3 tháng 5, 2016

BÀI THƠ CÁCH NAY 30 NĂM

Cách nay 30 năm, nữ sinh Phạm Thị Xuân Khải đã làm bài thơ này.


Mùa xuân nhớ Bác

Kính tặng đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống” và đồng chí Hồ Thiện Ngôn, tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”.
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo giao thừa nhớ ngày xuân Bác còn chúc Tết
Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người
Bác đã đi xa rồi
Để lại chúng con bao nỗi nhớ
Người cha đã đi xa.
Các anh ơi, Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh trên báo Đảng
Lòng càng nhớ Bác nhiều hơn
Làm sao có thể quên
Mỗi lần gặp Bác
Bác bắt nhịp bài ca đoàn kết
Người thường nhắc nhở:
Yêu nước, thương dân
Dẫu thân mình có phải hy sinh
Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt.
Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh
Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt
Day dứt vì mình chưa làm được
Những điều hằng ước mơ
Những điều chúng tôi thề
Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,
Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ - Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người
Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi.
Xuân Bính Dần
( 1986 )


Bài thơ gây chấn động dư luận: “Cuộc chiến” mới và...

TP - Năm 1989, Xuân Khải ra trường, lương bị cắt, chỗ ở KTX phải trả lại. Đi đâu, về đâu? Chị phải bắt đầu một “cuộc chiến” mới với gánh nặng cơm áo.
Phạm Thị Xuân Khải trình bày luận văn tốt nghiệp năm 1989 tại ĐH Tổng hợp
Sống “du mục” ở Hà Nội gần mười năm, đến năm 1998, Xuân Khải mới dám nhập hộ khẩu về Bình Định! Từ một người được cử đi học, thuộc dạng cán bộ nguồn, nhưng khi trở về, tất cả đối với Xuân Khải là con số không tròn trĩnh.
Cuộc đời Phạm Thị Xuân Khải, sau khi  tốt nghiệp Đại học Tổng hợp cho đến bây giờ vẫn “phong kín” đối với nhiều người. Tác giả bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” (MXNB) đi đâu, làm gì?
Câu hỏi đó ngay một số bạn bè cùng học với chị cũng chưa thể trả lời. Thậm chí có đài nước ngoài còn loan tin: Xuân Khải đang trong tù (!?).
Sống “du mục” giữa Hà Nội
Những năm tháng sinh viên ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sôi động, nhiều niềm vui mà cũng lắm chua cay ấy cứ qua đi, nhưng Xuân Khải chẳng mong đợi ngày ra trường. Một cán bộ được cử đi học, chồng con nhà cửa đang ở quê mà chẳng mong ngày về ư? 
Lần đến gặp ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Xuân Khải - cho đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ lời khuyên rất chân tình của ông: “Cháu ra trường đừng về Nghĩa Bình vội, để tình hình lắng xuống đã”.
Người đứng đầu ngành Tổ chức của Đảng nói như thế chứng tỏ ông  biết được rằng một số cái đầu “nóng” ở tỉnh Nghĩa Bình vẫn chưa dịu xuống, dù bài thơ MXNB đã “nổ” hơn ba năm rồi. Một cán bộ ở tỉnh Nghĩa Bình hồi ấy ra Hà Nội công tác, gặp Xuân Khải còn rỉ tai: “Người ta đang “dọn tiệc” chờ chị ở quê đấy”.
Xuân Khải có thể mường tượng thấy “mùi vị” của “bữa tiệc” ấy ra sao. Cô quyết định tạm ở lại Hà Nội. Nhưng ở lại Hà Nội có nghĩa là bơ vơ. Năm 1989 Xuân Khải ra trường, lương bị cắt, chỗ ở KTX phải trả lại. Đi đâu, về đâu? Chị phải bắt đầu một “cuộc chiến” mới với gánh nặng cơm áo.
Xuân Khải đành ở nhờ nhà bạn bè, nay nhà người này, mai người khác. Một cuộc sống “du mục” bắt đầu. Dù chị lớn lên từ nhỏ ở Hà Nội, bố từng giữ chức to ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhưng có vẻ như vẫn “không chốn nương thân” thực sự dành cho mình. Cụ Phạm Chấn Hưng – bố  Xuân Khải – ngay sau khi nghỉ hưu đã trả lại nhà được Nhà nước phân ở Hà Nội, về Bình Định an hưởng tuổi già.
Nhưng Xuân Khải không cô đơn giữa Hà Nội. Vẫn còn những người bạn tốt  đã dang rộng cánh tay đón cô như người thân ruột thịt trong gia đình như gia đình anh Lê Văn Ba, ở 14 Trần Nhân Tông, gia đình anh Phạm Văn Thuận ở 24 Hàng Đậu và nhiều bạn bè cũ, mới khác.
Họ chính là những bạn đọc yêu mến tác giả bài thơ MXNB, cùng chia sẻ khó khăn, động viên giúp đỡ cho Xuân Khải vượt qua thời kỳ khó khăn ấy.
