Gom nhặt những bâng
khuâng
TP - Nhiệm vụ, chức năng của bảo tàng đã có lắm định nghĩa này khác. Đúng và
chuẩn cả thôi. Nhưng lờ mờ hình như phải kiêm chức năng là gợi những hồi tưởng
bâng khuâng, nhất là một thứ như Bảo tàng Văn học Việt Nam!
Bảo tàng Văn học Việt Nam
Giờ sải bước
suốt ba tầng lầu của Bảo tàng Văn học Việt Nam (BTVH) ở ngõ 275, đường Âu Cơ,
Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội chả ít người bồi hồi với một quá vãng thuở mà cái
nền đây là nhà sáng tác Quảng Bá chạm ngấn nước Hồ Tây tứ mùa luôn khoáng đạt
vấn vít gió hồ Dâm Đàm. Mà xa nữa là những biệt thự, khu nghỉ ngơi sinh thái
của chúa Trịnh Sâm dựng lên cho những tao nhân mặc khách trong đó có hai anh em
nhà Nguyễn Khản, Nguyễn Du lui tới thù tạc đàn xướng ngâm vịnh? Rồi can qua nội
chiến với cơn điên của Lê Chiêu Thống phóng hỏa đốt trụi hàng trăm biệt điện
của chúa Trịnh giăng ở Thăng Long thành mà sử chép cháy âm ỉ nghi ngút cả tháng
giời chưa dứt. Kẻ gây loạn ấy cũng chẳng quên việc hỏa công những biệt thự sinh
thái bên hồ nên mới có cái cảnh tan hoang trong thơ Nguyễn Du Tây hồ hoa
uyển tận thành khu (những vườn hoa bên Hồ Tây nay đã thành bãi cỏ hoang
cả).
Bây giờ có
bao nhiêu người nhớ cho hồi cái nạn lấn đất hoành hành, nhiều người trong đó có
ông Chủ tịch hội Hữu Thỉnh đã phải đôn đáo để giữ, để giành được cái diện tích
3.600 mét vuông này. Nghĩ cũng ngồ ngộ cho dáng điệu khoan thai lẫn chất giọng
rủ rỉ phảng phất ma lực mỗi khi ông thi sĩ Hữu Thỉnh trình diễn thơ. Và cũng
chính chất giọng từng thống thiết các diễn văn lẫn điếu văn lại phải xuất hiện
9 lần trước tòa dân sự lẫn cơ quan công quyền mà thương lượng, đàm phán, cãi vã
cùng phân bua nỉ non đủ cách để giữ đất cho BTVH.
Hiện nhân
lực để coi sóc BTVH là 18 người. Giám đốc, đương nhiên là ông chủ tịch hội Hữu
Thỉnh. Có một người mà các nhà văn nhẵn mặt mỗi khi về Âu Cơ họp hành hội nghị
hay dự lễ kết nạp dự trại sáng tác… đó là nhà thơ Lê Quang Sinh. Bây giờ gọi Lê
Quang Sinh là phó điều hành BTVH cho ông Hữu Thỉnh cũng được. Hay là trưởng
trại là phụ trách Trung tâm văn hóa của hội cũng không sai.
…Vốn chỗ
quen biết cũ lại cùng quê, những tưởng Lê Quang Sinh làng nhàng, yên ổn ở tờ Văn
Nghệ để mà viết lách, thậm chí có túng cũng có điều kiện ghé lại nghề cũ là
làm thầu xây dựng. Cứ lấn cấn, cái tạng thi sĩ Lê Quang Sinh thì làm bảo tàng
thế nào nhỉ? Chú đang công tác bảo tàng/Cũng là công việc cách mạng giao
cho. Sinh cười phớ lớ hồn nhiên khẩu khí Bút Tre với những người mới
quen trong cuộc bia… Dạo ấy Sinh có thơ trên báo Xin làng trồng lại cây đa…
Số là làng Sinh có ngôi chùa thiêng, bên chùa có cây đa cổ thụ. Tất cả bỗng
sạch bách quang lâng vào cái đận bĩ bài trừ văn hóa lạc hậu dị đoan. Một doanh
nhân của làng xin khôi phục lại chùa và trồng lại cây đa. Sinh cũng góp một
chút. Góp cả bài thơ đọc nghe cũng thống thiết. Chợt nghĩ, xem ra cái tay này
cũng có căn coi… di sản?
Năm
2012 nghe đồn BTVH khánh thành dịp 55 năm thành lập Hội Nhà văn nhưng sau đó
lại hoãn. Tôi mò lên Âu Cơ. Nhà thơ Lê Quang Sinh cho biết cũng đã mấy lần
quyết liệt làm cái việc khánh thành. Nhưng thấy chưa ổn. Bởi vướng kẹt là khâu
tập hợp sưu tầm hiện vật. Sinh nói việc sưu tầm thu thập nhiều năm ráo riết
nhưng vẫn thiếu nhiều.
