Người săn nước
Từ echip.com.vn 07/02/2016 07:44
Có một người sau mỗi cơn mưa lại chạy lung tung đi tìm các vũng nước đọng lại ven đường, rồi sau đó cắm cúi với chiếc smartphone và vũng nước mặc người qua lại dòm ngó.
“Chụp buổi sáng không đẹp do bị ngược sáng. Nhà thờ Đức Bà sẽ đẹp hơn vào tầm 3 giờ chiều, khi ánh sáng soi nhẹ vào từng viên gạch đỏ, đồng thời chiếu xéo vào vũng nước khiến mặt nước trong trẻo hơn”, vừa thao tác chỉnh sửa ảnh, anh vừa nói chuyện với tôi.
Anh là Nguyễn Vũ Đạt, một người rất quen trong giới công nghệ. Tôi quen anh từ thời anh còn chơi điện thoại Palm, một dòng điện thoại khá độc đáo hẳn bạn đọc lâu năm của e-CHÍP M! vẫn còn nhớ. Vài năm nay, anh chàng có nickname Anton Đạt này làm quen với thú chụp ảnh với smartphone, và gần đây được giới chơi ảnh smartphone biết đến vì những bức ảnh chụp phản chiếu qua vũng nước - thuật ngữ nước ngoài gọi là Puddlegram. Nhờ những bức ảnh chụp qua smartphone tuyệt đẹp, anh Đạt bắt đầu được các hãng điện thoại chú ý và mời đến dự các sự kiện ra mắt những smartphone flagship - smartphone hàng đầu của các hãng.
Sau khi gây bất ngờ cho tôi vì tấm ảnh chụp Nhà thờ Đức Bà khá đẹp (tôi từng xem các ảnh của anh nhưng vẫn nghĩ các vũng nước phải lớn và sạch hơn vũng nước nhỏ bé đọng trước trung tâm mua sắm Diamond), anh Đạt kéo tôi qua đường, đi về phía một nữ công nhân đang cầm vòi nước tưới cây ở bãi cỏ công viên. Trong khi tôi đang lơ ngơ thì anh đã nhanh chóng tiến đến người phụ nữ đang tưới nước, miệng cười tươi và nói gì đó, ngay lập tức người phụ nữ mặc đồ lao động giơ cao vòi nước hơn, để những tia nước bắn cao quá đầu người. Anh Đạt móc một chiếc smartphone cao cấp khác, của một hãng khác ra, và bắt đầu chụp ảnh. Tôi hiểu rằng anh đang mượn các tia nước để có được một bức ảnh Nhà thờ Đức Bà với một góc nhìn khác hơn.
Sau khoảng vài phút, anh và tôi xem lại đã “thu hoạch” được những gì, và Anton Đạt đã không khỏi xuýt xoa khi một trong các tấm ảnh thu được cảnh một cô gái cầm dù đi ngang đúng lúc những tia nước vẫn lơ lửng trong không trung.
“Yếu tố khoảnh khắc trong ảnh thực sự rất quan trọng. Rõ ràng cô gái cầm dù xuất hiện trong ảnh rất tình cờ, nhìn cứ như sắp đặt trước. Những khoảnh khắc như vậy quý giá vô cùng”, anh Đạt chia sẻ.
Tất nhiên, dù Đạt không nói nhưng tôi hiểu một thứ khác nữa cũng không kém phần quan trọng, đôi khi cực kỳ quan trọng, khi đi chụp ảnh, đó chính là khả năng giao tiếp. Với một thằng lù khù như tôi sẽ không thể chạy đến chị công nhân để nhờ chị giơ cao vòi nước hơn, sẽ có bức ảnh đẹp hơn. Tôi cũng quen với một người khá có tiếng trong các nhóm chơi ảnh, mặc dù anh không phải là nhiếp ảnh gia, một người có nickname Starnt. Anh cũng có năng khiếu trong việc giao tiếp với mẫu, tạo sự thoải mái cho họ để có những bức ảnh tự nhiên nhất. Có điều kiện tìm hiểu mới thấy, ngoài yếu tố chuyên môn, kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng mà người chơi ảnh nên có để nâng cao hiệu quả chụp ảnh.
