Canh bạc du lịch của kỹ sư
hàng hải
Tốt nghiệp ngành hàng hải, gần chục năm công
tác trong ngành hải quan, kinh doanh riêng, nhưng Trịnh Bá Dũng quyết định bỏ
ngang để lên Đà Lạt làm du lịch.
Nằm trên một ngọn đồi
thoai thoải ven hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), khu du lịch Sao Đà Lạt dù vẫn đang trong
giai đoạn hoàn thiện, nhưng đã đặc biệt thu hút du khách nhờ những công trình
điêu khắc từ đất. Ngoài những đồi thông xanh mướt, điểm nhấn của khu du lịch là
con đường hầm lộ thiên, hai bên vách hầm là các tác phẩm điêu khắc, mô phỏng
lại những hình ảnh Đà Lạt, các công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố
bằng nguyên liệu vữa đất.
Trịnh Bá Dũng, chủ đầu
tư cho biết, ông đã dành ra 7 năm và phần lớn tài sản của mình để theo đuổi
công trình này. Dù bị cho là khá phiêu lưu, nhưng ông Dũng hoàn toàn tự tin với
con đường mình đã chọn. Tính cách này có từ khi ông còn rất trẻ.
Ông Dũng sinh năm 1972
tại Thanh Hóa, và chuyển vào Sài Gòn từ năm 1976. Dù gia đình thuộc diện kinh
tế khá giả, nhưng ngay từ khi mới năm nhất Đại học Hàng hải, ông Dũng đã
tự tìm hiểu và kinh doanh trong lĩnh vực in ấn trên gốm sứ. Ông cũng có 3 năm
theo học ngành kinh tế ở Cộng hòa Liên bang Đức, rồi gần 10 năm làm việc trong
ngành Hải quan.
Năm 2007, Trịnh Bá
Dũng cùng với 4 người bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt xin đất tại khu du lịch hồ
Tuyền Lâm để làm du lịch. Kế hoạch ban đầu là xây dựng 100 villa nghỉ dưỡng
trên diện tích 15ha. Loay hoay mãi dự án không thể triển khai vì cơ sở hạ tầng
ở khu đất này còn trắng.
Lúc này tỉnh Lâm Đồng
khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi mô hình dự án, vì dự án đầu tư vào villa,
khách sạn đang quá nhiều. Nhận thấy khuyến cáo của Lâm Đồng là có cơ sở, nhưng
không biết nên chuyển sang loại hình nào. Trịnh Bá Dũng đã khăn gói xuất ngoại
hàng chục chuyến để tham quan học tập. Ông đã đi hết 23 bang của nước Mỹ, rồi
qua Hà Lan tính đem nguyên xi mô hình vườn hoa tham quan ở nước này về làm.
Tiếp đó, ông Dũng đi
Thái Lan, Trung Quốc để học cánh làm du lịch của họ, đặc biệt để ý đến các công
trình kiến trúc về văn hóa, lịch sử nhưng rồi cũng chưa tìm được lối ra. Lúc
này, 3 cổ đông dự án đều rút và chuyển nhượng lại cổ phần cho ông. Bài toán về
vốn đầu tư càng trở nên căng thẳng, trong khi đường dẫn vào khu đất dự án của
ông, tỉnh Lâm Đồng chỉ mới làm đường đất đỏ, chưa tráng nhựa như hiện nay. Có
những lần ông Dũng đã suýt gặp tai nạn khi tự lái ô tô qua đường sình lầy để đi
thăm khu đất, hay phải gọi xe cứu hộ tới hỗ trợ.
Ông Dũng chợt nghĩ,
tại sao không tìm cách làm cứng đất mà
không cần nung, nếu làm được thì những con đường sình lầy thế này sẽ trở
nên khô ráo. Tuy không được đào tạo chuyên ngành, nhưng Trịnh Bá Dũng có kiến
thức rất tốt về hóa học và vật lý, vì ông đã từng nghiên cứu và làm giàu từ
nghề in trên gốm sứ và nhiều chất liệu khác. Mẫu đất đỏ bazan của Đà Lạt được
ông Dũng gửi đến các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu. Theo ông, kỹ thuật
làm cứng đất không có gì mới mẻ, rất nhiều nước trên thế giới đã làm và có
những công trình kiến trúc hàng trăm năm trước cũng đã áp dụng kỹ thuật làm
cứng đất.
Các nhà khoa học cũng
cho ngay kết quả làm cứng đất không cần nung, nhưng đó không phải là điều Trịnh
Bá Dũng cần. Cái ông mong muốn là làm cứng
đất thật nhanh với số lượng lớn
mới có thể ứng dụng vào công nghiệp xây dựng và có thể áp dụng ngay cho dự án
của mình.
