Theo VNExpress
Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trên chiếc thạp đồng bảo vật
4 cặp
tượng nam nữ trong tư thế giao hoan trên nắp thạp đồng là biểu tượng cho
ước vọng sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ thuở
xa xưa.
Trong 16 bảo vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ có thạp đồng Đào
Thịnh, được coi là một trong những "siêu phẩm" của thời kỳ văn hóa Đông
Sơn, niên đại 2.000-2.500 năm. Đến nay, thạp cao 98 cm, đường kính miệng 61 cm, đường kính đáy 60 cm vẫn là chiếc lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam. Thạp đồng Đào Thịnh cũng là một trong những bảo vật quốc gia được Thủ tướng ký quyết định công nhận đợt đầu tiên vào ngày 1/10/2012.
Cuốn "Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam" có
đề cập đến nguồn gốc chiếc thạp. Vào ngày 14/9/1961, ông Phạm Văn Phúc ở
xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) đi câu thì phát hiện thạp nằm sâu
trong lòng đất, ven bờ sông Hồng bị lở. Mở thạp ra, ông Phúc phát hiện
bên trong còn một thạp nhỏ hơn, chứa nhiều gỉ đồng được cho là vòng đồng
và nhiều công cụ, đồ trang sức khác cùng cả vết tích xương người. Bên
trên thạp nhỏ có đậy mảnh gỗ mục.
Tượng nam nữ giao hoan trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Ảnh: Giang Huy.
|
Dân làng hay tin kéo nhau ra xem. Sau đó, Ủy ban hành chính cho người
mang chiếc thạp về Ty văn hóa Yên Bái rồi giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt
Nam. Như nhiều địa điểm khảo cổ học khác, địa danh Đào Thịnh - nơi phát
hiện thạp đồng được đặt tên cho bảo vật này. Ngoài thạp Đào Thịnh, khu
vực Yên Bái còn phát hiện thêm nhiều cổ vật nổi tiếng như thạp Hợp
Minh, thạp Tân Hợp… cùng hơn 30 chiếc thạp kích cỡ khác nhau, có hoặc
không có nắp.
Điều thu hút là trên nắp thạp Đào Thịnh có đắp nổi 4 cặp tượng
đồng thể hiện hình ảnh 4 đôi nam nữ đang giao hoan. Người nam xõa tóc,
đóng khố, đeo dao găm ngang hông. Người nữ mặc váy ngắn. Đặc biệt, bộ
phận sinh dục của người nam được thể hiện rất rõ. Theo ông Bùi Minh Cúc
(xã Đào Thịnh), một trong những người cùng phát hiện ra thạp đồng, trên
nắp thạp có 5 cặp tượng. Một đôi nằm trên cao nhất ở nóc thạp, 4 đôi còn
lại ở 4 góc. Hồi phát hiện chiếc thạp, ông Cúc còn bé, người làng cũng
không biết đây là báu vật nên nhặt đem về. Người thì ghè lấy tượng đàn
ông, người ghè lấy tượng đàn bà. Đến nay, trên nắp thạp chỉ còn lại 2
cặp tượng đồng tương đối hoàn chỉnh.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín
ngưỡng Việt Nam, cho hay tượng nam nữ giao hoan trên nắp thạp đồng là
biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa dân gian. Tín ngưỡng
này đậm nét trong cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đặc biệt là thời kỳ
văn hóa Đông Sơn. Trong quan niệm của người xưa, trời là dương,
đất là âm. Âm dương kết hợp khiến cho vạn vật sinh sôi nảy nở là quan
niệm xuyên suốt, chi phối văn hóa của nhiều dân tộc phương Đông, trong
đó có Việt Nam.
"Những cặp tượng trên không mang ý nghĩa tục tĩu mà là quan niệm
tốt lành. Khi âm dương hài hòa tạo ra sự sinh sôi nảy nở. Con người thời
nay khó tạo ra được những hình tượng như vậy", ông nói.
Giáo sư Thịnh lý giải thêm, với cư dân trồng lúa nước thì yếu tố con
người rất quan trọng, luôn mong muốn được con đàn cháu đống. Họ ký thác
vào những công cụ, nhạc khí trong sinh hoạt hàng ngày. Đó gọi là ma
thuật bắt chước, con người làm mẫu để tự nhiên cũng bắt chước theo. Do
vậy, vào mùa xuân, khi khí dương thịnh, người ta hay làm giả hình tượng
âm dương thông qua các nghi lễ biểu trưng cho hành vi tính dục.
Thời kỳ văn hóa Đông Sơn có nhiều tín ngưỡng đan xen tồn tại
nhưng phồn thực vẫn là tín ngưỡng nổi bật. Tín ngưỡng này còn kéo dài
đến ngày nay, được biến điệu đi, như tục thờ nõ nường được bảo lưu tại
một số tỉnh miền Bắc. Ngoài thạp Đào Thịnh, một số đồ đồng khác cũng có
những hoa văn hoặc tượng đúc nổi mang tín ngưỡng phồn thực này.
