7 tháng 1, 2013

Mái trường "Vệ quốc em"

* Kỷ niệm 65 năm TRƯỜNG THIẾU SINH QUÂN LK 4.
- Bài  của Đại tá Đinh Quang Thiệu, nguyên Tổng Đội trưởng TSQ LK4, đã đăng trên báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN.


Mái trường “Vệ quốc em”
QĐND - Thứ Năm, 03/01/2013, 14:12 (GMT+7)
QĐND - 65 năm trước đây, thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 4, đứng đầu là Tư lệnh Nguyễn Sơn và Chính ủy Trần Văn Quang đã quyết định thành lập trường dạy văn hóa quân sự cho thiếu niên trong quân khu vào tháng 11-1947. Lễ khai giảng được tiến hành vào sáng 6-1-1948 tại làng Bồ Hà, rồi hành quân về đóng tại làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Nông Cống, nay là Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên trường được tướng Nguyễn Sơn đặt tên: Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4-một đơn vị đàn em, gọi thân thương là Vệ quốc em.
Ngày 14-12-1997, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng và khẳng định: "Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 được thành lập sớm nhất toàn quốc với quy mô lớn". Quả như vậy, Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 lúc đông nhất có 25 trung đội (lớp) từ bậc tiểu học đến bậc chuyên khoa, quân số khoảng 1000 em. Năm 1949, Bác Hồ có gửi thư khen và động viên các em, nhân đọc các số báo tường Kỷ niệm 19-5 của Thiếu sinh quân Liên khu 4 kính tặng Bác.
Cuối năm 1952, vì để tập trung các nguồn, nhân tài vật lực cho các cuộc chuẩn bị Tổng phản công, Trường giải thể theo quyết định của tướng Lê Nam Thắng, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 4. Từ cái nôi này, gần 1000 "con chim" cất cánh bay đi, trong đó hơn 200 tú tài và thành chung kiểu mới xếp bút nghiên đi các đơn vị ra chiến trường, một số ra các cơ quan Dân-Chính-Đảng. Số còn quá bé được gửi đi các nơi học tập tiếp.
65 năm đã trôi qua, giờ đây con số không còn trọn vẹn như xưa. 40 liệt sĩ đã vĩnh viễn không về! Các anh Giám đốc: Lê Thuyết, Võ Trí Sơn, Đinh Nho Đang và hơn 200 đồng đội đã ra đi.
Sau chia tay 30 năm, năm 1981, Thiếu sinh quân Liên khu 4 đã tìm gọi nhau tập họp lại và từ đó hằng năm anh em đều tổ chức họp mặt đồng đội, "cái thuở ban đầu Thiếu sinh quân Liên khu 4 ấy, ngàn năm chưa dễ đã phôi pha…". Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã viết trong Tập san Thiếu sinh quân Liên khu 4, cách đây 28 năm: "Có lẽ không nhiều, một tổ chức không còn trong biên chế, nhưng đã hòa mình vào sự trưởng thành của Quân đội anh hùng, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, gần nửa thế kỷ qua mà sợi dây liên lạc truyền thống lại cùng thắt chặt đến mức tâm huyết với nhau. Dẫu cương vị và vị trí xã hội hiện nay có khác nhau nhưng mối quan hệ thầy trò, đồng đội, anh em cao tuổi và thấp tuổi vẫn đẹp đẽ như thuở trăng tròn. Đẹp đẽ thay "Đoàn vệ quốc quân tuổi xanh".
Suy ngẫm về vườn ươm xưa, với trăm thương ngàn nhớ vạn tình, đồng đội Thiếu sinh quân đều cảm nhận hạnh phúc lớn lao có được hành trang ban đầu mà trường đã cung cấp để vào đời và phát triển: Đó là bản lĩnh Thiếu sinh quân Liên khu 4, là anh lính Cụ Hồ vừa hồng, vừa chuyên. Với bản lĩnh đó, Thiếu sinh quân đã có mặt ở khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam cho đến Lào, Cam-pu-chia và lập nhiều chiến công.
Tại sao Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 lại đạt kết quả tốt đẹp được như vậy? Đây là mô hình trường cơ động, tổ chức theo biên chế quân đội, có kỷ luật cao, gọn nhẹ tinh giản, hòa mình trong biển cả lòng dân, đóng quân quanh vành đai Quân khu bộ ở ba tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh, giữ được an toàn tuyệt đối trong chiến tranh, chương trình học tập rèn luyện khá toàn diện. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy được chọn lọc, có năng lực cao, mẫu mực trong sinh hoạt, tận tâm, thực hiện nghiêm chỉnh có sáng tạo. Cùng với học kiến thức, văn hóa ở lớp, học viên còn được hướng dẫn thực hành trong thực tế, lại được học cách chỉ huy, cách quản lý. Cho nên Thiếu sinh quân năng nổ, tháo vát, vượt khó khăn, nảy ra sáng kiến...
Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 đã để lại cho đời nhiều kinh nghiệm quý báu về giáo dục, đào tạo, từ mục đích, phương châm, phương pháp giảng dạy cho đến cách tổ chức quản lý và đã đạt được thành quả thiết thực; vượt xa phong trào trước đó và giờ đây, năm 2013 càng nổi bật giá trị khoa học và tính thời sự của nó.
Đại tá ĐINH QUANG THIỆU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]