5 tháng 7, 2013

SỰ RA ĐỜI CỦA CHUỘT MÁY TÍNH VÀ CHA ĐẺ CỦA PHÁT MINH NÀY QUA ĐỜI



Theo VNExpress
Sự ra đời của chuột máy tính và những tiếng click quen thuộc
Tháng 12/1968, một nhà khoa học ít tiếng tăm đến từ Viện nghiên cứu Stanford khiến những người tham gia hội thảo ở San Francisco (Mỹ) im phăng phắc. Tại đó, ông nói về đàm thoại hình và thứ gì đó gọi là "con chuột".
Nhà khoa học đó là Douglas C. Engelbart, sinh năm 1925 tại Portland (Mỹ). Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, chàng trai Engelbart có một công việc đáng mơ ước tại phòng thí nghiệm không gian của chính phủ, nhưng lại muốn làm điều gì đó lớn lao hơn thế.
So với tốc độ phát triển ngày nay, điện toán tương tác thời đó mới chỉ ở giai đoạn trứng nước. Máy tính là những hệ thống tính toán to bằng cả căn phòng và chỉ cho phép 1 người sử dụng vào một thời điểm. Người ta nhập thông tin qua các thẻ đục lỗ và chờ hàng giờ cho câu trả lời. Tương tác là thứ thuộc về tương lai, chỉ có trong khoa học viễn tưởng, nhưng đã bắt đầu hình thành trong tâm trí của Engelbart.
Trong hình dung của mình, Engelbart ngồi trước màn hình lớn đầy các biểu tượng khác nhau, hiển thị các thông tin có thể tổ chức và liên lạc. Năm 1960, ông thành lập nhóm Augmentation Research Center (ARC) thuộc Viện nghiên cứu Stanford (SRI) với sự hậu thuẫn của Không quân Mỹ, NASA và Bộ quốc phòng Mỹ. 
       Douglas C. Engelbart và con chuột dạng prototype đầu tiên.
Tháng 12/1968, ông khiến giới công nghệ xôn xao khi trình diễn một loạt ý tưởng trước hơn 1.000 nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới trong Hội thảo Fall Joint Computer Conference ở San Francisco.
Trong hơn 1 tiếng, ông mô tả máy tính sẽ tương tác ra sao, thông tin sẽ truyền như thế nào qua video conference (hội thảo truyền hình), con người hợp tác và làm việc nhóm cũng như biên tập văn bản bằng cách nào. Trái với những cỗ máy mainframe thời đó, hệ thống mà Tiến sĩ Engelbart tạo ra, gọi là oNLine System, cho phép các nhà khoa học chia sẻ thông tin xuyên suốt, có thể tạo và lưu trữ tài liệu dưới dạng một thư viện điện tử có cấu trúc.
Ông cũng trình diễn hoạt động của chuột, thứ mà ông phát minh cách đó 4 năm, trong việc điều khiển máy tính. Ý tưởng về con chuột nảy ra khi Engelbart tham dự một hội thảo về đồ họa máy tính và ông nghĩ sẽ rất tuyệt nếu có thể di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính một cách đơn giản. 
Các phiên bản đầu tiên của chuột có vỏ gỗ với 3 nút bấm vì nó chỉ đủ chỗ cho 3 nút, nhưng Engelbart tin rằng phải có 10 nút mới thực hiện đủ hết các chức năng. Hai thập kỷ sau, khi trang bị chuột cho máy tính Macintosh, Steve Jobs, CEO Apple khi đó,  lại nghĩ chỉ một nút bấm là đủ. Ông đề cao sự đơn giản và quả quyết rằng một nút giúp tránh thao tác sai hơn là có một loạt nút.
Roger Bates, một nhà thiết kế phần cứng thuộc Viện SRI, cho hay tên "con chuột" được đưa ra để tương xứng với tên của con trỏ. Khi đó, con trỏ được gọi là CAT (mèo) nhưng ông Bates không thể nhớ CAT viết tắt của cụm từ gì.
Những gì Engelbart trình bày năm 1968 đã vẽ lên tương lai của kỷ nguyên điện toán mà sau này được trung tâm nghiên cứu Palo Alto Research Center của Xerox phát triển. Nhưng phải tới đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chuột máy tính mới trở thành chuẩn mực trong điều khiển máy tính nhờ Apple, Microsoft, IBM biến thành sản phẩm thương mại và thay đổi cuộc sống hiện đại của con người. Ngày nay, những tiếng click chuột đã trở nên thân thuộc với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
Engelbart đã được trao nhiều danh hiệu, trong có giải Turing Award. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhìn thấy tầm ảnh hưởng của máy tính tới toàn bộ xã hội. Engelbart qua đời đêm 2/7 ở tuổi 88 tại Atherton, California (Mỹ). 
Châu An
Cha đẻ của chuột máy tính qua đời
Theo TiềnPhong online
Nhà phát minh ra chuột máy tính Douglas C. Engelbart vừa từ trần trong đêm 2/7, hưởng thọ 88 tuổi.


