - xã hội của nó.
Chưa kịp
thực hiện một công trình có hệ thống về lịch sử và cấu trúc học thuyết Nho
giáo, đó là một trong những điều áy náy lớn mà Trần Đình Hượu bộc lộ những năm
cuối đời. Dù sao, với những gì đã làm, (như ông diễn đạt, là “cắm một số
tiêu vè”, “nêu ra và phân tích một số hiện tượng, gắng nhìn từ nhiều phía để
hình dung Nho giáo như nó tồn tại thực, nêu ra một số nhận xét, một số nghi
vấn”, đồng thời giải mã cái “gốc tích Nho giáo” của nhiều hiện tượng trên
nhiều bình diện khác nhau của xã hội Việt Nam, xã hội Đông Á thời cận hiện
đại), ông càng ngày càng được các thức giả cả trong lẫn ngoài nước ghi nhận là
chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về đối tượng nghiên cứu phức tạp này.
Là nhà
nghiên cứu triết học và lịch sử tư tưởng, tự đòi hỏi và xác lập cho mình thói
quen tư duy mang tính lý thuyết liên tục, nhưng những kết quả cụ thể thể hiện
trong các công trình, các bài viết chủ yếu của ông cũng thấm đẫm tinh thần
phục vụ thực tiễn.
Điều tôi vừa
nói sẽ được chứng thực dễ dàng khi nhìn vào tên các công trình lớn nhỏ của ông
: “Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, vài vấn đề về đặc điểm và vai trò của nó
trước thực tế phát triển thời cận – hiện đại”; “Thử suy nghĩ theo hướng khác :
đi con đường thích hợp với thực tế phương Đông lên chủ nghĩa xã hội”; “Vài điểm
xuất phát cho công cuộc mở rộng dân chủ trong xã hội ta”;...
Tính chất
độc lập cao độ trong tư duy cá nhân khiến “tính thực tiễn” trong các công trình
nghiên cứu của ông rất thường xuyên lại là những nhận định, những lập luận,
những giả thiết dễ va chạm, xung đột với “lẽ phải thông thường”.
Sự uyên bác
đích thực
Tôi muốn nói
thêm đôi điều về phương pháp suy nghĩ và rộng hơn, phong cách khoa học của Trần
Đình Hượu.
Ngót 20 năm
gần gũi với ông và có lẽ suốt đời vẫn lưu giữ những ảnh hưởng của ông. Trong
khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập tới những gì tôi coi là đặc sắc
nhất mà ông từng thực hành và yêu cầu những người là học trò ông cố gắng tuân
thủ.
Ai cũng
biết, để có thể trở thành nhà khoa học đích thực, nhất là trong các khoa học xã
hội và nhân văn, sự uyên bác gần như là một tiên đề. Nhưng sự uyên bác tự nó
không phải là chân lý, càng không phải là chân lý tối hậu. Trần Đình Hượu
như tôi chứng kiến là người làm việc với ý chí lớn, niềm đam mê lớn. Ông là
người đọc nhiều, đọc sâu, hiểu và biết trên một quy mô rất rộng.
Một đòi hỏi
có tính nguyên tắc lớn hơn nhiều, rốt ráo hơn nhiều mà ông thực hành và dạy
chúng tôi phải thực hành, đó lại là bằng chứng của một phong cách tư duy khoa
học triệt để và đích thực: chỉ đưa ra những nhận xét, những nhận định, kết luận
hay kể cả giả định, giả thiết khi không có tư liệu có sức nặng đủ chống lại
điều đang được đưa ra đó. Nghĩa là, trong phạm vi những tư liệu được sử dụng để
khái quát hóa, trong phạm vi của vấn đề đang được đề cập, tư liệu “gốc” phải
được biết tới và được “thẩm định” đến mức tối đa. Đó là một đòi hỏi về sự uyên
bác đích thực đồng thời là đòi hỏi về một sự trung thực đích thực trong khoa
học.
Ai là kẻ
tuyên bố mình theo đuổi hoặc theo đuổi được một sự nghiệp khoa học đáng kể và
đích thực bất chấp những khó khăn, những ma chiết của hoàn cảnh, đó chỉ là kẻ
bẻm mép, múa tay trong bị. Ai là kẻ luôn luôn thành đạt bất chấp hoàn cảnh chỉ
có thể là kẻ cơ hội hoặc kẻ đê tiện. Nhưng đầu hàng trước những khó khăn của hoàn
cảnh lại chỉ có thể là cách thức ứng xử của những người yếu đuối, bạc nhược.
Trần Đình
Hượu rất ít khi công khai bày tỏ thái độ đối với những kiểu người này, đơn giản
vì ông xa lạ với họ. Giữa rất nhiều khó khăn đến từ bối cảnh chung lẫn hoàn
cảnh cá nhân, phải chịu đựng chúng vừa cay cực vừa pha chút khinh bạc,
Trần Đình Hượu vẫn nỗ lực để lưu lại cho hậu thế những chứng tích của một người
tư duy, một đời tư duy.
Kết thúc
những trang viết này, bên tai tôi như còn vang lên lời dặn dò ân cần của ông “Viết
gì thì viết, chỉ đừng viết những điều mà về sau phải mất công sức nhiều để đính
chính”. Thoạt nghe thì dễ, ngẫm cho kỹ mới thấy, thực thi được điều ấy, khó
làm sao!
- Trần Ngọc Vương
Tôi đã vào đọc và suy ngẫm,Học giả này có đánh giá tim nguồn gốc của "chủ nghia Đại Hán" trong bài này không thấy đưa nên chưa đọc được để xem thế nào . Năm mới ÁT MÙI chúc Cụ khỏe như Dê hoặc gần được như Dê.
Trả lờiXóaCảm ơn cụ Công Lý đã ghé thăm sớm, thật vui mừng cùng chuyện trò. Tôi đã đăng lên bài " Người vạch rõ nguồn gốc chủ nghĩa Đại Hán"để cụ xem kịp thời khỏi mất công tìm tòi và mong được trao đổi tiếp ý kiến. Chúc cụ luôn vui khỏe đón Tết.
Xóa