23 tháng 10, 2014

Đôi vợ chồng 83 tuổi sống cảnh "màn trời chiếu đất" giữa Hà Nội



Hạnh phúc đơn sơ của đôi vợ chồng 83 tuổi sống cảnh "màn trời chiếu đất" giữa Hà Nội
Giadinhnet.vn
Chiếc phản nhỏ vẹo vọ, đơn sơ, không mái che đầu, nằm nép mình bên đường ray tàu hỏa chạy xình xịch, là tổ ấm suốt hơn 10 năm nay của đôi bạn già, ông Phạm Ngọc Sơn (83 tuổi) và bà Chu Thị Mận (75 tuổi).
“Ngày bà ấy về ở cùng tôi, chúng tôi không có đăng ký kết hôn, không một mâm cơm, không một người làm chứng. Thế nhưng, suốt gần 20 năm qua, chúng tôi sống và yêu thương nhau vì một chữ tình.” – ông Sơn chia sẻ với chúng tôi về tình yêu của mình.
Tổ ấm của đôi bạn già
Chúng tôi tìm đến gác chắn tàu Nguyễn Thái Học (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) tại ngã tư đường Nguyễn Thái Học cắt Điện Biên Phủ hỏi thăm “nhà” của ông Sơn vào một buổi sáng đầu thu. Dù đã xác định trước tinh thần về hoàn cảnh khó khăn của đôi bạn già này nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được mục sở thị. Quả thực, đây là một không gian sống khác hẳn với sự nhộn nhịp, sang trọng nơi thành thị.


                                          Túp lều hạnh phúc của đôi bạn già nằm sát đường tàu.

Sát đường tàu, một ông lão tóc đã bạc trắng trong bộ trang phục cũ đang nằm trên chiếc phản với đủ mọi thứ đồ linh tinh vây quanh. Giấc ngủ vẫn yên bình bên cạnh tiếng xe ồn ào của phố thị. Càng tới gần nơi ông Sơn nằm, chúng tôi nhận thấy tiếng đài radio đang phát bên cạnh như đang ru giấc ngủ cho ông.
Không muốn làm phiền giấc ngủ của ông, chúng tôi loanh quanh gần đó và được mọi người trong khu phố ấy cho biết, hai ông bà đã sống ở túp lều căng vải bạt đó hơn một thập niên. Họ sống với nhau hòa thuận và được mọi người yêu quý. “Ngày trước cũng có những hôm đội trật tự, rồi đội quản lý đường tàu đến khuyên ông Sơn, bà Mận chuyển chỗ ở, do lo ngại nguy hiểm vì ngày nào cũng có tàu chạy qua. Nhưng cứ đuổi chỗ này, ông bà lại chuyển qua ở chỗ khác, cũng trong khu vực đường tàu. Rồi lâu lâu đâu lại đóng đó. Thấy ông bà Sơn cũng già rồi, sống lành không gây sự to tiếng với ai bao giờ, nên giờ không ai nỡ đuổi ông bà ấy nữa” – bà Hồng, một người sống trong khu phố Cửa Nam chia sẻ.
Trở lại gặp ông Sơn khi ông đã tỉnh giấc, trên chiếc phản nhỏ, vẹo vọ, đơn sơ, nằm nép mình bên đường ray tàu hỏa chạy xình xịch rung cả đường. Không gian sống hàng ngày của ông Sơn và bà Mận chỉ là một tấm phản với diện tích nhỏ hẹp. Trên chiếc phản bé chật chội ấy, ông Sơn kể: “Những ngày nắng còn đỡ, chứ gặp phải ngày mưa hay trời nổi dông bão thì coi như cả đêm hôm đó thức trắng. Có lần trời nổi mưa gió mạnh khiến tấm bạt căng phía trên cũng bị thổi bay. Tôi với bà ấy ấy ướt như chuột, cả đêm thức trắng.”

