22 tháng 7, 2015

Bình minh mưa

* Theo trên Báo Đại Đoàn Kết
“Bình minh mưa” của Paustovsky là một tác phẩm đã quá nổi tiếng và gắn bó với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Nhưng đọc lại nó ở năm 2015, nhận ra thêm những cảm xúc mới từ tác phẩm kinh điển ấy.

Sẽ không có ai yêu văn học kinh điển Nga, hay thậm chí là văn học nói chung, bằng một tình yêu nghiêm túc mà không biết đến truyện ngắn “Bình minh mưa” của Konstantin Paustovsky. Nó hay được in trong một tập truyện tổng hợp được đặt tên chung là “Bông hồng vàng và Bình minh mưa” – cái tên đọc lên đã thấy bao nhiêu cảm xúc.


Ảnh bìa quyển sách xuất bản tại Việt Nam (Ảnh: gacsach.com)
Nhưng chắc là cũng có bạn trẻ chưa đọc. Phải dành ít thời gian tóm tắt lại câu chuyện. Cốt truyện cũng đơn giản, kể về một người lính tên là Kuzmin có việc đi ngang qua thị trấn Navoloki, được một đồng đội nằm cùng quân y viện nhờ chuyển một lá thư cho vợ mình ở thị trấn ấy. Anh đến thị trấn vào mờ sáng, gõ cửa căn nhà của thiếu phụ. Nhưng người vợ trẻ, Onga, tỏ ra hoàn toàn thờ ơ với bức thư và thông tin của chồng. Họ cứ ngồi ngượng ngập trong căn nhà dưới ánh đèn leo lét. Rồi một cảm xúc mà Kuzmin không muốn gọi tên dấy lên trong anh. Anh nói những câu không đầu không cuối.
“ - Tôi vẫn hằng chờ đợi những chuyện bất ngờ và đơn giản ấy. Và nếu tôi gặp chúng, ấy là tôi hạnh phúc. Tuy chúng ngắn ngủi, nhưng tôi cũng đã gặp.
- Và bây giờ cũng vậy ư? – Onga hỏi.
- Vâng!
Onga nhìn xuống.

- Nhưng điều gì làm anh hạnh phúc cơ chứ? Onga hỏi.
- Không… Kuzmun sực tỉnh – Nói chung là tốt.
Anh im lặng.
- Kìa anh? Nói gì đi chứ?
- Nói gì kia? Tôi nói thế đã nhiều lắm, tôi đã nói những điều không đáng nói”.
Rồi Onga tiễn Kuzmin ra bến tàu để tiếp tục cuộc hành trình. Vẫn cảm giác ngượng ngập ấy. Và họ chia tay nhau, để lại trong lòng Kuzmin và cả người đọc một khoảng bâng khuâng. “Có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và sẽ trở thành một trong những kỷ niệm xót xa trong đời chàng và cả đời nàng?”.
Có lẽ đến thế thì độc giả cũng đã hiểu về cái cảm giác mà Kuzmin đang có, cho dù anh không muốn gọi tên nó ra. Một cảm giác rất khó nhìn thẳng vào và đọc lên thành lời, trong bối cảnh ấy, với một cuộc chiến, với một người đồng đội, một người vợ… Ai đã yêu cũng sẽ chia sẻ được cảm giác này.
“Bình minh mưa” không bao giờ cũ chính vì nó nói về cái cảm giác “bí mật” ấy của con người với con người. Nhưng Paustovsky đã nhìn thấy nó, quyết tâm miêu tả nó một cách tế nhị, cho dù bạn sẽ giật mình nhìn vào năm sáng tác: 1945. Bối cảnh của truyện, không biết là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga Xô Viết đã kết thúc chưa, nhưng dù sao thì vẫn là lính, là năm 1945, và cái “Bình minh mưa” kia ẩn chứa một thứ tình cảm có phần cấm kỵ.

