19 tháng 10, 2016

NHỮNG CHUYỆN NHỎ GHI Ở CHÂU ÂU

PHÓNG SỰ - KÝ SỰ | 06:29 Thứ Hai ngày 17/10/2016

(HNM) - Bảo vệ môi trường, chuyện xe cộ, đi lại và bảo tồn lịch sử, văn hóa ở Châu Âu, hay những câu chuyện nhỏ về cuộc sống của bà con người Việt ở Đức, Séc hay Thụy Sĩ... là những mảnh ghép thú vị mà phóng viên Báo Hànộimới ghi chép lại trong chuyến công tác tại một số quốc gia trong khối Schengen thuộc Liên minh Châu Âu vừa qua.

Bài đầu: Người Châu Âu yêu cả những cây dại

Những nước tham gia Hiệp ước tự do đi lại ở Châu Âu (Schengen) mà tôi đặt chân đến đều có rừng tự nhiên. Nói chung rừng xứ ôn đới đơn điệu, toàn là sồi, phong hay thông, chủng loại cây không phong phú như rừng nhiệt đới. Bù lại nó rất nịnh mắt vì cây thưa, thân thẳng và sạch. Người Châu Âu coi thiên nhiên là đối tác quan trọng với đời sống và họ ứng xử rất văn hóa, họ yêu cả những cây dại, không nỡ chặt bỏ nếu cây đó không gây hại...


Trên đường cao tốc quốc gia của Đức. Ảnh: Long Hà


Ở Đức, rừng chiếm 1/3 diện tích. Rừng xen lẫn với các nông trại lúa mì, ngô. Trong các nông trại ở phía Bắc quốc gia này rất nhiều “cây khủng” mọc lên, đó là những cột điện gió. Sau sự cố điện hạt nhân ở Nhật Bản, nước Đức thay dần điện hạt nhân bằng điện gió. Giữa thủ đô Berlin (Đức), trong lòng thành phố Genève (Thụy Sĩ), ngoại ô Paris (Pháp), cây trong công viên trồng sin sít như rừng. Người Châu Âu coi thiên nhiên là đối tác quan trọng với đời sống và họ ứng xử rất văn hóa. Trên nhiều tuyến đường ở Đức thường có tấm biển vẽ đầu con hươu để cảnh báo lái xe đoạn đường thường có thú chạy qua. Nếu không may đâm phải hay nhìn thấy hươu bị đâm, lái xe sẽ gọi điện báo cho cảnh sát. Bạn tôi kể rằng ngày mới sang Đức, đang lái xe trên đường anh nhìn thấy con hươu bị đâm chết, tiếc của giời mang về nhà thịt bỗng cảnh sát bất ngờ ập vào kiểm tra tủ lạnh, thấy bốn cái đùi, họ bắt vứt ra thùng rác vì thịt chưa được kiểm dịch. Hóa ra các xe đi qua thấy anh bạn cho con hươu vào cốp xe đã ghi lại biển số rồi báo cảnh sát.

Người Châu Âu yêu cả những cây dại, họ không nỡ chặt bỏ nếu cây đó không gây hại, bằng chứng là trên nhiều tuyến đường ở Séc, cây dại rất nhiều trong đó có cả táo, mận quả chín lủng lẳng trông thích mắt. Nhưng yêu đến mức ngả mũ vĩnh biệt cây thì hình như chỉ có dân Genève. Một ngày đẹp trời, hội đồng thành phố thông báo trên truyền hình, trên radio rằng họ sẽ cưa 4 cây sồi bị sâu trên đảo nhỏ ở hồ Léman. 4 cây này buộc phải cưa sau khi cơ quan chuyên môn kiểm tra sinh hóa kết luận cây không thể sống được. Sáng hôm đó, trên chiếc cầu nối hai bờ hồ Léman rất đông người, già có trẻ có, tất cả hướng mắt ra đảo. Khi nhân viên sở công chính nổ máy, đưa lưỡi vào thân cây thì người ngả mũ, người không có mũ vẫy tay vĩnh biệt. Những cây trên đảo nhỏ này lớn lên cùng với một thế hệ của thành phố. Họ bảo dưới bóng cây này, họ đã nghỉ ngơi cùng gia đình, cắm trại cùng với bạn bè, cây và họ thân thiết, biết bao kỷ niệm.

