Bản Thái đen biệt lập trong rừng trúc ở Thanh Hóa
Theo VNExpress.
Ngoài Điện Biên,
Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình... vùng cao phía Tây tỉnh Thanh Hóa cũng là
nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc Thái với truyền thống văn hóa
đặc sắc.
Người Thái có tục làm nhà sàn quần cư bên sông suối từ bao đời nay. Và
dọc theo sông Mã anh hùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa, người Thái tập trung
nhiều nhất ở các huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Sơn, Mường
Lát...
Bản Bàng nằm tại xã Trung Thượng thuộc huyện vùng cao Quan Sơn. Dân cư ở
đây 100% là người Thái đen, bao gồm gần trăm hộ sống tập trung, được
bao bọc bởi hệ thống rừng tre, trúc đặc biệt là cây luồng ken đặc. Luồng
là loại cây thuộc họ tre, và Thanh Hóa được coi là "quê hương" của
giống cây đa dụng này với diện tích lên đến 60 vạn hecta.
Con đường từ trung tâm huyện Quan Sơn đến bản Bàng đi qua những khu
rừng luồng ken dày. Người dân coi cây luồng là cây "xóa đói giảm nghèo",
khi đem lại thu nhập bên cạnh việc trồng lúa nương trên những quả đồi.
Trong sinh hoạt của đồng bào Thái bản Bàng, ngôi nhà sàn là một phần
rất quan trọng của cuộc sống. Ngoài việc giữ vai trò che chở, nghỉ ngơi
của người dân, nó còn mang rất nhiều giá trị văn hóa riêng độc đáo. Điển
hình là phong tục "ngủ thăm" rất nổi tiếng, một nét đẹp tiêu biểu của
dân tộc Thái hàng trăm năm qua.
Một điều đặc biệt nữa khi đến với bản Bàng, du khách sẽ có cơ hội được
thưởng thức cơm lam làm từ những thân cây tre, cây luồng có kích thước
gấp mấy lần những ống cơm lam nhỏ quen thuộc ở vùng Tây Bắc.
Góc nhìn bao quát bản Bàng từ sân nhà phó trưởng bản. Chiếc loa phóng
thanh cũng là phương tiện báo giờ giấc, kêu gọi tập trung người dân một
cách nhanh chóng nhất mỗi khi có việc.
Trong một lớp học được lắp ghép tạm bằng gỗ, tre, nứa của trẻ em bản
Bàng. Cuộc sống của đồng bào Thái đen ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, tuy
vậy thời gian gần đây bản Bàng cùng huyện Quan Sơn đã được quan tâm đầu
tư nhiều, và đường sá đi lại đã được cải thiện tốt hơn trước.
Đường đến vùng đất người Thái đen này hiện đã khá dễ dàng cho cả ô tô
và xe máy. Theo lối đường Hồ Chí Minh đến với huyện Cẩm Thủy (rẽ lối vào
Suối Cá Thần nổi tiếng ở đây), qua trung tâm xã Trung Thượng huyện Quan
Sơn, tổng quãng đường là khoảng 205 km. Ngoài ra bạn có thể kết hợp từ
huyện Bá Thước kế bên thăm vùng cao Cao Sơn giữa khu bảo tồn thiên nhiên
Pù Luông hoang dã.
Nam Chấy
Cám ơn cụ đã luôn chịu khó đưa những điều đặc biệt trong đời sống của cộng đồng dân cư của VN, những nét văn hóa đẹp, đạc biệt của nhiều khu vực mà trong đời thường ít ai có điều kiện quan tâm.
Trả lờiXóaĐường đến các bản làng này trước đây đi lại vô cùng khó khăn gian nan có khi còn nguy hiểm. Nay thì đã khác nhiều. Để đến được không còn quá vất vả tuy nhiên vẫn cần có sức đi bộ và có cả đoạn đường núi nhất định. Ô tô từ Hà Nội đi đường HCM đến địa điểm suối cá thần cách đường HCM chỉ hơn chục km,đã là huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa,huyện miền núi gần với Quan Hóa, Bá Thước có các bản người Thái. Cụ còn chân cứng đá mềm tham quan được không, tôi sẽ tạo điều kiện giúp cụ.
Xóa