Những uẩn ức trong con người liệu có vỡ tan và rơi xuống như những cơn mưa buổi bình minh? (Ảnh: zing.vn)
Không phải là tình cảm của anh binh sỹ Kuzmin (một thứ rất dễ hiểu thôi), mà chính cái việc Paustovsky viết về nó, trong cái năm 1945 ấy, với nhân vật là người lính, mới ẩn chứa nhiều cảm xúc, ẩn chứa cái khao khát tự do của con người, một sự tự do trong tâm tưởng và có chừng mực.
Bạn có thể tự hỏi rằng mình có dám tư duy như thế, trình bày ra những điều như thế trong những lề thói, những định kiến chặt chẽ vẫn còn tồn tại ở năm 2015 này?
Đức Hoàng

5 nhận xét:

  1. Quả là nhàvăn đã dám viết rất thật những khỏanh khắc ấy. Ở VN, trong thời chiến mà viết như vậy khéo bị treo bút anh nhỉ!

    Trả lờiXóa
  2. Các truyện ngắn của Konstantin Paustovsky đều giầu chất thơ, cho nên khi tóm tắt cốt truyện thì có cảm giác nhạt nhẽo . Phải đọc và thả hồn mình vào từng con chữ , từng dòng chữ mới thẩm thấu hết cái chất thơ văn xuôi của ông . ở đó phong cảnh Nga, con người Nga với những vui buồn thời thanh bình ( trước Thế chiến II) hiển hiện như tranh như nhạc. Nhiều truyện có cái kết buồn buồn và "Mở"- để người đọc được ngẩn ngơ theo đuổi cảm xúc của riêng mình. Phong cách này còn tìm thấy ở nhà văn Chyngyz Torekulovich Aytmatov (12/12/1928 - 10/6/2008) người Kyrgyzstan với tập truyện Giamilia - Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên , trong đó Giamilia được nhà thơ Pháp Louis Aragon đánh giá là " một bản tình ca hay nhất thế kỉ 20, một thiên tình sử hay nhất thế gian" Riêng tôi còn thích Cây phong non trùm khăn đỏNgười thầy đầu tiên . Chưa hết , tôi cũng còn thích "chất thơ trong truyện " của Nhà văn Pháp Alphonse Daudet(1840-1897) với truyện ngắn Những vi sao ,đọc xong cứ như mình đã từng làm anh chăn cừu trên sườn núi Alps một đêm cùng cô chủ nhỏ nằm ngắm những vì sao đổi ngôi ! Việt Nam, thời Tự Lực văn đoàn Thạch Lam ( Tiêu biểu Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, Nhà mẹ Lê v.v...). Sau 1954 có Nguyên Ngọc viết tập Rẻo cao những chuyện về miền Tây Bắc thơ mộng. Cùng lứa tuổi tôi có Nhà văn Đỗ Chu với tập Hương cỏ mật, đọc ngọt như đường như mật ! Thời ấy tôi cực kỳ mê Bông hồng vàng , Cây phong non trùm khăn đỏ Những vì sao . Mê đến nỗi nó ngấm vào người để khi tập tọng sáng tác thì viết được 2 truyện ngắn theo phong cách này, đó là ánh lửa Rừng và biển cả ( 2 truyện ngắn này đề in trên TC Văn nghệ quân đội những năm 60 Thế kỷ trước . Cảm ơn cụ nhắc lại nhà văn Paustovsky và các tác phẩm tuyệt vời của ông làm tôi nhớ lại 1 thời " đi lạc vào rừng Văn " rồi phải quay ra vì ...không đủ lực đi tiếp ! Cảm ơn cụ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin đinh chính : ...đã in trên TC VNQD chứ không phải "để "