Tác giả MXNB ra trường cũng chẳng thất nghiệp, chị vẫn có việc làm theo đúng chuyên ngành mình học, tuy chỉ mang tính thời vụ nhưng cũng đủ sống. Song cuộc sống đối với người phụ nữ xa quê ấy đâu chỉ chuyện cơm áo qua ngày, nỗi nhớ chồng con, nhớ quê hương thỉnh thoảng lại nhói lên. Nhiều lúc nằm ngủ, nước mắt chị tự nhiên trào ra.
Chị sống lặng lẽ, muốn ẩn mình nhưng vẫn có không ít bạn đọc nhận ra. Họ giữ chị lại đọc từng câu từng đoạn trong bài thơ MXNB. Có người khóc, có cả những giọt nước mắt của đàn ông!
Sống “du mục” ở Hà Nội gần mười năm, đến năm 1998, Xuân Khải mới dám nhập hộ khẩu về Bình Định! Lúc này, tình hình đã khác trước, Đổi Mới thành công, kinh tế xã hội phát triển, một vài cái đầu “nóng” ngày nào không những đã dịu, hầu hết cán bộ thời đó cũng nghỉ hưu.
Từ một người được cử đi học, thuộc dạng cán bộ nguồn, nhưng khi trở về, tất cả đối với Xuân Khải là con số không tròn trĩnh. Không việc, không lương, chị lại bắt đầu cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Hoàn cảnh gia đình Xuân Khải lúc ấy cũng rất khó khăn.
Chồng chị công tác trong ngành Thủy lợi tỉnh Bình Định, thuộc típ người chỉ chú tâm vào việc cơ quan, vợ chồng phải làm thêm nhiều việc để nuôi ba người con đang tuổi ăn tuổi học. Quả thực “cơm áo không đùa...” với tác giả bài thơ MXNB.
Cụ Phạm Chấn Hưng sau khi người vợ hiền qua đời, sức khỏe cũng bắt đầu xuống dốc. Hai người em trai của Xuân Khải đã không còn trên cõi đời. Giờ đây Xuân Khải cùng hai em gái Hà Thành và Tân Xuân cùng phải lo cho đại gia đình. Cũng may mắn là em rể Lê Bắc Sinh (chồng của Hà Thành) cùng chăm sóc mọi người trong gia đình như con trai ruột.
Phạm Chấn Thiện – em trai Xuân Khải – mới 14 tuổi đã khai tăng tuổi để xin đi bộ đội, nhưng bị phát hiện. Đến 18 tuổi mới được toại nguyện. Chấn Thiện bị thương nặng ở chiến trường miền Nam.
Giữa chiến trường thuốc men, dụng cụ y tế thiếu thốn đủ bề. Không thuốc sát trùng, không thuốc tê, không thuốc gây mê nhưng bác sỹ quyết định phải mổ để cứu mạng sống cho Chấn Thiện.
Mổ xong vết thương bị nhiễm trùng, ba ngày sau Chấn Thiện lên cơn sốt cao, khát nước. Biết mình không qua khỏi, chàng trai ấy đã xin uống một cốc nước dừa để nhớ quê hương Bình Định. Uống xong, Chân Thiện trút hơi thở cuối cùng.
Anh mãi mãi tuổi 20. Giữa chiến trường, không có hòm vỏ, người ta đành quấn thi thể Chấn Thiện vào chiếc võng dù, chôn xuống bìa rừng, gắn một tấm tôn ghi tên tuổi. Về sau, Xuân Khải cùng gia đình đi bốc mộ, đào lên thấy nguyên cả bộ xương trong chiếc võng dù.
Phạm Thị Xuân Khải đọc lại bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”
Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen của bà. Nhưng tiếp theo còn câu chuyện buồn về một người em trai khác.
Phạm Chấn Hoàng là cán bộ an ninh của Bộ Công an, nghe tin em trai hy sinh anh tình nguyện vào chiến trường Tây Ninh để bảo vệ Trung ương Cục miền Nam.
Tại đây, thiếu thốn trăm bề, khí hậu khắc nghiệt Hoàng bị bệnh sốt rét, rồi nhiễm chất độc của Mỹ rải xuống. Được đưa về miền Bắc điều trị, một thời gian sau Chấn Hoàng phát bệnh tâm thần phân liệt.
Vợ Hoàng  đã mất mấy năm trước đó nhưng anh vẫn tưởng còn sống, mong đợi vợ đến thăm như những người vợ khác thăm chồng ở bệnh viện. Hoàng hỏi một câu khiến Xuân Khải phải xót xa lau nước mắt: “Vợ em đâu mà lâu nay không thấy vào thăm!”.
Sống được một thời gian nữa, Chấn Hoàng qua đời để lại hai con thơ. Xuân Khải cùng gia đình lại đùm bọc, cưu mang hai cháu.
Một mình xây nhà cho con giữa Sài thành
Cuộc sống quá gieo neo nhưng chị vẫn quyết tâm nuôi con ăn học nên người. Điều đó thể hiện trong một câu chuyện có thật nhưng nghe như giai thoại. Chuyện Xuân Khải một mình xây nhà cho con.
Năm đó, Nguyễn Phạm Thiên Thu, con gái của Xuân Khải học giỏi, được vào trường chuyên Lê Hồng Phong ở thành phố Hồ Chí Minh. Thiên Thu sống cảnh ở trọ, phải chuyển nhà liên tục. Có khi mẹ vào thăm con nhưng chẳng biết đâu mà tìm, vì không kịp cập nhật địa chỉ.
