21 tháng 3, 2014

Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?

VietNamnet

Thực sự người Mỹ nghĩ gì về Crưm?
Thật khó để ra một kết luận rõ ràng về quan điểm chung của nước Mỹ đối với Nga và vấn đề Ukraina hiện nay.
Nhưng hiện đối với phần lớn người dân Mỹ, các vấn đề nội bộ như Bảo hiểm sức khỏe, nhập cư và đặc biệt là vấn đề kinh tế... có lẽ đáng quan tâm hơn cả, thay vì số phận một vùng đất nhỏ bé Crưm xa xôi nằm tận bờ kia Đại Tây Dương.
Khủng hoảng Ukraina
Trong những ngày cuối tháng 2, khi truyền thông Mỹ sôi sục về vấn đề Ukraina với các các tin bài cập nhật liên tục, bất cứ người Mỹ nào cũng có thể ít nhiều cảm nhận thấy chú gấu Nga đáng sợ thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại.
Tham gia tích cực trên các phương tiện truyền thông phải kể đến các chính trị gia đảng Cộng hòa, nổi bật trong đó là hai thượng nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham, kịch liệt lên án tổng thống Obama về cách xử lý tình hình Ukraina. Tuy nhiên, xét về tổng thể, Ukraina có lẽ là một chủ đề để Đảng Cộng hòa dùng làm con bài lên án Tổng thống Mỹ và phe Dân chủ trong năm bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014, hơn là một vấn đề khiến nước Mỹ thực sự quan tâm lúc này.
Tổng thống Obama điện đàm với Tổng thống Putin về vấn đề Ukraina. Ảnh: BBC
Mặc dù quan điểm chiếm ưu thế của các chuyên gia tại Mỹ vẫn là có các biện pháp mạnh tay hơn đối với nước Nga, nhưng cũng không khó để nhận ra các tiếng nói trái chiều. Giáo Sư Stephen Cohen (Đại học New York) cho rằng chính nước Mỹ đã tự đưa mình vào thế khó khi ủng hộ chính biến tại Ukraina. Từ đó, Putin bị đưa vào thế không còn đường lui và tất nhiên không có sự lựa chọn nào khác là đối đầu trực diện với Phương Tây để bảo vệ sự ổn định, sức mạnh và vị thế của nước Nga mà ông đã gây dựng hơn một thập niên qua.
Có lẽ tư tưởng Chiến tranh Lạnh còn vương vấn trong giới lãnh đạo Mỹ đã tạo nên cuộc khủng hoảng Ukraina nhiều hơn là từ phía Putin. Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, bất cứ người Nga nào cũng khó có thể lý giải tại sao Mỹ và Phương Tây vẫn tiếp tục mở rộng NATO tới sát biên giới nước Nga, thay vì hợp tác bình đẳng, tin cậy với Nga trong một thế giới mới. Trong ván bài địa chính trị, chỉ có ai ngây thơ mới có thể tin NATO như tôn chỉ trên hiến chương hoàn toàn vì mục đích phòng thủ chung và không đe dọa các nước khác.
Cùng ngày Cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney phê phán tổng thống Obama trên Wall Street Journal là thất bại trong các vấn đề từ Bắc Triều Tiên, Ai Cập, Iraq, Afganistan cho tới Crưm, Cựu Hạ Nghị Sỹ Ron Paul, đối thủ từng cạnh tranh vị trí Ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa 2012, cho rằng "Tại sao nước Mỹ quan tâm đến việc lá cờ nào sẽ bay trên mảnh đất bé xíu cách xa hàng nghìn dặm". Theo ông này, "Nước Mỹ nên tập trung học lại Hiến pháp của chính mình, Hiến pháp không cho phép chính phủ Mỹ lật đổ chính phủ các nước khác hay gửi hàng tỷ USD để cứu Ukraina và trả cho các chủ nợ quốc tế của nước này".
Nhiều người dân Mỹ còn mỉa mai khi nước Mỹ đang ngập nợ nần lại muốn phóng tay cả 1 tỷ USD trong chớp mắt để viện trợ cho chính quyền lâm thời Ukraina. Những người Mỹ vốn yêu tự do cũng cảm thấy khó hiểu khi đất nước họ hao công tốn của để cản trở việc Crưm trở về với Nga, trong khi phần đông người dân ở đó đổ ra đường ăn mừng sự kiện này.
Chính sách ngoại giao Mỹ
Áp lực đảng phái dường như cũng đang làm khó tổng thống Obama trong cuộc chơi tại Ukraina, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014 đang cận kề. Sự thất thế của Đảng Dân chủ trong các vấn đề đối nội như kinh tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe khiến Tổng thống Obama khó có thể mềm mỏng quá với Nga trong vấn đề Ukraina, nhưng trừng phạt nặng tay có lẽ là không cần thiết. Nó có thể ảnh hưởng tới quan hệ của Mỹ với các đồng minh hay ảnh hưởng tới chính nền kinh tế còn đang trên đà hồi phục của Mỹ.
Theo cuộc thăm dù dư luận do Washington Post/ABC News thực hiện, 56% người Mỹ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi 44% phản đối và không có ý kiến. Sự chia rẽ trong xã hội Mỹ còn thể hiện rõ rơn khi cứ 10 người Mỹ thuộc thế hệ lớn lên trong thời kỳ Chiến Tranh lạnh thì 6 người ủng hộ. Còn đối với giới trẻ Mỹ những người dưới 40 tuổi, chỉ có 3 trên 10 người thực sự quan tâm và ủng hộ các biện pháp trừng phạt từ Nhà Trắng. Đối với thế hệ trẻ, có lẽ vấn đề công ăn việc làm là cái Chính Phủ Mỹ nên dồn nguồn lực của mình vào thì hơn.

