6 tháng 12, 2015

Sự thay đổi của cơ thể người cao tuổi



Con người là một sáng tác hoàn hảo nhất trên mọi sinh vật, thực vật, và động vật mà Thượng Đế đã tác thành. Tất cả các bộ phận, từ các tế bào thần kinh nhỏ xíu mà mắt thường không thể thấy được đến hệ thống xương, gân, bắp thịt.. đều đã được sắp xếp một cách vô cùng linh diệu, khiến cho con người có thể phát triển những tinh hoa của mình mãi cho đến nay, cả gần triệu năm, mà chưa hề dừng lại. Trong vòng một thế kỷ nữa, nếu không có chiến tranh hay các sự hủy hoại môi trường to lớn, thì con người của thế kỷ 22 sẽ nhìn lại con người của thế kỷ 21 bằng cặp mắt của chúng ta nhìn về những bộ lạc man rợ của cả chục thế kỷ trước. 
Tuy nhiên, Thượng Đế cũng đã tiên liệu đến sự vô ơn của con người cũng như đến sự nhân mãn – một nguyên nhân hủy hoại trái đất cũng nguy hiểm không kém chiến tranh, cho nên đã giới hạn sự sống của con người trong một chừng mực nào đó, khiến cho ai sống đến 100 tuổi là chuyện hãn hữu. Còn lại, tất cả mấy tỉ con người hiện nay đều phải miễn cưỡng chấp nhận quy luật của Thượng Đế là có Sinh, thì có Tử, có Trẻ thì có Già, có Hiện Hữu thì có Vô Thường. Khi người ta đã đến tuổi mà được gọi là “già”, thì tất cả mọi chi thể, tế bào trên con người cứ từ từ mà thoái hóa, hoặc già đi, chậm đi, lười đi, hoặc chết đi. Từ đó mà con người mới có một ngày “ra đi không mang vali” vào cõi vô cùng.
Thực tế, khi đến tuổi “về hưu”, thì cơ thể có những sự thay đổi như sau:

1- Các tế bào gốc (stem cell) bắt đầu giảm thọ theo sự hao mòn và xơ rách (wear and tear), không còn trợ giúp mạnh cho sự phát triển của cơ thể nữa. Với tuổi tác, sự hoạt động của các tế bào gốc giảm dần sự nhanh nhẹn của chúng.

2- Các người lớn tuổi ít ngủ sâu hơn, trong khi lại ngủ gật nhiều hơn. Khoảng 50% người Mỹ vào tuổi hưu trí gặp chứng bệnh khó ngủ. Tiến trình của sự thiếu ngủ đi ngược lại sự hoạt động của các tế bào, nghĩa là càng thiếu ngủ, tế bào càng phát triển chậm đi. Mà nếu thiếu ngủ, sẽ sinh ra chứng bệnh “quên lãng”.

3- Sự chăm chú giảm đi. Khi còn nhỏ, người ta có thể tập trung tư tưởng vào một việc gì đó, mà lơ hẳn những yếu tố phiền phức chung quanh. Thí dụ như khi tập tạ, người tập tạ có thể dồn hết sức mình vào việc cử tạ, mà không thèm để ý đến các tiếng ồn gần đó. Nhưng đến tuổi già, thì sự tập trung tư tưởng không còn mạnh như xưa nữa. Trí óc bị phân chia ra nhiều ngăn mới khác nhau hoặc trộn lẫn vào nhau.

4- Lớp da ngoài càng ngày càng mỏng đi, kém đàn hồi, và những tế bào mỡ ở mặt làm cho những đường rãnh càng ngày càng sâu hơn. Nói tóm lại, da nhăn nheo đi vì thiếu sự đàn hồi, khó bật trở lại vị trí cũ, cho nên nếu đã dãn ra rồi thì ở lại đó luôn, không căng rút lại như hồi trẻ tuổi được. Từ đó mà hàm, má, và xương hộp chứa hốc mắt bị hao mòn đi trong khi lớp da chứa lông mi bị hao mòn, cho nên mắt như xụp xuống.

