11 tháng 2, 2016

Cả làng canh bảo vật vua Hàm Nghi xuyên 3 thế kỷ

Nối tiếp câu chuyện trước Tết của Trần Gia- Bài viết từ VietNam.net

Hà Tĩnh:

Cả làng canh bảo vật vua Hàm Nghi xuyên 3 thế kỷ

- Người dân xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) quan niệm, năm nào có "cố đạo chủ" - người được giao gìn giữ báu vật của vua Hàm Nghi thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn.
Từ truyền thuyết cứu vua Hàm Nghi
Ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từ trẻ nhỏ tới người già, ai ai cũng biết đến câu chuyện về ngôi đền Trầm Lâm "cứu" vua Hàm Nghi trong thời chống Pháp và những vật vua ban cho ngôi đền, được người dân thay nhau giữ gìn hơn một thế kỷ qua.
canh giữ bảo vật, vua Hàm Nghi, xã Phú Gia, đền Trầm Lâm, cứu vua
Ngôi đền Trầm Lâm.
Cụ Trần Kim Tăng (90 tuổi) trầm ngâm kể: Vào tháng 7/1885, cuộc binh biến kinh thành Huế thất bại, tướng Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi), cùng đoàn tùy tùng ra thành Tân Sở (Quảng Trị) để lánh nạn.
Sau đó, vua Hàm Nghi chọn thành Sơn Phòng (Hà Tĩnh) lập căn cứ, ban Chiếu Cần Vương lần thứ 2 (9/1885) để chống Pháp.
Trong một lần bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết, vua Hàm Nghi phải tới lánh nạn tại đền Trầm Lâm (xã Phú Gia).
Buổi tối ngủ tại đền Trầm Lâm, vua được thần linh báo mộng cho cách tránh được kiếp nạn bị giặc Pháp bắt.
Ngay sau khi tỉnh giấc, vua đã truyền cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần chuẩn bị sắc phong, các lễ vật quý để vua vào tạ lễ tại đền.
Đền Trầm Lâm cũng được vua Hàm Nghi sắc phong danh hiệu “Thượng thượng đẳng tối linh thần” và ban cho người dân Phú Gia nhiều bảo vật quý. Trong đó có hai con voi vàng (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại nặng 1,7 lượng), hai con nghê đồng, hai thanh kiếm thần bằng đồng nung, lưỡi trắng có cán bằng gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng…
canh giữ bảo vật, vua Hàm Nghi, xã Phú Gia, đền Trầm Lâm, cứu vua
Hai con voi bằng vàng ròng và 1 con voi bằng đồng của vua Hàm Nghi ban cho người dân Phú Gia.
Hơn 100 năm, trải qua bao biến cố thăng trầm của chiến tranh, nạn đói nhưng toàn bộ báu vật này vẫn được người dân nghèo xã Phú Gia âm thầm gìn giữ.
Cụ Tăng chia sẻ, những bảo vật quý của vua Hàm Nghi có phép màu và rất “thiêng” nên đã giúp dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no, gặp nhiều điều may mắn.
Đó cũng là lý do mà người dân Phú Gia không ai dám "động tới" mà cố gắng bảo vệ "bảo vật vô giá" này.
Độc đáo cách gìn giữ bảo vật
Cụ Trần Văn Chư (95 tuổi) cho biết thêm, để chắc chắn rằng, bảo vật được cất giữ cẩn thận, chu đáo, người dân Phú Gia đã bầu ra "cố đạo chủ" để giao trách nhiệm. Cứ 2 năm thì chức danh này được bầu lại một lần.
canh giữ bảo vật, vua Hàm Nghi, xã Phú Gia, đền Trầm Lâm, cứu vua
Cố Đạo Chủ Phan Đình Hiền (người mặc áo đỏ) xin "quẻ âm dương" để “xin phép” thần linh được mở bảo vật của vua Hàm Nghi.
"Cố đạo chủ" được bầu phải là người có uy tín, có đạo đức, phẩm chất tốt, gia đình trên dưới đồng thuận, con cháu ngoan hiền và được cả cộng đồng thừa nhận.
Theo cụ Chư, tất cả sẽ thành không nếu như người đó không được thần linh "tín nhiệm". Người được chọn phải xin "quẻ âm dương" bằng cách tung hai đồng xu. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì lúc đó người này chính thức trở thành "cố đạo chủ".
Trải qua 130 năm, đã có hơn 50 bô lão ở xã Phú Gia được giữ chức danh trên.
Mỗi "cố đạo chủ" đều có cách riêng để giữ bảo vật. Việc làm này bí mật tới mức người thân trong gia đình không ai biết được. Đó là đưa bảo vật đặt trong két sắt, rương sắt hay bàn thờ, đầu giường nằm. Thậm chí, có người đã phải cất lên mái nhà hoặc đào hầm ngay dưới nền nhà ngủ để tiện bảo quản, trông coi, cụ Chư nói.
canh giữ bảo vật, vua Hàm Nghi, xã Phú Gia, đền Trầm Lâm, cứu vua
Người dân miền núi xã Phú Gia làm lễ rước vua Hàm Nghi và thay "cố đạo chủ" để giữ gìn bảo vật vua ban.
Là người đang trông coi bảo vật vua Hàm Nghi, "cố đạo chủ" - ông Phan Đình Hiền (77 tuổi) thắp nén hương rồi đọc bài cúng Đức Thánh Mậu Trầm Lâm, báo tên từng người đến thăm viếng, cầu chúc cho tất cả thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn.
Ông Hiền bộc bạch, người dân xã Phú Gia quan niệm rằng, năm nào có "cố đạo chủ" thì năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều điều may mắn.
Và người dân xã này vẫn luôn nhắc nhở, răn dạy con cháu mình về tính trung thực, tự trọng và đặc biệt phải biết gìn giữ, bảo vệ bảo vật vua ban.
Ông Võ Văn Trình, Trưởng phòng văn hóa huyện Hương Khê thông tin, việc làm của người dân xã Phú gia góp phần bảo vệ tốt những di tích, lịch sử, văn hóa của quốc gia, của dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa trường tồn cùng thời gian.
Các bô lão ở xã Phú Gia chia sẻ, vào năm 1934, một "cố đạo chủ” được giao trọng trách lưu giữ bảo vật nhưng đã mang con voi vàng nặng 2,7 lượng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò.
Trên đường trở về nhà thì người này bị trâu húc chết. Nghe chuyện, người dân Lào đã đưa voi vàng trả lại cho người dân Phú Gia.
Hay vào năm 1945, nạn đói hoành hành, lúc bấy giờ, vị “cố đạo chủ” và những bô lão đã bàn họp, quyết định là đưa một trong hai con voi vàng góp cho nhà nước.
Nhưng tới khi mở rương sắt chứa bảo vật của vua thì đột nhiên chìa khóa bị dính chặt vào ổ khóa. Dù đã tìm đủ mọi cách, ổ khóa vẫn không thể mở.
Khi ấy, “cố đạo chủ” vội vàng thắp hương lên bàn thờ, khấn vái thần linh nói rằng không đưa voi vàng đi nữa thì ổ khóa đột nhiên bật ra.
Sau những lần ấy, người dân Phú Gia, đặc biệt là “cố đạo chủ” được giao nhiệm vụ lưu giữ bảo vật của vua không một ai dám làm sai.
Văn Đức