Ở Berlin, 5 ngày tôi mới thay quần áo, còn lưỡng lự khi cho vào máy giặt vì nó vẫn chưa bẩn. Những ngày ở Paris cũng vậy, dù tôi liên tục cuốc bộ khắp thành phố tráng lệ này. Tuy nhiên khi sang Thụy Sĩ, Linh - người Pháp gốc Việt sống và làm việc ở Genève - bảo tôi: “7 ngày mới thay quần áo”. Đấy là lúc chán ô tô Linh lôi xe máy phân khối lớn ra chạy. Nếu chỉ đi ô tô chắc các công ty sản xuất bột giặt phải đóng cửa nhà máy. Đường phố Châu Âu nói chung sạch, ô tô chạy suốt ngày đêm nhưng tôi không ngửi thấy mùi khí thải. Ở Paris rất nhiều xe máy, vỉa hè trước cổng Đài Truyền hình Pháp nhiều xe máy, nhưng xe máy cũng như ô tô khi vào Châu Âu phải theo tiêu chuẩn khí thải EURO 4. Đường phố Berlin, Praha, Vienna, Paris hay Genève hầu như không có khói bụi. Ít khi thấy rác trên đường vì người dân ý thức. Tại thành phố Molln nhỏ xinh nằm ở miền Bắc nước Đức, tôi cảm thấy áy náy khi ném đầu lọc thuốc lá xuống đường dù không ai biết vì nơi đây quá yên bình và sạch đến mức ngạc nhiên.

Minh là người Đức gốc Việt. Anh có thâm niên mở nhà hàng ăn uống. Minh bảo muốn mở nhà hàng bán các món ăn Âu, Á ở Đức rất dễ vì nguyên liệu sẵn, chỉ một cú điện thoại sẽ có ngay cá biển nổi tiếng của Na Uy hay Bồ Đào Nha. Nguyên liệu chế biến các món Châu Á cũng chả thiếu thứ gì, mắm tôm Việt Nam là thứ khó mang qua cũng có, nhưng khó nhất là phải đáp ứng được yêu cầu của chính quyền về nước thải. Dầu mỡ thừa để chảy tự do ra hệ thống thoát nước công cộng là không được, mùa đông dầu mỡ đóng băng sẽ làm tê liệt hệ thống nước thải ở khu vực đó. Vì thế muốn mở hàng ăn, điều đầu tiên là thoát nước thải thế nào, phải mua thiết bị lọc, thiết bị chặn giữ thức ăn thừa. Chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra đồng ý họ mới cấp giấy phép kinh doanh. Ở Đức, các gia đình phải trả tiền xả nước thải. Và nếu thấy nước thải quá ít so với lượng nước sạch đã sử dụng nhà đó sẽ bị phạt vì thế nếu muốn ăn gian bằng cách rửa rau vo gạo xong mang đổ ra vườn thì cũng chỉ dám đổ vài lần trong tháng. Nhà bạn tôi ở ngoại ô Berlin, gần cái hồ lớn. Hồ này không phải hồ tự nhiên mà là hồ đào. Nước cung cấp cho hồ chính là nước thải đã qua xử lý. Tôi chứng kiến nhiều đàn ông tắm “thiên nhiên” trong hồ, họ bơi bên cạnh những con vịt trời và ngỗng đang mải mê kiếm ăn.

Những ngày ở Paris, tôi lang thang đến những di tích lịch sử, văn hóa thuộc hàng “top” của nước Pháp, những di tích mà du khách không ghé thăm thì coi như chưa đến “kinh đô ánh sáng”. Tôi biết tháp Eiffel qua những bức ảnh, biết Nhà thờ Đức bà qua tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của Victor Hugo với nhân vật là ông già kéo chuông Quasimodo khiến người đọc cảm động và luôn tự hỏi “Tại sao một người tàn tật mà tâm hồn lại đẹp đến thế?”. Sân trước mặt nhà thờ lát đá, nhưng xung quanh lại là đất cát lẫn sỏi nhỏ, quanh tháp Eiffel cũng vậy. Nước Pháp thiếu xi măng? thiếu gạch, thiếu đá? Không phải, người ta làm vậy để mùa đông khi băng tuyết tan nước sẽ ngấm ngay xuống đất bổ sung cho nguồn nước ngầm và cũng để cống tiêu không bị chậm thoát gây ngập nước đường phố. Từ xa xưa, người Châu Âu đã coi trọng môi trường. Và tôi hiểu vì sao nhà bạn tôi ở Berlin khi làm sân chỉ xếp gạch không cho vữa xi măng vào mạch. Nhà nào trái quy định sẽ bị phạt tiền và Sở Xây dựng còn bắt gỡ gạch lên lát lại.