Bên cạnh thể loại ảnh “vũng nước”, Anton Đạt vẫn sáng tác các kiểu ảnh khác chụp từ smartphone, như chụp macro, chụp phơi sáng… Trong đó, chụp ảnh “vũng nước” không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật nhưng cần tìm được các kiến trúc đẹp, và phải… có vũng nước gần đó, chứ như mùa khô là bó tay vì hiếm khi tìm thấy nước đọng ở lề đường; tất nhiên trừ các vũng nước do con người tự tạo ra. Khi đã tìm được tòa kiến trúc đẹp để in bóng xuống nước, người chụp cần chọn thời điểm ảnh sáng chiếu đẹp nhất, và vũng nước phải tĩnh lặng thì mới cho ra ảnh đẹp.
Đối với ảnh chụp ban đêm, hầu hết phải chụp ở chế độ phơi sáng khoảng 1 giây, để ánh đèn xe tạo các vệt dài đậm chất nghệ thuật, và việc phơi sáng cũng giúp xóa bớt các xe trong trường hợp đường phố đông đúc. Vào ban đêm, việc đóng màn trập lâu hơn - một cách nói khác của phơi sáng - cũng có lý do quan trọng là để hình ảnh in trên vũng nước trong trẻo, rõ ràng, nếu chụp với tốc độ nhanh thì hình ảnh phản chiếu sẽ khá tối. Ngoài ra, khi chụp với vũng nước, người chụp cần kiên nhẫn, vì một khi vũng nước ở ngoài đường, trường hợp xe cộ qua lại khiến mặt nước bị rung, hoặc trường hợp nước bắn lên người không phải không xảy ra. Trong buổi sáng đi chụp ảnh cùng Anton Đạt, tôi chứng kiến anh mê mẩn đến mức nhúng nhẹ chiếc smartphone cao cấp xuống vũng nước, sau đó giật mình dùng ve áo để lau khô chiếc điện thoại gần hai chục triệu đồng.
Sau khi hoàn thành xong hai bức ảnh, tôi và Anton Đạt quay lại quán cà phê nơi bạn bè đang ngồi chờ. Ngang qua hai người phụ nữ bán hàng rong đang ngồi trên phần vỉa hè mà người đi bộ thường đứng chờ để băng qua đường, Anton Đạt lên tiếng: “Sao hai chị ngồi ngay phần dành cho người đi bộ vậy? Ngồi vậy sao người ta đi!?”. Thật kỳ lạ, thay vì khó chịu thì cả hai người phụ nữ chỉ cười, mặc dù không nhúc nhích. Quan sát cảnh này, tôi hiểu thêm một phần về Đạt, và một lần nữa cho rằng có những kỹ năng rất mềm mà một người cần có khi hoạt động trong các lĩnh vực như nhiếp ảnh nói riêng hay các ngành nghề khác nói chung.
Thật sáng tạo bác ạ!
Trả lờiXóaSu da me da dua con nguoi ta den su sang tao de de ra nhung tac pham tuyet dieu.
Trả lờiXóaCảm ơn cụ HTNL. Tôi "dịch" ra như thế này có đúng không nhé: Sự đam mê đã đưa con người ta đến sự sáng tạo để đẻ ra những tác phẩm tuyệt diệu.
XóaChính xác ! Cám ơn cụ, năm mới cụ đã chuyển sang nghề DỊCH THUẬT. Máy tôi bỗng "mất dấu".
XóaCụ tìm đâu ra cái ông "nhiếp ảnh nước" vậy ?
Ôi, cái ông nhiếp ảnh nước là từ "trên mạng" : echip.com.vn (cũng từ VietNamnet lần sang).
XóaMáy mất dấu ư ? Bảo cháu cài đặt (hoặc khôi phục) Vietkey hoặc Unikey (có chữ V) là gõ ra tiếng Việt đó mà ! Chúc cụ mọi điều tốt lành như ý.