2 nhận xét:

  1. Chúc sức khoẻ trưởng lão Fiohan!
    Có lẽ có chuyện gì đó thần linh và ngẫu nhiên báo điềm gì chăng ? Bỗng nhiên cả chục tờ báo lề phải đăng chuyện tâm linh về báu vật vua Hàm Nghi và đền Trầm Lâm Hương Khê. Tôi thấy từ Vietnamnet, VNexpress, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi Trẻ, Lao động...đều đăng bài nói về chuyện này, mỗi báo viết một kiểu nhưng nội dung là một. Chẳng lẽ Ban TGTW "chỉ đạo"?. Chắc là không . Bài tôi viết trên Tia Sáng là cảm nghĩ thật sau một trải nghiêm thật, trước các bài này mấy tuần. Thực ra , tôi chưa tiết lộ hết là có nhiều UV Bộ Chính Tri đẫ vào đó cầu mà cũng rất khó khăn, phải thay danh, đổi phận nhờ người khác đứng tên xin hộ. Những ông thất bại ( kỳ trước) trong chính trường đều đã có trải nghiệm cả đấy. Thú vị thật ! Cảm ơn trưởng lão đẫ lưu tâm chuyện này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đất Hương Sơn, Hương Khê, phố Gôi, phố Choi,Phố Châu tôi đã ở đó vào năm 1950,tắm sông Ngàn Phố,Trường TSQ LK4; vậy là đã 66 năm qua ! Thêm nữa nơi sinh của tôi là Thị xã Hà Tĩnh (nay là TP) sau mới về Nghệ An. Nhiều kỷ niệm về vùng đất này. Chỉ có là chưa đến được Thác Vũ Môn hay ít ra cũng là gần đó, trên sông Ngàn Sâu (Thâm Giang). Thanh-Khí dễ đồng ! Mong còn thể lực và có dịp thì thật là như nguyện ! Chúc cụ Trần năm mới dồi dào sức khỏe và bút lực có thêm nhiều đề tài hay và còn để nhâm nhi ngẫm nghĩ !

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]