Cảm xúc của người dân Crưm trước kết quả trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga.
Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, người của Đảng Cộng hòa, cũng thừa nhận Putin đang nắm nhiều lợi thế trong cuộc chơi. Đồng thời, ông cũng nhận thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của Obama khi kêu gọi các nghị sỹ Cộng hòa hạ giọng điệu công kích và "ủng hộ Tổng thống của họ tại thời điểm này thay vì đưa ra những chỉ trích vô tác dụng".
Giới thuyền thông Mỹ hiện nay bắt đầu giảm bớt sự chú ý tới vấn đề Ukraina. Trên các kênh tin tức hàng đầu như CNN, Fox News hay MSNBC, vấn đề Ukraina không còn chiếm phần lớn thời gian lên sóng. Thậm chí tin tức về máy bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines còn áp đảo thời lượng hơn vào các giờ vàng.
Đối với nước Mỹ, có lẽ những gì diễn ra tại Ukraina rồi sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng như những gì đã diễn ra tại hai vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia năm 2008. Thay vào đó là mối quan tâm sát sườn: kinh tế, nợ công, hệ thống bảo hiểm toàn dân hay cải cách nhập cư.
Kết
Nhìn trên bình diện thực tế, có lẽ đến lúc người Ukraina nên dừng mơ mộng về một Giấc mơ Mỹ, về sự giúp đỡ xông xênh về chính trị, tiền bạc từ Nhà Trắng. Hơn ai hết, Ukraina phải hiểu rõ chính họ mới là những người làm chủ số mệnh dân tộc và đất nước mình, thay vì dựa dẫm vào bất cứ quốc gia nào.
Còn với đối với nhiều người Mỹ, họ cũng bắt đầu nhận ra rằng, đất nước của họ giờ đã không còn là một siêu cường không có đối thủ như cách đây 20 năm. Nước Mỹ vẫn là một cường quốc khó có thể xoay chuyển trong nay mai, nhưng Nước Mỹ hiện tại cũng có quá nhiều vấn đề nội tại cần phải giải quyết và thay đổi.
Mô hình nước Mỹ dân chủ, tự do đầy năng động vẫn luôn là hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Nhưng nước Mỹ quá mệt mỏi hiện nay khó có thể đảm đương và gánh vác trọng trách giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu như họ đã từng làm cách đây hai thập kỷ.
Dường như đã đến lúc Chú Sam nên dần bắt đầu học cách sống và hành động trong một thế giới đa cực nhiều hơn.
Đức Vũ
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện đang theo học thạc sĩ tại Mỹ, thông qua những quan sát, trao đổi với người dân Mỹ, công dân Nga đang học tập tại Mỹ và tham khảo các tài liệu liên quan.


