21 tháng 9, 2014

10 thói quen của người Hà Nội khách phương xa nên thử

Bài viết của tác giả Nguyen Chi. Tôi nghĩ không chỉ dành cho khách phương xa "thử nghiệm" mà ngay người đang sống ở HN cũng chưa hẳn có thường xuyên các thói quen đã nói. Có thể chỉ thi thoảng "áp dụng"; và cả điều rất gần đây mới có như nhìn HN từ trên cao, từ Skywalk của tháp Lotte.
10 thói quen của người Hà Nội khách phương xa nên thử
Đến đây và đi theo tour là chưa đủ, hãy trải nghiệm tất cả các thói quen của người dân và cảm nhận một Hà Nội thật khác.

Đi chợ hoa buổi sớm
Chợ hoa Quảng Bá mở cửa từ đêm đến sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Hòa Khánh
Với người Hà Nội, chợ hoa Quảng Bá là địa chỉ quen thuộc mỗi khi cần mua hoa với số lượng lớn và phong phú về chủng loại. Hơn cả mục đích mua bán, nhiều người tới đây để cảm nhận cuộc sống tươi mới mỗi sớm mai khi những gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu được chở vào thành phố.
Chợ hoa bắt đầu mở từ đêm nhưng chủ yếu dành cho khách mua buôn, với khách hàng lẻ muốn ngắm cảnh và chụp ảnh là chính thì nên đợi đến khi chợ gần tàn, tầm 5-6h để tránh làm người bán hàng khó chịu.
Dự lễ thượng cờ ở Lăng Bác
Mùa hè lúc 6h và mùa đông lúc 6h30 là thời điểm các chiến sĩ bảo vệ Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức thượng cờ. Ảnh: Hoàng Hà
Quảng trường Ba Đình phía trước Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân quanh khu vực này lựa chọn là nơi đi dạo, tập thể dục và hít thở không khí trong lành trong không gian rộng rãi và thoáng đãng. Buổi sáng lúc 6h (mùa hè) và 6h30 (mùa đông) là thời điểm các chiến sĩ bảo lệ lăng đổi ca gác và thực hiện nghi lễ thượng cờ.
Dù đang làm gì, khi nghe thông báo của ban quản lý Lăng, người dân đều tập trung quanh cột cờ,  mọi hoạt động đều được ngừng lại. Với người dân thủ đô, đứng trang nghiêm trước nơi an nghỉ của Người, ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên kỳ đài trong tiếng nhạc quốc ca đã trở thành hoạt động quen thuộc mỗi buổi sáng. Buổi tối, nghi lễ hạ cờ được diễn ra lúc 9h.
* Cũng có người còn đang tranh luận có nên dùng từ "thượng cờ" hay chỉ thuần Việt là "kéo cờ" (?); điều đó không tham luận ở bài này. FIOHANTB*
Ăn phở buổi sáng
Bát phở bốc khói nghi ngút, mùi thơm nồng nàn khiến không thực khách nào có thể cẩm lòng. Ảnh: AFP, Vietstreetfood
Nhiều trang mạng nổi tiếng về du lịch trên thế giới đã khẳng định, nếu đến Hà Nội mà chưa từng ăn phở thì có thể coi như chưa đến. Ở đâu trên đất nước Việt Nam, bạn cũng có thể dễ dàng gọi một bát phở (hoặc biến tấu của nó) trong bất kỳ nhà hàng sang trọng hay khu chợ bình dân nào. Thế nhưng, cái hương vị tinh tế, đậm đà mà khó quên ấy chỉ có thể được cảm nhận trọn vẹn nhất khi ngồi chen chúc trong một quán hàng tấp nập, hít hà cái mùi nồng nàn không thể lẫn của bát phở bò nóng hổi nơi một con ngõ Hà Nội.
Đi bộ quanh hồ Gươm
Rất đông người chọn vỉa hè quanh hồ Gươm là nơi để đi dạo, ngắm cảnh và trò chuyện. Ảnh: Thanh Hà
