8 tháng 11, 2015

CU BA: Thêm một bài nữa để tìm hiểu

Tiếp tục hành trình khám phá lại Cuba: Vinales, thung lũng mộng mơ

*Thứ Năm, 05/11/2015 16:36:00- Đăng Trên Đại Đoàn Kết.

Cách Havana khoảng 170 km, Thung lũng Vinales được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Xe dừng lại ở một villa cổ trên núi, giờ đổ vỡ tiêu điều nhưng đứng từ đó nhìn xuống thung lũng đẹp sững sờ. Cả một vùng đất đỏ, nhấp nhô hàng ngàn ngọn đồi lớn bé và xanh bóng các cây đới như cọ , dừa, trà là. Từ lâu Cuba đã không còn là trung tâm sản xuất đường mía của thế giới vì giá đường nhân tạo rẻ hơn rất nhiều và Fidel cũng chẳng muốn phát triển nền công nghiệp thủ công này. 
Làng Vinales nay đã thành một trong những địa điểm du lịch làng quê khá sầm uất. Trên phố chính của làng, những ngôi nhà bé nhỏ quét vôi cửa xanh với những chiếc ghế bập bênh đỏ trước thềm nhà như chào mời khách du lịch. Ai ngồi lên cũng chụp được những bức hình rất đặc trưng mầu sắc Cuba. Nhà nơi chúng tôi nghỉ lại là của một cô giáo mới đứng ra kinh doanh vài năm nay. Anh con trai „ vượt biên” sang Mỹ gửi tiền về cho mẹ xây cơi nới thêm 2-3 buồng trọ, có điều hòa,  cũng khá sạch sẽ nhưng vì ngay sát vườn chăn nuôi gà của nhà bên cạnh nên nhiều muỗi kinh khủng và đêm tôi không hề chợp mắt nổi vì gà gáy ngay cạnh cửa sổ có lẽ thâu đêm hoặc ít ra cũng từ tờ mờ sáng! Bù lại đón ánh bình minh trên gác thượng với những tia nắng đầu tiên lấp lóe trên đỉnh ngọn dừa và tiếng chim ríu rít, không gian thơm phức mùi hoa cam, hoa bưởi khiến tôi có cảm giác rất tỉnh táo. 
Ban ngày chúng tôi lái xe đi thăm Hang Thổ dân da đỏ. Bình thường chắc đông nghịt khách du lịch phải xếp hàng, nhưng hôm đó có lẽ do số may nên chúng tôi được vào ngay. Khung cảnh  núi xanh mướt các mầu của cánh đồng, xanh rì của núi và đặc biệt xanh đậm của những cây đại cổ thụ có lẽ hàng trăm năm đẹp như trong tranh vẽ. Sau một chút leo trèo lên cửa hang và chui vào trong lòng núi, chúng tôi xuống một chiếc thuyền ca- nô và cứ thế được đưa đi ngoằn ngèo trong hang đá vôi. Hơi nước bốc lên mát lạnh, chỉ có tiếng máy chạy và tiếng sóng đánh vào thuyền, dội lên hang đá đủ các hình hài : cá sấu, đầu lâu, đức mẹ…Phải nhanh mắt lắm mới nhìn ra được, còn chụp ảnh thì khó có cơ hội bởi tốc độ của thuyền và ánh sáng mờ ảo. Nhưng cái ghi lại được chính là cảm giác: như thể mình đang ở đâu đó cách xa thế giới bên ngoài nhiều lắm, xa lắm, lạ lắm…Indian Jones- lắm ! Ánh sáng chói lòa phát ra từ miệng hang đánh thức chúng tôi về lại với hiện tại. Sau khi mua một số đồ lưu niệm bán ở cửa hang chúng tôi quay về lại nhà trọ. Tất nhiên lại ăn rất ngon miệng bởi thực đơn giành cho khách du lịch lại có đủ cả tôm hùm, cả biển, cơm khoai sắn các loại. Món tôi thích nhất là chuối xanh cắt lát mỏng dính, dán chiên giòn tan, đảm bảo ngon hơn chip khoai tây! 
Sau khi biết chúng tôi không ai biết nhẩy salsa, chị hướng dẫn viên du lịch tức tấp gọi ngay một “thầy giáo” đến. Cậu ấy mới chỉ khoảng 20 tuổi, tóc đen xoăn từng lọn và mắt xanh biếc, da hơi ngăm bánh mật, thân hình rất chuẩn mà chắc chẳng cần nhờ đến các phòng tập gym hay uống bột protein. Thực ra cũng chỉ vài bước đi cơ bản thôi, đối với người cuba có lẽ dễ như nhoẻn miệng cười, còn chúng tôi cứ mải đếm bước mới mải nhìn thầy nên chắc chẳng tiến triển được mấy. Nhưng mà thôi, tối cứ liều đi ra “Casa De le Musica”!. Cái này như kiểu trung tâm văn hóa, phòng nhẩy của làng. Nhà một tầng, giữa có sân khấu sơ sài và sàn nhẩy lát xi măng, bàn ghế kê xung quanh, ai uống gì tự ra quầy bar gọi trả tiền luôn. Bù lại nhạc nhẩy rất bốc, cô ca sỹ da đen to béo giọng không micro cũng khỏe khủng khiếp… và tất nhiên các cô gái nhẩy! Đám đàn ông dán mắt vào những bộ đùi dài và thân hình uyển chuyển của các cô ấy theo điệu nhạc. Cũng có cả “tiếp viên” nam, hướng dẫn các quý bà nhẩy theo yêu cầu. Nghe nói có những khách du lịch đến Cuba nhiều lần chỉ vì những trung tâm ban đêm như thế này!
