24 tháng 12, 2013

BỨC TƯỢNG VIỆN SĨ TRẦN ĐẠI NGHĨA



Đoạn kết có hậu cho bức tượng Trần Đại Nghĩa
TP - Đường hẻm số 192 đường Phan Văn Hân- quận Bình Thạnh- TPHCM có quán nhậu mang tên Cà ri Chà, do cựu nhà báo Vương Liễu Hằng mở ra, chủ yếu để dành cho bạn bè tụ tập và… buôn chuyện. Chuyện mở quán nhậu ở Sài Gòn chẳng có gì lạ, nếu trước cửa quán không có một bức tượng khá lớn được đặt từ lâu.
Vận chuyển bức tượng về trường THPT Vĩnh Viễn.
Theo Vương Liễu Hằng, từ ngày thuê nhà để mở quán, chị đã thấy bức tượng đặt ở đó. Cho đến một ngày nhà thơ Lê Minh Quốc ghé quán nhậu, sững sờ: “Thôi chết! Đây chính là bức tượng của Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa. Còn quán nhậu này chính là căn nhà cũ của nhà điêu khắc Tô Sanh”.
Tìm hiểu thêm, nhà thơ mới biết cụ Tô Sanh vì không có gia đình ở cùng nên đã vào cư ngụ những năm cuối đời tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè - TPHCM. Bức tượng Trần Đại Nghĩa là của cụ Tô Sanh tạc, nhưng vì không có chỗ đặt nên cụ đành phải để ở nhà cũ.
Theo nhà thơ, cụ Tô Sanh là một trong những nhà điêu khắc giỏi của Việt Nam, thời còn khỏe cụ từng tạc trên 300 bức tượng Bác Hồ, Bác Tôn, những vị lãnh đạo Cách mạng nổi tiếng khác như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… và cả những nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà tình báo tiếng tăm: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Khiêu, Lưu Hữu Phước, Trà Giang, Phùng Há, Phạm Xuân Ẩn… Cụ Tô Sanh đã được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người điêu khắc chân dung nhiều nhất Việt Nam.
Có một điều khá thú vị là hầu hết những bức tượng chân dung đó cụ không bán, khi thì tặng gia đình người thân của những bức chân dung, khi thì tặng các công viên hay bảo tàng, trong đó có một bức tượng bán thân rất lớn về Hồ Chủ tịch được nhà điêu khắc tặng cho trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.
Bức tượng Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa này là bức duy nhất của Tô Sanh được tạc bằng đá hoa cương. Đây là một kỳ công của nhà điêu khắc bởi khó nhất trong tạc tượng là sử dụng chất liệu đá, người làm phải vô cùng tỷ mỷ, cẩn thận và phải mất rất nhiều thời gian cho bức tượng. Hơn 1 năm trời kỳ công nhà điêu khắc mới làm xong bức tượng.
Vì là bức tượng đá hoa cương duy nhất nên nhà điêu khắc đã giữ làm kỷ niệm. Sau đó, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã tới xem và viết thư gửi cho Tô Sanh: “Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tôi xin cảm ơn anh Tô Sanh đã nhiệt tình làm bức tượng chân dung tôi. Xin chúc anh và quý quyến dồi dào sức khỏe, hạnh phúc”. Đó là vào năm 1992.
Lê Minh Quốc kể: “Nhìn bức tượng của một Giáo sư- Viện sỹ nổi tiếng mà lại nằm ở ngay đầu quán nhậu, tôi không cầm lòng. Bác Tô Sanh sức yếu, phải vào viện dưỡng lão nằm thì không trách bác được. Nhưng chúng tôi, những người làm văn hóa, phải có trách nhiệm gì với bức tượng chứ?”. Nhà thơ chia sẻ điều đó với bạn bè. Gần như ngay lập tức, một nhà thơ khác là Phạm Hồng Danh đã nhận lời ngay: “Tôi có một ngôi trường trung học, nếu được bác Tô Sanh đồng ý, tôi sẽ đưa bức tượng về đây để trưng”.
Nói là làm. Lê Minh Quốc trực tiếp liên hệ với cụ Tô Sanh. Nhà điêu khắc đã đồng ý để cho Phạm Hồng Danh đưa bức tượng Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn- Tân Phú- TPHCM. Tối 18/12, cả 2 nhà thơ cùng bạn bè long trọng tổ chức buổi lễ rước tượng Trần Đại Nghĩa. Rất nhiều người dân trong xóm đã tới xem rước tượng. Nhiều người xúm vô giúp đưa tượng lên xe, dọn dẹp hẻm rộng để xe đi.
Sáng 19/12, những học trò trường Vĩnh Viễn ngỡ ngàng thấy một bức tượng đặt trang trọng giữa sân trường. Nhà thơ Phạm Hồng Danh cười: “Tôi không nghĩ đây là việc thiện mà coi như trách nhiệm của mình với danh nhân, với những người từng góp công sức rất lớn cho cuộc sống hôm nay. Và những danh nhân đó cũng sẽ giúp chúng tôi dạy các em trở thành người có ích cho xã hội”.
Trọng Thịnh

MÙA ĐÔNG TUYẾT LẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]