Thượng Lâm - Huyền thoại miền gái đẹp… (Kỳ
1) –
Dân trí
“Mận Hồng Thái/Gái Thượng Lâm”, men theo câu nói của người già
kể lại, từ thị trấn Na Hang, chúng tôi ngược lên mạn Bắc ba mươi cây số đường
đồi núi để về miền gái đẹp đã được thêu dệt bao đời nay.
Na Hang theo tiếng Tày là “ruộng cuối”, Thượng Lâm lại gần như là mảnh đất cuối của Na Hang. Huyền thoại kể lại rằng đó là vùng đất bốn mùa cây cỏ xanh tốt, thiên nhiên mát mẻ, ruộng nương trù phú và cũng chính vì vậy, con gái xứ này mang một vẻ đẹp đến nao lòng…
Na Hang theo tiếng Tày là “ruộng cuối”, Thượng Lâm lại gần như là mảnh đất cuối của Na Hang. Huyền thoại kể lại rằng đó là vùng đất bốn mùa cây cỏ xanh tốt, thiên nhiên mát mẻ, ruộng nương trù phú và cũng chính vì vậy, con gái xứ này mang một vẻ đẹp đến nao lòng…
Vẻ đẹp của người con gái Thượng Lâm (Ảnh: Văn Quân)
Truyền thuyết 99 ngọn
núi...
Xe
vượt qua núi Ái Cao, vượt đèo Ái Au với những cua đường gấp khúc tơ vò rối
ruột. Mỗi con đèo, mỗi ngọn núi của hành trình ba mươi cây số về Thượng Lâm đều
gắn với mỗi truyền thuyết mỗi huyền thoại về những người con gái nơi này. Câu
chuyện nào cũng buồn. Câu chuyện nào cũng nhiều nước mắt vậy nên như lời người
già bảo: “Đoạn sông Gâm từ Thượng Lâm về huyện lị Na Hang mới đặc biệt xanh
trong như vậy. Xanh như màu mắt người con gái Thượng Lâm, trong như nước mắt
của họ đã rơi xuống cho những cuộc tình buồn từ hàng trăm năm về trước”.
Đêm
bên bếp lửa nhà sàn, ăn thịt trâu gác bếp cùng uống rượu ngô. Hôm nay nhà ông
Ma Văn Mơ vui lắm. Vui vì chả mấy khi có khách ở dưới xuôi lên. Nhớ lúc chiều,
Chủ tịch xã Thượng Lâm Chẩu Viết Dinh bảo tôi, ở cái đất Thượng Lâm, truyền
thuyết huyền thoại về đất và người nên hỏi ông Ma Văn Mơ, ông Mơ được coi như
một cây sử sống của làng bản. Ông Ma Văn Mơ năm nay đã ngoài tám mươi nhưng vẫn
còn minh mẫn. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ông Mơ đã mười năm làm Chủ tịch xã,
rồi mười hai năm làm Bí thư đảng ủy… Người ta coi ông như trưởng bản, như cây
đại thụ của núi rừng Thượng Lâm.
“Từ
lâu lắm rồi, cái thuở khai thiên lập địa ấy, nhà vua dẹp trừ giặc ngoại xâm
xong mới thấy rằng phải tìm một nơi địa thế hiểm yếu mới có thể giữ yên được bờ
cõi. Đêm nhà vua được thần hiện xuống báo mộng nơi ấy phải là thành trì thiên
tạo. Thần cũng nói, đó phải là nơi có một trăm đỉnh núi cao. Hôm sau vua cho
người đi khắp ngả tìm nơi như thần nói. Đến vùng đất Thượng Lâm, người ta đi
chín ngày, ngủ ở rừng chín đêm và tìm ra một quần thể núi non rồng chầu hổ
phục. Từng dãy núi trùng điệp như một hàng rào khổng lồ bao quanh thung lũng
Thượng Lâm, phía trong mây lành bao phủ hương thơm tỏa ra ngào ngạt.
Vua
lập đàn báo cho Trời đất biết mình đã tìm được chỗ ưng ý. Tự nhiên lúc ấy giông
gió kéo đến ầm ầm, mưa suốt ba ngày ba đêm. Lúc trời quang mây tạnh, dân làng
thấy một đàn chim phương hoàng bay rợp trời đất. Mỗi con đậu trên một đỉnh núi nhưng
khi chín chín con chim phượng hoàng đã tìm được chỗ đậu thì một con vẫn bay lơ
lửng. Không tìm ra ngọn núi một trăm, đàn chim lại bay mất lặn vào trời xanh từ
đấy không bao giờ xuất hiện nữa. Thượng Lâm cũng không trở thành được đất đế đô
nhưng không hiểu sao, sau sự kiện ấy thì con gái xứ này đẹp đến lạ lùng. Truyền
thuyết đã nhiều trăm năm qua kể lại như vậy…”.