Giấc ngủ nhẹ nhàng của ông Sơn…

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông Sơn nói, sau thời gian giải ngũ, ông chuyển về Hà Nội công tác tại đơn vị đường sắt. Thời gian này, ông cũng thường xuyên phải đi điều trị tại bệnh viện quân y 103 do mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Bác sĩ kết luận ông bị tắc máu não và thường xuyên bị tái phát khi thời tiết thay đổi.
Hiện tại, ông Sơn dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn tham gia vào đội trật tự phường Cửa Nam. Bà Mận thì ngày ngày đi nhặt ve chai ở các con phố xung quanh. “Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng tôi vẫn cứ đi nhặt đồng nát cho tới khi nào đôi chân tôi yếu đi, mắt không còn nhìn thấy rõ nữa mới thôi. Vì đó là công việc giúp nuôi sống hai vợ chồng già chúng tôi. Dù có tiền hỗ trợ thương tật hằng tháng là một triệu tám trăm nghìn đồng nhưng dạo này sức khỏe ông ấy ngày một kém đi, tiền thuốc cũng hết khá nhiều. Với lại, còn sức thì vẫn phải làm thôi.” – bà Mận nói chuyện với chúng tôi.
Hạnh phúc đến từ cái duyên
Trước khi về ở với nhau, ông Sơn và bà Mận đều trải qua những hoàn cảnh khá éo le. Chia sẻ với chúng tôi, bà Mận ngậm ngùi nhớ lại: “Trước đó, tôi cũng đã từng có chồng và một người con gái. Nhưng chồng tôi, vì nghe lời chị gái xúi giục, đã đơn phương làm thủ tục ly hôn khi tôi còn làm công nhân ở nông trường chè Thái Nguyên. Chồng tôi nghe lời chị gái nói là tôi không biết đẻ con trai. Thế nên lúc tôi đi làm công nhân ở xa, ông ấy đã dẫn gái về chung sống. Ly hôn rồi nhưng ông ấy còn cướp mất quyền nuôi con của tôi. Tôi chẳng còn gì nữa nên bỏ lên Hà Nội. Ngày đi mò ốc ở Hồ Tây, đêm lại về ngủ ở vỉa hè Nguyễn Thái Học. Có lần bị bọn nghiện lột hết số tiền dành dụm được. Cũng may hôm đó, ông trời run rủi cho tôi gặp được ông Sơn, nếu không đời tôi cũng chẳng biết sẽ thế nào”.


Căn lều nhỏ tạm bợ là “tổ ấm” suốt 17 năm qua của ông Sơn - bà Mận.

Hoàn cảnh trước đó của ông Sơn cũng bi đát chẳng kém gì bà Mận. Ông là bộ đội giải ngũ, năm 1986, ông Sơn trở về quê với mảnh đạn vẫn còn găm trong đầu, những ngày trái gió trở trời, vết thương hành hạ, khiến ông phải lên bệnh viện quân y 103 điều trị suốt thời gian dài. Rồi vợ ông ở nhà có nhân tình. “Quá đau lòng trước những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, ông Sơn quyết định ra đi” - ông Sơn tâm sự.
Hỏi duyên cớ nào mà ông mãi tận Nam Định, bà ở tận Hải Dương lại gặp được nhau, mà lại là gặp nhau giữa Thủ đô Hà Nội, ông Sơn ngoảnh sang nhìn bà Mận rồi mỉm cười: "Cũng là duyên số thôi. Hồi ấy, tôi buồn chuyện gia đình nên bỏ nhà lên Hà Nội kiếm việc làm. Tôi xin làm gác tàu ở chính cái điểm này. Mỗi lúc rảnh rỗi thường hay ra quán nước chè gần ga ngồi nhâm nhi. Nhiều lần ngồi đó, tôi hay thấy bà Mận gánh ốc, gánh trai qua bán".


Tuổi già sức yếu và nhiều khi cả sự nguy hiểm đeo bám cuộc sống của ông bà.