5- Từ sự hao mòn của các tế bào, sự “chết mà không bàn giao” của các tế bào, nghĩa là các tế bào chết mà không nhường chỗ cho các tế bào mới, nên lớp da nào chứa các tế bào chết rồi mà không chịu chia tay, sẽ chùng xuống, xệ xuống, nhất là các tế bào mỡ. Bộ ngực phụ nữ là một khối mỡ lớn, với thời gian, lớp mỡ này không đàn hồi được và theo quy luật của trọng Lực, khối mỡ này từ từ chảy xệ xuống. Người phụ nữ làm Talk Show nổi tiếng nhất thế giới, Oprah, đã trả lời câu hỏi “khi nào thì phụ nữ trở thành bà già?” như sau: “Khi nào mà bộ ngực chạy xuống tới dây thắt lưng thì lúc đó người thiếu nữ sẻ thành bà già.”

6- Các lớp sụn bọc đầu xương, giữ cho khỏi bị cọ sát mạnh, sẽ từ từ dẹp đi, bè mỏng ra, khiến cho những người ham thích thể thao sẽ gặp đau đớn khi sử dụng tay chân quá mức. Cũng như các bộ phận trong xe máy, nếu thiếu nhớt, thì các miếng thép va chạm vào nhau, gây ra tiếng động “kèn kẹt” hãi hùng và tệ hại hơn, nhiệt tỏa ra từ sự cọ sát đó làm cho xe bốc cháy, các đầu xương của con người sẽ va chạm vào nhau, cọ sát lẫn nhau gây đau đớn. Nhiều người phải đi mổ đầu gối để lắp miếng sụn thay cho miếng nguyên thủy đã bị vỡ.

Vì thế, nguyên tắc "sống khỏe, sống hùng" của người cao tuổi là sao?

1- Không tập thể thao mạnh như chơi tennis, đá banh, tập tạ… một cách hào hứng. Nếu cứ chạy nhẩy, tập luyện với hết sức mình, thì sẽ có cơ hội một lúc nào đó, các khớp sụn xương sẽ hoặc là dính vào nhau, hoặc sẽ vỡ gây đau đớn. Trái tim đã yếu sau mấy tỉ lần đập, nếu bị căng thẳng vì chạy, hoặc đá bóng hết sức mình sẽ ngưng đập bất ngờ. Nhiều người lớn tuổi đang chơi tennis, tập tạ nặng, ngay cả chơi ping pong… có thể bị chết trong khi tập luyện. Không chạy trên máy Treatmill nếu trên 70 tuổi, chỉ có thể đi nhanh và thở đều.

2- Kiêng rượu mạnh, thuốc lá…Tập thể dục giơ tay giơ chân phối hợp với tập hơi thở một cách nhẹ nhàng. Tập thở sâu và dài, nén hơi trong bụng rồi mới thở ra. Nghĩa là khi hít vào, thì đếm theo nhịp tim đập, 1..2..3.. đến 10 thì ngưng lại, nén hơi chừng 3,5 nhịp rồi mới thở ra, cũng đếm theo nhịp tim đập đến 10 thì mới thả hết hơi ra. Tập vặn mình (với hơi thở) để chống đau nhức. Đi bộ cũng phối hợp với hơi thở, nghĩa là một bước một hơi, không đi bộ kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, đi tàn tàn, vừa đi vừa nói chuyện, ngắm cảnh, thì cho dù đi cả 5 miles một ngày cũng không có lợi ích bằng đi 1 mile phối hợp với hơi thở.

3- Tập “tập trung tư tưởng”, tập Thiền, Yoga nhẹ, cho óc nghỉ ngơi, có cơ hội hồi phục ngay khi đang tỉnh táo, không phải ngủ. Vì khi đã ngủ, thì các tế bào cũng ngủ luôn, mà vẫn lưu trữ những thông tin ban ngày hoặc trước đó. Còn khi tỉnh thức mà tập Thiền, thì mới tạo cơ hội cho óc não nghỉ ngơi thật sự, cho dù là chỉ có 15 phút, hay 1 tiếng đồng hồ. Óc được nghỉ cũng như xe hơi đợi nguội lạnh rồi mới chạy tiếp, thì mới chạy được hoài. Nếu bắt óc làm việc hoài mà không nghỉ thì…. “die …soon”.

Chu Tất Tiến

2 nhận xét:

  1. Tóm lại người già thì chẳng còn cái gì giống như lúc trẻ cả. Cố tập luyện những điều có thể làm được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy! Chúc cụ vẫn giữ được luyện tập cần thiết và vẫn vui cao tuổi mà chưa già .

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]