14 tháng 9, 2014

TRỞ LẠI CHUYỆN CON SỐ 7



Số 7 đem lại may mắn hay chết chóc?



Thế giới tồn tại 7 kỳ quan cổ đại, một tuần có 7 ngày, 7 vòng tròn của vũ trụ, cầu vồng có 7 sắc hay âm nhạc có 7 nốt... Và còn rất nhiều điều bí ẩn mang tên số 7.

Số 7 là số của những điều huyền bí, thần kỳ.
Số 7 – số của sự huyền bí
Ở phương Tây, theo trường phái Thuật số do nhà toán học Pytago sáng lập thì số 7 là con số về những điều huyền bí, thần kỳ. Sách Vận mệnh đời người qua thuật số phương Tây viết: “Nó là con số linh thiêng đối với các hội thần bí của Ấn giáo, Ai Cập, Hy Lạp, Do Thái cổ và cả Trung Quốc. Số 7 tượng trưng cho sức mạnh thần linh trong thiên nhiên. Vì không chia chẵn cho số nào cả nên nó được so với Thượng Đế. Số 7 cũng tiêu biểu cho giai đoạn cuối trước khi hoàn thiện và gắn kết với 70 năm của kiếp nhân sinh. Số 7 chi phối nhịp của sự sống. Thời xa xưa người ta quan niệm có 7 hành tinh tạo ảnh hưởng lên các sự kiện ở trái đất và gắn với 7 ngày trong tuần”.
Ở phương Đông, số 7 gắn với quan niệm về tháng 7 (âm lịch) là tháng cô hồn, tháng có mở cửa mả, xá tội vong nhân. Dân gian cho rằng, ngày 2/7, Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do trở về dương thế và phải trở về vào đêm 14/7 trước khi cửa âm phủ đóng bởi thế mà người ta gọi tháng 7 tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn. Chính vì vậy, hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.
Riêng số 7 cũng được xem là một số không mang lại may mắn tốt đẹp. Ở Trung Quốc, số 7 tượng trưng cho sự bỏ rơi và tức giận, hay kể cả cái chết. Còn ở Việt Nam, trong việc chọn ngày để đi đâu đó xa, người dân không bao giờ chọn ngày có số 7, chính vì thế mới có câu “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” .
Ở Nhật Bản, số 7 được coi là một con số may mắn. Niềm tin này phát triển từ nền văn hóa và tôn giáo của đất nước chứ không phải chỉ là một trào lưu được truyền vào từ những nước khác.
Là một quốc gia mà người dân đa số theo Phật giáo, số 7 có ý nghĩa khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Theo Phật giáo, một người có thể được tái sinh 7 lần trước khi vào được cõi Niết Bàn. Hình tượng biểu tượng của con số 7 này có thể được coi là điểm gốc của hình tượng con số 7 trong văn hóa Nhật.
Văn hóa Nhật Bản có “7 vị thần may mắn”: Ebisu (thần phù hộ người đi biển và nhà nông), Daikoku (thần của thương nghiệp và của cải, mùa màng), Bishamon (thần bảo vệ Phật giáo và hòa bình), Benten (thần của kiến thức, tài biện luận, âm nhạc và cái đẹp), Fukurokuju (thần Phúc-Lộc-Thọ), Juroji (thần của sức khỏe, sự trường sinh và trí tuệ), Hotei (thần của tiền tài, phước lộc và sự thịnh vượng).