Sau nhiều lần gặp nhau, được mọi người kể về hoàn cảnh éo le của bà Mận, ông Sơn đã đánh liều “cầu hôn” bà bằng cách hỏi bà ấy: “Hay là bà về ở cùng với tôi. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nương tựa vào nhau mà sống. Khi nghe tôi nói vậy, bà ấy khóc. Đó là giây phút tôi không bao giờ quên được”, ông Sơn chia sẻ.
Đồng thời lúc đó, ông Sơn cũng khuyên bà Mận về quê lấy giấy tờ cá nhân để đăng ký tạm trú tạm vắng nhằm đảm bảo cuộc sống tương lai. Và rồi, ông Sơn và bà Mận đã chọn gác chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học làm tổ ấm. “Nó đúng là cái duyên thật, vì lúc đó, chúng tôi đến với nhau đâu phải bởi tình yêu, mà đó là tình thương, và sự cảm thông của hai mảnh đời cùng chung cảnh ngộ. Về ở với nhau rồi nảy sinh tình yêu, giờ mới có cặp đôi già sống với nhau ở bên đường ray tàu như thế này chứ” – ông Sơn mỉm cười chia sẻ suy nghĩ của mình.
Mong chờ con đến thăm một lần
Trong túp lều của đôi “vợ chồng” già giữa Thủ đô hoa lệ, cuộc sống của họ rất đơn giản mà tình cảm: “Chúng tôi già rồi, ăn uống cũng có đáng là bao đâu. Cơm thì mỗi bữa nửa lon gạo, rau thì có khi ra ven đường tàu hái cũng nên bữa. Trước rau dền trứng mọc nhiều lắm, ăn vừa đảm bảo lại không mất tiền. Bây giờ người ta cuốc để đổ sỏi lên nên cũng chẳng còn mấy. Thức ăn thì nhiều người dân sống xung quanh họ xót cảnh vợ chồng già nên hay đem cho lắm. Người cho bơ gạo, người cho mớ rau, quả mướp...” - ông Sơn cười nói.
Cuộc sống của đôi bạn già cứ như vậy, nhẹ nhàng trôi qua mỗi ngày. Nhưng mỗi khi nhớ về quê nhà, họ lại đau đáu nỗi niềm bởi lẽ gần 20 năm nay sống ở đây, con cái họ chưa từng một lần ghé thăm. Ông Sơn mặc dù có 4 người con nhưng đã từ lâu các con không còn ai quan tâm tới cuộc sống của ông nữa.


Ông Sơn cho biết, chiếc đài radio là tài sản quý giá nhất của ông.
Ông Phạm Ngọc Sơn bị chóng mặt, không dám ngồi cao vì sợ ngã.

Đồng cảnh ngộ và suy nghĩ khi nhắc tới con, bà Mận khẽ lau giọt nước mắt chảy dài trên gò má, bà tâm sự: “Kể từ lúc chồng tôi bỏ đi lấy vợ mới, tôi không thể nào liên lạc được với đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra. Con gái tôi nghe lời bố và các bác nên cũng ruồng rẫy mẹ. Từ khi lên đây, cô con gái duy nhất chưa từng một lần hỏi thăm tới tôi. Nhiều đêm không ngủ được, tôi nằm mà nhớ thương con. Tôi cứ ao ước một lần nó đến thăm thì coi như có chết cũng nhẹ lòng”.
Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, thi thoảng ông Sơn lại ngước nhìn bà Mận, đôi mắt và nụ cười ánh lên niềm hạnh phúc. Giờ đây khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe dần một yếu đi, điều khiến ông sợ nhất chính là nỗi cô đơn khi tuổi già. Ông luôn trăn trở: “Nếu lỡ bà ấy mất trước, tôi không biết phải sống tiếp như thế nào và nếu như tôi mất trước, thì ai là người chăm sóc cho bà ấy những ngày tháng còn lại”.
Một tình yêu xuất phát trong hoàn cảnh khó khăn và càng bền vững hơn khi tình yêu đó chưa đựng cả sự chân thành và thấu hiểu lẫn nhau.
Theo MASK online

4 nhận xét:

  1. Những mảnh đời éo le vẫn tồn tại trong xã hội hối hả nhịp sống hiện đại. Thật đáng quý cho tình cảm của đôi bạn già này, và giận thay cho những đứa con vô phúc của họ.

    Trả lờiXóa
  2. Không biết sau khi bài báo đăng lên con cái và các tổ chức có giúp gì không bác nhỉ!

    Trả lờiXóa
  3. Mong các cụ cố sống đến cuối thế kỉ 21 để hưởng cuôc sống may ra là xhcn .

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn các bạn Lưu Hồng Đoan, vu song thu, VU DUY KHAC.
    Hai cụ già Sơn, Mận đều là con người bình thường như mọi người, về già tự nương tựa lẫn nhau không nhà cửa không người thân, sống lương thiện nhưng làm sao có thể đảm bảo an lành ? Mưa gió bất thường, đời sống bên đường tàu giữa phố phường dám chắc có yên thân? Cứ nghí thể chế XHCN "quan tâm" đến con người, cả trên chục năm với 2 ông bà giờ là 2 cụ nào có giải pháp gì cho con người ? Con cái họ đã bỏ họ và XH cũng để mặc họ, sao gọi là tốt đẹp, là ưu việt được ?

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]