15 tháng 2, 2016

Dấu tích thành nhà Lê tại Hà Tĩnh

Theo VNExpress
Bài viết có liên quan đến Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn của Trần Gia

Dấu tích thành nhà Lê tại Hà Tĩnh

Thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cho xây hệ thống tường thành lũy bằng đá dài khoảng 30 km qua 3 xã ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân Minh và bảo vệ nghĩa quân Lam Sơn.
dau-tich-thanh-nha-le-tai-ha-tinh
Tại xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn một đoạn lũy thành dài gần 300 m, cao 2,5 m. Ảnh: Đức Hùng
Theo sử sách, trong thời gian đứng lên chiêu mộ nghĩa sĩ chống quân Minh từ năm 1418 đến 1428, thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cho xây dựng hệ thống tường thành lũy bằng đá dài khoảng 30 km qua các xã Sơn Thịnh, Sơn Tiến và Sơn Tân (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Vật liệu xây thành là phiến đá tự nhiên được ghép chồng lên nhau, cao khoảng 2,5 m, rộng trên 2 m.
Lũy Thành sau này được gọi là thành nhà Lê. Bởi khi biết Nguyễn Tuấn Thiện xây thành, lập căn cứ địa, Lê Lợi đang chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh biết chuyện đã tìm về Hà Tĩnh chiêu mộ ông, cùng đồng tâm đánh giặc. Khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua, phong cho Nguyễn Tuấn Thiện là "khai quốc công thần".
"Nghĩa quân xây thành nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân Minh từ Lam thành (Nghệ An), bảo vệ căn cứ Đỗ Gia (xã Sơn Phúc), nơi nghĩa quân Lam Sơn trú ngụ", ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói.
dau-tich-thanh-nha-le-tai-ha-tinh-1
Một số phiến đá đã bị rêu phong bám phủ. Ảnh: Đức Hùng
Phát hiện ra lũy thành nhà Lê đoạn qua xã Sơn Tiến trong quá trình phát quang bụi rậm trồng cây thông, ông Nguyễn Văn Khánh (xã Sơn Tiến) cho biết lũy thành đã có ở đây hàng trăm năm. "Khi tôi phát hiện, lũy thành dài gần 300 m, cao 2,5, rộng 0,85 m, được ghép đá bên ngoài, phía trong đắp đất. Phía tây thành có một cây đa cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, được cho là chứng tích gắn liền với quá trình xây thành cổ và hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn", ông Khánh nói.
Với địa thế quân sự hiểm trở, xung quanh được bao bọc bởi cây cối và sông núi, thành là một căn cứ địa vững chắc trong chiến tranh. Ngoài những chiến công thời Lê, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thành nhà Lê tiếp tục là nơi đóng quân của bộ đội trong những lần hành quân và chống lại với mưa bom bão đạn của quân địch. Hòa bình lập lại, lũy thành ngự trị ở lưng chừng núi, người dân đã cải tạo núi trồng cây thông xung quanh để lấy nhựa sản xuất.
Qua năm tháng, thành nhà Lê nay không còn nguyên vẹn dáng xưa, nhiều đoạn đã biến mất hoàn toàn. Trong ba xã, duy nhất Sơn Tiến là còn phát lộ nguyên vẹn nhất. Hiện tại một số phiến đá lớn dùng để ghép thành đã bị rêu mốc bám phủ, phía mặt trên thành phải dùng dụng cụ như cuốc cào nhẹ những lớp phong hóa bên ngoài mới thấy được phiến đá.
dau-tich-thanh-nha-le-tai-ha-tinh-2
Về phía tây thành có một cây đa cổ thụ, chứng tích cho quá trình tồn tại của thành cổ. Ảnh: Đức Hùng
"Đoạn thành phát lộ ở xã Sơn Tiến còn khá nguyên vẹn, dài khoảng 200 m, ở giữa có nhiều phiến đá lớn được ghép theo kiểu hình vuông", ông Lê Bá Hạnh nói và cho rằng nơi đây từng đặt trụ sở chỉ huy chống quân Minh xâm lược.
Còn tại các xã Sơn Thịnh, Sơn Tân, Sơn Tiến, thành nhà Lê hiện chỉ còn lại những mô đất cao, một số bị cây cối um tùm bao phủ, vùi lấp. 
Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói về thành nhà Lê
"Thời gian tới, bảo tàng sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật và nghiên cứu tổng thể hệ thống thành luỹ đá cổ thời Lê. "Chúng tôi sẽ sưu tầm các tài liệu hiện vật cùng dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn Hương Sơn nhằm phục vụ nghiên cứu", ông Hạnh nói.
                                                                                                                                    Đức Hùng

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn VST.
      Có mấy hồi trong Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn nói đến căn cứ Cốc Sơn và Tướng Nguyễn Tuấn Thiện.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]