13 tháng 6, 2013

NGƯỜI ĐI XUYÊN VIỆT BẰNG XÍCH LÔ

* Theo VietNamnet.



Người đi xuyên Việt bằng xích lô  

Là Việt kiều Đan Mạch, Nguyễn Thanh Tùng đặc biệt yêu thích phong cảnh và ẩm thực Việt Nam. Cứ sau năm, bảy tháng làm công việc đầu bếp tại các khách sạn cao cấp ở Luân Đôn, anh lại về nước để đi du lịch. 

Năm 2004, anh đã vượt quãng đường 1.800 cây số từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bằng chiếc xe đạp mi ni.
Tháng 3/2011, Thanh Tùng lại túc tắc đạp xích lô từ Hà Nội vào Nha Trang. Sau một thời gian về Đan Mạch trau dồi nghề nghiệp và kiếm tiền, đến tháng 12/2011 anh về Việt Nam, tiếp tục cuộc hành trình dở dang từ Nha Trang đến Cà Mau cũng bằng chiếc xích lô.

Những kỷ niệm khó quên với chiếc xe độc đáo

Đầu bếp mê khám phá này cho rằng phong cảnh Việt Nam rất đẹp và người dân rất hiếu khách, nếu đi du lịch bằng xe máy thì khó mà cảm nhận hết điều đó. Vì thế anh thích đi dọc đất nước một cách thong thả bằng các phương tiện có tốc độ thấp hơn.

Chiếc xe mini trong một chuyến đi của Thanh Tùng. (Ban đầu là xe đạp)

Để chuẩn bị cho hành trình, đầu tiên, chàng Việt kiều tháo vát đầu tư khá kỹ vào chiếc xích lô. Không tìm được thợ ưng ý, anh phải tự làm khá nhiều việc: Thay bánh xe sau bằng bánh xe đạp có 7 số đùm với bộ thắng chắc chắn hơn, rồi nhờ thợ tiện lại hai bộ đùm trước của xe xích lô để rút căm với hai cái niềng của xe đạp. Nhờ sự thay đổi đó mà chiếc xích lô cải tiến nhẹ bớt được khoảng 20kg.
Anh chế thêm một cái mái che nắng, một thùng đựng nước uống ướp lạnh phía sau và gắn thêm bộ máy đo kilômét. Muốn có bạn đồng hành cho chuyến đi thêm vui, anh mang thêm một chú cún nhỏ xinh xắn tên Mau trong chiếc giỏ mây đặt ở phía trước.
Sáng 8/12/2011, vị du khách trên chiếc xích lô độc đáo xuất phát từ Nha Trang với hành trang gọn nhẹ. Ngày đầu tiên của cuộc hành trình, anh đi được 46km. Đến ngày thứ ba, anh đã vươn đến con số 92,5km.
Hôm đó, đoạn đường chạy ngang qua Phan Rang gió thổi rất mạnh. Thanh Tùng không cần đạp mà xe vẫn lao tới với tốc độ lên tới 35km/giờ. Do phải ghì thắng để giảm tốc độ lại cho an toàn nên anh chỉ có thể lái xe một tay. Đây quả thật là một thử thách!

Trảng cát Bàu Trắng, nơi Thanh Tùng phải đẩy xe qua gần 20km đồi cát

Chưa hết, có lần đang đi thì một chiếc xe đò bất thình lình tấp sát vào bên đường để bỏ khách, chủ nhân của chiếc xích lô vội vã chụp cần thắng mà không thấy đâu, cũng may là không có ai trên xe bước xuống. Sau đó anh mới phát hiện cần thắng đã văng ra khỏi ngoàm và nằm tụt phía dưới cần đạp.
Con đường ven biển đi qua tỉnh Bình Thuận dài khoảng 200km với phong cảnh nên thơ đã làm Thanh Tùng rất hào hứng và đạp xe khỏe hơn. Tuy nhiên đây cũng là chặng đường anh phải ngừng lại nhiều lần. Khi thì xe cán trúng gai rừng phải vá, khi thì phải đẩy xe lên dốc, qua đèo.
Đoạn qua trảng cát Bàu Trắng dài 20 cây số dù không đèo, không dốc anh vẫn phải đẩy bở hơi tai thì ba bánh xe xích lô mới nhúc nhích. Bù lại, vùng đất mênh mông cát này phong cảnh vô cùng quyến rũ khiến anh ngắm không chán mắt.
Đoạn từ Phan Thiết đến Kê Gà nhiều dốc cao, tuy thắng xe được làm khá an toàn nhưng nhiều lần anh đành dắt xe xuống dốc vì sợ đứt dây thắng (điểm yếu của xe xích lô là chỉ có một thắng thôi).

