Giải nhiệt ở “ngã tư Quốc Tế”(Hà Nội)
(Dân
trí) - Ngã tư phố Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến được gọi là “ngã tư Quốc Tế” vì
nơi đây có rất nhiều hàng bia cỏ và được khách du lịch nước ngoài rất ưa
chuộng.
Đếm sơ sơ, “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện
đã có tới bốn cửa hàng bia giá rẻ thu hút đông đảo khách nước ngoài. Khi thành
phố bắt đầu lên đèn cũng là giờ “mở cửa” của các hàng quán “trà đá có ga” giá
rẻ.
Những quán bia này rất “độc đáo”,
quầy hàng tuy nằm khiêm tốn trong tầng một của những ngôi nhà mặt phố nhưng
khách khứa lại ngồi lan cả ra vỉa hè rồi tràn xuống lòng đường nhưng không thấy
ai "dô dô" hay ép nhau uống đến mức say xỉn. Họ uống từng ngụm bia
nhỏ để thưởng thức cái không khí phố cổ Hà Nội... Đó là cảm giác chung của
những người nước ngoài đang sống ở Hà Nội.
Những quán bia nhỏ có ghế tràn ra lề
đường, ngồi nhâm nhi cốc bia mát lạnh cùng với các món nhậu dân dã như nem
chua, nem Phùng, bánh đa, lạc rồi lại được ngắm đường phố là những thứ chủ đạo
ở con phố ấy.
Cùng là uống bia nhưng uống bia ở Tạ
Hiện có không khí khác hẳn uống bia ở bất kì nơi nào. Khách ngồi sát nhau, bên
những cái bàn con, ghế nhựa kê ngoài vỉa hè, cái bàn để đồ uống, đồ nhậu đôi
khi cũng chỉ là mặt một cái ghế nhựa bé xíu. Một chồng ghế nhựa để trên góc vỉa
hè. Khách tự động lấy xếp ngồi chen chúc nhau.
Những biển hiệu san sát “Cool beer”
hay bia cỏ có giá 5 ngàn đồng/1 cốc. Có lẽ đây cũng là một trong những lí do để
con phố Tạ Hiện thu hút nhiều vị khách Tây như thế.
Chẳng ngạc nhiên khi thấy những ngày
hè, dọc con phố Tạ Hiện, có những tiếng nói chuyện huyên náo, những tiếng cốc
chạm nhau từ đủ loại ngôn ngữ, giống như một bữa tiệc đa văn hóa dưới ánh đèn
vàng bên những ngôi nhà cổ rêu phong.
Không chỉ du khách nước ngoài, đây
cũng là điểm tụ tập của các bạn trẻ, một ly bia mát lạnh sảng khoái cho những
ngày hè, với những thức đồ ăn vặt đơn giản chút lạc rang, nem chua.
Các chủ quán bia, có lẽ vì lý do
không gian chật hẹp, không bán nhiều các đồ nhậu. Điều này đã tạo cơ hội cho
các hàng rong bán khô mực, hoa quả tươi, khế chua, cóc, củ đậu… có “đất sống”.
Phố Tạ Hiện “mê hoặc” hàng ngàn “Tây
ba-lô” với món “trà đá có ga” hay còn gọi là “Cool Beer” giá 5000 VNĐ/ 1 cốc,
còn đối với bia chai Hà Nội thường có giá từ 10- 15 ngàn đồng/1 chai.
Không biết có phải vì lạ nước, lạ
giường, lạ chỗ nằm, lạ môi trường mới nên càng về đêm, khách nước ngoài đến đây
càng đông để gặp gỡ, trò chuyện và cùng nhâm nhi những cốc bia cho qua một đêm
dài khó ngủ.
Chẳng thế mà người cứ nối dài trên
dãy phố Tạ Hiện chẳng muốn cất bước đi, nhất là những ngày cuối tuần, lượng
khách lại càng đông đáng kể, chỉ chậm chân một chút thôi là đã chẳng có chỗ để
ngồi!
