VietNamnet & FB có một số bài về Anh tôi thấy thú vị.Ngày cuối cuả Tháng Nhà Giáo xin được đưa lên.
**
Người thầy giản dị của GS Ngô Bảo Châu
- Có một người thầy của những nhà khoa học nổi tiếng, dù đã thành danh trên thế giới, họ vẫn nhắc tới ông với một niềm yêu kính vô hạn. Hình như, tình cảm ấy, trong khung cảnh của giáo dục hiện nay thật hiếm hoi với nhiều người.
GS Ngô Bảo Châu là học trò khóa thứ 7, khóa cuối cùng thầy Tôn Thân giảng dạy tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Trong diễn văn tại lễ mừng GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ Đình, GS đã nhắc tới thầy Tôn Thân đầu tiên, góp phần đào tạo ông về môn Toán. Trong ảnh, thầy Tôn Thân và GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh Quang Xuân. |
Không thể để học trò coi thường mình
Thầy Tôn Thân là giáo viên dạy toán cấp II của nhiều nhân vật nổi tiếng: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Hồng Vân, GS Vũ Đình Hòa, GS Đặng Vũ Minh, nhà báo Thu Uyên...
15 năm dạy các lớp chuyên toán của Hà Nội đặt tại Trường THCS Trưng Vương, bắt đầu từ năm 1969, thầy đã phát hiện và đào tạo nhiều HS, để rồi sau này, từ những viên gạch đầu tiên mà thầy đặt nền móng, từ sự yêu thương và công bằng của thầy đối với tất cả học trò, họ đã gặt hái nhiều thành công trên đường đời và luôn khắc ghi hình ảnh thân thương về thầy.
Thầy Tôn Thân, trong căn nhà mới chuyển đến gần chục năm nay, mới được sửa sang lại từ năm ngoái, đã tràn ngập những bông hoa chúc mừng của học trò cũ đến trước ngày 20/11.
Có ai đó đã nói rằng, muốn biết được tình cảm thực của trò, phải biết đợi! Đợi khi nào các em không còn học mình ở trường nữa, thầy Thân đùa là "khi nào các em hết là con tin của mình", đã ra trường, đã lặn lội ở phương trời nào mà về thăm mình mới là đáng quý, là thực.
Thầy Tôn Thân kể, từ ngày vẫn còn ở trong căn nhà rộng 22 mét vuông ở 16 Hàng Da, nơi gần chục người trong gia đình nhà thầy sinh sống, khi mà lương của thầy chỉ có 53 đồng/tháng, thầy đã không nhận bất cứ quà cáp biếu xén nào của phụ huynh.
Tôn Thân
|
Khi được hỏi về thời bao cấp, có hiện tượng phụ huynh biếu xén quà cáp không, thầy Tôn Thân nói, hiện tượng giáo viên lợi dụng phụ huynh vẫn có. Người thì nhờ suất tem phiếu mua cái này cái kia, người thì nhận lương thực, thực phẩm...
Cái thời khó khăn ấy, đúng là ai cũng nghèo, cũng khổ, nhưng không có nghĩa là phụ huynh không quan tâm đến các thầy cô và thực lòng muốn tặng cái này, cái nọ. Thầy có học trò có bố làm giám đốc Sở Thương nghiệp, nhưng thầy không bao giờ nhờ cậy mối quan hệ đó để có suất mua ưu tiên cái gì, càng không nhận những quà biếu từ họ.
Thầy Thân nhớ, có một phụ huynh rút thăm được suất mua cái quạt máy vì liên tục là lao động giỏi nhiều năm liền (ngày đó quạt máy cực hiếm và không phải ai cũng được quyền mua), cứ nằng nặc biếu thầy suất mua đó, nhưng thầy không dám nhận, vì cái tình ấy, món quà ấy lớn quá.
GS Vũ Hà Văn (HS cũ của thầy Tôn Thân, khóa 1980-1981) đến thăm thầy giáo cũ khi có dịp về Hà Nội. GS Vũ Hà Văn hiện là giáo sư đại học tại Mỹ, được coi là chuyên gia hàng đầu về Toán Tổ hợp. |
Thầy Tôn Thân không nhận bất cứ quà cáp gì, mặc dù cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương tháng đều thấp, con ốm đau không đủ tiền mua thuốc, không tiền mua sữa. Nhà thầy ở căn gác 2 phố Hàng Da, ngày ngày phải xuống xách nước sạch từ tầng một lên (thường 10h khuya mới xuống xách nước vì lúc đó vắng người), xách nước bẩn từ trên xuống đem đi đổ. Năm 1982, thầy được giải nhất Cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm toàn quốc, được thưởng chiếc xe đạp Thống Nhất, nhưng hôm lĩnh thưởng phải dắt bộ về, vì sau đó phải sửa xe mới đi được.