Lúc ấy, vợ chồng thầy cô giáo cũ bán rẻ cho miếng đất, thực ra là ao rau muống, nước sâu tới đùi. Thương con, Xuân Khải  quyết định xây nhà, vì lúc ấy có thêm con gái út là Việt Nga cũng mới vào học lớp 10, ở với chị Thiên Thu.
Một ngôi nhà nhỏ nhưng phải xây làm 2 lần. Lần đầu Xuân Khải chỉ xây được 1 phòng 16m2. Lần thứ hai chị làm mà trong tay chỉ có 20 triệu đồng, chỉ đủ tiền mua vật liệu chứ chẳng thể thuê thợ.
Xuân Khải vẫn quyết định xây dựng nốt phần nhà mặt trước. Không đủ tiền thì tự xây. Thế là chị mua dụng cụ về, một mình đào móng, một mình trộn hồ, “thầy cũng mình, thợ cũng mình”. Khi ông tổ trưởng dân phố đến hỏi thăm “Thợ đi đâu hết rồi?”. “Thợ đâu có, mình tôi xây”. Ông tổ trưởng không tin: “Bà nói xạo”.
Nhưng Xuân Khải cứ lặng lẽ làm cái việc tưởng như “ dã tràng xe cát”.  Xây cao thì lấy ghế đứng, cao nữa thì thuê giàn giáo. Mỗi ngày 5 nghìn đồng. Vừa làm vừa mày mò, tự  tìm ra kỹ thuật. Mãi đến hôm lợp mái nhà, chị mới gọi thợ.
Tiền thuê thợ cả ngôi nhà hết có hơn 1 triệu đồng. Làm nhà đúng vào mùa mưa ở Sài Gòn, cực kỳ vất vả, nhiều hôm làm, nước mưa xối vào mặt. Ngôi nhà xây xong, rộng đẹp đàng hoàng trên mảnh đất trước đây là ao rau muống. Nhìn vào ai cũng cứ nghĩ nhà do những người thợ chuyên nghiệp xây. Xây nhà xong, Xuân Khải sút mất năm cân.
Một kỳ công như vậy nhưng kể lại, bà bật khóc .
“Tiếng lòng đã được lắng nghe”
Không phụ công sức của mẹ, ba đứa con chị đều học rất chăm và tốt. Người con trai đầu, Nguyễn Phạm Kiên Trung, rất có năng khiếu làm công tác Đoàn, tốt nghiệp Đại học Pháp lý đã trở thành luật sư, trong Đoàn Luật sư của tỉnh Bình Định.
Anh giờ đây đã là chủ một Cty dịch vụ du lịch ở Bình Định, làm ăn khá. Cô con gái thứ hai Nguyễn Phạm Thiên Thu, hiện đang học Thạc sỹ về kinh tế tại Cộng hòa liên bang Đức sau khi đã làm việc tốt cho một Cty liên doanh Hàn Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh. 
Cô con gái út, Nguyễn Phạm Việt Nga đang học tại khoa Kinh tế của trường Đại học Hữu nghị các dân tộc ở Matxcơva (Liên bang Nga). Chính những đứa con đó, vừa là chỗ dựa, vừa là động lực để Xuân Khải không gục ngã trong nhưng giờ phút bi đát của cuộc đời.
Bây giờ tôi mới thấy nụ cười rạng rỡ trở lại trên gương mặt bà: “Đời tôi có nhiều nỗi buồn. Chung cuộc, đến bây giờ hai điều làm tôi vui nhất là đổi mới đất nước hứa hẹn thành công tốt đẹp và các con tôi đều trưởng thành.
“Bài thơ MXNB đã đem lại cho bà nhiều niềm vui nhưng bà cũng chịu không ít thiệt thòi. Nếu bây giờ được làm lại, bà có viết bài thơ đó không?”.
“Tôi vẫn sẽ viết. Vì rõ ràng điều đó có lợi cho đất nước. Mình có bị thế này thế khác thì cũng coi như một sự hy sinh. Xưa nay “trung ngôn nghịch nhĩ” mà, nhưng rồi thời gian và nhân dân sẽ chứng minh tất cả. Tôi dám viết nhưng điều đáng nói là báo Tiền Phong dám đăng. Tôi cho rằng Tiền Phong là tờ báo đi tiên phong trong việc cổ vũ cho cái Mới, cho công cuộc Đổi Mới”.
Cuộc Đổi Mới ấy từ đâu đến? Trong rất nhiều cách lý giải, phải chăng nó đến từ những tiếng lòng của nhân dân được báo chí đăng tải. Bài thơ MXNB là một trong những tiếng lòng đó.
Và tiếng lòng đó đã được Đảng, Nhà nước lắng nghe. Đời tôi vì  bài thơ MXNB mà chịu nhiều thiệt thòi nhưng cũng kết thúc có hậu đấy chứ. Tôi đang sống tự do, đàng hoàng ở trên quê hương mình  chứ không như một đài phát thanh nước ngoài cách đây ít lâu (tháng 11/2003) còn nói: Phạm Thị Xuân Khải đang trong tù”.
Xuân Khải – người phụ nữ mạnh mẽ nhưng có đôi mắt buồn, bạn bè của bà thường bảo vậy. Trong hơn hai ngày trò chuyện với tôi, đôi mắt buồn của bà lúc ánh lên niềm vui, lúc đỏ hoe khi nhớ lại chuyện cũ. Bà bảo có những lúc cũng cảm thấy mình như cánh chim cô đơn giữa biển người. Khi ấy bà đến với thơ.
Bà có một tập thơ đặt tên: “Hạnh phúc sẽ từ đâu đến?” vì “đối với mình hạnh phúc luôn là một câu hỏi lớn”. Mấy chục năm nay, người phụ nữ này sáng nào cũng dậy từ 4 giờ sáng để viết một cái gì đó.
Bà đã viết được một tập tiểu thuyết nhưng chưa in. Quãng đời còn lại, bà sẽ dành thời gian để viết văn, làm thơ. Thế đấy. Tác giả của MXNB vẫn yêu nghề cầm bút.
Phùng Nguyên - Tiền Phong 22-3-2006.