Bảo vệ môi trường ở Châu Âu là rất ổn, song không có nghĩa châu lục này không có sự cố. Hamburg là thành phố cảng nằm ở phía Bắc nước Đức. Thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Hamburg nổi tiếng thế giới vì có ngành công nghiệp đóng tàu rất phát triển. Sang thế kỷ XXI, Hamburg lại nổi tiếng không phải vì đóng tàu mà vì khu “đèn đỏ” St.Pauli và vụ kiện đi tiểu. Số là dân chơi Châu Âu rầm rập đổ đến St.Pauli uống bia Đức và thư giãn. Sau khi no bia, chân nam đá chân siêu, họ vô tư giải quyết "nỗi buồn" ra tường của các nhà xung quanh. Có người đã kiện nhưng tòa ra phán quyết người đó không cố ý.

Lại một chuyện khác. Hôm từ Genève trở lại Paris, trong lúc chờ xe buýt tôi vào nhà vệ sinh của bến xe. Nó khá giống với các nhà vệ sinh ở Pháp, Đức, Áo hay Séc, song khác là không cần bỏ 50 cent như ở Séc hoặc Đức hay 2 euro như ở Áo thì cánh cửa nhà vệ sinh mới mở cho vào, nhà vệ sinh này miễn phí. Nhưng khi tôi làm cái việc quen thuộc là xả nước nhưng vòi nước khô khốc, ra vòi nước rửa tay cũng khô khốc. Dù hai chuyện đó cũng không làm tôi bớt hoang mang về môi trường xứ mình, nhưng xét cho cùng nó là chuyện rất nhỏ. Tôi gọi đùa là “sự cố Genève”.

(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến

Bài 2: Ký họa giao thông

PHÓNG SỰ- KÝ SỰ     06:45  Thứ Ba  ngày 18/ 10/ 2016

(HNM) - Người Châu Âu ví con đường từ thủ đô London, Anh, đi TP Manchester dài gần 300 cây số như một đường băng sân bay vì nó phẳng phiu, thẳng tắp. Lái xe chỉ cần đặt tốc độ cố định, bỏ chân ga mà bắt đầu hành trình. 

Nước Đức đủ tiền, đủ công nghệ làm những con đường cao tốc như thế nhưng không thực hiện vì triết lý giao thông lại khác. Họ thiết kế có đoạn thẳng, có đoạn cong, lên và xuống để buộc người lái luôn ý thức... mình đang lái xe. Trên các tuyến cao tốc thuộc Schengen, có nhiều điểm bán xăng tự động, siêu thị nhỏ với quầy cà phê, lại có cả những điểm dừng cho lái xe nghỉ ngơi khi căng thẳng, mệt mỏi...

Giao thông ở Châu Âu tất nhiên không phải hoàn hảo nhưng nói chung ổn và một vài sự cố chỉ là chuyện nhỏ.
 