Không lạ nếu ít bữa nữa Nga-Mỹ bắt tay nhau
TP - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, chính khách lọc lõi từng phục vụ 3 đời Tổng thống Mỹ, vừa nhắc nhở lớp “hậu sinh” rằng, chớ nên quên Ukraine nằm giữa ranh giới hai nền văn minh, một nửa Ukraine luôn nằm trong cái nôi thấm đẫm văn hóa, lịch sử, chính trị và Chính thống giáo Nga.
Phương Tây và chính quyền mới Kiev đã quên mất điều đó và phạm sai lầm khi vượt quá “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo trong bài phát biểu lịch sử hôm 18/3.
Vì “quên” nên chính quyền Kiev sau khi lật đổ ông Viktor Yanukovych, đã hấp tấp quyết định hủy quy chế công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia, còn đe “đuổi’ hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi Sevastopol. Cực đoan hơn, một thủ lĩnh đối lập còn kêu gọi các chiến binh Hồi giáo ly khai Chechnya tích cực đánh phá Nga... Phương Tây chỉ có thể tự trách mình với chiến lược bất đồng, lộn xộn, vội vã hợp thức hóa vội vã cuộc nổi dậy ở Ukraine, tự xé bỏ thỏa hiệp do chính họ đề xuất. Còn ông Putin đã cho Mỹ và EU một bài học về chiến lược, luôn đi trước một bước.
“Gáo nước lạnh” Crimea chắc chắn khiến chính quyền Kiev và phương Tây tỉnh ra nhiều điều. Không dưng, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk lật đật lên truyền hình tuyên bố sẽ tăng thêm quyền cho các tỉnh miền đông, tiếng Nga vẫn nằm trong hệ thống ngôn ngữ quốc gia, và vấn đề gia nhập NATO “không có trong nghị trình”.
Ông Yatsenyuk dường như đã ngộ được rằng, Ukraine không may bị kẹt giữa cuộc đấu của những người khổng lồ. Với cái giá quá đắt, Ukraine học được nhiều điều. Trước hết, tuyệt đối không được coi thường mối bất bình bị kìm nén của người láng giềng khổng lồ. Thứ hai, để xảy ra sự đã rồi thì hầu như không còn cơ hội cứu vãn. Thứ ba, muốn tồn tại cần nội lực, đừng bao giờ ngây thơ tin rằng “ông anh” nào đó sẽ hy sinh lợi ích riêng vì những “chuyện vặt” với họ.
Crimea đã thuộc về Nga, việc cần làm ông Putin đã làm, thực tế này không thể thay đổi được nữa. Ông Putin không quan tâm chuyện ai yêu hay ghét, mà hành động để buộc kẻ khác phải tôn trọng nước Nga. Bởi thế, học giả Mỹ Andranik Migranyan đã ví ông Putin là Reagan của Nga.
Phương Tây cũng không thể không trừng phạt Nga, Mỹ và EU đương nhiên phải dằn mặt Nga để khẳng định rằng, cộng đồng quốc tế có luật chơi, nước Nga có nghĩa vụ phải tôn trọng. Đây không chỉ là nguyên tắc mà còn liên quan vấn đề danh dự và thể diện. Nga hứng chịu tổn thất không nhỏ, nhưng phương Tây bị vố đau.
Cục diện căng thẳng, bế tắc hiện nay cứ kéo dài thì cả Nga và phương Tây đều thiệt hại nếu không bên nào chịu xuống thang. Hiển nhiên Mỹ và EU ý thức rõ điều này, cho nên dù áp đặt lệnh trừng phạt với Nga nhưng cũng khá chừng mực.
Mỹ và EU đều không muốn dồn Nga vào chân tường, bởi tất cả đều hiểu rõ trong thế giới phẳng, sự liên kết, ràng buộc nhau quá lớn. Phương Tây lừng chừng chưa dám trừng phạt kinh tế Nga vì ngán đòn “hồi mã thương”, song rốt cuộc, các ông lớn thế giới cũng vẫn phải ngồi lại với nhau. Còn cả đống hồ sơ gai góc Syria, Iran, Afghanistan trông chờ vai trò của Nga.
Nói xuất hiện chiến tranh lạnh mới e rằng phóng đại, EU và Mỹ đều có những ưu tiên cao hơn cuộc khủng hoảng Ukraine. Với EU mới tạm hồi phục sau suy trầm kinh tế, điều chỉnh lại cơ thể bệnh tật đang là vấn đề cốt tử.
Nhiều học giả cũng đã nhắc Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, tập trung ưu tiên chiến lược tái cân bằng châu Á và cuộc đấu với Trung Quốc mới đáng kẻ thức thời. Bởi vậy, dù đôi bên lên gân lớn tiếng, nhưng chẳng có gì lạ nếu ít bữa nữa họ lại bắt tay nhau.
                                                                                                   Đặng Vương Hạnh

4 nhận xét:

  1. Họ (EU, MỸ) cứ lớn tiếng mà việc làm thì nhỏ...Các ông lớn, kể cả Nga đều chia sẻ lợi ích về vđ này. Nhưng ít ra người dân CRUWM được thỏa mãn nguyện vọng của mình anh nhỉ!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Fio.về những đánh giá và phát ngôn của một số nhân vật nổi tiếng qua chính kiến 'Sự việc" Ucrain.
    Chúng ta ngày càng thấy giá trị đúng đắn các quyết định của TT Putin.và bản lình cứng rắn của ông .

    Trả lờiXóa
  3. Cụ đem về hai bài của Đức Vũ và Đặng Vương Hạnh thật đúng lúc. Hai vị này đã đánh giá rất thẳng thắn, khách quan và những lập luận của họ đều có giá trị. Tôi cũng nghĩ chẳng bao lâu 2 phía lại ngồi vào bắt tay nhau thôi vì nếu căng quá thì cả hai cùng thiệt, mà chưa biết ai thiệt hơn ai!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn các cụ vu song thu, Hoàng Thị Nhật Lệ, Lê Tiến Hoàn.
    Tôi nghĩ rằng vai trò của Putin, vị thế của nước Nga, sự phục hồi của nước Nga ngày nay lên tầm cỡ đủ mạnh không để Mỹ Và EU có thể theo ý muốn của họ, khi Nga đã có chủ trương đúng và kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước Nga, người Nga. Ukraine và phương Tây đã vội vàng hấp tấp tạo cho Nga thu hồi Crưm thành công, không còn bàn cãi được nữa. EU thực chất khó một lòng, Mỹ cũng có các việc của họ chẳng dễ giải quyêt để mà đối mặt Nga về v/đ Crưm cho Ukraine. Uy tín của Putin lên cao nhất từ trước tới nay. Ukraine phải tự lo cho mình là chính đừng trông chờ EU và Mỹ.

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]