7 tháng 7, 2013

Văn nghệ chủ nhật : NHÀ VĂN TRẦN THỊ TRƯỜNG

Theo Tiền Phong (TPO)


Nhà văn Trần Thị Trường: Đừng thách lên giời    
TP - Dân gian có câu: “Bắc thang lên hỏi ông giời”. Nếu có thang lên giời, dám nghĩ, đừng ai dại thách đố Trần Thị Trường. Gặt hái nhiều thành công với nghiệp văn chương nhưng văn chương vẫn không biến nổi chị thành người tình chung thủy. Chuyện gì cũng có thể xảy ra với người đàn bà dư thừa năng lượng này.


                    Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Trần Thị Trường sinh ra ở “miền gái đẹp” nhưng gốc Hà Nội. Đây đó có bài báo khen chị đẹp. Ngắm chị, vẫn thấy vẻ mặn mà, có lẽ vào cái thuở linh đình cũng thuộc hàng “tốn giai”. Nhưng vẻ ngoài không phải điều đáng nói khi nhắc đến chị.

40 tuổi mới bắt đầu với nghiệp viết, chị dùng luôn tên khai sinh làm bút danh, trở thành một trong những nữ nhà văn có bút danh giàu màu “nam tính” nhất trên văn đàn quá khứ và đương đại. Bập một cái, Trần Thị Trường “chơi” ngay tiểu thuyết, bất ngờ tạo tiếng vang. Hiện tại, Trần Thị Trường đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết, trong quá trình chỉnh sửa.

Chị bảo: “Tôi từng ra hai cuốn tiểu thuyết rồi. Vì hai cuốn trước tôi chưa hiểu về tiểu thuyết lắm nên ra rất nhanh, còn cuốn này viết trong ba năm, sửa đi sửa lại trong vòng ba năm nữa, vẫn chưa xong”. “Đôi khi sự đọc nhiều khiến người cầm bút thiếu tự tin ở mình ?”, tôi hỏi. Trần Thị Trường cho rằng: “Càng đọc nhiều ngòi bút càng trở nên cẩn trọng hơn, chậm hơn, đúng là có thể nói thiếu tự tin hơn. Nhưng với tính cách của mình, dù thiếu tự tin đến mấy tôi vẫn phải cho ra được cuốn này. Vì tôi đã đau đáu về nó lâu lắm rồi”.

Lời hứa ra sách của nhà văn thường… không nên tin nhưng lời hứa của Trần Thị Trường có độ bảo hành cao hơn chăng? Bởi “nói được, làm được” đã giúp chị thành công trên nhiều lĩnh vực, không riêng gì văn chương.


Từ chuyện thang máy hỏng

Đến thăm Trần Thị Trường tại cơ quan chị vào đúng ngày thang máy hỏng. Leo lên tầng 8 của tòa nhà, mướt mồ hôi, câu đầu tiên tôi hỏi nữ nhà văn: “Cảm giác của chị về chiếc cầu thang máy không chạy được?”.

Người đàn bà ở tuổi lục tuần, tóc còn đen, giọng nói còn khỏe, điềm nhiên đáp: “Nó hỏng đương nhiên chẳng ai muốn. Nhưng thay vì cáu bẳn tôi coi như một chuyện rèn luyện bất đắc dĩ. Tôi tập suối nguồn tươi trẻ vào sáng sớm, giờ tôi rèn thêm bài tập leo cầu thang”.

Cứ bình thản thế, chắc khó làm thơ? Chị tiếc nuối: “Tôi yêu thơ lắm nhưng giờ không làm thơ nữa. Tôi thấy làm thơ vất vả nên bỏ”. Trông lại những việc Trần Thị Trường đã làm thì thấy cách nói bỏ vì vất vả, chẳng qua là cách nói khiêm tốn. Chưa biết Trần Thị Trường ngại gì, sợ gì trong đời nhưng ắt không sợ vất vả. Nếu sợ vất vả thì ngày chị từ Bungari trở về nước, bị “sếp” “riềng” (chữ dùng của chị), từ nhân viên văn phòng bị “đầy” xuống làm công nhân thợ hàn, thế mà Trần Thị Trường chẳng kêu ca, chẳng làm đơn tố cáo, chị học luôn nghề hàn: “Lẽ ra phải bực bội đau khổ lắm nhưng tôi lại biến cái đó thành một cơ hội. Nhờ học nghề hàn tôi không bị bật ra khỏi biên chế (điều khủng khiếp thời đó), thêm nữa, tôi lại nhận được công trình bên ngoài”.
Có thể nói “chủ thầu xây dựng” cỡ “mi ni” cũng từng là một nghề “kiếm cơm” của nữ nhà văn họ Trần. Ngay cả chuyện chị học tiếng Anh khi tuổi đã về chiều, đua với công nghệ (Trần Thị Trường nhoay nhoáy với máy tính bảng và “táo cắn dở”)… cũng cho thấy sự không chịu chào thua khó khăn. Chỉ có thể lí giải chuyện Trần Thị Trường không bước vào lâu đài thơ, chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng, là sự tự trọng với nghề viết, khi biết mình chưa thật sự dồi dào năng lượng.