Nếu nắp thạp thể hiện tín
ngưỡng thì thân thạp lại phản ánh sinh động cuộc sống của cư dân nông
nghiệp với những trang trí hoa văn tinh tế. Thân
thạp đồng là khối hình trụ xuôi nhỏ về đáy được trang trí nhiều vòng
tròn bằng các hoa văn hình học, hình các loại chim và bò sát, hình người
hóa trang đứng trên thuyền với nhiều tư thế. Tám chiếc
thuyền chia thành 4 cặp. Trên thuyền, phía trước là tốp người ở trần làm
nhiệm vụ chèo thuyền, những chiến binh phía sau đầu đội mũ lông chim,
đóng khố tua dài. Chim lạc bay trên đầu, dưới là các loài cá, chim, thú…
Điều này cho thấy, từ xa xưa, cư dân Đông Sơn không chỉ giỏi về kỹ
thuật đúc đồng mà còn rất tinh thông thủy chiến.
Từ xưa, thạp đồng được dùng để đựng rượu trong những buổi tế lễ lớn, hoặc cất
giữ lương thực, đựng ngũ cốc, nước. Thạp Đào Thịnh chứa đựng than tro
cốt có thể liên quan đến tục hỏa táng của người Việt cổ. Như vậy, chức
năng của thạp đồng đã được biến đổi, ban đầu là nhạc khí, thể hiện vị
thế của người sở hữu nhưng sau trở thành "quan tài" chứa đựng xương cốt
và đồ tùy táng.
Chiếc thạp cao gần một mét là hiện vật lớn nhất trong số thạp hiện nay. Ảnh: Giang Huy.
|
Theo PGS.TS Trịnh Sinh, thạp đồng Đào Thịnh được đánh giá là hiện
vật đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, 4 cặp tượng nam nữ được
đúc nổi rất đẹp mà nhiều chiếc thạp khác không có. Hoa văn tinh mỹ không
kém gì hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ hay Cổ Loa. Cho đến
nay, kích thước chiếc thạp lớn cho thấy không phải kíp thợ nào cũng đúc
được một sản phẩm bề thế như vậy. Năm 2008, nghệ nhân Lê Văn Bảy ở làng
đúc đồng truyền thống Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa)
đúc được chiếc thạp đồng cao 1,5 m bằng phương pháp thủ công đã mất 3
tháng.
Trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn là Thanh Hóa nhưng thạp đồng
lại được tìm thấy nhiều ở Yên Bái bởi nơi đây tập trung nhiều mỏ quặng,
cũng như nhiều tù trưởng có quyền lực. "Người chủ sở hữu
chiếc thạp này cũng là một thủ lĩnh hùng mạnh. Trong văn hóa Đông Sơn,
thủ lĩnh lớn nhất là vua Hùng. Trong các thư tịch, truyền thuyết cũng
ghi rõ chỉ những thủ lĩnh hùng mạnh mới được sở hữu trống đồng, thạp
đồng. Người dân bình thường không có", ông lý giải.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những hoa văn hình người, thuyền… trên thân
thạp giống với hoa văn ở những chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp nhất, chứng
tỏ thạp Đào Thịnh ra đời trong giai đoạn Đông Sơn điển hình. Nếu như
trống đồng lan tỏa rộng khắp vùng Đông Nam Á thì thạp đồng chỉ giới hạn
trong cộng đồng cư dân Đông Sơn cổ, cụ thể là miền Bắc Việt Nam.
Bảo vật như một thông điệp từ quá khứ, phản ánh cuộc sống sinh động của
cư dân Đông Sơn, khi xã hội chưa hình thành chữ viết nhưng kỹ thuật đúc
đồng thì đã đạt đến đỉnh cao. Trong đó, trống đồng, thạp đồng là những
hiện vật điển hình nhất của nền văn hóa này.
Đông Sơn là tên một làng nằm ở bờ sông Mã (Thanh Hóa). Năm 1924,
người nông dân Nguyễn Văn Lắm khi ra bờ sông Mã câu cá đã tìm thấy một
số đồ đồng ven bờ sông sạt lở. Viên thuế quan người Thanh Hóa khi ấy là
Pajot đã mua lại và đem đến Học viện Viễn Đông Bác Cổ để xác định giá
trị. Được sự ủy quyền của giám đốc học viện, Pajot đã tiến hành nhiều
đợt khai quật kéo dài từ năm 1924 đến 1932 và thu được nhiều hiện vật có
giá trị ở khu vực này. Mười năm sau, nhà nhân học người Áo R.Von Heine
- Geldern đã đề xuất tên gọi Văn hóa Đông Sơn để chỉ một nền văn hóa thuộc giai đoạn phát triển của thời đại đồng thau ở khu vực Đông Nam Á.
Phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn tập trung ở lưu vực ba con
sông lớn là sông Hồng (các tỉnh đồng bằng châu thổ Bắc Bộ), sông Mã
(Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An). Đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn là nghề
luyện kim, đúc đồng, trên cơ sở đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế, chính
trị, xã hội, quân sự, dẫn tới việc hình thành các nhà nước sơ khai trong
lịch sử Việt Nam. Quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn
trên nhiều phương diện có ý nghĩa mở đầu chặng đường dài tìm về dân tộc,
quốc gia, nhà nước Việt Nam.
|
Hoàng Phương
Chúc mừng anh chị nhân dịp ngày lễ Valentine!
Trả lờiXóaCâu chuyện văn hóa còn có rất nhiều điều mà biết cũng hay ! Chúc vui vẻ ngày Valentine.
Xóa