Vinales được biết đến  không những chỉ vì vẻ đẹp mà còn bởi là nơi sản xuất ra những điếu xì gà nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là nơi duy nhất ở Cuba có hàm lượng sắt trong đất nhiều gấp hàng chục lần các nơi khác mang lại cho đất mầu đỏ rực tự nhiên. Tất cả cây thuốc đều phải bán lại cho nhà nước với giá nhà nước định ra, tất nhiên người dân không thể trở thành rất giàu có nhưng họ sống tốt và rất yêu nghề đã được truyền lại từ hàng chục đời này. Ông chủ đồn điền cao to lực lưỡng, để râu mép, mũ phớt nan trên đầu có nụ cười chẳng kém gì các diễn viên trong các fim cao bồi của Mỹ. Bây giờ đã qua mùa thu hoạch, các lá thuốc đang được xếp phơi trong các nhà chứa làm bằng rơm, thoáng đãng cho khỏi mốc nhưng lại phải giữ được một độ ẩm nhất định. Ông chủ lấy ra hai chiếc lá, thành thạo vê cuốn lại rồi đưa lên hút thử và dạy chúng tôi cách hút xì gà. Đại thể cách cầm bằng những ngón tay nào, châm thuốc ra sao và được hít vào đến đâu, thở ra sau bao lâu…Say và sướng ra sao chắc sẽ tự biết. Khi thấy bọn này “nhà quê “ quá, ông ta nói đùa xì gà xịn phải do các cô gái Cuba còn trinh vê tay trên đùi ấy! Cả lũ cười vang mắt tròn mắt dẹt. Nhưng thực ra sau này khi tham quan xưởng quấn xì gà mới biết  công nhân được đào tạo tay nghề cao lắm đòi hỏi hơn nhiều.
Khi mặt trời sắp lặn, những tưởng đã được đi tắm rửa rồi nằm lăn ra giường chờ bữa tối sau một ngày mệt mỏi, tôi thấy một thanh niên cao to đẹp trai dắt liền mấy con ngựa lông vàng bóng mượt đứng trước cửa. Cô bạn tôi cuống lên sợ hãi vì cả đời chưa trèo lên lưng ngựa lần nào mà giống này lại cao ngất ngưởng, phải có người đỡ mới trèo được lên. Nhưng anh chăm ngựa giải thích chẳng có gì đáng lo, chúng ta có thể gọi cưỡi những con ngựa kiểu này như thể lái xe số tự động, cứ ngồi thẳng lưng, giữ nhẹ giây cương, ngựa sẽ tự biết. Con ngựa của tôi có tên Liberto nghĩa là Tự do, đầu có đốm hình quả trám trắng, lông nâu sẫm và đuôi rất dài luôn hất hất sang hai bên vẻ kiêu kỳ. Tất nhiên Liberto thạo việc hơn chúng tôi nhiều, chỉ cần khẽ đưa tay sang phải hay trái nó răm rắp rẽ theo ngay. Lững thững ngồi trên lưng ngựa theo từng nhịp bước của nó trong buổi chiều tà qua những thung lũng đất đỏ, ruộng rau xanh và những ruộng lúa đã gặt trơ gốc rơm vàng, chúng tôi như hoà mình vào thiên nhiên đến nỗi chẳng ai nói với ai câu nào. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã lên đến đỉnh của một ngọn đồi. Mặt trời đã xuống thấp đến đỉnh của ngọn núi phía đối diện. Những tia nắng cuối ngày mầu vàng, tím đỏ lấp loé chiếu xuống thung lũng mà ngoài chúng tôi ra chỉ còn thêm mấy chú bò lười nhác gặm cỏ. Âm thanh duy nhất nghe thấy là tiếng chim chiều líu ríu không thể định hướng được từ đâu hoặc có lẽ ở khắp cả mọi nơi. Gió lùa qua từng mái tóc, nhẹ nhàng thổi vào lưng làm con người có cảm giác sắp tan chẩy ra đến nơi. Bọn tôi mất vài phút đứng yên bởi sững sờ trước vẻ đẹp thơ mộng của vùng quê Vinales. Tất nhiên sau đó ai cũng bừng tỉnh, chạy đi chạy lại lăng xăng,  liên tục bấm máy chụp đến mỏi cả tay. Anh chàng cưỡi ngựa ăn nói khá có duyên với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Anh ấy kể chưa bao giờ đi khỏi “ luỹ tre làng”, đến thủ đô Havana còn chưa biết chứ đừng nói ra nước ngoài. Nhưng mỗi khi gặp khách du lịch từ các nơi đến , tâm hồn anh ta coi như cũng được bay bổng đi khắp thế giới cùng với những hình ảnh và kỷ niệm được ghi lại. Chúng tôi hứa sẽ có dịp gửi ảnh về cho anh ấy… 
Bác sĩ Đặng Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]