Tọa lạc ở trung tâm thành phố Hà Nội, đây được coi là trái tim của thủ đô với nhiều danh thắng quan trọng nằm trong bán kính không xa như Bưu điện Hà Nội, Nhà hát Lớn, đền Ngọc Sơn, khu phố cổ, Cung thiếu nhi, vườn hoa Con Cóc, cầu Long Biên...
Hồ Hoàn Kiếm đã đi vào thi ca, nhạc họa và khắc ghi sâu đậm trong ký ức người Hà Nội nhiều thế hệ.  Người ta tới đây tập thể dục, chơi thể thao, đi dạo bên tình nhân, tụ tập hát hò với bạn bè, giao lưu với khách du lịch, vẽ một bức tranh từ người họa sĩ dạo hay đơn giản chỉ là ghi lại vài tấm hình kinh điển với tháp Rùa phía xa xa và mấy cành liễu rủ điệu đà phía trước.
Chụp ảnh phố cổ
 Phố cổ Hà Nội trong một buổi sáng sớm tĩnh lặng - Ảnh : Linh Phạm
Mặc dù sống nhiều năm ở thủ đô nhưng không ít bạn trẻ vẫn có thói quen dậy sớm vào các ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, vác máy ảnh lang thang khắp các con ngõ nhỏ xíu và lộn xộn đúng kiểu Hà Nội. Dường như thành phố thân quen này luôn là đề tài sáng tác bất tận cho bất kỳ tay máy nào, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp.
Trái với các nhận xét về kiến trúc không đồng nhất, không được quy hoạch đồng bộ và có phần lô nhô của đa số khách du lịch Việt Nam thì khách Tây lại tỏ ra thích thú với nơi này. Sự pha trộn của các công trình mang phong cách Pháp thời thuộc địa đặt cạnh những ngôi nhà cổ truyền thống bằng gỗ, cộng với nhịp sống lúc hối hả, khi lại thanh bình nơi đây khiến khu phố này có sức hút kỳ lạ.
Nhâm nhi tách cà phê trong quán cafe cũ
Cafe Đinh (phố Đinh Tiên Hoàng) lưu giữ nhiều kỷ niệm của người Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh Quân
Không phải những quán cà phê trang trí đẹp hay sang chảnh, người Hà Nội thường tìm đến những quán cũ rêu phong mỗi khi rảnh rỗi.
Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng là "bộ tứ đình đám" trong làng cà phê ở Hà Nội. Các quán này có tuổi đời gần trăm năm với lối pha chế và chất lượng hầu như không thay đổi qua thời gian. Thực đơn không có gì nhiều, ngoài loại cà phê hảo hạng, cộng thêm vài món truyền thống ít ỏi như chanh đường, chanh muối, mơ muối... Người Hà Nội rất sành miệng, nếu không có chất lượng hảo hạng, chắc chắn những quán hàng này không níu chân được nhiều thực khách đến thế. Có những gia đình 3-4 đời đều là khách quen của những cửa hàng này.
Ngoài ra, cà phê Lâm (phố Nguyễn Hữu Huân) và cà phê Đinh (phố Đinh Tiên Hoàng) cũng là các địa chỉ được nhiều người nhắc tới. Cà phê Lâm có diện tích rộng rãi hơn, ngồi bên hè phố còn quán Đinh nằm trong căn phòng nhỏ hẹp, nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm.
Nhâm nhi tách cà phê pha thủ công bên bạn bè, nói dăm ba câu chuyện sẽ khiến bạn cảm nhận rõ rệt hơn một ngày của người Hà Nội trôi qua như thế nào.
Ăn quà vặt
Không phong phú như quà vặt Sài Gòn, đồ ăn vặt ở Hà Nội ít hơn về số lượng món cũng như số lượng quán. Chỉ món nào thực sự hợp khẩu vị mới tồn tại được lâu, còn lại sẽ chỉ là cơn sốt đến nhanh mà qua đi cũng nhanh. Dù vậy, nếu có một buổi chiều rảnh rỗi trong lịch trình du lịch thủ đô, bạn cũng nên dành ra một khoảng thời gian để nếm thử hương vị một vài món quà vặt trứ danh Hà thành. 