Không vội vã viết ra, không vội vã xuất bản 


     Trần Thị Trường.

Hồi chạm ngõ làng văn Trần Thị Trường ôm giấc mộng lớn: Viết để giành giải Nobel, còn không, thôi đừng viết. Nhưng dần dần giấc mộng về giải thưởng không còn ám ảnh chị, bây giờ Trần Thị Trường không bận tâm về danh hiệu, giải thưởng, ngay cả giải thưởng danh giá nhất (và lùm xùm nhất) ở nước ta hiện nay: Giải thưởng của Hội nhà Văn Việt Nam.
Chẳng phải chị thờ ơ với thời cuộc mà vì chị đã tìm thấy ý nghĩa đích thực của văn chương. Nếu người xưa quan niệm “văn dĩ tải đạo” thì Trần Thị Trường nói một cách gần gũi hơn, chị mượn câu thơ của Dương Tường để diễn tả: “Tôi đứng về phe nước mắt”.
Không phải tuyên ngôn độc đáo, các nhà văn, nhà thơ lớn từ cổ chí kim đều đã đi theo con đường này. Nguyễn Du khóc kiếp hồng nhan, sau này các nhà văn hiện thực phê phán khóc kiếp đời cùng khổ… Đọc Trần Thị Trường, ngay cả trong những chuyện ngột ngạt, oi bức, vẫn thấy đó đây nụ cười cảm thông của nhà văn.
Trần Thị Trường viết về “Tắc đường” một vấn nạn giao thông đô thị, con người trong cuộc sống bế tắc, bấn loạn đó, vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng cảm thông. Chị nói về tác phẩm của mình dung dị: “Tắc đường có chứa đựng sự hài hước, sâu cay của một người vì yêu mà đanh đá”. Truyện ngắn Trần Thị Trường tuy đứng về phe nước mắt nhưng không chung thuỷ với lối kết thúc “tối đen như mực” hay “ngày mai sẽ khác” (tên một truyện ngắn của chị) mà chị chọn lối kết như… bản tin thời tiết, lúc nắng, lúc mưa, khó đoán biết. Như nhiều nhà văn, Trần Thị Trường không bỏ qua đề tài lịch sử.
“Sóng vỗ mạn thuyền” viết về công chúa Huyền Trân, được thổi vào hơi thở hiện đại: “Ta không thiết sống nhưng… không phải là ta không sợ chết (…). Cha ơi. Cha, con sắp phải lên giàn thiêu cha ạ, cho trọn đạo vợ chồng. Nhưng còn Đa Đa… mà thực ra… con mới mười tám tuổi”.
 “Trước hết văn chương cần phải dành cho tôi và cho những người đọc mong muốn nó”.  
Trần Thị Trường
Cày xới trên mảnh đất lịch sử là con dao hai lưỡi. Người nắm được đằng chuôi sẽ tạo nên những tác phẩm đình đám, người lóng ngóng sẽ gây nên những cuộc tranh luận nảy lửa. May thay, tuy chỉ gieo trồng thử nghiệm nhưng Trần Thị Trường đã có thu hoạch, người đọc dễ dàng chấp nhận và thích thú trước mối tình Huyền Trân- Khắc Chung mà nhà văn dệt nên.
Không ít người viết vẫn loay hoay lựa chọn phương pháp sáng tác. Hỏi Trần Thị Trường điều này, chị thản nhiên: “Tôi không đặt nặng phương pháp, tôi thấy cái gì cần phải viết lên trên trang giấy là viết. Tôi phản ánh cuộc sống này, tôi muốn người đọc tìm thấy ở trang viết của tôi điều gì đó mà họ tâm đắc, bởi vì chính bản thân tôi tâm đắc. Tôi không vội vã để viết ra, không vội vã để xuất bản”.
Chính vì thế, phần đa tác phẩm của chị đều không “được” (hay “bị”) rơi vào trạng thái “cao siêu” khó hiểu. Không cần có chuyên môn chỉ cần có tấm lòng với văn chương đã có thể lang thang trong miền sáng tác của Trần Thị Trường. Nói như thế, không có nghĩa là văn chương của chị dễ dãi, một khi người viết đã “không vội vã để viết ra, không vội vã để xuất bản”, chứng tỏ mỗi “đứa con” tinh thần đều đã được chi chút.
Cuốn tiểu thuyết sẽ ra mắt trong tương lai của chị được thai nghén trong vòng sáu năm nhưng chị vẫn “ém” để đọc và sửa lại. Nhà văn nữ này nói, mình có “tật” không đọc lại, không sửa lại tác phẩm sau khi tác phẩm đã trình làng. Trong sáng tác, chị không bị lệ thuộc vào người đọc, đối tượng Trần Thị Trường muốn nhắm đến không phải người đọc của thời vụ: “Trước hết văn chương cần phải dành cho tôi và cho những người đọc mong muốn nó”.