 * Bài thơ mới đây của cô giáo Trần Thị Lam - Hà Tĩnh:




2 nhận xét:

  1. Hai bài thơ của hai người phụ nữ này rất hay và rất thật, mặc dù họ viết cách nhau thời gian là 30 năm và có thể nói là hai thế hệ, nhưng trong thơ phản ảnh đúng sự thật trong xã hội mà họ đang sống. Trong bài thơ của bà Xuân Khải có ước muốn Bác Hồ sống tời ngày ẤY, cũng không thể làm gì được nếu như chỉ có một mình và không phải chỉ "... bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn", mà sẽ còn nhiều ngàn tuổi nữa dân vẫn là trẻ con nếu như vẫn giữ thể chế này!!!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cụ Hồng Phương Đặng. Trên 40 lượt người xem mới có một lời bình (nhận xét) của cụ, thật là quý ! Đôi khi có entry có đến vài ba chục người xem (lượt vào xem) nhưng không có một lời bình, tôi đành XÓA nó đi cho đỡ buồn !
      Hai bài thơ của 2 tác giả nữ đều là người học thức, đều làm văn học, một nhà văn, một nhà giáo, có những câu thơ chính xác về xã hội VN ...30 năm vẫn cứ là vậy ! CNXH là đâu ?

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]