Những người gặp trên đường

Ngày thứ tư, Thanh Tùng rời quốc lộ 1A, đạp xe vào thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) qua xã Bình Thạnh có chùa Cổ Thạch xinh đẹp, rồi theo đường ven biển đến xã Hòa Minh để thăm bà Sang, ông Kurt.
Cặp vợ chồng Việt Nam – Đan Mạch này trong 15 năm qua đã xây dựng được 16 trường học và 23 cây cầu cho người dân vùng sâu xa trong tỉnh bằng nguồn tài chính vận động từ nhân dân Đan Mạch.
Ông bà Kurt – Sang đã đãi anh bữa tối trên mảnh đất ven biển trồng phi lao mà ông bà đang làm thủ tục thuê để xây dựng nơi an hưởng tuổi già. Hiện giờ họ vẫn đợi chính quyền địa phương cho phép họ thuê khu đất này để làm khu du lịch sinh thái.
Hai ông bà muốn tạo điều kiện cho trẻ mồ côi và những người nghèo có cơ hội đến đây du lịch miễn phí. Lúc này, họ đã kiên nhẫn đợi hơn một năm và vẫn còn đang tiếp tục đợi nữa. 

Cậu bé hướng dẫn viên trên cồn.

Về đến Sài Gòn, quê gốc của Thanh Tùng thì chiếc giỏ đựng chú cún bị hư. Không tìm được cái nào ưng ý, anh đành tranh thủ mấy ngày nghỉ tự tay đan một chiếc mới rồi mới tiếp tục lên đường.
Thấy Thanh Tùng chở thùng nước đá đằng sau, nhiều người tưởng anh làm nghề bán dạo. Với chiếc xích lô và chú cún nhỏ, anh dễ dàng làm quen với người dân địa phương mọi lứa tuổi.
Thỉnh thoảng, chàng Việt kiều cho một số người bán vé số dạo quá giang. Đổi lại, họ chỉ anh đường sá và những chỗ ăn, nghỉ ngon, rẻ.
Về miền Tây, du khách thích khám phá này không đi theo quốc lộ 1 mà đạp xe theo quốc lộ 50 về hướng Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Bến Tre, khi thì qua phà, khi thì đạp xe qua cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông… Đường vắng, cảnh đẹp, những món ăn đặc sản, cây trái miệt vườn làm anh thích thú.
Dù gan dạ, sức khỏe dồi dào nhưng khi đứng bên chân cầu Cần Thơ, nhìn cây cầu hoành tráng, anh đã hỏi đường ra bến phà Bình Minh… cho chắc ăn. Tại Ngã Bảy – Phụng Hiệp, anh được một người bạn đãi món cá lóc nướng trui và ếch xào lăn, tạm quên những đĩa cơm bình dân trong các quán ven đường.
Trong lần đạp xe qua thăm cồn Bình An nằm giữa sông Hậu, Thanh Tùng gặp một cậu bé nhiệt tình làm hướng dẫn viên cho anh. Chú bé hầu như biết mọi người trên cồn và giới thiệu cặn kẽ cho anh nghe những loại cây ăn trái của miệt vườn.
Đường trên cồn khá hẹp, mỗi khi có xe phía sau là anh phải ép xe sát lề. Có lần bánh xe chạy ra khỏi mép đường làm cả hai suýt bị lăn xuống nước.
Chiều tối hôm đó khi anh chuẩn bị về lại bến phà thì bánh xe lại bị xì hơi. Lúc này thì các tiệm sửa xe đã đóng cửa, vị du khách đa tài đành phải nhờ ánh sáng trước cửa nhà của một người dân để tự ngồi vá.

Qua phà miền Tây

Chặng đường xuống Sóc Trăng, Thanh Tùng muốn đi theo đường Nam Song Hậu vì phong cảnh và đời sống hai bên đường này rất thú vị. Nhưng sợ những cơn gió ngược, anh đành chọn đi quốc lộ 1.
Anh cho biết nếu đi theo chiều gió thì người đạp xe sẽ được thoải mái, còn đạp ngược gió thì rất mệt, tinh thần cũng dễ suy sụp. Gần tới TP. Bạc Liêu, Thanh Tùng dừng lại bơm xe, ai ngờ anh chủ nhà vui tính nhất định mời vị du khách đặc biệt ở lại uống vài chai bia cho bằng được.
Tại đây, một thanh niên xin được đi ké chiếc xích lô một đoạn. Anh đồng ý với điều kiện là hai người sẽ thay nhau đạp. Ai ngờ đến lượt anh chàng này thì chỉ chút xíu nữa là cả xe lọt xuống mương nước. Vậy là chủ nhân của chiếc xích lô đành phải tự đạp tiếp.
Theo nhận xét của Thanh Tùng, đường đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là đoạn đường đẹp nhất trong chuyến đi của anh. Tuy có nhiều ổ gà nhưng với hai hàng phi lao cao vút dọc bên, đường thật đẹp trong nắng chiều.