Chẳng ai cấm được trái tim
Trần Thị Trường không có những thị phi giật gân nhưng vẫn còn đó những dấu hỏi khiến những ai quan tâm đến chị không khỏi tò mò. Nhiều người biết một thời Trần Thị Trường nổi tiếng với nghề “bầu sô” cho danh ca Ngọc Tân. Trong sự nghiệp của mình, Ngọc Tân hát trong khoảng 150 chương trình thì có tới 100 chương trình có mặt Trần Thị Trường ở vai trò tổ chức biểu diễn.
Có hay chăng mối tình giữa “bầu sô” và ca sỹ? Người trong cuộc chưa bao giờ chịu thừa nhận: “Ở thế hệ của tôi tình bạn quý vô cùng. Tôi có những tình bạn lớn. Tình bạn rủ tôi làm gì thì tôi làm cái đó. Tôi đâu có chủ định cuộc đời tôi làm bầu sô ca nhạc?”. Sau bao nhiêu năm Ngọc Tân từ biệt cõi dương gian, Trần Thị Trường vẫn rưng rưng mỗi khi nghe anh hát…
Ngày xưa cha đẻ của Trần Thị Trường lo con gái vì đa cảm sẽ khổ.
Nhưng có lẽ nữ nhà văn là con người “hai trong một”: Vừa đa cảm, vừa lí trí tỉnh táo. Thành công trên nhiều lĩnh vực được chị lí giải đơn giản: “Cơ bản tôi không phải người đánh trống bỏ dùi, tôi là người nhiệt huyết, đã định làm cái gì thì làm cái đó đến nơi đến chốn”. Chẳng biết con người dư thừa năng lượng ấy có quyết liệt trong yêu đương hay không? “Nếu nói về luật hôn nhân và gia đình thì chỉ được yêu một người còn trái tim thì không ai cấm được”.
Hỏi: “Ở tuổi này chị còn yêu thầm nhớ vụng không?”. Trần Thị Trường cười: “Có lẽ là thôi, đã quá tuổi khấp khởi rồi mà hết khấp khởi nghĩa là tình yêu nhạt, thì thôi”. Ở tuổi hiện tại chị dành tình yêu cho những cái rất gần, những kế hoạch gần như con cháu, ngôi nhà, mảnh vườn…
Tuy nhiên những lời đồn vẫn không dứt. Một Trần Thị Trường có tiếng trong văn chương, đủ đầy về vật chất, đã ở tuổi nghỉ ngơi, lại vẫn ngày ngày “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ở cương vị Phó giám đốc khu vực phía Bắc - Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam. Chị bị Phó Đức Phương bỏ “bùa mê”? Trần Thị Trường lấp lửng: “Tôi nghĩ nhạc sỹ Phó Đức Phương rất đáng yêu và rất nhiều người yêu ông ấy. Còn ông ấy dành tình cảm cho âm nhạc, cho công việc của trung tâm và đương nhiên không thể so sánh được đó là tình cảm với người vợ trẻ xinh đẹp của ông nữa”.
Trong phòng làm việc của Trần Thị Trường treo một tấm hình của cha đẻ “Trên đỉnh phù Vân” tươi rói. Tự hỏi, chẳng biết Trần Thị Trường may vì gặp Phó Đức Phương hay ngược lại, Phó Đức Phương may vì “được” Trần Thị Trường.

