“Tình khúc Lavanda”
– Độc đáo chuyện tình viết chung
GiadinhNet - Xuyên suốt “Tình khúc Lavanda”, cảm giác rằng những người viết cuốn sách này đã quên đi tất cả chỉ để lắng nghe mình, lắng nghe nhau trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim.
GiadinhNet - Xuyên suốt “Tình khúc Lavanda”, cảm giác rằng những người viết cuốn sách này đã quên đi tất cả chỉ để lắng nghe mình, lắng nghe nhau trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim.
Đến với “Tình khúc Lavanda” là tiếp cận một miền không
gian ngập tràn sắc tím Lavanda (oải hương). Gần 20 lần màu tím được nhắc đến
với đủ mọi sắc thái từ “tim tím”, “tím ngắt”, “tím biếc”, “tím xanh” và nhiều
nhất là “tím nhạt”.
Màu tím khi tràn trề, khi điểm xuyết, khi âm thầm len
lỏi vào từng trang viết. Đó là màu của hoa cỏ, váy áo, khăn ăn, vali, mực bút…
thậm chí, thứ màu sắc kì diệu ấy còn dành để miêu tả những giấc mơ. Thế mới
biết, không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh của những bông hoa Lavanda lại trở thành
biểu tượng đẹp đẽ, neo đậu trong kí ức, tâm hồn những ai từng yêu, từng sống
trên đất nước Nga.
"Tình khúc Lavanda" ngập tràn sắc tím
Cuốn sách này là một chuyện tình viết chung và mọi móc
xích, diễn biến của nó là cái cớ để nhóm tác giả cùng trở về kí ức bắt đầu từ
cái thời những thiếu nữ Việt còn trung thành với “bím tóc đuôi sam”, “quần sơ
vi ốt màu xám” hay “áo phin nõn màu trắng chiết li”…
Nếu không xuất hiện 11 cái tên với bút hiệu chung
“Nhóm FBKN” hẳn độc giả sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện tập sách được viết
bởi 11 cây bút - những cựu sinh viên khoa Nga. Đó là 11 cá tính khác biệt, khác
từ cách họ đặt tên chương: “Lốc xoáy”, “Sông ngầm”, “Bão rớt”, “Sao băng”…
nhưng tất cả cùng chung sự tinh tế, thắm thiết, giằng níu giữa kí ức trong trẻo
ngày xưa vẫn đang ấm sực trong hiện tại bộn bề.
Câu chuyện tình giữa 4 tính cách, số phận đặt trong
bối cảnh nước Nga đầy biến động cuối thập niên 1980-đầu thập niên 1990 được
miêu tả với bút pháp cổ điển với sự giản dị, sâu lắng nhưng không sa vào sáo
mòn đã kéo cả độc giả vào cuộc, cùng suy tư, dằn vặt với những biến hóa của tác
phẩm.
Không giật gân, không khốc liệt, chữ nghĩa và cảm xúc
trong “Tình khúc Lavanda” như đã được chắt lọc, chưng cất, đằm lắng bởi thời
gian, không gian, quan niệm văn hóa của một thế hệ những người học tiếng Nga,
gắn bó với đất nước Nga.
"Trong trái tim chúng mình/ In hoa tròn tim tím"
Bốn nhân vật chính, được khắc họa khá sinh động. Có
đối lập nhưng không vì thế mà thiếu sự tương đồng. Bên cạnh Tố Quyên lúc nào
cũng lộng lẫy, quyến rũ là Thanh Vân dịu dàng, tinh khiết. Bên cạnh Quốc Hùng
phong trần, bụi bặm thì Lê Quang lại lịch lãm, ấm nồng. Cả bốn nhân vật đều
hiện lên thật lấp lánh ngay từ những rung động đầu đời cho đến cả những ước mơ
xa vời le lói phút chốc rồi vụt biến.
Đôi khi giữa họ còn có sự hoán đổi cho nhau. Tất cả
khiến người đọc nghĩ ngay đến những bông hoa oải hương màu tím. Ngay cả màu tím
ấy cũng rất khó có thể gọi thành tên. Chỉ biết rằng, câu thơ “Trong trái tim
chúng mình/ In hoa tròn tim tím” đã tạc vào tâm hồn một thế hệ con người.
Đọc tác phẩm, càng về những chương cuối, độc giả càng
không giấu nổi sự lo lắng cho kết cục câu chuyện. Bốn con người tạo thành 2 cặp
đôi và 2 đứa con ra đời trong thời đại mới, chúng vô tình quen biết, yêu đương
với những ảnh hưởng của bố mẹ trong hình hài và tâm thức. Nếu không khéo xử lý,
truyện dễ rơi vào nhạt nhẽo, cũ mòn. Nhưng, hình ảnh “Những viên ngọc trai nối
đuôi nhau rơi xuống dòng sông lóe sáng trong ánh chiều tà như một vệt sao băng”
đã níu lòng độc giả. Đó là một khúc vĩ thanh tuyệt diệu vút lên cho bản nhạc
tưởng chừng đã chơi vơi, lơ lửng hồi kết.
Xuyên suốt “Tình khúc Lavanda”, cảm giác rằng những
người viết cuốn sách này đã quên đi tất cả chỉ để lắng nghe mình, lắng nghe
nhau trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim. Để rồi, khi gấp sách lại,
người đọc nhận ra, xứ sở của những bông Lavanda tím hoang hoải ấy không đơn
thuần chỉ là một vùng đất mà trên hết đó là máu thịt, là hạnh phúc, là khổ đau.
Dù đã được đan cài nhiều hình ảnh cũng như triết lý
nhân sinh nhưng “Tình khúc Lavanda” ám ảnh độc giả bằng “không khí” Nga được
bảo toàn, bằng cảm xúc chân thật, sâu nặng đôi lúc tưởng chừng nghẹt thở, đôi
lúc lại là nỗi dịu dàng, hưng phấn như có thể hát lên được.
Chắc rằng, “Tình khúc Lavanda” đã ra đời bằng nụ cười
và những dòng nước mắt. Và ai thực sự yêu, sống, đắm đuối với mảnh đất ấy, với
sắc màu ấy đến từng hơi thở, từng huyết cầu trong cơ thể mới có thể viết nên.
“Tình khúc Lavanda” là tác phẩm viết chung của 11 cựu
sinh viên Khoa Nga - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ
- Đại học Quốc gia Hà Nội). Sách dầy 210 trang do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành
tháng 11/2014.
Em cũng mong có cơ hội đọc anh ạ!
Trả lờiXóaVâng, hoa oải hương, ý nghĩa tình yêu và MÀU TÍM- sự thủy chung; tình yêu chung thủy. Dẫu thế nào thì với nước Nga, chúng ta luôn có tình khúc LAVANDA.
Xóa