Vậy là ông Dũng tự mày
mò nghiên cứu và đã thành công. Bước đầu, ông tính xây 100 biệt thự nghỉ dưỡng
bằng đất không nung. Loại vật liệu này có độ rắn không thua bê tông,
nhưng chi phí thấp hơn từ 5 đến 7 lần nên sẽ rất cạnh tranh. Sản phẩm du
lịch vừa độc đáo, sang trọng mà phù hợp với thu nhập nhiều đối tượng.
Đầu năm 2012, Trịnh Bá
Dũng bắt tay vào xây dựng hai biệt thự bằng vữa
đất đầu tiên của mình. Tuy rất hài lòng về độ bền, tính nghệ thuật, mỹ
thuật nhưng làm xong rồi thì ông quyết định dừng vì đã nảy ra một ý tưởng mới,
đó là một đường hầm điêu khắc bằng đất không nung, tái hiện quá trình hình
thành và phát triển Thành phố Đà Lạt
Để đường hầm này sẽ
được xếp hạng trên thế giới, ông Dũng đã tìm hiểu rất nhiều thông tin. Ông
quyết định làm đường hầm điêu khắc dài 1,3km và chưa tới 2 năm đã hoàn thành
được 1km. Đây cũng là đường hầm điêu khắc bằng đất lộ thiên dưới lòng đất đầu
tiên và là đường hầm điêu khắc đầu tiên thế giới tái hiện quá trình hình thành
phát triển của một thành phố.
Để làm đường hầm điêu khắc bằng đất, ông Dũng cho biết bắt
buộc phải kết hợp xử dụng cơ giới là máy xúc, ủi với bàn tay nghệ thuật của con
người để tạo nên những tác phẩm mô phỏng khổng lồ.
Hằng đêm, ông Dũng
cùng ê kíp là họa sĩ, nhà điêu khắc nghĩ ra ý tưởng và thiết kế trên máy tính
những hình khối sẽ tạo dưới lòng đất. Chiếc máy xúc sau khi tạo một khối đất
thô, ê kíp của ông Dũng sẽ ngồi trên gàu của máy xúc dùng sơn đánh dấu những vị
trí cần lấy đất đi để tạo hình. Sau đó, gàu múc được tháo ra gắn những dụng cụ
tựa như dao, đục để bào, gọt đất… Công đoạn làm bằng máy này hoàn thành đến 60%
tác phẩm. Sau đó, những nghệ nhân sẽ được máy xúc nâng lên cao để chỉnh sửa tác
phẩm mà không cần bắc giàn giáo vừa tốn kém, lại mất thời gian.
Khi tác phẩm đã ưng ý,
công đoạn cuối cùng là khóa cứng.
Dùng đất nhuyễn với nước, pha một ít bột đá và trộn hóa chất đắp vào hình khối
tác phẩm. Sau một đêm, lớp đất này khô cứng và chắc không thua kém bê tông. Ưu
điểm của công nghệ này là tiết kiệm 75% chi phí và trên 50% về thời gian. Ngoài
ra nó còn có một ưu thế so với bê tông là độ hở lớn hơn, nước dễ dàng thoát ra
ngoài nên việc sạt lở rất khó xảy ra.
Trịnh Bá Dũng còn tự
nghiên cứu ra loại sơn làm từ bột đất
tại chỗ để sơn lên tác phẩm với độ bền rất cao. Loại sơn này sau khi sơn lên
đá, đất không nung có màu tự nhiên, đẹp mà không bị bay, phai màu và chịu được
nhiệt độ cao. Để chứng minh, ông Dũng dùng đèn khò 1.000 độ C dí thẳng vào lớp
sơn đã sơn lên đất đá đến đỏ rực, sau đó dùng nước dội vào làm nguội nhưng lớp
sơn không hề bong tróc, đổi màu.
Tính đến nay, sau 7
năm, tổng số tiền đầu tư của ông Dũng vào dự án Sao Đà Lạt đã ngót ngét 200 tỷ đồng. Chỉ một thời gian không lâu
nữa, đường hầm điêu khắc bằng đất không nung sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện mỗi
ngày đã có từ 500 đến 700 khách tới tham quan. Ông Dũng bước đầu bán vé thử
nghiệm với giá 50.000 đồng một vé. Ông cho biết, giá vé tham quan không cần
cao, kế hoạch sắp tới của ông là sẽ xây dựng thêm một số nhà lưu trú bằng đất
không nung nữa để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ông sẽ mở ra nhiều dịch vụ
giải trí đi kèm, trong đó đặc biệt là một sân khấu biểu diễn quy mô lớn.
Ông Dũng tiết lộ thêm,
sẽ làm hồ sơ để nhận kỷ lục guinness cho công trình này. Đã có một số nhà đầu
tư nước ngoài đề nghị được hợp tác đầu tư khai thác kinh doanh, nhưng ông vẫn
chưa chấp thuận. Hiện cả gia đình 3 thế
hệ của ông đều đã chuyển lên sinh sống tại Đà Lạt.
Quốc Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]