Nấu ăn ngon và tự may quần áo

Ngay những đồng nhuận bút đầu tiên thu được, Trần Thị Trường đã dùng để xây một ngôi nhà nhỏ, trong khi những nhà văn đồng lứa với chị lại dùng tiền đó để mua linh tinh và… hết lúc nào không biết. Riêng mảng mỹ thuật chưa thấy chị “dụng võ” (dù được đào tạo chính quy): “Tôi phải lựa chọn, nhà đã có một ông họa sỹ rồi, mà ông ấy thì họa sỹ đích thực hơn”. Hiểu biết về hội họa, nên trong cuộc sống, từ những cái bình thường nhất, vào tay chị cũng trở nên có cá tính.
Trần Thị Trường tự tin ở khoản “nữ công gia chánh” của mình. Chị còn bật mí: “Tôi gần như tự may quần áo cho mình, hiếm lắm mới mặc quần áo của người khác may, chỉ với áo vest, hoặc áo thể thao mùa đông là tôi mua ngoài, còn lại tự may lấy”.
Tuy nhiên chị không thuộc mẫu đàn bà truyền thống: “Cái gì thuộc về truyền thống, thấy tốt, tôi cố gắng giữ. Cái gì cần hiện đại tôi vẫn cố gắng vươn tới”. Trần Thị Trường có may mắn lớn, hai con đều thành công trong cuộc sống. Con gái của chị tốt nghiệp đại học ở Mỹ, lập gia đình với người đàn ông Mỹ thành đạt. Còn con trai chị theo nghề luật sư. Nói về bí quyết dạy con, chị bảo: “Tôi rèn con kỹ lắm. Ngay từ bé tôi bắt chúng vừa đi học, vừa đi làm cùng tôi”. Bây giờ con gái của nữ nhà văn sống giữa trời Tây vẫn tự tay cắt may quần áo như người mẹ của mình.


Nông Hồng Diệu
 
Một TRUYỆN NGẮN của Trần Thị Trường:


