2 tháng 8, 2015

Quê hương trong văn chương Nguyễn Huy Tưởng

Theo Đại Đoàn Kết

Quê hương trong văn chương Nguyễn Huy Tưởng
Thứ Bảy, 01/08/2015 12:09:00
Mới đây, tưởng nhớ 55 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (25-7-1960), rất nhiều bạn văn đã có dịp hồi nhớ tới ông khi đặt chân về mảnh đất Dục Tú (Đông Anh - Hà Nội). Đây là nơi mà ngày 6-5-1912, cậu bé Nguyễn Huy Tưởng đã chào đời. Mảnh đất Dục Tú này cũng gắn bó và có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn cũng như tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, dù ông chỉ sống một cuộc đời khá ngắn ngủi, 48 năm.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hồi trẻ
1. Hiện ở xã Dục Tú vẫn còn ngôi nhà nhỏ mái ngói, ghi dấu nơi sinh ra và lớn lên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đặc biệt, ngôi nhà được gắn biển “Di tích cách mạng và kháng chiến” vào năm 2008, trên đó có ghi: “Mùa hè năm 1945, ông (tức nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – PV) đã cùng các đồng chí trong Hội Văn hóa Cứu quốc, bí mật về đây soạn thảo số đầu tiên của tạp chí Tiên phong”.
Theo anh Nguyễn Huy Thắng – con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, “ngôi nhà 5 gian ở quê chúng tôi mà giờ đây không còn được giữ nguyên vẹn hình hài, chính là nơi chứng kiến cha tôi đưa các đồng chí Khuất Duy Tiến, Trần Ngọc Hương (tức Mười Hương), Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Hữu Đang bí mật về gây dựng tờ báo, với những chỉ thị của Đảng, những truyện ngắn, bài thơ, tiểu luận có nội dung tiến bộ, cách mạng…”
Trong di cảo để lại, ngay từ năm 1930, khi đó mới 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã nặng lòng: “Làng tôi có tự bao giờ, tôi không biết (...) Họ hàng tôi đến ở đấy đã lâu, nó là cái chỗ mà chúng tôi thấy nắng thì ẩn, thấy mưa thì núp, là cái chỗ tối đến chúng tôi cùng nhau lăn lóc ngủ say, bên cạnh sẽ có thầy mẹ tôi săn sóc suốt đêm, rét thì đắp chăn cho, nực thì quạt mát cho, có muỗi thì buông màn, giật mình thì ôm ấp. Chỗ đó, chẳng phải là cái nhà gianh vách đất, ở ngay giữa cái làng Dục Tú quí báu kia ư? Nó đối với tôi như keo sơn gắn chặt, nó không có tôi thì nó là vật không hồn, tôi không có nó thì tôi như con chim không tổ, con thú không hang”. Rồi ông nhấn mạnh: “Cái nhà ấy nay vẫn là nhà của tôi. Nó chỉ khác là vì anh em tôi không ở đấy nữa. Ngoài ra, nó chưa đổi tí gì: Nó vẫn xoay về phía Đông - Nam, nó vẫn chia làm 5 gian, nó vẫn để mái lợp gianh, nó vẫn còn sân ấy, bể ấy, chòi ấy, bếp ấy, cái cối xay ấy, cái cối giã gạo ấy, cái rương thóc ấy; nó chỉ khác người, khác cảnh, khác đồ, khác vì ngày nay thày tôi đã mất, anh em, chị em tôi cũng kẻ khuất người còn, khác vì con La là con chó yêu của tôi cũng chết rồi, khác là vì cây cau cao chót vót mà tôi vẫn trèo leo, đã gẫy từ lâu đến nay không còn thấy gốc, khác là vì cái giàn cây chân lập nay không còn hơi dấu vết khi xưa, khác là vì cây leo đó, mọc trước cửa chòi, cho tôi biết bao nhiêu là quả vừa thơm vừa mát, bao nhiêu là hoa nhỏ nhỏ xinh xinh, bao nhiêu là những con chuồn, con bướm nó đến đùa rỡn trên giàn, ngày nay cũng không thấy nữa. Cuộc đời biến đổi, tạo hóa xoay vần! Cảnh còn, người khuất, cảnh khuất người còn, nghĩ mà ngán thay cho đời người mỏng mảnh!”.
Bây giờ, ngôi nhà lợp tranh ấy đã được lợp ngói, cảnh vẫn thấp thoáng còn đây mà người đã khuất xa.



2. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được độc giả biết đến là tác giả của nhiều vở kịch và tiểu thuyết lấy cảm hứng từ đề tài lịch sử và cách mạng, mà đỉnh cao là kịch “Vũ Như Tô” và tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Ông cũng được ghi nhận là một cây bút đặc sắc cho thiếu nhi, một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi dưới chế độ mới.
Sớm hấp thụ truyền thống văn hóa - lịch sử của quê nhà, được gia đình cho đi học từ khi còn nhỏ, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm đến các hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh ở Hải Phòng; tham gia Hội truyền bá quốc ngữ; hoạt động Hướng đạo với mong muốn luyện “chí cả gan vàng”. Từ cuối năm 1943, ông gia nhập nhóm Văn hóa Cứu quốc bí mật và trở thành một cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Là người có thiên hướng văn chương lại ham mê lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng quyết tâm đào luyện mình trở thành văn sĩ, ông những mong phô diễn những trang sử bi hùng của ông cha thành các áng văn, vở kịch để khích lệ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của con dân nước Việt, đặc biệt là giới trẻ. Viết văn, với Nguyễn Huy Tưởng, chính là để “tỏ lòng yêu nước”, là thực hiện phận sự của “một người tầm thường” như ông tự nhận.
Trong sự hình thành tài năng và nhân cách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, quê hương đóng một vai trò hết sức quan trọng. Quê hương là cái nôi sinh thành, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, vun đắp tình yêu non sông đất nước, ấp ủ khát vọng vươn lên đóng góp với đời, là “hậu phương”, là chỗ dựa để ông tìm về trong những bước đường hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, cho đến nay, yếu tố “quê hương” dường như chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tương xứng với vai trò là “khởi nguồn” trong sự nghiệp văn chương và cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng.
Chúng ta cũng có thể đọc được trong di cảo ông để lại những dòng như là tự bạch: “Tôi sinh ra là con thứ 6. Thày mẹ tôi sinh ra chúng tôi được tất cả 7 người (…). Thày tôi là một người hàn sĩ, mấy khoa thi đều hỏng cả, tính người trầm mặc, ít nói ít cười. Thày tôi người gày gò mảnh khảnh, mặt hơi dài, xương xương, trán hẹp, mắt một mí ngụ vẻ hiền lành, lông mày hơi rậm. Thày tôi chưa đầy bốn mươi tóc đã bạc hết, nên thày tôi cạo trọc đi cho khỏi bận. Râu ria cũng không rậm lắm nhưng đều đặn dễ coi (...). Mẹ tôi là con một ông Bang Tá rất có thế lực ở trong làng. Lúc mẹ tôi sinh ra tôi, thì cụ đã mất rồi, nhưng tôi được nghe chuyện rằng cụ là một người anh hùng nghĩa sĩ đã có công trong việc đánh dẹp giặc giã ở xứ Bắc Kỳ thời vua Tự Đức...”
Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” vừa được tổ chức vào tháng 7-2015. Cuộc hội thảo do Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, Ủy ban Nhân dân xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, NXB Kim Đồng tổ chức, với sự tham dự của các nhà văn, nhà nghiên cứu, các học giả thuộc nhiều lĩnh vực. Các tham luận, bài viết tham gia Hội thảo theo hướng mở về các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, trong đó yếu tố quê hương là một nội dung xuyên suốt, vừa để cắt nghĩa nhiều vấn đề liên quan đến văn nghiệp ông, vừa nhằm khẳng định vị trí đặc biệt của Nguyễn Huy Tưởng trong đời sống tinh thần nơi quê hương ông, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống trong cộng đồng, bắt đầu từ thế hệ trẻ.
Với những đóng góp của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
3. “Với cha tôi, quê hương không chỉ là hoài niệm, mà còn là cuộc sống thường nhật rất cụ thể của bà con làng xóm. Năm 1943, khi ông làm công chức sở Đoan (sở thuế quan) Hà Nội, ở quê xảy ra việc viên tri phủ Từ Sơn không cấp sợi cho dân làng - làng ông có nghề dệt vải, công ăn việc làm của bà con đều trông vào nguồn sợi này. Biết chuyện, cha tôi đã về quê làm đơn kêu cho dân làng. Gửi được đơn đi, ông thấy tinh thần nhẹ nhõm, và rất vui khi nghe tin đã có cuộc điều tra của nhà chức trách, và dân làng ông lại sắp được cấp sợi. Ông coi đấy là “cái kết quả đầu tiên của sự biết trông vào thực tế” của mình”, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho biết.
Là một người tiếp cận, gìn giữ và công bố di cảo nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại, anh Nguyễn Huy Thắng kể: Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng lại có dịp về với quê hương với nhiều tư cách khác nhau: nhà báo, người đi vận động Đời sống mới, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh (Dục Tú bấy giờ thuộc phủ Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong bài tùy bút “Ngày mùa” viết nhân một ngày về thăm quê khoảng 1 năm sau Cách mạng thành công, ông viết, hay lòng ông ca hát: “Xe tôi đã qua đường nhựa, rẽ vào con đường đất quen quen. Một con khách đậu trên đỉnh một cây tháp đá xanh dựng ở đầu đường, nhàn hạ vỗ cánh bay. Một chú trâu già, đậu trên một đỉnh gò cao, cắp ngang đôi sừng đồ sộ, nhìn người lạ bằng đôi mắt chứa chan những mộng hiền lành. Ôi chim muông, đồng ruộng, người và vật và làng xóm thân yêu, ta lại về đây! Tuổi ta đã đứng, tính tình ta đã khác, nhưng ta vẫn còn nguyên vẹn lòng hồn nhiên của kẻ quê mùa! Ta chào mừng ở các ngươi và cả ở ta đây một cuộc hồi sinh vĩ đại”.
“Tình cảm quê hương với tất cả những sướng vui và buồn tủi, đớn đau và hy vọng... đã thôi thúc cha tôi tiếp tục nghĩ và viết về quê mình”, anh Thắng nói.     
Thư Hoàng
BÀI HÁT QUÊ HƯƠNG





1 nhận xét:

  1. Hồi cấp 2 đã học về ông, nay đọc bài của anh, em càng thêm kính trọng. Thank you!

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]