10 tháng 12, 2013

NGÔI LÀNG BA LAN RỰC RỠ SẮC MÀU



Khám phá ngôi làng “lòe loẹt” nhất Ba Lan
(Dân trí) - Trang trí nhà ở với những hình mẫu lòe loẹt đa sắc màu là nét đặc trưng truyền thống của những người dân sống tại ngôi làng Zalipie, miền đông nam Ba Lan.
Trang trí nhà ở là một hoạt động yêu thích của rất nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng trang trí đẹp. Mặc dù vậy, đối với những người dân ở làng Zalipie thì hầu hết ai cũng có khả năng trang trí nhà ở đẹp, đặc biệt là những người phụ nữ, bởi lẽ trang trí nhà ở là một nét truyền thống cổ xưa tại ngôi làng hẻo lánh này. 
Từ thời xa xưa, những người phụ nữ của làng Zalipie chính là những “họa sĩ bất đắc dĩ”,  họ đã trang trí nên những ngôi nhà đẹp mắt, cũng tại ngôi làng này trang trí không phải là công việc của đàn ông.
Những ngôi nhà ở làng Zalipie không phải được trang trí bằng một màu sắc đơn điệu mà đó là cả một vườn hoa với nhiều màu sắc khác nhau. Những mẫu hoa văn trang trí trên tường làm cho những bức tường nhà trở nên sáng sủa hơn, từ cửa chính, cửa sổ đến cả mái nhà. Nhìn tổng thể, cả ngôi làng Zalipie trông như một vườn hoa tươi đẹp đang khoe sắc.  

Nét truyền thống này của ngôi làng vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng bắt nguồn từ khi nào. Theo truyền thuyết của người dân địa phương; truyền thống này có từ thời xa xưa khi mà người ta đang sử dụng bếp than củi. Trong khi nấu, khói bếp thoát ra từ những lỗ nhỏ trên mái nhà làm cho tường nhà bị biến màu.
Lúc này, những người phụ nữ cố gắng sơn trắng để che phủ những đốm đen do bồ hóng tạo nên, tuy nhiên việc sơn trắng tường không thể nào che hết được. Chính vì vậy, thay vì sơn trắng, những người phụ nữ đã biến các đốm đen loang lổ trên tường nhà thành những bông hoa tươi đẹp. Dần dần nét truyền thống này được định hình và lưu truyền đến ngày nay. 
Câu chuyện nghệ thuật độc đáo của ngôi làng Zalipie còn liên quan đến một người phụ nữ tên Felicja Curylowa vào khoảng đầu thế kỷ 20. Bà đã vẽ những bông hoa lên tất cả bề mặt của các vật thể như tường nhà, khăn trải giường, gối, trần nhà…Ngôi nhà của bà hiện đã được đưa vào diện di tích bảo tồn và được xem như là một nhà bảo tàng truyền thống của làng Zalipie.
Ngày nay người ta không còn dùng bếp than củi hoặc có chăng thì người ta cũng đã thiết kế lỗ thông gió cho ngôi nhà tốt hơn. Mặc dù vậy, nét truyền thống đặc trưng này của ngôi làng Zalipie vẫn được lưu giữ mãi. Trải qua thời gian, cách thức và hình mẫu trang trí trở nên đa dạng và phức tạp hơn. 
Các tác phẩm tranh vẽ không chỉ giới hạn trên những bức tường nhà mà nó còn mở rộng ra nhiều vị trí khác, nếu đi bộ dọc theo các con đường trong làng Zalipie, người ta có thể nhận thấy có rất nhiều bức họa được vẽ ngay trên thùng rác, chuồng chó, giếng nước, thùng nước và tất cả những vật thể nằm bất động. Thậm chí những chiếc cầu trong làng cũng trở nên rực rỡ hơn bởi những bức tranh tràn ngập cây cỏ hoa lá.
Thời xa xưa, những người phụ nữ làng Zalipie đã dùng lông bò để làm ra những chiếc bút vẽ, còn chất liệu vẽ đôi khi cũng được làm từ nội tạng hoặc mỡ động vật. Mỗi năm như vậy, người phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm trang trí lại ngôi nhà một lần thường là dịp lễ kỷ niệm bí tích Thánh thể (Corpus Christi), đây là thời điểm người nông dân không bận rộn với công việc đồng áng. 
Ngày nay, nét truyền thống của làng Zalipie đã trở thành một môn thi đấu cạnh tranh trong lễ hội. Những người phụ nữ của làng sẽ trổ tài bằng cách trang trí lên tường làm sao cho ngôi nhà trông đẹp nhất, người thi đấu có thể sáng tạo ra những hình mẫu mới hoặc cũng có thể sơn lại theo mẫu cũ của các năm trước đó.
Một số hình ảnh về ngôi làng Zalipie:











