15 tháng 8, 2015

Kỳ diệu những cây cầu

Kỳ diệu những cây cầu

Theo Đại Đoàn Kết
Cây cầu không chỉ đơn thuần là nhịp nối giữa hai bờ, chúng còn là nơi giao lưu và nối liền những miền văn hóa, là minh chứng cho tài năng và sức sáng tạo tuyệt vời của nhân loại.
Cầu Rakotz phản chiếu hình dưới nước tạo nên một vòng tròn độc đáo
1. Tuyệt tác
Cầu Rakotz hay còn được gọi là cây cầu của quỷ-Devil nằm trong công viên quốc gia Kromlau ở Görlitz Gablenzgasse, Đức. Cầu được xây dựng vào khoảng năm 1860, với phong cách gothic. Để tạo điểm nhấn, người ta đã xây dựng cây cầu này hoàn toàn bằng đá, với kiến trúc cầu vòm ấn tượng.
Cầu nối hai bên bờ bằng đường cong lạ mắt và một công trình kiến trúc kỳ lạ được xây dựng ngay bên cạnh để tạo nên một phong cách rất riêng. Điều đặc biệt là cầu được xây dựng trên mặt hồ, khi nhìn từ xa, cây cầu phản chiếu hình ảnh trên mặt nước trong veo, tạo nên một vòng tròn vô cùng độc đáo. Dường như đây là một tuyệt tác nghệ thuật chứ không còn là một cây cầu như nghĩa đen.
2. Vắt ngang bầu trời 
Được tự do nhìn ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp xung quanh và ngay dưới chân mình là điều vô cùng độc đáo mà chỉ có ở cầu treo Langkawi Sky của Malaysia.
Cầu do kiến trúc sư Mayur Kanaiya Gave thiết kế một cách hết sức đặc biệt: một dây cáp dài 125 mét uốn cầu lượn phía trên đỉnh núi Gunung Mat Cincang (Malaysia). Với chiều rộng bề ngang của cầu là 1.8m cùng với 2 bệ hình tam giác trên cầu, cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 10/2004 ở độ cao 700m so với mực nước biển.
Kiến trúc của cầu là điểm lý tưởng dành cho du khách đi bộ bởi đứng trên cầu có thể phóng tầm mắt ra xa theo nhiều hướng và chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng.
3. Vẻ đẹp tự nhiên 
Thông thường, để xây cầu người ta thường dùng những nguyên liệu có kết cấu chắc chắn như gạch, gỗ, thép... Nhưng ở một nơi ẩm ướt như các khu rừng nhiệt đới tại Ấn Độ, cây cầu ở làng Cherrapunji,bang Meghalaya khiến khách tham quan ngỡ ngàng khi biết nó được làm từ rễ cây.
Bộ lạc War-Khasis sinh sống nơi đây từ lâu đã học được cách chế ngự rễ cây ficus, một loại cây của vùng này bằng cách cách bện những rễ cây lớn lại với nhau và dùng các ống tre nẹp giữ cây phát triển theo hướng nhất định, để tạo thành những chiếc cầu qua đường. Họ làm được những cây cầu có khi dài tới hơn 30 mét và đủ chắc cho 50 người đi qua cùng lúc.
4. Nằm dưới mặt nước
Các cây cầu trên thế giới đều có mục đích giúp con người vượt qua vùng nước, vì vậy hầu hết đều được xây dựng nổi trên mặt nước. Tuy vậy, tại Fort de Roovere, làng Halsteren, tỉnh bắc Brabant, Hà Lan, người ta lại cho xây dựng cầu chìm dưới nước, để tăng vẻ cổ kính và tính thẩm mỹ.
Các bức tường có chức năng giống như một con đập, ngăn không cho nước tràn vào và cầu có cấu trúc rất hài hòa với cảnh quan xung quanh, khiến người ta khó nhận ra nó nếu đứng từ xa. Khi nhìn thấy những người đi qua chiếc cầu “vô hình” này sẽ giống nhìn thấy họ đang lội qua con sông, thay vì đang đi trên cầu.
Cây cầu đặc biệt này được người ta đặt tên là “Cầu Moses”, vì nó gợi lại hình ảnh trong Kinh Thánh, khi thánh Moses đã rẽ nước Biển Đỏ để dẫn người Do Thái chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Ả-Rập.
5. Biểu tượng kiên cường
Khi đến Yemen, du khách hiếm khi bỏ qua cây cầu đi bộ Shaharah bắc qua một hẻm núi sâu nằm sát thành phố Shaharah, cách thủ đô Sanaa khoảng 100km về phía tây bắc. Cầu Shaharah còn có tên gọi là “cầu Than Thở”, nằm ở độ cao gần 2.600m được xây dựng từ thế kỷ 17 nhằm nối kết hai ngôi làng nằm chia cách nhau. Cầu dài khoảng 20m, rộng 3m, được xử lý thủ công từ đá vôi. Ở hai bên cầu có đường mòn bậc thang dẫn lên các ngọn núi lân cận.
Kỹ sư cơ khí nổi tiếng Achilleas Vortselas là người đã thiết kế ra cây cầu lạ mắt này. Ông cho hay: “Không có cây cầu hiện đại nào có thể so sánh với vẻ trang nhã của những cây cầu vòm đá truyền thống. Cầu đá thường thể hiện sự kiên cường của nhân loại- con người đã vượt qua trở ngại về vật lý, thậm chí chỉ bằng những phương tiện kỹ thuật khiêm tốn”.
6. Trình diễn nhào lộn
Không phải là những chiếc cầu thẳng tắp với dây kéo hay trụ cột xi măng sắt thép, cầu Rolling bắc qua kênh Grand Union (Anh) sẽ cho bạn thấy những nét đặc biệt trong cách thiết kế. Rolling có chiều dài 12m, được ghép lại bởi 8 tấm thép lớn và phần bản lề bằng gỗ sẽ uốn cong lại cho đến khi hai đầu của cây cầu gặp nhau, tạo thành một hình dạng hình bát giác để tàu thuyền đi lại.
Đơn giản hơn, hãy tưởng tượng một chú sâu cuộn tròn mình lại là bạn có thể hình dung hành động này để hiểu cơ chế hoạt động đặc biệt của cầu Rolling. Mỗi buổi trưa thứ Sáu, cây cầu thực hiện “động tác nhào lộn” của mình cho trước đám đông và nhận được những cái nhìn trầm trồ ngưỡng mộ từ mọi người.
Bùi Mai LoanTổng hợp

2 nhận xét:

  1. Bái phục các nhà sáng chế ra các cây cầu tuyệt đệp, thuận tiện và chác chắn.
    Tôi chưa cần ĐI, chỉ cần NGẮM cũng đã thấy ngưỡng mộ rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ta thử đi đến một vài nơi tham quan thì hay biết mấy; chẳng hạn đến chiếc cầu treo Langkawi Sky của Malaysia thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Cụ NL có ĐI không hay chỉ thích NGẮM?

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]