Nếu ngại đi xa, quanh khu vực trung tâm khu phố cổ cũng có rất nhiều hàng quán bạn nên ghé qua như nộm bò khô hồ Hoàn Kiếm, nộm cổ gà Hàng Bồ, phở cuốn Ngũ Xã, bún ốc, bún chả ngõ chợ Đồng Xuân, bún thang Cầu Gỗ, phở bưng Hàng Trống, miến lươn Chân Cầm, tiết tần Lãn Ông, ô mai Hàng Đường...
Đi dạo trên cầu Long Biên
Cầu Long Biên cổ kính, rêu phong nhưng mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử. Ảnh: Song Ngư
Cầu Long Biên cách không xa hồ Gươm, nếu đi bộ thì mất chừng 20 phút, còn đi xe máy thì mất khoảng 5-10 phút. Do đó, nhiều du khách chọn luôn cách đi bộ, vừa khám phá nhịp sống ở khu phố cổ, vừa đỡ mất công gửi xe khi muốn chụp ảnh cây cầu lịch sử này.
Với người dân thủ đô, cầu Long Biên đã gắn bó máu thịt trong tâm trí, đặc biệt là với những người lớn tuổi. Ngày nay, cây cầu không còn như nguyên bản, lại xuống cấp khá nhiều nhưng chính sự hoen gỉ, cũ kỹ của nó lại khiến người Hà Nội cảm thấy gắn bó mật thiết hơn.
Bạn chỉ có thể đi xe máy, hay đi xe đạp qua cây cầu này. Nhưng sự lựa chọn tốt nhất là hãy đi bộ. Nếu dư sức, bạn có thể đi bộ xuống bãi giữa sông Hồng. Vào mùa nước cạn, đây là nơi vui chơi giải trí và chụp ảnh khá nổi tiếng ở Hà Nội. Bạn sẽ không thể ngờ ngay sát trung tâm thành phố hiện đại là một không gian thôn quê, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên đến vậy.
Ngắm hoàng hôn trên hồ Tây
Hoàng hôn huy hoàng trên hồ Tây. Ảnh: Đinh Xuân Đại
Có người từng nhận định rằng, hoàng hôn trên hồ Tây cũng là một thứ "danh thắng" nhất định phải ghé qua khi tới Hà Nội. Quả thật như vậy, dù hồ Tây bất kỳ thời điểm nào cũng rất thơ mộng nhưng từng một lần ngắm nhìn hoàng hôn đỏ rực một góc trời, phản chiếu xuống mặt hồ lăn tăn gợn sóng, bạn sẽ thực sự bị choáng ngợp. 
Nhiều người yêu nhiếp ảnh còn căn thời khắc chuẩn để "săn" cho bằng được khoảnh khắc huy hoàng này, mà không phải buổi chiều nào cũng có được. Nếu ghé qua Hà Nội trong một buổi chiều hè hay thu, hãy nhớ tới tham quan hồ Tây, biết đâu, bạn sẽ có may mắn được chiêm ngưỡng thời khắc đặc biệt khó quên này.
Chiêm ngưỡng Hà Nội từ trên cao
Toàn cảnh Hà Nội nhìn từ skywalk của tháp Lotte. Ảnh: Giang NRK
Xuất hiện chưa lâu và dường như chỉ có người Hà Nội trẻ mới quan tâm đến hoạt động này nhưng đây vẫn là trải nghiệm bạn nên thử nếu lần đầu tới thăm thủ đô. Để nhìn toàn cảnh thành phố, bạn có thể ghé qua một số quán bar trên cao, không bị khuất tầm nhìn như Cielo 13 (phố Hai Bà Trưng), Rooftop (84 Lý Thường Kiệt), Summit Lounge (khách sạn Sofitel Plaza)...
Còn nếu không thích sự ồn ào, bạn có thể leo lên 2 "nóc nhà" Hà Nội là đài quan sát trên tầng thượng của tòa nhà Keangnam (Mễ Trì) và Lotte Centre (phố Liễu Giai). Tại đây, du khách có thể mua vé chỉ dành cho việc quan sát và ngắm cảnh toàn thành phố với giá khoảng 200.000 đồng.
Trong đợt này, giá vé lên Lotte chỉ khoảng 80.000 đồng do đang dịp khuyến mại. Khu vực Skywalk ở tòa nhà này được thiết kế với một khoảng kính cường lực trong suốt để du khách có cảm giác như đang lơ lửng giữa không trung.
Thời khắc tuyệt vời nhất để tham quan tại đây là lúc hoàng hôn và khi thành phố bắt đầu lên đèn.
Nguyên Chi