Đình Huế
Theo Odd

6 nhận xét:

  1. Màu sắc cũng làm cuộc sống vui tươi hẵn lên. Trông các bức tường thật dễ thương, chỉ sợ cuối năm phải tút (tân trang quét vôi ) lại thì tốn nhiều công lắm, nhưng có lẻ - đó là thú vui của người dân làng này.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy; khi là thú vui thì mọi việc đều làm được hết. VN ta cũng có khác gì đâu, mỗi khi năm hết Tết đến mọi người mọi nhà đều có lo sắm sửa dọn dẹp chỉnh trang lại từ nhà cửa đến làng xóm đường phố ... tuy nhiên có thể nói ở VN ta chưa đồng đều, và cũng chưa có làng nào điển hình như ngôi làng Ba Lan nói trên. Bây giờ cũng sắp cuối năm rồi (âm lịch) chúng ta lại sắp bắt tay vào việc sắp xếp dọn dẹp đón năm mới. Cụ Bưởi có bận rộn không ?

    Trả lờiXóa
  3. BƯỞI ĐÂY ! BƯỞI ĐÂY ! AI BƯỞI KHÔNG ! Trưa nào cũng có cô gái Bắc Kỳ đẩy xe đạp chở đầy bưởi qua phố nhà tôi rao bán..
    Ăn bưởi, trị được nhiều bệnh lắm đấy cụ Xoài ạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Bưởi ơi: Có nhiều loại bưởi lắm. Này nhé bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều, bưởi đào, bưởi trắng ... Cụ ưu ái gửi cho đôi bưởi mập tròn thì tốt , xin cảm ơn.
      “Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
      Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
      Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
      Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương
      ...
      Chân anh đi khắp rừng khắp núi
      Mỗi nẻo đường, mỗi xóm làng xa
      Hẳn đâu cũng thơm mùi hoa bưởi
      Hương vị non sông, hương vị quê nhà”
      (Trích Mùa Hoa Bưởi của Tô Hùng)
      “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
      Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
      Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
      Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
      Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
      Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
      Bên ấy có người ngày mai ra trận
      Bên ấy có người ngày mai đi xa...”
      (Trích Hương Thầm của Phan Thị Thanh Nhàn)

      Xóa
  4. Những người phụ nữ ở làng này thật thông minh.Cách đây mấy chục năm,em rất thích trang trí nhà,luôn kê dọn xếp xắp lại mọi thứ trong nhà kiểu này kiểu kia rồi dùng các tấm ảnh gia đình,bạn bè treo các kiểu lên tường nhưng vì nhà chật nên trông thật rối rắm,sau này chán chả làm gì nữa,nếu học được các chị em phụ nữ ở Ba Lan thì căn phòng đã đẹp hơn rồi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cố gắng trở lại chăm sóc nhà cửa cho mình "bận rộn" không nhiều thì ít rồi dần dần thành nếp, có ích mà bớt "vẩn vơ" . Có lúc cũng mệt đấy, cũng thấy sắp xếp trang trí để làm gì ? Nhưng nghĩ cho hết ý thì lại hay, mình vui với nơi ở của mình, "quyền" của mình bày biện đâu phải là làm khách nhà ai, tại sao không trang trí? Bởi con người vốn sinh ra không ai giống hệt ai, và đó cũng là nguồn vui ở đời, phải không cụ M.Gương Nguyễn?

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]