Trong
bếp lửa nhà sàn, câu chuyện của ông Mơ dẫn tôi đi hết huyền thoại này đến
truyền thuyết khác đầy hư thực. Ông Ma Văn Mơ có hai người con trai, hai người
con gái. Và thật hữu duyên, tất cả các cháu nội ngoại của ông đều là… nữ. Ai
cũng xinh xắn và dịu dàng. Em Ngô Thị Hương, người đẹp thành Tuyên năm 2007
cũng là cháu ngoại của ông Mơ.
Ngồi
nói chuyện Hương bảo: “Chẳng qua em đi thi người đẹp thành Tuyên là đọc được
thông tin trên báo, em đi cho vui, bố mẹ bạn bè mãi sau này mới biết”. Hương
cũng quả quyết, nếu con gái Thượng Lâm biết thông tin và “chịu” đi thi, chắc
chắn sẽ còn có nhiều giải cao nữa.
Theo VTV
Thượng Lâm - Huyền thoại miền gái đẹp… (kỳ 2)
Miền
gái đẹp Thượng Lâm trầm tích muôn vàn những lớp lang văn hóa và
huyền thoại. Và ít nhiều, vẻ đẹp trời phú của người phụ nữ xứ
này đã được giải mã qua những câu chuyện của người già...
Huyền thoại về một ngôi đền
Đêm
miền núi sương thường xuống sớm và lạnh. Khi những câu chuyện cũng như đống
than trong bếp lửa, ngày một đầy lên và nóng ấm, khi rượu ngô đã làm mềm môi
chủ khách, ông Mơ bảo tôi đi ngủ, còn nhiều chuyện hãy để ngày mai. Nhà sàn nhà
ông thuộc dạng to nhất bản, tôi không phải ngại ngần gì.
Người
Tày hiếu khách, con gái Tày khiến cho những kẻ trót mang trong mình máu phiêu
lưu hồ hải gặp một lần để rồi không bao giờ quên được. Tôi lên giường nằm với
một tấm chăn ấm đã được ai đó, (một trong những cô cháu gái của ông Mơ) “ủ” sẵn
từ trước. Khi khách và gia chủ đang ngồi chuyện trò, thì con hoặc cháu gái (tất
nhiên chưa xây dựng gia đình) sẽ lên nằm trên chiếc gường dành cho khách để ủ
ấm sẵn chăn, đệm. Tôi mang cái thú vị lần đầu được nếm trải bước vào giấc ngủ
không một chút mộng mị để rồi sáng hôm sau gặng hỏi hôm qua ai có lòng tốt ấy,
tất cả người cháu của ông đều khúc khích cười xấu hổ, chối từ.
Nhiều thiếu nữ Thượng Lâm đã được vinh danh ở các
cuộc thi sắc đẹp của tỉnh Tuyên Quang
“Cuộc
sống bây giờ đổi mới, con người ta được tự do, cái đẹp được tôn vinh chứ ngày
trước, thời còn phong kiến, cái đẹp chỉ mang đến nước mắt buồn đau. Đấy, cái
đèo Ái Au, cái núi Ái Cao, cái núi Pù Loòng Nào… mà trên đường đi vào đây đều
là dấu tích của các mối tình của những cô gái đẹp Thượng Lâm. Con gái Thượng
Lâm xưa đẹp nổi tiếng nhưng đều phải về làm vợ cho thổ ti, cho quan lang… Chẳng
ai thoát ra được số phận bi thảm ấy" - Ông Mơ kể.
Tiếng
Tày, “Ái Au” có nghĩa là “còn yêu”, kể về cuộc tình buồn của một cô gái Thượng
Lâm với chàng trai nghèo bên Trùng Khánh. Hai người hẹn hò nhau dưới chân núi
là ranh giới giữa hai bản nhưng trước đêm cô gái quyết định trốn đi cùng chàng
trai thì nhà lang đã phát hiện ra, nhốt cô gái ở nhà. Chàng trai ra chỗ hẹn nhưng
không gặp người yêu cứ gọi “ái au” như hai người vẫn thường gọi nhau rồi chết
hóa đá trên đỉnh núi. Cô gái mấy ngày sau trốn ra được để lên chỗ hẹn cũng
không thấy chàng trai đâu, sau mệt quá gục chết bên cạnh tảng đá có hình người
đang ngồi. Dân làng từ đó gọi con đèo ấy là đèo “Ái Au”.
Rồi
chuyện kể về nàng Ái Cao nhảy xuống vực để tỏ rõ trinh tiết của người con gái
Tày trước sự hà khắc của quan lang, ngọn núi nơi nàng trầm mình dân làng lấy
luôn Ái Cao để làm tên gọi. Sự tích hoa Phạc Phiền, sự tích Thác mưa rơi, sự
tích Thác Tin Tốc, sự tích đèo Nàng, sự tích đồi Ông đi qua bà đi lại… đều là
những câu chuyện buồn của các cô con gái đẹp xứ Thượng Lâm xưa.