Năm ấy vèo
qua và tiếp nối là thời gian Sinh cùng anh em quyết liệt việc sưu tầm. Oái oăm
là cái việc thiếu vắng nhiều hiện vật của các nhà văn đương đại tiêu biểu về
giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước. Rộ cái tin nhiều văn nhân chùng chình chưa
muốn vội hiến tặng hiện vật?
Ông
Hữu Thỉnh sai Lê Quang Sinh đến lắm việc. Sinh kể, dịp Huế rục rịch xây nhà
tưởng niệm Phùng Quán và trưng bày những hiện vật kèm theo, khi ấy gia đình nhà
thơ Phùng Quán còn chưa (hay không?) muốn trao hiện vật mà muốn gởi vô… Huế.
Việc ngẫu nhiên thôi nhưng là chuỗi của những gắng gỏi tử tế… Những là vợ Lê
Quang Sinh là học trò của cô giáo Trâm. Rồi lần nhà thơ Hữu Thỉnh đến thăm bà
quả phụ Phùng Quán ở bệnh viện cùng những tỉ tê giữa vợ chồng Sinh với chị
Quyên con gái Phùng Quán… Nghe Sinh nói lại, rốt cục hầu như toàn bộ hiện vật
của nhà thơ Phùng Quán đã được tề tựu tại bảo tàng. Có thiếu mất một cái cần
câu thời Phùng Quán rượu chịu cá trộm văn chui.
Chuyện Sinh
đi cùng nhà thơ Hữu Thỉnh đến gặp quả phụ nhà thơ Trần Dần xin những di cảo của
nhà thơ về cho bảo tàng là một chuyện dài thú vị… Ngạc nhiên nhiều tác phẩm còn
ở dạng bản thảo, thi sĩ Trần Dần có tới 2 hoặc 3 bản chép tay. Người nhà nói
nhỏ, là để phòng khi bị tịch thu. Cái thời ấy nó thế…
Rồi chuyện
Lê Quang Sinh phối hợp với anh em văn nghệ xứ Thanh tìm được bản thảo tập thơ Hoa
Lúa viết tay của Hữu Loan. Sinh còn đánh hẳn xe 7 chỗ về tận làng Vân Hoàn
tỉ tê với quả phụ thi sĩ ngoài việc xin được nhiều hiện vật, di cảo còn rinh
hẳn cả cái thống đựng nước mưa sinh thời nhà thơ Hữu Loan vẫn dùng.
Rồi nữa,
chuyện nằn nèo xin cái can nổi tiếng của cụ Nguyễn Tuân mà trên can vô số những
địa danh mà tác giả Vang bóng một thời tỷ mẩn khắc lên.
Chuyện
rinh được cái đồng hồ cổ lỗ sĩ xlavơ của nhà thơ Minh Huệ mà con gái nhà
thơ cho hay, trên mặt số đồng hồ vẫn lưu lại giờ, phút nhà thơ Minh Huệ lìa
trần.
Chuyện nhà
văn Nguyễn Quang Sáng chần chờ việc hiến tặng? Lần đó, Lê Quang Sinh may mắn
được chầu rìa cuộc nhậu với nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Chầu rìa bởi Sinh là
người mới. Đụng nhau vài lần trên Hội cũng chỉ là sơ kiến. Thế mà bập vào nhậu
và vô chuyện, rủ rỉ thế nào mà Con chim vàng phương Nam hào phóng nói sẽ
thảy cho mày một va ly.
Một góc
trưng bày trong bảo tàng
Ít ai tin.
Nhất là người trong cuộc như Sinh. Mấy bữa sau, Sinh lò dò tới xách theo chai
rượu cỏ Ba Lan cũng là thứ xoàng. Sinh đến tay không chả có đồ đựng. Nhưng nhà
văn vẫn cái mạch khẳng khái hào phóng hối Sinh xách luôn va ly cũ đựng trăm thứ
bà giằn mà nhà văn tích góp lẹ lên không tao thay đổi ý định đó mậy!
Sinh hào hển
xách về khách sạn. Một kho báu. Ngoài bản thảo, không hiểu sao lại có một
bản chép tay vở kịch Ngày xưa của Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ). Lại cả cái giấy
đi đường cấp cho ông Nguyễn Quang Sáng đi công tác về Chợ Mới (An Giang)
được phép mang theo 10 ki lô gam gạo.
Rồi những
bút tích di cảo của nhà văn Nguyễn Khải cùng chiếc máy chữ của ông về đến được
bảo tàng đây, công sức của Sinh chả nhỏ.
Tái hiện dấu
ấn các nhà văn với khung cảnh Trường Sơn vỏ bom đạn thửa không khó nhưng thiếu
cái cây nhiệt đới. Chuyện Sinh đến Đông Hà tầm được cứ như là cái duyên lạ?