Cũng có thể, những vị khách đặc biệt
này tìm đến nơi đây để uống bia chỉ vì một chữ “nghiện”, đơn giản một điều họ
đã nghiện cái không khí ồn ào, náo nhiệt ở phố cổ này từ lâu.
Hà Nội không thiếu điểm ăn chơi, chỗ
để giải nhiệt mùa hè càng không thiếu nhưng những điểm đến như Tạ Hiện không
bao giờ bị lỗi thời hay "thất sủng".
Đêm mùa hè, phố Tạ Hiện càng náo
nhiệt. Được mệnh danh là “ngã tư quốc tế”, con phố tập trung nhiều trung tâm du
lịch lữ hành quốc tế, con phố đặt chân đầu tiên của phần lớn du khách nước
ngoài khi đến Hà Nội và cũng là điểm rời chân cuối cùng trước khi họ rời Hà
Nội.
Minh Phan
Cũng hay anh ạ. Họ chỉ cần đến để hòa vào cái nhộn nhịp trẻ trung thôi...Với lại ở đấy không khí khá văn minh...không có ẩu đả, xô sát, bọn trẻ nhìn nhau thân thiện...Em cũng lạc vào một nơi như thế ở Sài Gòn ...Hi!
Trả lờiXóaĐúng như vu song thu nhận xét: có các con phố như Tạ Hiện "ngã tư quốc tế "cũng vui cho phố phường. Chúng ta cũng cần có các chỗ thư dãn thích hợp, nhất là với mùa hè nóng bức, giản đơn và không tốn kém; không phải lúc nào cũng đến nhà hàng ,khách sạn ...Nhiều sinh hoạt ngày nay mang tính "thương mại" nhiều hơn là giao lưu dẫu chí là ...vài ba người !
XóaTô hay đến phố này từ thuở còn đi học ở trương Chu Văn An ,lúc ấy ai cũng gọi phố " Tạ Hiền" chứ không gọi " Tạ Hiện' như bây giờ, lúc ấy phố này cũng nhiều cửa hang ăn với các món đặc sản của Ha Nôi , không nhiều Bia như bây giờ ,cang không có cảnh ngồi lấn ra vỉa hè uông bia , con phố ấy buổi tối rất thanh lịch , tôi hay đến để ăn phở HN va ăn chè " lục tàu xá" , những kỷ niệm ấy đã đi vào ký ức rồi, bây giơ đến phố ấy cũng có cái thú mới với những cốc bia sủi bọt, nhiều chang Tây balo hay tụ họp nơi này.
Trả lờiXóaTheo tài liệu thì tên gọi là Tạ Hiện:
XóaNối từ phố Hàng Buồm đến phố Hàng Bạc, nguyên là đất phường Hà Khẩu. Thời Pháp thuộc là phố Giê-rô (rue Géraud), nhưng dân chúng vẫn quen gọi là ngõ Quảng Lạc vì ở giữa phố chật hẹp có rạp Quảng Lạc là nơi diễn tuồng nổi tiếng thời đó. Sau Cách Mạng đã đổi ra tên hiện nay.
Tạ Hiện, còn có tên là Tạ Quang Hiện người làng Quỳnh Lang (Thái Bình). Ông đã cùng Lưu Vĩnh Phúc dẹp giặc cờ vàng khi giữ chức đốc binh ở Tuyên Quang. Năm 1882 ông được thăng chức đề đốc. Năm sau triều đình Huế dâng Bắc Kỳ cho Pháp, Tạ Hiện nộp ấn từ quan cùng nhân dân khởi nghĩa. Cuối năm 1883 ông tập trung tới 4-5000 nghĩa quân chiếm lại tỉnh thành Thái Bình. Khoảng năm 1886 nghĩa quân đánh đồn Trà Lý, lại phục kích đánh thắng một trận lớn ở đê Diêm Điền. Nhưng trong một trận giáp chiến tháng 2-1887 ông bị giặc bắt và giết ở Bình Bắc.
Còn ngày nay đang gọi chỗ đó là "ngã tư quốc tế" với đặc điểm sinh hoạt như bài viết nói lên. Cảm ơn cụ ghé thăm đang trong mùa hè nóng bức.