Giao thông ở Châu Âu có thể xem là hình mẫu với thế giới. Ảnh: Long Hà

Đức là quốc gia của bia và ô tô với hơn 1.500 loại bia, khoảng 20 triệu ô tô các loại. Vì số lượng xe quá lớn nên đường sá ở Đức đủ rộng cho xe lưu thông. Đường chạy qua làng mạc cũng thênh thênh, đầy đủ bảng chỉ dẫn từ xa rất cụ thể và rõ ràng. Tôi sang Châu Âu vào mùa thu, mục sở thị nhiều tuyến đường dựng đèn báo hiệu sửa chữa vì công việc đó không thể làm vào mùa đông. Rất nhiều cây cầu bắc qua sông lớn nhỏ ở nhiều nước dù trên trăm tuổi vẫn sử dụng tốt. Không châu lục nào trên thế giới có hạ tầng giao thông tốt và hoàn thiện như ở Châu Âu, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không. Hệ thống giao thông của từng quốc gia lại được kết nối với nhau cùng nhiều loại hình phương tiện khiến việc đi lại vô cùng dễ dàng và thuận tiện. Với người neo thời gian, cần đi gấp có thể chọn máy bay. Số chuyến bay nhiều đến mức khí thải gây ô nhiễm bầu trời Châu Âu. Có tàu hỏa nhanh, có nhiều hãng xe buýt chạy liên lục địa. Ví dụ, xe xuất phát từ Viena (Áo) chạy qua Séc, Đức, Anh. Trên lộ trình, xe đỗ tại rất nhiều điểm để trả và đón khách. Trong xe có nhà vệ sinh. Nếu khách mệt mỏi có thể ngả ghế nằm rất thoải mái. Chính vì xe chạy liên tục, màu sơn bên ngoài giống nhau nên tôi đã bị lạc từ Praha sang thủ đô của nước Áo trong khi tôi mua vé đi Berlin. Dĩ nhiên, Hãng Flixbus của Đức phải trả 24 euro (1 euro tương đương 25.000 đồng) vé từ Viena đi Berlin cho tôi vì lái xe có lỗi “không kiểm tra kỹ vé của hành khách”.

Châu Âu là nơi ra đời của nhiều phát minh khoa học, trong đó có những phát minh về giao thông. Tàu điện ngầm (metro) ở Paris ra đời sau London, bắt đầu chở khách từ năm 1900 - thời mà dân số nội đô Paris khoảng 2,5 triệu người. Hơn 100 năm đã trôi qua, ý tưởng làm giao thông dưới lòng đất vẫn là sự lựa chọn với nhiều thành phố trên thế giới. Và hệ thống tàu điện ấy vẫn chưa tỏ ra mệt mỏi, hằng ngày nó vẫn cõng trên mình hàng triệu hành khách. Tàu điện ngầm chạy tự động ở London, Praha (Séc), Áo cũng vẫn cần mẫn, chăm chỉ. Giao thông công cộng ở các thành phố lớn trong Schengen còn có xe buýt, tàu điện mặt đất (tramway), taxi. Riêng Paris có thêm tàu nhanh (RER) và tàu thủy chạy trên sông Seine. So với thu nhập bình quân ở Châu Âu thì giá vé tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất (tùy từng nước) từ 1,5 đến 2 euro là không quá đắt. Người Châu Âu luôn nhìn xa hơn cái mũi, biết giao thông sẽ ùn ứ nên chính quyền thành phố Paris đã khôi phục hệ thống tàu điện mặt đất vào năm 1992 sau khi xóa bỏ phương tiện này năm 1937. Và cũng để giảm mật độ giao thông nội đô, Paris đã cấm tuyệt đối xây chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, dù tăng tiền trông giữ xe lên 3 euro/giờ song Paris vẫn ùn ứ (không phải ùn tắc). Thủ phạm là xe cá nhân tăng cao, xe vãng lai quá nhiều và những chiếc xe dài thườn thượt chở khách du lịch liên tục nối đuôi nhau đến các điểm tham quan khắp Paris.