Cung đường đẹp đến Gành Hào

Cách đó không xa, quốc lộ 63 nối Kiên Giang với Cà Mau lại là cung đường gây nhiều khó khăn cho anh. Quốc lộ này phần tim đường cứ bị vun lên cao nên xe xích lô bị nghiêng qua một bên, Thanh Tùng cứ phải nghiêng người sang bên trái để giữ thăng bằng, còn không thì xe sẽ chực lật xuống kênh. Ráng chạy được 10km thì anh tấp xe vào lề cỏ để ngồi nghỉ. Chẳng may xe bị sụp xuống hố cỏ và lật ngang.
Sai lầm của anh lúc này là dùng chân cấn vào bánh để kéo xe lên. Cái niềng xe đạp không chịu được sức nặng của xe nên vài cây căm bị gãy và cái đùm cũng bị bể. Rủi thay cái đùm chỉ có bán ở Sài Gòn, mà còn phải có thợ làm lại mới đi được.
Không thể làm lại đùm mới và cũng không thể tiếp tục nghiêng mình đạp xe trên quốc lộ 63 này mãi, Thanh Tùng quyết định sẽ đi Hà Tiên và Phú Quốc trong dịp khác.
Thế là anh thong thả đạp xe ngược lại Cà Mau với bánh xe trái vừa đi vừa lắc khủng khiếp. Người qua đường ai nấy đều chỉ vào cái bánh xe mà cười. 


Tự vá xe.

Vị du khách can đảm đã chấm dứt cuộc hành trình vào ngày 20/12/2012 sau khi thăm thú xong vùng đất Năm Căn, Cà Mau. Vòng bánh xe xích lô của anh đã quay tổng cộng 1.090,5km.
Đam mê ẩm thực và thích rong ruổi trên các nẻo đường, Thanh Tùng dự định sẽ về nước để mở lớp dạy nấu ăn và viết sách giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho người nước ngoài. Với anh, quê hương vẫn còn nhiều thứ để khám phá.
Kế hoạch sắp tới của anh là đến Tây Nguyên. Lần này anh sẽ đi bằng xe môtô hoặc nếu mọi việc suôn sẻ, anh sẽ đi bằng… xe lam ba bánh cùng vài người bạn đồng hành.
(Theo DNSGCT)


5 nhận xét:

  1. Bác đầu bếp này thật thú vị và dũng cảm (với đam mê của mình)!

    Trả lờiXóa
  2. Một kiểu du lịch thật đọc đáo, một niềm đam mê thật thú vị!

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi lần sang thăm thầy là một lần em biết thêm bao diều bổ ích và lý thú.
    Em cám ơn thầy rất nhiều ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Một kiểu DU LỊCH độc đáo thấm đậm tình YÊU QUÊ HƯƠNG và tính KHÁM PHÁ.
    Cám ơn cụ FIO.đã đăng tải bài này.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn các cụ, các bạn : vu song thu, thanhmai vu, Bùi Thị Sơn,Hoàng Thị Nhật Lệ.
    Chẳng là mới gần đây thôi Cụ diachuoansai (TheLong Hoàng) và cụ bà đã có hành trình PHƯỢT bằng xe máy đoạn đường miền Tây 6 ngày, qua Yên Bái, Sa Pa, Sơn La,Điện Biên ,Lai Châu... tất cả đến 1160 km đường dốc đèo rừng núi,thật đáng khâm phục. Hai cụ đã trở về an toàn ,ghi nhiều cảnh đẹp. Mỗi người một cách khác nhau, anh đầu bếp Việt kiều NG.Thanh Tùng lại đi thong thả bằng xích lô cũng cả ngàn km.
    Đúng là niềm đam mê khá mạo hiểm nhưng cũng thật thú vị. Phải có một tình yêu thực sự mới làm được, yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu con người. Chúc mừng họ.

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]