Lê Quang
Sinh nói mình chỉ góp chút đỉnh thôi. Còn phần lớn cậy nhờ anh em bộ phận sưu
tầm. Khó mà liệt kê hết các hiện vật, tài liệu theo nhiều kênh, nhiều ngả tử tế
để về với Âu Cơ. Dạo 2012 tôi đến Âu Cơ, hiện vật đã nhiều, gần 3.000 thì bây
giờ đã trên 4.000.
Tiếc không
gặp được anh Minh, một chuyên gia bảo tàng từng công tác bên Bảo tàng Hồ Chí
Minh, người đã tổ chức cái sự bày biện có thể nói khoa học, hoành tráng, bắt
mắt gần 3.000 tài liệu hiện vật trên diện tích 3 tầng lầu của BTVH.
Cũ mới không
lẫn lộn mà lớp lang thứ tự. Tầng I tư liệu hiện vật như cuốn phim quay chậm 10
thế kỷ văn học Việt, văn học Trần, Lê rồi thời Lê Trịnh. Thời Nguyễn mà chót là
Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu… Tiếc, chưa nhiều hiện vật minh họa.
Nhưng bâng khuâng thêm khi ngó xa tít mù tắp thuở các dạng chữ viết của dân tộc
Việt Nam trên giấy dó, vải, kim loại, cả trên lá cây, từ chữ Hán Nôm, quốc ngữ.
Chữ của người Dao, Cao Lan, Chăm Khme, Thái Mường, vv…
Bâng khuâng
lâu hơn bên chiếc bàn làm việc của Nguyễn Du đã dùng trong thời gian 10 năm
sống ở quê vợ Thái Bình. Rồi bên viên gạch khắc bằng lưỡi lê tên Trần Đăng của
đồng đội làm dấu chôn theo liệt sĩ ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Cuốn từ điển Việt -
Pháp ấn hành năm 1874. Cuốn Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Có
thời gian mà cảo thơm lần giở hơn 500 bộ phim tư liệu ghi lại hình ảnh tiếng
nói các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Hơn 4.000 các tài liệu hiện vật đều được
xây dựng hồ sơ, lý lịch trong đó 3.454 tài liệu đã được sắp xếp trưng bày theo
đúng nguyên tắc của bảo tàng.
Ngó lâu hơn
những bản thảo viết tay của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… thoắt
gợi cho không ít những hồi tưởng bâng khuâng. Rồi thấy như mình phải có chút
chi can dự vào sự sắp xếp tử tế này? Ấy là khi ngỏ cùng Lê Quang Sinh rằng, tôi
đang có những tấm ảnh chụp tại tư gia nữ văn sĩ Bungari Blaga Dimitrova (tác
giả Vây giữa tình yêu và nhiều cuốn khác viết về Việt Nam trong những
năm bom lửa) bút tích của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh,
Kim Lân khi tặng sách của mình cho nữ văn sĩ những năm xa ấy. Người được
tặng lẫn người tặng nay đã hóa ra người thiên cổ.
Thời điểm
chưa khánh thành khai trương nhưng bảo tàng từng hé rộng cho nhiều đối tượng
sốt mến. Có hẳn một tập hợp cảm tưởng của một số nhà văn, nhà thơ quốc tế tham
dự Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ 2 buổi ghé thăm Bảo tàng. Ấn
tượng khi đọc những dòng của thi sĩ Mousumi, Ấn Độ (chả biết có nói quá lên
không?) tôi thực sự may mắn và cảm thấy Chúa đã quá ưu ái với mình khi tôi
được nhìn thấy kho báu là bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam này.
Hiểu biết và
liên tưởng đến rất nhiều thứ bên ngoài nó. Nhận xét của một nhà thơ Ả rập khi chiêm quan Bảo tàng
chừng như lời cổ vũ cho bảo tàng văn chương Việt sau ngày khai trương khánh
thành vẫn phải tiếp tục cái mạch tử tế và nhọc nhằn là sưu tầm, tập hợp các tài
liệu hiện vật đương còn lẩn quất ẩn tàng trong dân gian cả trong và ngoài nước
nữa...
Xuân Ba (Viết nhân
khánh thành bảo tàng văn chương Việt)
Các nhà văn nhà thơ thường...không phục nhau, lớn tiếng với nhau...nay có cơ may bắt tay nhau...Hoan hô!
Trả lờiXóaĐúng vậy; Có nơi có chốn cho các nhà văn tranh luận, ... bàn cãi !.
XóaTôi không hiểu lắm, sao lại đặt mấy cái mộ giả trong bảo tàng ? Lối suy nghĩ tư duy gì, hay THỪA GIẤY VẼ VOI ?
Trả lờiXóaCụ NL à: Không phải mộ giả đâu, đó là một cách bảo tàng bảo vật ( trong hộp kính, khỏi mất mát). Xin xem thêm một vài cách có lẽ tốt hơn nhưng chắc là công phu tốn kém hơn ? (qua ảnh bổ sung)
Xóa