      Xóa
    2. Cảm ơn vu song thu và cụ Calathau. Tôi xin đăng tải bài viết "Người thầy đầu tiên" của con gái tôi đăng trên FB của cháu, Con năm nay đã hơn 40 tuổi (sinh năm 1973) và cháu gái (con gái đầu của mẹ cháu) năm nay hết lớp 9 (THCS) sẽ được mẹ cho sang Đức học. Các con tôi đều theo KHTN (toán,lý,hóa) nhưng đều thích 'văn học'. Con viết bài này nói về Ba (GV Toán) và con là Dược sĩ (ĐH Dược HN,tốt nghiệp 1994) ... Xin đăng thành 2 'com' mới được tải hết.
      Người thầy đầu tiên
      Mình nhớ có truyện ngắn rất hay "Người thầy đầu tiên" trong tập truyện "Giamilia- Truyện núi đồi và thào nguyên", (Ba mình vẫn giữ cuốn này bản in tiếng Việt lần đầu ở nhà Ba) nhưng bài viết này viết về Ba mình, người thầy đầu tiên của mình.
      Ba mình là thầy giáo dạy Toán, nhưng lại rất yêu văn học, nên cái gen mơ màng của mấy anh chị em nhà mình là từ Ba. Hồi xưa nhà mình có 1 cái thư viện mini, ở cái xã nghèo đói thời đó là một sự xa xỉ, mình còn nhớ hồi đó anh trai mình còn được đặt báo thiếu niên tiền phong cơ. Trong cái thư viện đó thì mấy cuốn đầu tiên mình đọc được là "Kho tàng truyện cổ tích Việt nam" của Nguyễn Đổng Chi, thơ Tố Hữu mẹ hay dùng ru em út, và có cuốn "Nhỏ anh nhỏ em" tả được ăn xoài thoải mái làm mình thèm rỏ dãi.
      Ba quí cái thư viện đấy lắm, thường chăm chút nó, và giữ gìn cẩn thận lắm, mình phục nhất là Ba đi đâu về nhìn qua giá sách biết ngay đứa nào đã lấy đi cuốn nào.
      Nhưng thực ra những câu chuyện thì Ba dạy cho mình từ khi mình còn chưa biết đọc, mình nhớ Ba hay bảo bọn mình nhổ tóc bạc, thưởng = cách kể chuyện, câu chuyện thường được yêu cầu kể đi kể lại là "ba nàng công chúa tóc vàng" nói về nhà vua có công chúa út quí cha như muối nên bị vua cha đuổi đi, sau đó vua ăn cơm ko có muối ko chịu được mới nhớ con út và tìm con ra sao.
      Có một bài thơ mình thường được yêu cầu biểu diễn hồi 3 tuổi, đó là bài "Phụ tử tình thâm", hồi đó cứ có khách đến chơi lâu lâu là mình nhớ mình được đứng trên cái giường ở gian ngoài, khoanh tay lại, và đọc bài thơ đó, dài ra phết, sau này mình quên mất 1 số câu nên nhờ Ba chép lại cho mình vào 1 cuốn sổ. Mình định đem ra dạy con nhưng ko được, chắc tại mình ko đủ kiên nhẫn như Ba, hoặc trẻ con bây giờ có quá nhiều thứ để chơi.
      Học hết tiểu học ở quê thì mình lên thị xã Thanh Hóa ở với Ba để học cấp 2,3, mình học 1 năm lớp 6 ở Điện Biên, lên lớp 7 thì sang học chuyên Toán Ba Đình (hồi đó chuyên bắt đầu từ lớp 7 thôi). Cấp 3 thì học chuyên Toán Lam sơn.
      Cái hồi mình bị ăn tát của Ba nhiều nhất chính là năm lớp 7, năm đó mình mới học chuyên Ba Đình xa nhà, thường đi bộ khoảng 2-3km gì đó, nên thi thoảng Ba mình đạp xe đi đón. Nhưng mà tréo ngoe làm sao là cứ mỗi lần Ba đi đón là mình lại ko đi đúng tuyến đường Ba chỉ định mà lại đi vòng theo con đường về nhà 1 cô bạn rồi từ đó đi bộ 1 mình về nhà, cô bạn vì hay muốn mình đi cùng theo đường về nhà cô ý nên lại cũng hay chèo kéo mình.
      Cứ hôm nào Ba đi đón ko thấy mình đâu, 1 hồi sau mới thấy mình đi bộ về là mình bị ăn tát, thế mà vẫn ko chừa, lúc đó nghĩ Ba sao coi thường mình thế, đi đường khác thì có sao đâu, mình vẫn về đến nhà đấy thôi.
      Sau này có con mới thấm thía câu "có con mới hiểu lòng cha mẹ"- nàng út nhà mình có hôm ghé nhà bạn cùng khu chơi, chồng mình chạy lên chạy xuống 5 lần trong trường, rồi mình bảo anh nhờ bác bảo vệ loa thông báo, mình ngồi nhà gọi điện thoại khắp nơi theo cái danh bạ của lớp, mãi mới dò ra nàng ý, ấy là mình có điện thoại, con thì học ngay gần nhà đấy, huống chi thời đó mình học xa tới 3km, Ba đạp xe giữa trời nắng đi đón ko thấy con đâu thì đúng là vừa lo vừa cáu thật.
      ( Còn tiếp)