Thầy bảo, "sở dĩ ngày đó, dù nghèo đến mấy, tôi không nhận quà biếu từ phụ huynh vì không muốn học trò coi thường mình. Trẻ con rất nhạy cảm, nếu mình làm không đúng là các em biết. Nếu để các em coi thường thì mình không dạy các em được".
Thầy Tôn Thân, sau nhiều lần phụ huynh tha thiết đề nghị, đã phải chấp nhận một loại quà, đó là sách. Những phụ huynh có điều kiện đi nước ngoài, thường mua tặng thầy sách dạy Toán bằng nhiều thứ tiếng.
Thầy Tôn Thân cho biết, nhờ hàng chục cuốn sách Toán mà phụ huynh và học trò tặng, bằng đủ mọi thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, về sau thầy đã áp dụng dạy cho học trò rất hiệu quả và trau dồi khả năng viết sách Toán từ lớp 6 đến lớp 9 của mình một cách xuất sắc.
Thầy cảm động mãi một chuyện đã qua nhiều năm, học trò Đặng Hoàng Trung (khóa học 1976 - 1977), một trong ba học sinh đầu tiên của thầy được huy chương Toán quốc tế (kỳ thi lần thứ 16), sau khi được đi học ở nước ngoài đã gửi về một kiện hàng toàn sách Toán, nặng 20kg, nhờ mẹ phải đưa tận tay thầy trước ngày 20/11.
Ngày 19/11, trời mưa tầm tã, thế mà vị phụ huynh ấy, ướt lướt thướt, đi bộ ôm bọc sách Toán bọc ni lông con gửi đến tặng thầy. Khi bóng người mẹ ấy đã khuất sau góc phố, thầy mới giật mình nhớ ra nhà của em Trung cách nhà thầy 2 cây số.
Người thầy của những nhà khoa học lớn
15 năm dạy chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 HS giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 HS thì có tới 4 em là HS cũ của thầy Tôn Thân.
Đó là Hoàng Lê Minh (Huy chương Vàng), Vũ Đình Hòa (Huy chương Bạc), Đặng Hoàng Trung (Huy chương Đồng). Thầy mỉm cười nhớ lại khóa đầu tiên có Hoàng Lê Minh đạt HCV, và kết thúc khóa thứ 7 cũng có học trò cũ Ngô Bảo Châu đạt HCV.
Học trò cũ vẫn thỉnh thoảng đến thăm thầy Tôn Thân. Với họ, thầy Tôn Thân là người thầy tỏa sáng về trí tuệ và nhân cách. |
Mặc dù rất tự hào về những học trò thành danh trong khoa học hay trở thành nhà doanh nghiệp lớn, thầy vẫn thương và quan tâm nhiều đến những học trò chẳng may thất bại, nghèo khó.
Thầy cảm động khi nhớ lại, có một học trò sau nhiều năm ra trường vẫn lận đận nên nhất quyết không về thăm thầy theo lớp cũ, không phải trò không nhớ thầy, mà anh quyết tâm phải thành công mới dám về thăm thầy. Nhưng thầy Thân bảo, với thầy, học trò nào cũng như nhau, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, không chỉ học trò giỏi thầy mới yêu quý.
GS Vũ Đình Hòa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người nhiều lần dẫn đoàn HS Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế, đã từng có hồi ức về người thầy mà ông kính trọng thực sự:
"Khi cũng là người thầy trên bục giảng, tôi thấy đây là điều cốt yếu nhất của ngành sư phạm. Không có một phương pháp giảng dạy nào là tốt nếu người thầy không có tình yêu đằm thắm dành cho học trò...Thầy đã gợi cho HS của mình những ước mơ thật lớn, những đích thật cao xa. Với thầy Thân, chúng tôi đã được học bằng hình thức dạy học tiên tiến nhất. Có lẽ, thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi. Những điều đó thầy làm bằng trái tim và và bằng cái tâm của một con người vì tương lai, chứ không phải vì thành tích cá nhân trước mắt. Tôi biết rất rõ điều đó, vì khi đó chúng tôi là những đứa trẻ ngây thơ nhưng nhạy cảm".