Truyện Ngắn » Cơn Giông



    Thôi chết rồi! Nhưng may quá! Ơ ngoài đường này làm gì có ai nghe thấy! Mụ vợ ấy à, còn lâu. Nhá! Tao cứ hát đấy! Mưa cho nông dân đỡ vất vả, mưa cho ta mát, cho những người không có điều hòa được ngủ một đêm ngon lành. Mưa ơi mưa ơi.
    4 giờ chiều.
     Bài phóng sự về hạn hán đang được ông Hùng hoàn thiện nốt phần cuối. Đọc lại, đôi chỗ ông thấy câu chữ chưa đạt tới tầm cảm xúc của ông. Nhớ đến những gương mặt mướt mải mồ hôi, lo lắng cực điểm của người nông dân ông thấy vẫn còn xúc động. Những thửa ruộng khô toác, nứt nẻ làm ông xót ruột như bỏ muối. “Đồ chết tiệt”.
    Đằng sau ông, phía tường đối diện bàn viết ở dưới sàn bà chủ “quán Hùng râu”, vợ ông đang tốc áo nằm trước quạt nửa ngủ nửa thức.
    “Chết tiệt! Cứ nóng mãi thế thì chết người ta còn gì, chỉ có nông dân là cơ khổ thôi. Giời ạ ”. Bà Hùng râu lật áo xuống, chồm lên: “Ông chửi ai đấy, chửi giời à. Có khổ không? Chửi giời?… Này! Tôi thì đang khấn giời đấy! Ông ạ! Tôi khấn ông ấy cứ nóng liền cho tôi cả vụ hè này, cả năm này sang năm khác nữa cơ. Không nóng thì ai uống bia. Bia. Ông hiểu chưa. Giời ơi! Lão này điên rồi. Quên rồi? Năm ngoái suýt thì mất cả chỗ nằm này ấy chứ… ”.
     Bà Hùng râu rửa mặt trong cái bồn bé tý. Toalét cũng nằm ngay trong cái phòng tầng hai này mới mua lại này. Vừa chải tóc bà vừa rên rẩm. “Đang nóng nhao lên, đi lấy vội một bom, giá gấp ba gấp bốn chứ có ít đâu, về mới mở chưa bán được chục cốc thì ông ấy đổ mưa xuống, thế là chết mẹ! Ba tháng như thế là đứt! Là ngân hàng cho mõ đến nhà!… Thế mà còn thương nông dân! Sĩ diện hão! Thương lấy tôi đây này!… Tôi là cái gì ấy à? Là cái con chó giữ nhà cho ông, đẻ con cho ông, nuôi con ông và nuôi ông để ông… đi đây đi đó… thương vay khóc mướn…đ..ấ..y ! Giời ạ!”.
    Ông Hùng ngồi đực ra. Đây không phải một lần ông nhỡ mồm. Không phải một lần bị nghe vợ “chửi”. Ây vậy mà vẫn quên. Mồm thốt ra những câu như không phải của mồm. Của cái gì. Ở đâu. Không hiểu. Ông cắm đầu xuống để nghe vợ nói. Càng nghe càng thấy vợ đúng. Ông lúng túng muốn quay lại ôm vợ một cái làm lành. Nhưng lâu quá có ôm iếc gì đâu nên lại ngại.
    Thi thoảng ngoài những lúc lang thang vác máy ảnh, túi đồ nghề đi làm phóng sự ông cũng về nhà. Nói đúng hơn là cũng nhớ vợ. Nhưng về đến nhà là ngửi thấy mùi bia từ người vợ bốc ra. Không phải ông thành kiến mà chính vợ ông cũng nói: “Thôi, thôi, mệt bỏ mẹ ra đây. Ôm với ấp gì! Hôm nay đông quá. Nóng mà! Sáu bom hết veo. Có thích thì cầm lấy mấy chục mà đi gội đầu gội đít, mấy con trẻ bên Mây xưa kia nó cù cho!…Tôi ấy à, tôi là con chó, chả còn thích gì sất! Đắt hàng thì muốn chết vì mệt! Ê hàng thì muốn chết vì sợ, chồng đói con đói, ngân hàng đến thu hồi…”.
    Điệp khúc ngân hàng đến thu hồi là cái ông Hùng sợ nhất. Ông bải hoải cả chân tay. Không thực sự hiểu! Thế nào mà nhà mình lại hay dính đến ngân hàng? Song vì trong nghề, đọc những phóng sự điều tra của đồng nghiệp bên ban kinh tế ông thấy hầu hết những tay buôn bán đều phải đi vay ngân hàng và kết cục thì chẳng mấy người không khuynh gia bại sản và không dính đường tù tội. Nên ông nghĩ dính vào vay mượn ngân hàng giống như thể đi trên một con đường nhục nhã. Nhưng đấy là buôn to, bán lớn chứ nhà ông thì chỉ bán bia hơi thôi. Không sao hiểu được.
    Có lần ông đánh bạo hỏi vợ. Bà giảng giải nhưng ông vẫn mù mịt. Nào là thuê địa điểm đưa trước một trăm triệu. Sắm đồ đoàn để ra cửa hàng ba chục triệu nữa. Thuê nhân viên và vốn mua chục bom bia v.v. vị chi tổng thể là hai trăm tròn. Nghĩa là phải thế chấp. Và một năm mưa nắng thất thường đã đi đứt cái nhà thế chấp ấy. Ông đã bảo bà: “Thôi bán gì quanh quẩn đủ ăn là được, đừng bia nữa”. Bà bảo: “Thì cha sinh mẹ đẻ dạy mỗi một nghề. Vinh nhục ở đấy. Tôi còn biết làm cái nghề gì hơn. Mà có làm gì thì cũng chẳng đủ ăn được. Hai con đại học, ông tưởng ít tiền đấy à. Ông có biết học thêm, dậy thêm là gì không, có biết luận văn, luận vở là gì không? Không có cái văn cái vở ấy con ông còn lâu mới đỗ! Nhá? Ông tưởng chúng nó giỏi thật đấy à? Có giỏi thật cũng vẫn phải… kèm văn vở… như bia kèm lạc mốc thời bao cấp. Nhá!… Này! Nói cho nhanh! Tôi là tôi mê cái ngớ ngẩn của ông nên tôi cho ông sống không cần phải cái biết đến cái gì để mà còn mơ với mộng, phóng với sự! Nhá!…”.