5 nhận xét:

  1. Người Hà nội chúng tôi thấy khó chịu với những từ THƯỢNG và KHOÁI KHẨU. Nghe những từ này chúng tôi thấy nó thô tục , không thể chấp nhận. Chúng tôi vẫn chỉ nói KÉO CỜ, món ăn ƯA THÍCH. từ THƯƠNG CÓ NHIỀU Ý THÔ TỤC, còn những từ KHOAI KHẨU thì chỉ dùng cho SÚC VẬT chứ không dùng cho người văn minh Vì vậy tác giả này viết cho mọi người cần dùng từ chính thống hay nói cách khác TIẾNG VIỆT NAM CHUẨN. Ý thầy sao ? Chào thầy !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị LưuTuấn Nga. Việc tranh luận từ ngữ, ngữ nghĩa từ THƯỢNG CỜ, có khá nhiều ý kiến trên FB (facebook) trong đó không ít lần anh Nguyễn Toán (TDTT) đã tham luận, nhưng hầu như mọi báo chí (điện tử, báo viết) đều dùng thượng cờ.Tôi cho rằng phải là lĩnh vực Bộ Văn-Thể-Du (Văn hoá, Thể thao,Du lịch) hay các nhà ngôn ngữ xác định. Cũng như một số từ khác chẳng hạn chị nêu lên "khoái khẩu" thay bởi "ưa thích" (nghĩa chính phải là ngon miệng) v.v... CHo nên tôi đã "thưa" trước là không tranh luận về một vài từ trong bài viết như THƯỢNG CỜ .

      Xóa
    2. Xin đính chính ở comment trên: Anh Nguyễn Lưu ,không phải Nguyễn Toán. Nguyễn Lưu là em Nguyễn Toán, đều là con trai cụ Nguyễn Xiển.

      Xóa
  2. Thói quen của người HN còn phải kể nhiều .Bác FIO có nhớ thủ đô HN rộngnhất thế giơi ,và người HN bây giờ có cả người MƯỜNG ,ngườiThái v v

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, Hà Nội bây giờ là có đủ phố phường nhà cao tầng, đại lộ ... cho đến các vùng miền núi làng mạc hẻo lánh ... do đó thói quen cực nhiều điều khác nhau, ngôn ngữ cũng đa dạng âm sắc. Tỉnh Hà Tây cũ không còn, đã "hoá thân" vào Hà Nội, và đâu cũng chợ "cóc" nếu không thì dân khó sống ! Cứ la lối chợ cóc, hàng quán vỉa hè nhưng đó là sinh kế và cũng là nơi mà số đông người cần có để mua bán cần thiết không phải nhờ đến siêu thị sẽ cũng siêu chi tiêu ! Ta cứ chụp ảnh đường phố HN thì sẽ thấy hiện lên tất cả! Có đủ ô tô sang trọng nhất chen với những con người lam lũ nhất và phương tiện thô sơ nhất ! HN ngày nay là thế đấy.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]