20 tháng 7, 2015

“Tan sương đầu ngõ…”



“Tan sương đầu ngõ…”
Hạ Đình Nguyên
Thế là chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc, đã có nhiều tiếng vỗ tay ở trong và ngoài nước. Chuyến đi đã ít nhiều gây ấn tượng, nhưng ấn tượng đậm nét nhất là sự “xoay trục” của chính bản thân ông.

Điều này gợi nhớ về sự thay đổi tư duy chính trị, “viết lại báo cáo” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, về chủ trương đổi mới, tạo nên một bước ngoặt quan trọng của giai đoạn lịch sử từ Đại hội VI của Đảng.
Nếu so sánh, người ta lại hoài nghi sự thay đổi của ông Trọng về tính triệt để và logique của nó, bởi ông mang nặng cái nhìn giáo điều, bảo thủ và có tiếng là “thân” Trung Quốc. Niềm tin kiên định của ông với đất nước “lý tưởng tương đồng” đã được duy trì, ít nhất cho đến sự kiện bẽ bàng của giàn khoan HD 981 xuất hiện trong vùng biển Việt Nam, và sau 30 cuộc gọi mà Tập Cận Bình không thèm nhấc máy. Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau. Biết đâu, vết thương lòng đã góp một phần vào sự xoay trục!
Tình thế trong nước và tình hình Biển Đông buộc con người bình thường cũng thấy cần phải thay đổi. Nhưng sự thay đổi muộn màng của ông cũng có giá trị, dù sau những bước “đi trước” rất quyết liệt và gian nan của một bộ phận trong Đảng và của toàn dân. Nó mang lại tiếng thở phào nhẹ nhõm ở diện rộng, sau sự hồi họp bởi ấn tượng chưa phai của bài diễn văn đầy tai họa năm nào ở Cuba, mà qua đó ông toan “đội đá vá trời”, để dựng lại chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Nhưng hẳn nhiên, bây giờ là không, không cả việc nhắc đến tên!
Nhưng cốt lõi trong tư duy “xoay trục” của ông hiện nay là ở đâu? Là ở chỗ vẫn giữ được bảng hiệu “xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ông là Tổng Bí thư. Điều này là phù hợp với tình hình chung. Vì ý thức hệ đã không còn là vấn đề quan trọng đối với thời đại, dĩ nhiên đối với cả Mỹ. Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu) với xu thế đổi mới, dân chủ hóa từng bước trong một tiến trình ổn định, cũng là yêu cầu của đất nước, đặc biệt trước áp lực bành trướng thô lậu hiện nay của Trung Quốc .
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tính giáo điều và sự tự mãn về niềm tin/tri thức xã hội chủ nghĩa của ông, liệu rằng ông có tiến lên, tự vượt qua mình được không, đi thêm một bước nữa, về khái niệm mà ông từng mơ ước nhiều lần là “đột phá”? Nhưng chuyến đi này cũng có thể gọi là “đột phá”, đặc biệt là “đột phá” đối với chính ông, một nỗ lực đáng ghi nhận. Dù sao thì ông cũng chỉ còn tại vị được khoảng 6 tháng nữa thôi, như dự kiến và mong muốn của đại đa số.
Ông có thể về nhà và hài lòng ngồi nhìn hàng bông trước ngõ, trong bối cảnh mà ông Phó Tổng thống Mỹ Biden đã hóm hỉnh mô tả, theo cách mà ông Trọng rất ưa thích – “lẩy Kiều” – là, đã “tan sương đầu ngõ…”, mà ông đã có góp phần.
Sương đã tan ở đầu ngõ và đã nhìn thấy lối ra. Trên bầu trời màn mây đen – bảo thủ, giáo điều, Hán hóa xã hội chủ nghĩa – cũng tự cuốn đi để lộ ra khoảng trời xanh.
Không có vinh dự của một người (đáng lẽ ra) khởi đầu nhưng dù sao cũng có vinh dự là người kết thúcbước khởi đầucho một cuộc hành trình mới, tuy cuộc hành trình ấy sẽ không có ông. Ông đã góp một phần để “bước ra đầu ngõ”.

Người dân sẽ dành cho ông một tình cảm, nếu ông chỉ ngồi ngắm hoa đầu ngõ, mà không tung tăng lễ hội như những tiền nhiệm gần của ông, hoặc âm thầm cố trao “y bát” cho truyền nhân tâm phúc không xứng tầm. Theo đạo Phật, những ngày tháng cuối mùa, cuối đời thường có những thay đổi đáng giá, gọi là ánh sáng của giai đoạn “cận tử nghiệp”. Tình hình này ứng vào bản thân ông, vào thể chế, và cũng là tình hình đất nước.
Lành thay!
Đáng hoan nghênh thay!

Chúc mừng cuộc Mỹ du của ông đã kết thúc tốt đẹp.
10-7-2015
H. Đ. N.
Nói thêm:
Nhân đây, cũng có lời hoan nghênh ông Biden về việc “lẩy Kiều”. Nếu ông Trọng đã văn chương trong cuộc thù tạc với Obama:
Phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”…
mang màu sắc 16 chữ vàng theo hơi của Giang Trạch Dân, thì ông Biden lại rất tinh tế Việt Nam, hợp cảnh lại cũng hợp tình, cho cái riêng lẫn cái chung:
 Trời còn, để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Để có người khỏi hiểu nhầm là ám chỉ ông Trọng “vén mây”, mà là mây đã tự vén, sương tự tan, xin trích bản dịch của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rõ hơn: “Puisque le ciel nous donne encore à vivre ce jour./ Admirons les fleurs quand au bout des allées du jardin la brume se dissipe et contemplons la lune lorsqu’au ciel les nuages s’écartent”.

 Tác giả gửi BVN.



5 nhận xét:

  1. Ông ấy cũng đã kết thúc sự nghiệp TBT một cách khá khôn ngoan. Mong ông đừng vướng vào vết xe đổ của ông NôngDM!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mông ông TBT nay đang sự nghiệp chính trị nhưng vốn dòng văn học, vẫn còn cảm nhận cảm thụ văn chương nhìn ra được tan sương đầu ngõ ... để rồi tìm thấy hành trình mới; và như vậy thì người VN còn tình cảm nghĩ đến ông.

      Xóa
  2. May mà, "TRỜI CÒN, ĐỂ CÓ HÔM NAY ...." (Xin mạo muội... nối vần: ..." NẾU KHÔNG THAY ĐỔI, CHẾT NGAY TỨC THÌ !").
    "THAY ĐỔI hay là... CHẾrT". Không có sự lựa chọn nào khác đối với Tổ quốc ta, trong thời điểm này. Ông Tổng và mấy ông Quan cốp a ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã nêu câu "Trời còn, để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời ", thì mong rằng còn thêm được hai câu nối tiếp: "Hoa tàn mà lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa ". Thanh thỏa biết bao ! Chắc cụ Nguyễn Du cũng vui lây!

      Xóa
  3. Xin được nói thêm về lời dịch của cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch hai câu Kiều " Trời còn để đến hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời " sang tiếng Pháp: (Theo ý ngôn từ Pháp ngữ) " Chừng nào trời còn cho ta sống đến hôm nay / Ngắm hoa khi các lối đi trong vườn sương đã tan (tự tan) và xem trăng khi mây trời đã tách ra (tự vén) ". Không do người làm tan sương hay người đã vén mây !

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]