    Điệp khúc “nhá” này có từ hồi còn tìm hiểu nhau, nghe rưng rưng mà sao bây giờ nghe chối tỉ. Cũng đôi lần manh nha trong đầu ông từ hồi còn ba mươi, cái câu “ly mẹ nó thân ra”. Ai đời công tử Hà Nội, có bằng tốt nghiệp đại học báo chí, lấy cô con gái tiệm ăn Pháp có tiếng ở Hàng Gà. Nhà ở có hoành phi, y môn, câu đối, thế mà cải tiến cải lùi, cuối cùng cô vợ thành chủ quán bia, Hùng thành ông chồng, thêm chữ râu thành cái quán. Nổi tiếng bao nhiêu thì vất vả nhọc nhằn bấy nhiêu. Cô vợ trẻ trung xinh đẹp, có học có hành có nghề truyền thống có tài quản lý giờ thì vừa phải quản lý vừa nai lưng ra phục vụ nên xấu người kiêm luôn xấu thói. Con giun quằn thi thoảng lại gào lên: “Nhá ! Nhá ”…
    Nhưng rồi cũng chính từ cái “nhá” ấy mà Hùng “ly” được một dạo lại quay về. “Nhá” thì nhá thật nhưng mụ ấy quả rất yêu Hùng. Không có mụ ấy thì không có cuộc sống của Hùng.
    Có lần cầm tiền của vợ, cầm chữ “tự do” vợ vừa ban cho ông Hùng sang tiệm “Mây xưa”. Liếc mắt thấy mấy cái đùi soóc nõn nà, cái eo mông mây mẩy. Nhưng ông không biết liệu dính vào thì những cái đùi có lấy mất hai cái chữ vợ vừa cho kia không. Hai chữ ấy là bản mệnh thứ hai của người ta đấy. Nghĩ mà vừa sợ vừa tiếc. Thế là ông Hùng đi thẳng.
    …Vài lần như thế., không! Dễ đến vài chục lần như thế, ông Hùng vẫn thấy quay về là hơn cả. Thực ra vợ có rít lên thì tại bởi Hùng thốt ra cái câu xót thương không phải lúc. Song tất nhiên là không thể chừa được. Nếu chừa thì còn gì là tâm hồn. Hùng bỗng mơ ước cơ quan cho mỗi phóng viên như Hùng có một phòng làm việc riêng. Có lỡ kêu rên cái gì cũng không bị ai phát hiện. Nhưng cơ quan Hùng cũng còn rất chật. Có lần Hùng kêu rên vì thương xót một người bị án oan, đồng nghiệp bên cạnh đã mở tròn mắt hỏi: “Ông đứng về phe nào?”.
    Đi một hồi loanh quanh, đếm phố này có bao nhiêu cây sấu. Mùa hoa sấu rụng, quả sấu non non chua chua. Phố kia chỉ toàn bằng lăng. Mùa chưa đi mà màu đã thôi. Phố kia nữa, những gốc sà cừ, cây cổ thụ thân to gốc to là thế mà cứ động gặp bão là trốc cả rễ, lăn kềnh ra… Ông Hùng đi về nhà. Mưa như trút nước. Mưa ơi. Mưa ơi. Mát mẻ làm sao. Mưa ơi mưa ơi, lúa lên bời bời. Mưa ơi mưa ơi. Tâm hồn phơi phới…Ông ca vang trong mưa như tuổi thanh xuân. Những lời tuôn ra từ đâu mà mồm rống lên như thế?
    Thôi chết rồi! Nhưng may quá! Ơ ngoài đường này làm gì có ai nghe thấy! Mụ vợ ấy à, còn lâu. Nhá! Tao cứ hát đấy! Mưa cho nông dân đỡ vất vả, mưa cho ta mát, cho những người không có điều hòa được ngủ một đêm ngon lành. Mưa ơi mưa ơi.
    Hát một hồi thì về đến nhà. Mùi bia xông ra tận cửa. Bốn bom không bán được đang chễm chệ trên bốn chiếc xích lô chở từ cửa hàng về, có lẽ đang chờ mụ vợ đem gửi phòng lạnh.
    Ông Hùng len lén đi vào. Hối hận về sự phản bội của mình. Lại muốn nói một câu gì với vợ. Nhưng nhìn vợ thương quá, ông Hùng không dám, và không biết phải làm gì. Bỗng nghe vợ nói: “ Mưa rồi đấy, cầu được ước thấy rồi đấy. Sướng nhé. Thôi… Đằng nào cũng chết. Thôi để mình em chết cho. Anh tắm rửa cho thoải mái mà đánh một giấc. Mưa thì dễ ngủ …”. Nói rồi vợ Hùng mở tủ cầm cuốn sổ bia đi ra.
    Loanh quanh một hồi, Hùng nằm dài ra sàn nhà. Nghĩ ngợi vơ vẩn rồi ông ngủ lúc nào không biết. Trong cơn mơ ông thấy mình đang trong cuộc họp. Họp sao lại nằm. Chả làm sao hiểu được. Mà lại nằm trên một đống phong bì. Bên trong phong bì có biết bao nhiêu là thứ.
    Ông rón rén mở một chiếc. Chà cái gì ấy nhỉ. Nhiều nhiều vào cho bõ, giời ạ. Con đây đâu có phải loại xoàng, ngần ấy năm đèn sách. 100.000 đồng. Được. Bóc cái nữa. Cái nữa. Mồ hôi nhễ nhại rỏ từng giọt tong tỏng. Vuốt mặt không kịp. Cho vào túi, một tờ, một tờ nữa… Nhưng kìa, mưa ập cả vào phòng họp này sao? Ướt hết cả rồi. Ngần này còn chưa giở hết. Đủ bù cho con mụ chỗ bia ế. Hay là… đếm tiếp, nếu được đi mẹ thẳng nó đến ngân hàng lấy cái nhà đã thế chấp ra. Nhưng giời ạ. Mưa gì mà to thế. Sầm sập, ập vào, nước dềnh lên ướt hết cả rồi. Phong bì bập bềnh, trôi chầm chậm về phía cửa cống. Sao lại có cống thông vào đây nhỉ. Cái cửa chặn ngang tầm cổ họng. Hùng vơ cả nắm phong bì. Nhưng làm gì có chỗ mà cất tạm nó lên. Trôi mất ối kia kìa. Bố tiên sư nhà nó. Cơn mưa tai hại.
    