- Tú Uyên
Thầy Tôn Thân, sinh năm 1943, là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam). Thầy có hơn 49 đầu sách về giáo dục toán học, chủ biên nhiều sách toán từ lớp 6 đến lớp 9. Thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2006. Phương pháp dạy học mà thầy rất tâm đắc là: Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát. |
( 20-11-2010 )
***
THẦY TÔN THÂN VÀ HỌC TRÒ
Bài trên FB của Nam Nguyen
Hôm nay mấy đứa lớp H học trò của thầy Thân hẹn nhau qua chúc thầy cô sớm, để tránh 20/11 chắc là nhà thầy sẽ rất nhiều người đi thăm. Thế nào tôi lại đến sớm hơn cả hội một lúc, nên được hỏi vài câu chuyện riêng với thầy. Thầy Thân bảo với tôi là dạo này thầy cũng đọc FB của tôi, thầy thích mấy bài tôi viết về nhạc Nga, hóa ra thầy cũng mê dòng nhạc này. Tôi hiểu ngay thầy phê bình tế nhị đấy, nhạc Nga hay sẵn rồi thì viết thế nào chả được, chứ các đề tài khác tôi có viết lách còn chưa “tới” đâu...Vừa lúc cả lũ bạn đến thầy gọi cô Trang ra tiếp chuyện lũ học trò chúng tôi, thày cô vui chuyện kể rằng học trò thầy bây giờ nhiều người trở thành cây bút chuyên nghiệp rồi chứ không chỉ loanh quanh ở “Phây” như tôi nữa. Có lẽ xuất phát điểm là thầy giáo văn của thầy cũng giúp cho các trò trong việc đó?
Nhân tiện chúng tôi hỏi thầy về một việc mà 40 năm nay cứ thấy “ngại ngùng” nên chưa hỏi- ngày trước cứ nghe chuyện thầy vất vả khổ sở với cái họ, còn tên đệm đâu có được nói đến nên chúng tôi nào có dám hỏi bao giờ, ngay nói chuyện với nhau chúng tôi cũng tránh nói họ tên thầy ra, mà chỉ “thầy Thân” thôi. Là: “Thầy ơi, thế đang giáo viên văn rồi toán “quèn” ở trường làng tận Đông Anh, ai là người phát hiện ra thầy rồi đưa thầy về dạy lớp chuyên của thành phố thế?” Không ngờ thầy cô chẳng e dè gì, mà kể ngay, đại ý như sau:
-Ơ thế các em không biết câu chuyện này à? Ngày trước thầy cũng khá vất vả với chuyện lý lịch, chả được thi đại học, học cao đẳng sư phạm văn xong người ta điều về trường cấp II Tân Tiến ở vùng xa nhất của huyện Đông Anh, nơi thầy sẽ giảng dạy trong vòng mấy năm đấy, nửa năm đầu dạy văn, sau đó thầy xung phong sang dạy toán vì thực ra mình học phổ thông căn bản vững vàng lắm, tuy không học sư phạm toán nhưng sang dạy được ngay, hồi đó thầy còn rất trẻ, đã hơn 50 năm rồi đấy. Thế rồi đến năm 64-65 có đoàn của Sở Giáo dục về dự giờ của thầy, có một anh chỉ nhớ tên là Đức Dân thấy thầy giảng dạy có phương pháp rõ ràng và cũng hay nên tuy chẳng nói gì với thầy nhưng lại đề nghị với trưởng đoàn lưu ý trường hợp này- hóa ra thầy Dân dạy chuyên toán cấp III rồi, nên mới có “con mắt tinh đời” mà để nhìn ra phẩm chất sư phạm trong người thầy giáo trẻ tên Thân. Sang năm học sau thành phố mở lớp chuyên toán cho cấp II tại Trưng Vương, thế là Sở cho gọi thầy về dạy chuyên toán từ đó, chứ không có khi thầy mãi vẫn là một anh “giáo làng” thôi...
Chưa bao giờ thầy gặp lại bác Dân đó, chỉ nghe loáng thoáng là anh trước có dạy chuyên toán cấp III Xuân Đỉnh, sau về Sở rồi đi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan về toán logic. Nhưng khi nghiên cứ về ngôn ngữ toán, bác này lại thấy hợp với ngữ văn hơn nên chuyển hẳn sang ngành đó, về nước rồi vào Sài Gòn. Anh Đức Dân trở thành chuyên gia đầu ngành của ta về ngôn ngữ. Có thể nói là hai người đi “ngược dòng” với nhau: thầy Thân thì từ giáo viên văn chuyển sang dạy toán rồi thành tiến sỹ toán, còn thầy Dân thì từ giáo viên toán lại chuyển ngành rồi trở thành giáo sư-tiến sỹ ngành ngôn ngữ học!
