22 tháng 9, 2015

Lý giải tên gọi 5 nút giao thông nổi tiếng ở Sài Gòn



Ngã năm Chuồng Chó, ngã tư Hàng Xanh, Bảy Hiền... những tên gọi gần gũi với nhiều thế hệ người Sài Gòn vốn xuất phát từ tên người hoặc sự vật điển hình xưa.

Ngã năm Chuồng Chó

Nút giao thông lớn thuộc phường 3 (quận Gò Vấp) nay có tên gọi khác là Ngã Sáu Gò Vấp. Đây là điểm giao nhau của đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ.
nga-5.jpg
Ngã 5 Chuồng chó ngày nay. Ảnh:Panoramio
Thời Pháp thuộc, giao lộ này được gọi là Ngã năm Hàng Điệp vì dọc theo năm tuyến đường chéo nhau bấy giờ có trồng những cây điệp lớn. Sau 1954, chính quyền cũ cho xây trường huấn luyện quân khuyển tại đây. Từ đó, người Sài Gòn đặt cho giao lộ này cái tên gần gũi: Ngã năm Chuồng Chó.
Năm 1966, trường này được nâng cấp thành Trung tâm huấn luyện và bổ sung Quân khuyển với quy mô mở rộng, kỹ thuật huấn luyện cũng được cập nhật từ Mỹ. Các chú chó nghiệp vụ này được luyện đánh hơi để kiêm thêm công việc tuần tiễu. Có thời, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á đều sử dụng quân khuyển do nơi này huấn luyện. 
Ngã ba Ông Tạ
Địa danh này được hình thành từ những năm 40 của thế kỷ trước và được lưu truyền cho đến nay. Ngã ba là điểm giao giữa hai đường Cách Mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai thuộc phường 5 (quận Tân Bình). Cư dân khu vực Ngã ba Ông Tạ đa số người miền Bắc và phần lớn theo đạo Thiên chúa.
Khu vực này vốn nổi tiếng bởi từng tồn tại phòng khám của lương y Nguyễn Văn Bi (thường được người dân gọi là ông Tạ). Với kiến thức học được trên núi, ông đã dùng cây thuốc nam để chữa bệnh, đặc biệt là cho trẻ con và phụ nữ.
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến cơ sở chữa bệnh của ông Tạ ngày càng đông. Khu vực này quy tụ thêm nhiều thầy thuốc đến lập nghiệp, tạo nên khu phố khám chữa bệnh và bán thuốc nam của Sài Gòn xưa. Ngoài danh truyền là một lương y giỏi, ông Tạ còn được biết đến là một nhà hảo tâm, luôn sẵn lòng cưu mang và giúp đỡ người nghèo quanh vùng.
Ngã tư Hành Xanh
Đây là nút giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Ngã tư Hàng Xanh là điểm giao nhau của 2 tuyến đường huyết mạch Điện Biên Phủ và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Do lượng xe đông, đầu năm 2013, một cầu vượt bằng thép nhẹ được khánh thành để hạn chế ùn tắc.
hang-xanh-1928-1442659777.jpg
Ngã tư Hàng Xanh chụp năm 1961 của Wilbur E. Garrett  và Hàng Xanh hiện tại của  Nguyễn Thế Dương.
Lý giải về tên gọi Hàng Xanh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trước năm 1945 khu vực này trồng nhiều cây sanh, loại cây lớn cùng họ với đa, đề, si… Sanh được trồng dọc hai bên đường Bạch Đằng ngày nay kéo dài đến ngã tư này. Vì vậy mà ngày xưa đường Bạch Đằng còn gọi là đường Hàng Sanh.
Theo bản đồ Sài Gòn những năm 60, đầu đường Bạch Đằng được chú thích là đường Hàng Sanh, và ngã tư ngay sát đó được gọi là ngã tư Hàng Sanh. Người dân đọc từ Hàng Sanh nhiều năm thành Hàng Xanh.
Ngã tư Bảy Hiền
Đây là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), điểm giao của 4 đường lớn gồm Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ.
Về tên gọi, theo Lê Minh Quốc trong sách "Người Quảng Nam", Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê "cóc" sinh thứ Bảy, tên Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan - phu nhân vua Bảo Đại.
Bay-hien-ok.jpg
Ngã tư Bảy Hiền trước 1975, nơi đây có một nghĩa trang lớn của người Pháp nhưng sau này được di dời. Ảnh:S.T
Khoảng năm 1940 người Sài Gòn gọi "ngã tư ông Bảy Hiền" dần dần từ "ông" mất chỉ còn "ngã tư Bảy Hiền". Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành "Bảy Hiền".
Trước năm 1954, khu vực này vẫn còn là vùng ngoại ô của Sài Gòn, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy theo con đường lên miệt Tây Ninh. Một vài gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi ngựa. 
Vùng Bảy Hiền nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp (sau năm 1954). Trên đường Nguyễn Bá Tòng, thuộc phường 12 có một ngôi chợ chuyên bán các món ăn của xứ Quảng - chợ Bà Hoa.
Ngã ba Chú Ía
Giao lộ lớn thường xuyên diễn ra việc ún ứ xe vào giờ tan tầm thuộc phường 3 (quận Gò Vấp), gần công viên Gia Định. Đây là điểm giao giữa các tuyến Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng.
Theo một nhà nghiên cứu, trước 1975, khu vực này có một người Hoa tên Hía làm nghề thủ công và có cửa hàng Bách hoá lớn nên người Sài Gòn gọi khu vực này thành ngã ba Chú Hía. Qua năm tháng, phát âm này dần biến mất chỉ còn "Chú Ía" cho đến nay.
Hiện ngã ba Chú Ía mở rộng thành ngã 6 với tên gọi khác là Ngã Sáu Nguyễn Thái Sơn hay Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Nhưng với nhiều người Sài Gòn, họ vẫn quen với tên gọi ngã ba Chú Ía khi qua khu vực này.
Ngoài ra, thành phố còn nhiều địa danh có xuất phát từ đặc trưng của khu vực. Chẳng hạn Cát Lái (quận 2) phát sinh từ nơi quy tụ tàu thuyền của các lái tàu, từ "Các Lái" dần bị đọc thành "Cát Lái". Vòng xoay Cây Gõ (quận 6) hình thành do khu vực có nhiều cây gõ; chợ Bến Thành vì có bến thuyền buôn bán nằm sát bờ thành...
Theo Sơn Hòa (Vnexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]