- o O o -

    6 giờ sáng.
    Giời ơi. Sao lưng lại ướt thế này. Đái dầm? Mồ hôi? À, quên không bật quạt. Đêm qua mưa mà sao vẫn nóng thế này. Ông Hùng sờ tay vào túi. Chết con rồi mẹ ơi. Chả có chiếc phong bì nào. Làm sao để con tỏ lòng thương vợ?
    
Kết Thúc (END)



4 nhận xét:

  1. Em chưa biết về nhà văn nay lắm. Cám ơn anh đã cho đọc. Trên đời có nhiều phụ nữ tài giỏi thật anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn vu songthu đã sang mở hàng ngày chủ nhật. Trần Thị Trường, vốn "cô gái" Tuyên Quang gốc HN. Tôi cũng chưa đọc gì nhiều về nhà văn nữ này nhưng nhận thầy chị ấy có cá tính, hãy thử đọc một truyện ngắn tôi vừa đăng thêm ở trên.

      Xóa
  2. Tôi cũng có biết chút it về nữ Nhà văn họ Trần này. So với nhiều nhà văn nữ khác chị không nổi về sự nghiệp văn chương lắm. Nhưng ở Chị, tôi thấy ấn tượng là cá tính mạnh và quyết tâm cao, nên thành công trong công việc Chị làm.
    Chị nói: "Cơ bản tôi không phải người đánh trống bỏ dùi, tôi là người nhiệt huyết, đã định làm cái gì thì làm đến nơi đến chốn".
    Cảm ơn và xin chúc Cụ tiếp tục "hoạt động ngoại khoá" hè thật sôi nổi, cho dù Song Thu đã cảnh báo: "Mùa hè... sắp cạn" rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hè sắp cạn. Phượng đã thành trái xanh, thu gần sang. Thu sang thì mát mẻ hơn.
      Còn trời còn nước còn non; Blog chưa đóng cửa ta còn viết chơi ! Cảm ơn cụ 3B.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]