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây, mấy năm trước các anh chị khóa “K” đầu tiên của thầy khi nghe lại câu chuyện này mới bàn nhau quyết tìm bằng được “ân nhân” của thầy Thân- tích cực nhất là anh Toàn, từ ngoài bắc vào tpHCM mò mẫm tìm ra được bác Dân, cũng may là bác ấy còn nhớ khá rõ câu chuyện trên:
http://tuoitre.vn/…/nhung-niem-vui-tu-thoi-day…/1219336.html
(Tìm hiểu thêm về thầy giáo Nguyễn Đức Dân tại đây:
http://hcmussh.edu.vn/… )
http://tuoitre.vn/…/nhung-niem-vui-tu-thoi-day…/1219336.html
(Tìm hiểu thêm về thầy giáo Nguyễn Đức Dân tại đây:
http://hcmussh.edu.vn/… )
Vừa mấy ngày trước thôi bác Nguyễn Đức Dân ra Hà Nội họp hội khóa trường Xuân Đỉnh, thầy Thân được báo trước và lần đầu đã đến gặp được vị “ân nhân” của mình để hàn huyên sau hơn 50 năm chưa từng hội ngộ lại, nay bác Dân đã xấp xỉ 80!
Thầy lại nhẩn nha kể một câu chuỵện khác, lại vẫn thầy với lũ học trò khóa đầu tiên của thầy tại Trưng Vương này- lần này là họ lôi thày cô đi leo núi Tam Đảo:
-...lúc đầu có định leo đâu, chỉ nghĩ đi vào chùa, cuối cùng hăng quá cả hai vợ chồng cùng leo với học trò. Đúng là “xuống núi” mới là lúc thực sự khó khăn, lại thêm mưa gió nữa chứ, đúng là vừa bò vừa lết xuống dần. Thầy cô lúc đó mới cảm nhận được trực quan thế nào là “đã qua sườn dốc bên kia của cuộc đời”. Cô Trang nhiều lúc cứ nghĩ đến điềm xấu- có lẽ ám ảnh do cả tháng trời phải chăm sóc người ốm nặng. Cứ khấn tên học trò Đ.H.Tr. đã mất: “Tr. ơi khôn thiêng phù hộ cho thầy cô, cho các bạn!” thế rồi mọi sự cũng qua trôi chảy!
-...lúc đầu có định leo đâu, chỉ nghĩ đi vào chùa, cuối cùng hăng quá cả hai vợ chồng cùng leo với học trò. Đúng là “xuống núi” mới là lúc thực sự khó khăn, lại thêm mưa gió nữa chứ, đúng là vừa bò vừa lết xuống dần. Thầy cô lúc đó mới cảm nhận được trực quan thế nào là “đã qua sườn dốc bên kia của cuộc đời”. Cô Trang nhiều lúc cứ nghĩ đến điềm xấu- có lẽ ám ảnh do cả tháng trời phải chăm sóc người ốm nặng. Cứ khấn tên học trò Đ.H.Tr. đã mất: “Tr. ơi khôn thiêng phù hộ cho thầy cô, cho các bạn!” thế rồi mọi sự cũng qua trôi chảy!
Vâng, kính thưa thày cô, dù có là đang “xuống núi” thì thày cô vẫn đang cho chúng em học tiếp đấy ạ. Kính chúc thày cô luôn mạnh khỏe và tiếp tục là chỗ dựa tinh thần của rất nhiều đứa học sinh của thầy vẫn còn đang mải miết “lên lên xuống xuống” trong cuộc đời này...
Em nhận ra thầy Dân là thầy dạy tóan cấp 3 của em anh ạ! Hiện nay chúng em vẫn gặp gỡ thầy Dân mỗi khi thầy ra HN đấy.
Trả lờiXóaCám ơn anh đã cho đọc...
Cảm ơn VST. Anh Dân từ GV Toán c3 sau trở thành GS Ngôn ngữ. Anh Dân ít hơn tôi 01 tuổi. (Anh Dân sinh 1936)
Xóa