Số 7 là số may mắn của người Nhật Bản.
Số 7 cũng gắn liền với lễ kỉ niệm sự sống và cái chết của con người. Người Nhật thường tổ chức lễ mừng 7 ngày sau sinh của trẻ con. Ngược lại, người ta cũng cho rằng bảy ngày là khoảng thời gian cần thiết để linh hồn người chết về với cõi âm. Nhiều lễ hội của Nhật cũng được tổ chức liên quan đến số 7 như ngày lễ 7-5-3 của trẻ con hay lễ Tanabata vào 7/7.
Theo quan niệm cổ xưa, con người có 7 lỗ (khiếu): là hai mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, mồm để hấp thụ vật chất và tinh thần từ vũ trụ (đàn bà có thêm 2 nhưng khi hết chức năng sinh đẻ lại trở về con số 7). Mỗi khiếu là một vía. Cứ một vía thì phải cúng 7 ngày. Cho nên có tục cúng tuần đầu tiên.
Con người gọi cúng 7 ngày là cúng giải vía, cúng 49 ngày gọi là cúng chung thất, nghĩa là hết 7 tuần. Với quan niệm rằng linh hồn người chết phải đi qua 10 cửa ngục (thập điện Diêm vương), cúng 7 tuần cũng tương ứng với 7 cửa ngục (cúng 100 ngày là qua cửa thứ 8, giỗ đầu là cửa thứ 9, giỗ hết (mãn tang) là cửa thứ 10). Còn theo thuyết của phái Mật Tông (Tây Tạng), con người sống trên trái đất chịu sự chi phối của 7 vị tinh quân: mặt trăng, mặt trời, sao thuỷ, hoả, mộc, kim, thổ. Mỗi vị cai quản một cung, mỗi cung lại có 7 phân bộ, cả thảy phân bộ vì thế nếu muốn linh hồn siêu thoát phải cúng đủ 49 phân bộ.
Theo đạo Phật, con số 7 mang ý nghĩa to lớn. Nó được coi là con số đi lên (số phất) vì khi sinh ra, Đức Phật bước 7 bước, nở ra 7 đóa hoa sen. Đến khi chết, con người bị đày xuống 7 tầng địa ngục và để cúng cho người đã mất người ta lấy bội số của 7 là 49 ngày.

Theo Phật giáo, số 7 mang ý nghĩa to lớn.
Số 7 là quyền năng mạnh nhất của mặt trời, nó tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông, tây, nam, bắc; thời gian là quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời cổ cho rằng có 7 mặt trời hoạt động xung quanh và chiếu sáng cho trái đất, loài người nhận thức có 7 tầng trời khác nhau, cùng với 7 sắc cầu vồng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ của số 7. Số 7 đem lại sức sống cho vạn vật, đem lại ánh sáng và hy vọng cho loài người.
Số 7 – số của sự kỳ diệu

7 giai đoạn tiến hóa của loài người.
Nhắc đến số 7, chúng ta có thể kể ngay đến những sự trùng hợp ấn tượng mà cả thế giới đều biết như: âm nhạc có 7 nốt, cầu vồng có 7 sắc, 1 tuần có 7 ngày, thế giới có 7 châu lục, cuốn sách nổi tiếng nhất của Stephan Covey có tựa đề “7 Thói quen của Người thành đạt”, từ Thành công trong tiếng Anh SUCCESS có 7 chữ cái và Văn minh nhân loại có 7 kỳ quan”.
Đó là những điều ai cũng biết nhưng có rất nhiều sự thật thú vị về số 7 mà không phải ai cũng biết:
Loài người có 7 giai đoạn tiến hoá và con người có 7 cái lỗ trên mặt ( 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi và một cái miệng) cùng với 7 trạng thái tinh thần khác nhau (ái, ố, hỉ, nộ, lạc, ai, dục - mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
Đức Chúa Trời đã mất 7 ngày để tạo ra vũ trụ. Eva cũng được tạo ra từ xương sườn thứ 7 của Adam trong khi đó Adam được “tạo ra” vào ngày 7/10 (ngày đầu tiên của Tishri - tháng 7 theo lịch Do Thái).
Bảy thứ quý báu nhất với con người (thất bảo): vàng bạc, ngọc, hổ phách, mã não, xà cừ, san hô, lưu ly
Có 7 vị chính : chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, nồng.
Có 7 loại quân trên bàn cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt.
Hàng năm Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau ngày 7 tháng 7 âm lịch.
Loài người sáng tạo ra 7 loại hình nghệ thuật cơ bản trong suốt thời kỳ lịch sử phát triển của mình: Điêu khắc, Hội họa, Âm nhạc, Múa, Văn học, Sân khấu, Điện ảnh. Chính bởi thế mà điện ảnh còn được gọi là môn nghệ thuật thứ bảy.