      Xóa
    3. ( Tiếp )
      Năm lớp 7 còn có chuyện khác khiến mình hay bị mắng nữa, ấy là mình thường xuyên bị trừ điểm bẩn, hồi đó thầy chủ nhiệm tên Giao, luôn luôn cho mình 9 điểm và phê chữ "bẩn" - đến mức mình nhớ như in những bài kiểm tra đó, thường xuyên 9-bẩn. (mà sao những năm học trước mình ko bị trừ nhỉ, đến mức mình có cảm giác hình như thầy ghét mình cơ, hic)
      Thế là hè năm lớp 7 đó, Ba bắt mình luyện chữ, luyện trình bày, sau 1 kỳ nghỉ hè chữ mình đẹp hẳn ra, và lên lớp 8 học thầy Mễ ngon lành, chả thấy bị trừ điểm bẩn bao giờ, hihi, có lẽ lại phải cảm ơn thầy Giao đã tạo động lực khiến Ba yêu cầu mình luyện chữ.
      Có 1 điều là mọi người cứ nghĩ mình học chuyên Toán, mà ba dạy Toán thì chắc Ba kèm mình, thực chất là Ba chưa dạy mình môn Toán bao giờ, Ba chỉ mua sách cho mình giải thôi, cuốn đầu tiên hình như là 'Em yêu giải toán" hồi cấp 1, trong 5 anh chị em thì mình học chỉ thua anh trai, mọi người còn đồn là nếu mình là con trai chắc cũng ko kém cạnh anh đâu, hihi, động viên nhau ý mà.
      Ba mình nắm khá rõ học lực của các con mà định hướng, và cực kỳ sư phạm, (trừ việc tát con), mình nhớ Ba có thể giảng giải trò chuyện hàng buổi về một vấn đề gì đó, rất tỉ mỉ chi tiết, bây giờ mình nhiều khi lười hay bảo con google cho nhanh, cơ bản là giờ có nhiều thứ mình ko biết thật.
      Mình cũng nhớ khi có các bác bên nội đến chơi (hồi đó đến chơi được là cả một kỳ công, đi lại còn khó khăn mà) thì mình rất thích ra ngồi hóng chuyện, Ba và các bác đọc thơ văn, bàn chuyện nhân tình thế thái, lúc tiếng Việt lúc tiếng Pháp lúc tiếng Hán Nôm, mình thấy thật uyên bác.
      Một điều nữa là Ba cực kỳ ngây thơ trong sáng theo đúng nghĩa của nó, đến mức cháu mình viết văn tả là "Người em yêu quí nhất là ông ngoại em, ông ngoại em già rồi nhưng vẫn rất xì tin", còn con gái mình vẫn nhớ sự vụ Ba mình khoe là giờ Ông đã đi chợ và phân biệt được cam và quít, chơi cờ với lũ cháu trai khi lũ cháu bảo "cháu là bố tướng", thì Ba mình cũng hô to "thế thì ông là bố của bố của bố tướng" hihi, và Ba mình có cáu thì em gái mình nó vẫn bò lăn ra cười, chả sợ gì hết, vì biết tính Ba cáu đấy rồi lại vui đấy được.
      Hôm nay chỉ viết vài thứ vui vui về Ba vậy cho up tinh thần, sau này có gì lại viết tiếp
      Tối nay con qua nhà Ba chơi nhé.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]