Nói chung người điều khiển phương tiện và người đi bộ khi tham gia giao thông ở Châu Âu rất có ý thức. Ô tô, xe máy, xe đạp luôn đi đúng làn đường quy định. Chính quyền cho phân làn triệt để. Ví dụ, xe rẽ phải phải đi hết vạch liền mới được nhập làn. Hầu như tôi không nghe tiếng còi ô tô trong gần 1 tháng ở Châu Âu. Nhưng kỷ cương, nền nếp và tự giác nhất là ở Đức. Đêm khuya, phương tiện thưa vắng, điểm giao cắt không có camera song đèn đỏ là tất cả dừng lại, kể cả người đi bộ sang đường. Phúc - bạn tôi sống ở Berlin 30 năm, hiện làm công việc tư vấn thuế - giải thích về chuyện này: “Nói chung, người Châu Âu văn minh. Luật Giao thông ở Đức rất nghiêm khắc và việc thực thi rất nghiêm túc”. Hôm tôi đi các tỉnh miền Bắc nước Đức với Minh - một người Đức gốc Việt chuyên kinh doanh ăn uống, thấy anh chạy 160-170km/giờ trong khi bảng quy định ghi tốc độ tối đa là 130km/giờ, tôi hỏi: “Uống thuốc liều” chưa? - Anh bảo, trên xe đã gắn thiết bị cảnh báo, khi xe gần đến vị trí đặt máy bắn tốc độ nó kêu tít tít. Tôi hỏi có phải là thiết bị lậu, anh cho biết sản phẩm được bán hợp pháp tại các cửa hàng. Sau một hồi hỏi đáp tôi mới rõ, tùy theo quy định từng tỉnh nhưng ở Đức có đường cao tốc không giới hạn tốc độ và chính quyền gợi ý chỉ nên chạy tối đa 130km/giờ. Và đã là gợi ý thì có thể chạy nhanh hơn mà không vi phạm. Luật Giao thông đường bộ của Đức khuyến khích tự giác, chỉ phạt nếu lái xe cố tình. Tuy nhiên, nếu tuyến đường quy định tốc độ tối đa mà lái xe vi phạm bị máy bắn tốc độ ghi lại thì sẽ bị phạt tùy theo mức độ, ví dụ: Quá 31- 40km bị phạt 120 euro và bị trừ 1 điểm (tiếng Đức gọi là Punk); quá 70km bị phạt 680 euro, thu bằng 3 tháng và trừ 2 điểm. Nếu bị trừ hết 12 điểm, sẽ phải thi lại. Mà thi lấy bằng lái thì chả dễ tí nào. Trong bộ sưu tập xe của Linh - người Pháp gốc Việt hiện sống và làm việc ở Genève, có chiếc xe sản xuất từ năm 1950, và nó chỉ mới đi được đúng 16km. Chủ của chiếc xe này bắt đầu thi lấy bằng lái từ năm 1950 và thi liên tục đến năm... 2000 vẫn không đỗ. 16km là quãng đường mà nhân viên bán hàng lái giúp ông về ga ra.

Lái xe va chạm hoặc gây tai nạn thì mọi đền bù vật chất sẽ do công ty bảo hiểm chi trả, nhưng năm sau chủ xe phải tăng mức phí đóng bảo hiểm thêm 10%. Mà phí bảo hiểm đâu có rẻ, chiếm một phần kha khá thu nhập 1 năm. Mức phí bảo hiểm sẽ giảm dần theo thời gian nếu lái xe không gây tai nạn. Biện pháp "đánh vào cái ví" buộc người lái xe phải ý thức hơn và lâu dần trở thành thói quen tự giác. Ở Séc mức phạt cũng cao ngất. Đậu xe sai quy định bị phạt từ 1.250 đến 2.500 CZK (tương đương 50-100 euro), không thắt dây an toàn phạt 1.250 CZK, lấn làn nộp 2.500 CZK. Nếu cảnh sát kiểm tra lái xe có nồng độ cồn quá quy định thì mức phạt cao nhất là 5.000 euro, tước giấy phép lái xe 10 năm; thấp nhất từ 100 đến 500 euro, tước bằng lái 1 năm. Ở Paris, tôi đã chứng kiến một thanh niên đi tàu điện mặt đất trốn vé. Anh này bị phạt 5,7 euro, gấp 3 lần tiền vé nhưng đáng sợ nhất với người có lòng tự trọng là ánh mắt coi thường của người đi tàu.

Hôm tôi đi xe buýt của Hãng Eurolines từ Paris sang Thụy Sĩ, vé ghi rõ 23 giờ kém 15 phút nhưng 1 tiếng sau, xe mới vào bến đón khách và chẳng có bất cứ lời giải thích nào. Hay hôm tôi bay từ Berlin sang Paris trên máy bay của Hãng Germanwings, lên máy bay ngồi 1 tiếng rồi lại xuống. Như đã chia sẻ với bạn đọc, giao thông ở Châu Âu nói chung ổn song không có nghĩa mọi chuyện hoàn hảo. Dù vậy, hai "sự cố" trên chỉ là chuyện nhỏ...
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến


2 nhận xét:

  1. Một châu ÂU VĂN MINH, CỔ ĐIỂN nhưng lại rất HIỆN ĐẠI !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Châu Âu xứng đáng châu lục các quốc gia phát triển ! Tìm gì mô hình xã hội phát triển " vẽ tô" ở nơi đâu ? Nào thấy đâu ?

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]