7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới công bố vào thứ 7 ngày 7/7/2007.
Bảy thiên thể mà mắt thường có thể nhìn thấy trong Hệ Mặt Trời là: Sun - Mặt Trời, Moon - Mặt Trăng, Mars - Sao Hỏa, Mercury - Sao Thủy, Jupiter - Sao Mộc, Venus - Sao Kim, Saturn - Sao Thổ.
Bảy thiên thể này tương ứng với bảy ngày trong tuần là: Sunday - Chủ nhật, Monday - Thứ hai , Mardi (tiếng Pháp) - Thứ ba ,  Mercredi (tiếng Pháp) - Thứ tư, 
 Jeudi (tiếng Pháp) -Thứ năm, Vendredi (Pháp) - Thứ sáu, Saturday - Thứ bảy.
“Cơn sốt số 7" trên thế giới vào thứ 7 ngày mùng 7 tháng 7 năm 2007. Hôm đó: 7 kỳ quan của thế giới mới được công bố tại Lisbon (Bồ Đào Nha), chương trình hòa nhạc “Live Earth” diễn ra tại 7 châu lục, hàng chục ngàn cặp tình nhân tổ chức hôn lễ với những tiêu chuẩn "hoàn hảo" như 7 phù dâu, 7 phù rể, bánh 7 tầng, hoa 7 loại, tiệc 7 món,…

Theo khampha.vn

5 nhận xét:

  1. Một bài sưu tầm rất công phu và thú vị. Có cảm tưởng, mỗi dân tộc có một cách nghĩ khác nhau về số 7, nhưng nói chung đều cho là tốt,ngoại trừ người Việt ta, phải không cụ? Trong tất cả những trường hợp liên quan đến số 7, không biết cái gì là ngẫu nhiên, cái gì là qui luật nhỉ...Mong trưởng lão đi sâu hơn vào Kinh Dịch thì hay lắm. Cuối đời, mấy ông già nghiên cứu Kinh Dịch rất phù hợp cụ ạ.Xin cự đi trước cho bầy tui theo sau..MOng Trưởng lão khỏe đều

    Trả lờiXóa
  2. con số 7 là con số may mắn nên RONALDO chọn đeo áo số 7-CR7! nhưng ở VN số 7 ko đẹp vì rất nhiều người tù lương tâm bị kết án 7 năm tù!!! hơn nũa số 7 là thất và thất lại có nghĩa là: mất ,ko có ....

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là con số 7 có nhiều sự huyền bí... chưa có giải thích thỏa đáng. Nên mỗi nước, mỗi đạo... có những quan niệm không giống nhau, có khi là trái ngược nhau.... Vậy số 7 là may mắn hay rủi ro, là số đẹp hay xấu là ...tùy!.
    Tôi thực sự không tin vào việc chỉ vì số 7 mà gặp may mắn hay sui xẻo. Cụ ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn các cụ HƯNG KỲ VĨNH (Huy Châu), chao quelam ở CH Séc, Hải TranTrung (3B).
    Dịp tôi đi TQ (hồi chưa có vụ giàn khoan 981) , dân Tầu tránh né 2 số : 4 và 7 ! Bởi phát âm 4 là tứ nghe như "tử" (chết chóc) và 7 là thất thì cũng là "mất mát" ! Họ lại khoái các số 6 và 8 bởi 6 = lục phát âm tương tự như "lộc" và 8 = bát, tiếng Tàu đọc lên cũng na ná "phát" (phát tài, phát đạt). Tại cao nguyên Genting -Malaysia , một đại gia người Hoa xây dựng nhà nghỉ du lịch gồm 2 towers có tổng số phòng là 6118 phòng, hỏi vì sao thiết kế bấy nhiêu phòng? Đáp: LỘC NHẬT NHẬT PHÁT ! (lục nhất nhất bát) - LỘC ngày ngày PHÁT !

    Trả lờiXóa
  5. Bài sưu tầm của bác phong phú quá,mỗi nước đều có quan niệm khác nhau. Đa số ở nước ta đều kiêng số 7, nhưng thực ra không phải bao giờ số 7 cũng đều không may. Nhiều lần em đã xuất phát vào ngày 7 nhưng đều bình an. Tuy vậy cũng có lần xui xẻo. Đó là lần đi dạy ở Congô. Bọn em chon ngày quay sang sau hè là vào ngày 7-8 âm lịch , sắp đến ngày khởi hành ai dè lại bị hoãn hẳn....

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]