Kể
chuyện một hồi, ông Mơ khề khà bảo chuyện về người con gái đẹp quê ông có mà kể
mấy ngày, tốn nhiều thịt trâu, nhiều rượu ngô nữa thì mới kể cho đặng. Tôi cũng
nghĩ vậy. Ở mảnh đất “ruộng cuối” này, mỗi dòng suối, ngọn đồi, mỗi bờ cây,
ruộng lúa đều là một truyền thuyết, một huyền thoại, đã trầm tích vào rừng núi,
tươi xanh như hồn vía của đại ngàn.
Nhưng
có một câu chuyện mà tôi đã được nghe, đã được mục sở thị. Tôi coi như đó là
câu chuyện về thành hoàng làng của xứ Thượng Lâm. Nếu như các nơi khác, thành
hoàng làng thường là một quan văn, một võ tướng, một anh hùng nào đó thì ở
Thượng Lâm, ngôi đền mà dân làng vẫn thờ tự, vẫn hương khói lại là câu chuyện
về một người phụ nữ đẹp. Chuyện kể rằng ở Thượng Lâm xưa có gia đình một thổ ty
họ Quằng. Con gái trong vùng, trước khi đi lấy chồng đều phải đến ngủ ở nhà thổ
ty ba đêm mới được về. Hàng trăm người đã phải chịu cảnh ấy, đến một ngày dân
làng không chịu được đã nổi lên giết cả nhà thổ ty không còn một ai.
Nhưng
không ngờ, trong lúc hỗn mang ấy thì một người đàn bà tên Quằng Thị Liêm đã
chạy trốn được trong đêm tối. Bà Quằng Thị Liêm là người con gái đẹp nối tiếng.
Bà chạy xuống tận Chiêm Hóa cách đấy gần một trăm cây số. Dân làng thoát khỏi
nạn thổ ty nhưng từ đấy mùa mạng thất bát, cây lúa chẳng đơm bông, con thú
chẳng về rừng, dân làng đứng trước nạn đói. Một lần có một thầy mo đi qua đất
này, nghe được câu chuyện đã bảo: “Nhà này vẫn còn sống một người. Phải tìm
được và đưa bà về”. Dân làng chia nhau đi tìm và cuối cùng tìm được bà ở Chiêm
Hóa.
Bà
về lại quê quán và mang theo cả gia đình mới về chung sống. Bà về gieo lúa
trước rồi dân làng mới gieo phía sau. Lúa của bà để cả tháng trời ngoài bãi
chuột cũng không phá, mưa gió nắng nôi nhưng lúa của bà vẫn không bị ảnh hưởng.
Khi bà chết, gạo của bà vẫn để ngoài ruộng, dân làng lấy về thổi xôi cúng bà và
chia cho mỗi gia đình một ít.
Từ
đấy Thượng Lâm lại trở nên trù phú. Lúa lại đầy bồ, thịt khô lại chứa đầy gác
bếp. Dân làng lập đền thờ và gọi với cái tên Bà Chủa. Còn vì sao lại lấy tên Bà
Chủa ông Mơ không giải thích nhưng đền thờ bà thì hiện nay ở Thượng Lâm vẫn
còn. Những nét tài hoa khi ngày bà còn sống như đan áo, thêu thùa, đi ruộng,
nấu cơm… từ đấy đi vào đời sống của phụ nữ người Tày như những nét đẹp bổ trợ
cho hình thức thiên phú có sẵn.
“Khẩn
Thượng Lâm quê nọong nàng cẩu thíp, cẩu pù liền lạm pản. Nhằng mì hình the hản
pằn the nàng tiên nọong…” (Ai lên Thượng Lâm vượt con sông Lô, Gâm đến quê
hương em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây... thương anh như chín
mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ, anh ơi). Chia tay miền gái đẹp, em
gái Tày mê mải lời Then, lòng khách phương xa có đôi lần chẳng muốn dứt ra để
vượt đèo Ái Au, vượt núi Ái Cao về với phố phường xuôi ngược. Mùa này hoa Phạc
Phiền nở nhiều vô kể, cứ ngỡ đưa tay là chạm…
Theo VTV
Năm trước đoàn Cựu SV học ở Kharkov (1961-1966) có đi Tuyên Quang thăm Bạn bè, dự "Lễ hội rước đèn Trung Thu thành Tuyên" và thăm thủy điện Na Hang. Có lẽ mải vui bạn bè và ngắm cảnh nên không kịp "ngắm người" vì vậy không gặp được cô gái nào "ấn tượng".
Trả lờiXóaThế mà những năm qua, chả phải đi đâu xa, ở ngay Hà Nội thôi, tôi và bạn bè đã gặp không ít cô gái Tuyên xinh đẹp xứng với câu "Chè Thái Gái Tuyên" mà mọi người vẫn khen.
Chè Thái, gái Tuyên, rượu tiên;
XóaSống vui sống khoẻ chẳng phiền chẳng lo!
Đời mà như vậy phúc to
Hay chi chen chúc thập thò làm quan !