Ký sự từ “ngã ba biên
giới”
GiadinhNet - Gắn liền với cột mốc không số, A Pa Chải,
cái địa danh luôn khiến cho tâm trạng mỗi người con nước Việt khi nghe đến đều
rộn ràng cảm xúc. Nơi đây không chỉ “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” mà còn
là điểm mốc cực Tây thân yêu của Tổ quốc, nơi ông cha ta xưa kia đã đặt chân
khai phá. Đến được đây trong cái nắng gió đại ngàn đã là một cảm xúc đặc biệt
không thể quên của đời một người làm báo.
Ngôi nhà
của một gia đình người Hà Nhì. Ảnh: T.G
Chuyện người vào hang bắt… cọp!
Bản làng A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh
Điện Biên. A Pa Chải cách trung tâm thành phố Điện Biên hàng trăm cây số về
phía Tây. Trên đường tới Sín Thầu, dừng chân tại bản Pờ Nhù Khồ của tộc người
Hà Nhì mới khám phá ra rằng, người Hà Nhì dịch nghĩa tên bản Pờ Nhù Khồ là “Con
trâu trắng”. Và, “Con trâu trắng” là một trong 6 bản của Sín Thầu nằm rải rác
trong thâm sơn triền non đỉnh Khoan La San. Đêm, bên bếp lửa giữa đại ngàn,
chúng tôi chăm chú nuốt trọn từng lời trong câu chuyện của già làng Khoàng Á
Phèn kể về hành trình người Hà Nhì đặt chân lên vùng đất biên cương cực Tây đất
nước. Nghe chuyện lần hồi ngược xuôi các dòng suối tìm đất trồng lúa nước và
lập nên hai bản Tả-Kho-Khừ, A-Pa-Chải, Tá Miếu… Đêm biên cương tĩnh mịch, chỉ
nghe tiếng suối róc rách xa xa vọng lại, tiếng côn trùng kêu đan xen câu chuyện
của già làng cứ như truyền thuyết về một vùng đất nào xa xôi huyền bí lắm.
Ở đỉnh núi Khoan La San, xưa nhiều muông thú, là nơi sinh
sống của hổ dữ. Con người để sống được vùng đất này phải đánh đuổi hổ. Người Hà
Nhì vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện kỳ bí về nhân vật được tôn xưng “chúa
sơn lâm”. “Chúa sơn lâm” có tên Lỳ Xừ Há, cái tên trở thành huyền thoại khi
nhiều lần tay không giết hổ. Người Hà Nhì tôn thờ, gọi ông là “ông Hổ”. Ở chốn
đại ngàn này, từ trước tới nay, “ông Hổ” vẫn giữ kỷ lục là người duy nhất vào
hang… bắt cọp.
Ngô Huy Hà
(trái) ra mắt cuốn sách “Bước chân Việt Nam 4 Cực 1 Đỉnh”.
Chuyện rằng những năm 70, 80 thế kỷ trước không ít người bị
hổ ăn thịt. Có người phụ nữ bị hổ ăn thịt lúc 49 tuổi. Đau đớn hơn, cô cháu gái
mới hơn mười tuổi của bà cũng bị chính đàn hổ dữ ăn thịt vào ngay ngày hôm đó.
Không biết từ khi nào, trong “bản đồ” vùng ngã ba biên giới có một cái khe suối
tang thương, huyền bí, ma mị khét tiếng dân gian: Khe Hai Bà Cháu như là cái
cách để người ta tưởng nhớ tới hai bà cháu người phụ nữ bị hổ ăn thịt đó. Khe
nước giờ đây vẫn trong vắt. Nếu như trước đây không ai dám bén mảng tới gần thì
bây giờ người Hà Nhì đã vào khe Hai Bà Cháu lấy nước về dùng. Họ tin rằng linh
hồn hai bà cháu xấu số sẽ phù hộ cho mình. Người Hà Nhì còn cho rằng đây là khe
suối đặc biệt. Muông thú tụ hội ở đó rồi bị thợ săn tiêu diệt, hay chúng ăn
thịt người như lũ hổ kể trên, là bởi vì khe nước có chứa khoáng chất. Bờ khe có
các hòn đá chứa muối. Muông thú liếm nhẵn các hòn đá để tìm muối, tìm khoáng
chất. Già làng Khoàng Á Phèn kể rằng sinh thời “vua hổ” là người duy nhất có
gan đối mặt với loài thú dữ này, ông chỉ cần đứng trên đỉnh núi, bê đá ném
xuống khe, đã giết được hổ, mỗi lần mang hổ về dân bản đều mở hội ăn mừng.
Đó là chuyện của 20 - 30 năm về trước. Khoan La San bây giờ
vẫn là dải rừng hoang nguyên sơ, chỉ có điều loài hổ giờ đã lùi sâu hơn nữa
trong chốn thâm sơn, nhường địa bàn lại cho con người. Đường đi tới mốc không
số, hai bên con đường mòn nhỏ cỏ tranh cao và dày vươn ra chặn ngang đường.
Cánh rừng nguyên sinh như chưa có bàn tay con người chạm tới, với cây cối rậm
rạp. Những dây leo oằn mình đeo bám các thân cây cổ thụ cao vượt tầm mắt.
Xúc cảm thiêng liêng ở cột mốc không số
Cột mốc
không số nơi “con gà cất tiếng gáy 3 nước đều nghe”.