Ông Engelbart phát minh chuột máy tính hồi thập niên 1960, lúc đó gồm lớp vỏ gỗ bao bọc hai bánh xe bằng kim loại bên trong. Ông đăng ký phát minh công cụ này rất lâu trước khi nó được sử dụng rộng rãi.
Viện Bảo tàng Lịch sử Máy tính bang California, tại TP Mountain View nơi ông đang cộng tác, đã nhận được thông tin đau buồn này từ người con gái của ông, bà Christina Engelbart. Theo đó, ông đã ra đi bình yên trong giấc ngủ.
Nhà khoa học Engelbart sinh ngày 30-1-1925 tại TP Portland, thuộc bang Oregon, là con của một người thợ sửa chữa radio.
Ông theo học chương trình kỹ sư điện tại ĐH bang Oregon và trở thành chuyên viên kỹ thuật ra-đa trong Thế chiến thứ II. Sau đó ông làm việc tại NACA - cơ quan tiền thân của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) nhưng sớm rời nơi này để theo đuổi học vị tiến sĩ tại ĐH California, Berkeley.
Mối quan tâm về việc làm cách nào để máy tính có thể trợ giúp cho nhận thức của con người đã khiến ông đến với Viện Nghiên cứu Stanford (SRI) và sau đó lập phòng thí nghiệm riêng cho chính mình là Augmentation Research Center. Phòng thí nghiệm này đã hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống ARPA Net – một hệ thống nghiên cứu toàn nước Mỹ góp phần hình thành nên mạng Internet sau này.
Chuột máy tính được ông cho ra mắt đầu tiên tại TP San Francisco hồi năm 1968. Cùng với sự kiện này, ông tổ chức một cuộc họp truyền hình và giải thích lý thuyết liên kết của mình – những cơ sở hình thành nên cấu trúc của Internet sau này.
Ông không được nhận tiền từ phát minh chuột máy tính do bản quyền đã hết hạn trước khi công cụ này được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên SRI đã nhượng quyền cho công ty Apple với giá 40.000 USD.

Ông Engelbart nhận được giải thưởng Lemelson-MIT năm 1997 trị giá 500.000 USD và nhận huy chương Công nghệ Quốc gia Mỹ năm 2000 do “sáng tạo những nền tảng cho máy tính cá nhân”.
Ông sống với người vợ thứ nhì Karen O’Leary Engelbart và có 4 người con. Ông qua đời ngày 2/7/2013, thọ 88 tuổi.
Theo Tr. Lâm
Người Lao Động

2 nhận xét:

  1. Xin Ngả mũ vĩnh biệt ông, nhà phát mình thiên tài!

    Em có một "con" chuột máy tình không cần giây, tiện lắm anh ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Bao giờ cũng phải có những phát minh ban đầu dẫu rất thô sơ nhưng cực kỳ quan trọng rồi về sau mới có những công cụ hiện đại cực kỳ tiện lợi như bây giờ là "chuột"
    không dây. Cảm ơn vu song thu.

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]