Con đường đất nhão nhoét do những trận mưa đêm cuối hạ đầu
thu dai dẳng, đưa chúng tôi lên cao dần, cao dần. Ở những khoảng trống, khi
phóng tầm mắt ra xa, các bản Tả Khó Khừ, Tá Miếu, Lỳ Mà Tá... của người Hà Nhì
dưới núi nhỏ dần, mờ dần và nhòa đi trong sương khói chiều biên giới, có chăng
chỉ rải rác những nương lúa xanh mướt nối tiếp nhau trườn mình trên sườn núi là
minh chứng có sự hiện diện của con người.
Hành trình nước rút tới đích là mốc không số nằm trong “vùng
rừng lạnh” cách chúng tôi 3 đỉnh núi cao, 2 vùng “yên ngựa” với những trảng cỏ,
lau lách phủ kín đầu, sẵn sàng cứa vào tay, chân rớm máu; những cây số đường
rừng phải luồn mình dưới đại ngàn thâm u, ẩm ướt với vô số tảng đá sắc lẹm án
ngữ lối đi.
Dọc đường leo dốc trơn, luồn đại ngàn thâm u, cơn khát, cơn
đói của chúng tôi được khỏa lấp bởi những chai nước suối, những đùm cơm được
Khoàng Á Sình, thanh niên người Hà Nhì tình nguyện làm người dẫn đường đặt vào
tay những kẻ lữ hành. Chưa bao giờ thấy cơm trắng ngon đến thế, gạo nương người
Hà Nhì thơm đến lạ.
Vất vả là thế, nhưng đổi lại, thiên nhiên cũng bù đắp cho
chúng tôi được mãn nguyện kiến diện cảnh rừng già tuyệt đẹp: Mây mù giăng mắc,
bủa vây bốn bề; Những cây cổ thụ khổng lồ, rêu mốc, lan rừng, cây ký sinh bám
dày từ gốc lên ngọn, từ thân sang cành, sang nhánh. Kỳ hoa dị thảo với những
sắc màu sặc sỡ, hình thù lạ mắt cũng xuất hiện trên đường chúng tôi đi.
Một lần đến với miền biên cương xa xôi của Tổ quốc phải vượt
qua bao nhiêu khó khăn thử thách. Tôi nể Ngô Huy Hà, một “phượt thủ” thuộc thế
hệ 8X như mình. Chỉ trong vòng hơn 3 năm từ 2011- 2014, Ngô Huy Hà đã đặt chân
đến 4 cực và 1 đỉnh của dải đất hình chữ S; Cực bắc Lũng Cú, Hà Giang, Cực Nam
đất mũi Năm Căn, Cà Mau, Cực Tây A Pa Chải, Điện Biên và Cực Đông mũi Đôi Vạn
Ninh, Khánh Hòa và đỉnh Phanxipăng. Thật bất ngờ hơn, chàng trai trẻ này mới
cho ra lò cuốn sách dày gần 300 trang “Bước chân Việt Nam 4 Cực 1 Đỉnh” những
ngày đầu tháng 10 này như một cẩm nang khám phá nước Việt.
Ngô Huy Hà chia sẻ: “Trong 4 Cực và 1 Đỉnh (Phanxipăng) của
lãnh thổ Việt Nam, nơi dải đất hình chữ S có một mặt tiếp giáp chạy dọc biển
này, cực Tây A Pa Chải được xem là điểm khó chinh phục nhất. Để tới được đây,
tôi phải di chuyển hàng trăm cây số qua nhiều địa danh lịch sử như đèo Pha Đin,
Điện Biên Phủ và cả những con đường đất, đá bụi mù trước khi băng đèo, vượt suối
tại Mường Nhé. Thật hạnh phúc biết bao khi bạn được đứng trên đỉnh cực Tây, rồi
phóng tầm mắt ra xa nhìn về Tổ quốc thân yêu với trùng trùng điệp điệp núi non
hùng vĩ. Đây là rừng già, kia là dãy núi cao, là thảo nguyên trập trùng. Tất cả
đều làm chúng tôi vỡ òa trong sự tự hào sung sướng. Chúng tôi cẩn thận tung lá
cờ Tổ quốc vẫn mang theo với kích thước tới hơn 2m2. Trước quốc kỳ phấp phới,
trước cột mốc gắn quốc huy, ai cũng thấy xiết bao tự hào, đứng trang nghiêm,
tay chào cờ và đồng thanh hát Quốc ca”.
Tiếng ca vang vọng trong gió đại ngàn, hòa quyện với cây cỏ,
mây trời khiến cho lòng người trào dâng cảm xúc tình yêu đất nước tột độ. A Pa
Chải, không còn xa xôi hẻo lánh nữa. Ngày nào, tháng nào cũng có những đoàn
người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến nơi đây. A Pa Chải trong tôi, một lần
đến để rồi cả đời bộn bề những thương cùng nhớ! Nhớ một tiếng gà nơi ngã ba
biên giới, nhớ những con người Hà Nhì hồn hậu mến khách, nhớ những âm thanh
Quốc ca vang vọng trong nắng chiều đại ngàn màu hổ phách. Nhớ cả một miền ký ức
xa xăm và ngọt ngào!
Khi đặt chân lên đỉnh Khoan La San, tay sờ cột mốc không số,
cột mốc được xây bằng đá hoa cương trên một bệ đỡ vuông vắn có diện tích 5m x
5m, cột đá cao 2m có mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc
ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia. Một cảm giác lạ như luồng điện chạy dọc
sống lưng, chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hai chữ Việt Nam, càng
quý giá mỗi tấc đất mà cha ông đã đời này qua đời khác khai khẩn để lại cho đời
sau.
Nguyễn Quang Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]